Trở lại trường tuổi 35 (P.1)


Bài này đã từng đăng 1 đoạn tóm lược, nay đăng cả bài để chúng ta cùng biết một không khí trường phổ thông khác, ở Anh Quốc ngày nay. Bài dài nên tôi đăng làm 2 phần.

SUNDAY TIMES - Bạn nghĩ là đi học ngày nay dễ thở, trẻ con vẫn thường được bảo thế. Cộng tác viên của chúng tôi đã thử nghiệm bằng cách quay lại trường học một tuần – và nhận ra sự thật hoàn toàn khác.

Damian Whitworth (Sunday Times, Anh)

THỨ HAI

8.15 sáng. Tôi đang ngồi trong bãi đỗ xe của trường Chigwell và quan sát những học sinh đang đến trường bắt đầu một tuần mới. Chúng bước thong thả, buôn chuyện về kỳ nghỉ cuối tuần vừa rồi. Trông chúng có vẻ thoải mái và dễ chịu. Không phải là rất hào hứng, có lẽ vậy, khi trở lại trường, nhưng không thấy có dấu hiệu bất thường nào của sự khổ sở cả. Người không thoải mái nhất trong buổi sáng nay chính là tôi. Thực lòng mà nói, tôi thấy lo lắng. Dường như có một cơn khó thở lúc này: lại đi học bằng con mắt của một đứa học sinh để quan sát hệ thống giáo dục. Chúng ta đã bị dội bom bằng những câu chuyện về bảng điểm, các tiêu chuẩn và những kỳ thi tồi tệ. Nhưng cái gì thực sự xảy ra trong những lớp học ở một ngôi trường độc lập[1] ngày nay?

Chà, giờ tôi sắp khám phá ra thôi, và ở tuổi 35 tôi đang lên cơn đau dạ dày trong ngày đầu tới trường.

Trường Chigwell nằm trên một diện tích rộng 28,35 ha gồm cả đất rừng trên vùng đồi, ngay cạnh đường cao tốc ở gần Essex. Nó được Tổng giám mục xứ York thành lập năm 1629, phòng học ban đầu nay là thư viện. Trong số học trò của Chigwell ngày đó có William Penn, người lập nên bang Pennsylvania ở Mỹ. Căn phòng nơi ông ta từng nổi tiếng vì thấy hình ảnh của Chúa, giờ là một phòng hướng nghiệp.

Tôi được phân vào Năm 8. Tôi không hiểu cách trường tổ chức khối học ngày nay, rồi được giải thích là Năm 8 gồm lứa tuổi 12 và 13. Người nhân viên giới thiệu tôi với lớp là Kevin Farrant, một thầy giáo thể dục và là trợ giảng, giải thích với cả lớp: “Cứ coi chú ấy như học sinh nhưng nhớ là phải thân thiện nhé.”

Học sinh trong lớp chủ yếu là người da trắng, nhưng có vài học trò gốc Á. Các bạn kèm cặp với tôi trong cả tuần là Ronnie, 13 tuổi và Emma Hollis, 12 tuổi. Cả hai đều có vẻ rất người lớn và lịch sự đáng ngạc nhiên. Tôi sẽ cùng học các lớp với các em này. Ở tuổi này, chúng được giáo dục thành một nhóm theo vài chủ đề nhưng nằm trong khuôn khổ các môn Toán và ngôn ngữ. Tôi được xếp ngồi cạnh Ronnie. Có một cái mùi cực kỳ khó ngửi bốc lên từ một đống giày thể dục giấu dưới gầm bàn cạnh chúng tôi. Ít nhất thì cũng có thứ không hề thay đổi kể từ khi tôi còn đi học.

Môn học đầu tiên của chúng tôi là Văn minh cổ điển, một môn kết hợp giữa tiếng Latin và lịch sử, văn hóa và văn học của thế giới Hy Lạp và La Mã. Tôi đã học môn Latin hồi ở ngôi trường tây nam London, tôi thật quá may mắn khi đạt được điểm O bằng A[2] bằng cách học thuộc lòng dài dằng dặc cả bài de Bello Gallico của Caesar. Năm sau đó, trường tôi như rất nhiều trường công lập khác, đã bỏ môn Latin ra khỏi chương trình. Tôi rất chán ngán về chuyện có cần dạy môn Latin ở trường hay không. Mọi học sinh ở Chigwell đều học môn Latin đến tận Năm 8. Một số nhỏ học tiếng Latin và Hy Lạp đến bằng A và tiếp tục nghiên cứu văn minh cổ điển ở đại học.

Dĩ nhiên, đến lúc vào học thì tôi chẳng còn nhớ được gì cả. Biến thể của từ mensa quá ư là rối rắm đến nỗi tôi thấy mình chắc chỉ có thể quẳng nó đi. Nhưng từ bellum đã giải thoát tôi. “Khá là dễ xử lý phải không nào?” Mr. Tim Morrison, một thầy giáo trẻ và cũng là một học sinh cũ của trường nói. “Hãy lướt qua phần này để đỡ cho bất kỳ học trò mới nào.” Mọi con mắt xoáy vào phía tôi và rồi bắn lên phía trước. Thật nhẹ cả người khi thấy sự châm chước như thế. Thầy Morrison, người thể hiện một sự hài hước kín đáo, liền sau đó đưa ra một lô xích xông câu hỏi.

“Thưa thầy, tại sao người Hy Lạp nào cũng có cái tên dài thượt thế ạ?”

“Thì để khác người.” Câu trả lời này có vẻ làm người hỏi thỏa mãn.

Bài tập về nhà của chúng tôi - xác định các nhân vật trong The Odyssey. “Hãy tra trên Google,” thầy Morrison nói. Rõ ràng là phương pháp nghiên cứu đã vượt xa khỏi cái thời dùng những quyển sách giáo khoa ít ỏi bìa quăn như tai chó trong thư viện nhà trường.

Khi tôi tới lớp tiếng Anh, học sinh đã đứng túm tụm, chúng tản ra khi tôi bước vào.

“Ông ấy đây này.”

“Ông ấy có phải học sinh đâu.”

“Ông ấy học sinh đấy.”

Cô Cloonan, một cử nhân người Mỹ qua đây năm ngoái, là một trong hai giáo viên trao đổi của chương trình William Penn thường niên và đã ở lại. Cả lớp hôm nay đọc Những cái hố, một tiểu thuyết cho lứa tuổi teen của Louis Sachar, nói về một trung tâm giáo dưỡng của thiếu niên Mỹ. Lớp học có một cuộc thảo luận sôi nổi về cách dùng biểu tượng và hình ảnh của tác giả. Chúng tôi được giao bài tập về nhà là chuẩn bị cho bài kiểm tra từ vựng.

Trên đường tới lớp học tiếp theo, những câu hỏi thiêu đốt đặt ra là 1) liệu tôi có sắp phải dự lớp Thể dục và 2) liệu tôi sẽ được phép nhảy lên hàng đầu khi xếp hàng ăn trưa không. 

Tiếng Tây Ban Nha, một ngôn ngữ mà tôi gần như chẳng có liên quan gì, cũng được dạy, nhưng dù sao tôi đã học được vài từ về màu sắc. Rồi chúng tôi được đưa vào một xưởng học thiết kế và công nghệ. Các thứ đã thay đổi một chút ở đây. Khi tôi đi học, chúng tôi phá phách một lô những mẩu gỗ và kim loại trong vài học kỳ và rồi rời trường như những đứa trẻ chẳng được đào tạo gì. Giờ thì xưởng học được trang bị những kỹ thuật mới và có nhiều thiết kế ấn tượng treo trên tường. Mười bốn học sinh được giao chủ đề ở cấp độ A.
Lớp học được giao đầu bài làm đồ chơi bằng gỗ. Tôi đi lòng vòng như một món phụ tùng thay thế mà chẳng đóng góp được gì. Tệ hơn nhiều những gì tôi đã làm được 20 năm có lẻ trước đây.

Vào bữa trưa, tôi đề nghị được xếp hàng với đám học trò còn lại, nhưng hai bạn hướng dẫn thuyết phục tôi rằng thế là không cần thiết và tôi nên chen lên trên. Tôi nhận thấy quả là bọn chúng cũng làm như vậy.

Khủng quá! Chẳng có một thứ đáng phí phạm nào lọt vào mắt cả. Trong một dãy những món trông có vẻ khá ngon, tôi chọn mì cá thu nướng. Không tệ. Có pizza và một đĩa thịt, xúp và một khay salad nữa. Và cả một vốc khoai tây chiên, dĩ nhiên rồi. Mọi người ở trường, từ học sinh đến nhân viên, đều ăn trưa ở đây. Hoạt động phục vụ ăn uống thật náo nhiệt và bao gồm cả trà chiều cho những ai ở lại trường sau giờ học để tham gia hoạt động ngoại khóa. Mọi người ăn trong một phòng ăn rất tù túng xây từ khi trường học vẫn còn nhỏ bé. Nhưng kết quả là, chật ninh ních thế này lại giúp cho có những cuộc đối thoại sống động.

Sau bữa trưa, tôi có một khoảng thời gian trống. Rời khỏi đám đông học trò, tôi cắm đầu đi về phòng sinh hoạt chung của nhân viên. Có một nhóm nhân viên ở đó, đang chuẩn bị bài giảng trên những chiếc laptop sáng bóng. Họ nhận ra sự có mặt của tôi trong các buổi học và cũng tò mò ngang với bọn trẻ con. “Thật vui khi nhìn vào lớp và thấy một người lớn ngồi đấy,” Tim Morrison, thầy giáo môn Cổ điển nói.

Vài giáo viên khác đang thảo luận về lịch khai trương chính thức vào thứ Sáu của khối nhà kịch nghệ mới trị giá 2 triệu bảng do Nữ bá tước xứ Wessex cắt băng khánh thành. “Tôi không thể ngủ được cả đêm qua vì phấn khích,” một người nói. Tôi không chắc anh ta có đùa hay không.

Môn học cuối cùng của ngày hôm nay là Toán, thứ đã hành hạ tôi hồi đi học. Nhờ được phụ đạo thêm, may sao tôi cũng đã vơ được một điểm C ở level O. Tôi từng có một cơn ác mộng khiếp hãi, tôi mơ thấy bị một thầy giáo bắt gặp ở hành lang trường cũ, bị ăn mắng và bị nhắc nhở về kì thi ngày hôm sau mà tôi chẳng hề đi học một buổi nào suốt năm học.

Một cảm giác khiếp hãi đặc trưng mà tôi không còn gặp hai chục năm rồi nay trở lại khi cô Charlesworth, một giáo viên vui vẻ, bắt đầu nói lia lịa về đồ thị Carter. “Descartes thích nghiên cứu triết học và toán học trong thời gian rảnh. Ông thực sự hứng thú với công việc đó,” cô như reo lên khi lồng ghép bài giảng vào bối cảnh, thứ đã thiếu trầm trọng khi tôi lần đầu tiên vật lộn với môn này.

Quy mô lớp học trung bình của lứa tuổi này là 24 em, nhưng lớp này thì đông nhất, tới 28 học sinh. Có cảm giác là không khí của buổi cuối ngày hơi mất trật tự và nhóm học trò ồn ào hơn trước nhưng bài học vẫn chạy hết tốc lực. Tôi cũng gần như thế.

Tôi về nhà lúc 4 giờ chiều, lảo đảo sau ngày đầu tiên của mình. Tôi phải tắm cho con. Rồi mọi thứ tôi làm được là xem TV nửa tiếng, ăn một tí rồi đi ngủ. Không có bài về nhà nào phải chuẩn bị cho ngày mai, vì thế cái nguy cơ bị chất đống tôi dành cho đêm khác.

THỨ BA

Chắc chắn là có những cách tồi tệ hơn nữa để bắt đầu ngày của bạn hơn là làm bài kiểm tra động từ bất quy tắc tiếng Pháp, nhưng khi tôi ngồi vào chỗ trong lớp của thầy Porter và thầy ấy thảy một tờ giấy A4 ra trước mặt tôi, tôi đã nghĩ chính đây là một cách.

Dẫu vậy, tôi cũng hài lòng là mình có thể nhớ được kha khá khi áp lực đè lên. Tôi làm đúng 6 trên 12 câu.
“Monsieur le journaliste?” thầy Porter hỏi khi ông đi vòng quanh lớp để hỏi điểm chúng tôi.

“Sáu ạ,” tôi nói vẻ tự hào bằng tiếng Anh.

“Sáu,” ông chữa lại bằng tiếng Pháp. “Hừm. Đáng bị phạt. Thế là đầu bảng rồi.” Đó là một câu đùa (tôi nghĩ vậy) nhưng cả lớp không nhận ra. Mắt chúng trợn tròn hết cả lên. Hầu hết đều đạt điểm tối đa.

Môn Kịch nghệ thì ít thách thức hơn. Trung tâm kịch nghệ mới là một cơ sở đẹp đẽ. Nhà trường đã chi 1 triệu bảng, bằng với mức thu được từ quyên góp. Một phụ huynh đã ký một chi phiếu 30.000 bảng. Ở đây có một nhà hát 150 chỗ ngồi, có studio, ban-công, các phòng thay đồ và văn phòng.

Bọn trẻ thích chỗ này, tụm thành từng nhóm nhỏ xung quanh tòa nhà trong những phút cuối của buổi tổng duyệt và trình diễn những màn ngắn trong vở Teechers của John Godber. Bọn nhỏ cười rộ lên trước màn thầy giáo kịch nghệ mới đến và một học trò bình phẩm: “Ông ấy chả giống một thầy giáo gì cả, trông như người đến sửa ống nước vậy.”

Dạo quanh sân chơi vào giờ nghỉ, tôi sa vào cuộc tranh luận với một cô giáo. Đồng nghiệp của cô từng bảo tôi là hệ thống trường học cho các học sinh nhỏ chung trường với học sinh lớp lớn hơn sẽ giúp chúng trưởng thành lên. Cô không đồng ý. “Chúng mất cả thời gian rất dài để trưởng thành trong môi trường này vì chúng được bảo vệ quá mức.”

Những giáo viên khác bảo tôi rằng “bọn trẻ ở đây rất được ưu đãi. Không phải tất cả, nhưng hầu hết đó. Cứ hỏi một đứa ở đây xem chúng đi nghỉ dịp lễ ở đâu, câu trả lời sẽ là Venezuela, Caribbe. Trong khi tôi thì đi hàng không giá rẻ quanh châu Âu và ở nhà nghỉ lữ hành cho thanh niên.” Khi tôi nói về kỳ nghỉ với bọn trẻ, vài đứa nhắc đến kỳ nghỉ ở nước ngoài ở giữa năm học và những điểm đến kỳ Giáng sinh xa xôi.

Tôi ăn trưa với thầy hiệu trưởng David Gibbs, một người đàn ông 57 tuổi ân cần, nói năng dịu dàng, trước đây từng dạy ở trường công Haileybury.

“Có học được gì thú vị hôm nay không?” ông hỏi hai cô bé đang xếp hàng.

 “Không có gì mấy ạ.”

“Ý các em là sao? Bố mẹ các em đã trả bao tiền vào đây và các em chả học được gì cả.”

“Bọn em đã thử giết người nhân đạo và học về Brazil.”

Sự kết hợp bất thường này đã qua được màn điểm danh với thầy Gibbs.

Báo chí tràn ngập câu chuyện về vị hiệu trưởng nghỉ hưu ở Westminter muốn dạy ở một trường cộng đồng để “tái nghề” nhưng đã không đạt tiêu chuẩn vì ông không có chứng chỉ sau đại học về giáo dục (PGCE).

Các trường tư thì thoải mái hơn. Giáo viên thiết kế mà chúng tôi đã học hôm thứ Hai gần đây đã chuyển nghề từ lĩnh vực công nghiệp và đang học nghề. “Một trong những ưu điểm của trường độc lập là chúng tôi có thể tiếp nhận những người như thế. Chúng tôi nhận cử nhân Oxbridge mà không cần PGCE,” thầy Gibbs nói.

Ông tin rằng “tuyển dụng giáo viên là công việc quan trọng nhất của tôi. Tôi giống như một huấn luyện viên bóng đá giải ngoại hạng đi tìm kiếm những cầu thủ hay nhất. Các giáo viên của chúng tôi nhận được thù lao hậu hĩnh và môi trường làm việc thì hấp dẫn. Họ có thể dạy, hay hơn nhiều so với phải làm cảnh sát hay công tác xã hội toàn thời gian.”

Sự so sánh với giải ngoại hạng đặc biệt thích hợp khi nhắc đến đội ngũ nhân viên thể thao; họ bao gồm một cầu thủ cricket đã từng chơi cho đội Derbyshire, một đội phó của đội bóng lưới tuyển Anh và hai cầu thủ khúc côn cầu chuyên nghiệp. Thủ lĩnh mới của đội hỗ trợ việc luyện tập cũng làm việc cho học viện trẻ của câu lạc bộ Liverpool.

Khi thầy Gibbs tới trường năm 1996, ông đã có một tầm nhìn rõ ràng về hình ảnh trường mình nên có. “Điều quan trọng nhất là tạo ra một môi trường cho các giáo viên có thể dạy và học sinh có thể học. Phải ấm cúng và thân thiện nhưng cũng phải có ý thức về mục tiêu. Học sinh cần phải biết chúng có thể và không thể làm gì.

“Chúng tôi là một ngôi trường chọn lọc, vì thế mọi người đến đây kỳ vọng sẽ có được hạng A chất lượng kinh điển. Nhưng chúng tôi cố gắng tạo ra một môi trường mà mọi người có thể nảy nở. Điều đó không có nghĩa là bắt buộc phải kinh viện, có những phần không theo kinh viện. Tôi  muốn mọi học sinh có gì đó để mong chờ hàng tuần, dù là một cuộc tranh tài thể thao, giải thưởng của Quận công Edinburgh hay âm nhạc.” Bài tập về nhà “không nên quá tải.”

“Những năm tháng tuổi mới lớn rất quan trọng trong những giai đoạn phát triển kiến thức phổ thông. Cũng trong những năm này, cuộc đời có thể không mấy vui vẻ. Chúng tôi may mắn vì có được những nguồn lực tốt, và còn vì chúng tôi có quy mô nhỏ để có thể tạo ra nỗ lực lớn hơn trong việc chăm sóc từng cá nhân một.”

Ma túy cũng phủ một bóng đen. “Chúng tôi không bàng quan. Tôi sẽ là kẻ ngây thơ nếu nói rằng không hề có ma túy. Một vài học trò chưa bị phát hiện có thể đang dùng ma túy bên ngoài nhà trường. Chúng tôi rất nghiêm khắc để không tồn tại chuyện đó trong phạm vi cơ sở của mình.” Ông nói rằng đã có hai trường hợp dùng ma túy từ khi ông nắm giữ vị trí này. Một trường hợp khá nghiêm trọng – hai học sinh đang bán thuốc cho học sinh nhỏ hơn – chúng đã bị đuổi học. Trong 12 tháng sau đó cho đến kỳ kiểm tra cuối mùa xuân của Hội đồng Trường học độc lập, một học sinh đã bị đình chỉ vĩnh viễn và 15 trò khác bị đình chỉ tạm thời vì những vấn đề về trật tự.

Buổi chiều có một “gánh xiếc hoạt động” mà học sinh chọn từ trong số các lớp ngoại khóa. Tôi đến Câu lạc bộ Hy Lạp và chứng kiến những màn tái hiện bạo lực kinh khủng của thần thoại Hy Lạp. Chuỗi hoạt động ngoại khóa bao gồm từ trồng cây đến thư pháp, từ tiếng Nga đến võ Choi Kwang-Do, và nhiều chuyến du khảo nước ngoài được đưa ra.

Những đứa trẻ này lấy đâu năng lượng nhỉ? Ngày học được chia ra thành các tiết 35 hoặc 40 phút và thỉnh thoảng không có giờ nghỉ đôi. Điều đó có nghĩa là phải chạy sô từ lớp này sang lớp khác và chuyển môn học nhanh như chớp, từ tiếng Đức sang Toán chẳng hạn. Ở đây có tiêu chí 35 phút là độ dài thích hợp để trẻ em giữ được sự tập trung. Mặt dở như một giáo viên nói, đó là “mất nhiều thời gian để di chuyển giữa các lớp học.”

Không thể nào theo nổi thời khóa biểu di chuyển nhanh và lắm thứ như thế, tôi thấy các buổi học quá ngắn và ngày học quá căng. Tôi không hiểu liệu mình có thể theo được cả tuần hay không.

Trương Quý dịch


[1] Một loại trường phổ thông ở Anh không dùng ngân sách nhà nước, mà có nguồn thu từ học phí và các khoản đóng góp khác, gần với khái niệm trường tư ở Việt Nam. Hiện có 2500 trường độc lập với 615000 học sinh, chiếm hơn 7% số học sinh nước Anh.
[2] Là bằng tương đương với mức tốt nghiệp trung học.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm