BCHN 124-129 - Về đôi mắt như hồ thu

Mời mọi người gặp thu HN trên... mạng :-)

...Sau những bỡ ngỡ ban đầu, những người yêu nhạc VN đã tự viết lấy những bài tân nhạc của mình với lời ca và giai điệu hấp dẫn. Sự trưởng thành về ca từ âm nhạc dường như phản ánh sự lớn mạnh của ý thức dân tộc cũng như lối sống Âu hóa rộng khắp.

BCHN 4 (124) - KHÚC BIỆT LY MỞ ĐẦU



Ca khúc Biệt ly là một bằng chứng cho một sự giao thoa văn hóa Âu-Á. Chuyện chia ly vốn tràn ngập văn chương cổ VN, nhưng ở đây, biệt ly nơi bến cảng, nhà ga, những địa điểm mới lạ kiểu Tây, và nỗi buồn man mác của cái tôi là nét mới tân thời.

Thừa hưởng một nền thi ca trung đại vẫn xem “mùa thu là bạn muôn đời của thi nhân”, giờ đây, dưới ảnh hưởng của thơ lãng mạn Pháp, cũng như phong trào thơ mới, hầu hết các nhạc sỹ VN ở buổi đầu tân nhạc đều soạn ra các bài hát về mùa thu. Và Hà Nội thật sự là mảnh đất màu mỡ cho các nhạc sĩ trẻ này với mùa thu đất Bắc có khung trời mờ hơi sương và cái se lạnh gợi niềm tâm sự.


BCHN 5 (125) - VỀ ĐÔI MẮT NHƯ HỒ THU



Nếu có thể gói gọn tân nhạc trong một bài thì chắc chắn đấy sẽ là một bài hát về mùa thu và mùa thu của tân nhạc ắt ở Hà Nội!

Ngoài việc chịu ảnh hưởng chung của văn thơ lãng mạn Pháp và thơ Đường, thì mùa thu quả thực đã trở thành đặc trưng như một hương vị đặc sản của Hà Nội. Mùa thu Hà Nội dù không có dấu ấn rõ rệt như lá phong đỏ hay sương giá như xứ lạnh, nhưng cái sự nhè nhẹ tinh tế trong đổi thay của đất trời nơi đây, nơi những mặt hồ xao động chút trước lá rung rinh trong hơi sương cũng đủ để các nhạc sĩ trải lòng mình.


BCHN 6 (126) - THU QUYẾN RŨ



Mùa thu quyến rũ anh rồi – dường như đó là tuyên ngôn về cảm hứng nghệ thuật của Đoàn Chuẩn, với những những tà áo xanh về với giấc mơ trong một bức tranh thu Hà Nội có mưa rơi làm rung lá vàng và mây trắng lơ đãng bay về cuối trời biếc.

Nhưng mùa thu của ĐC không chỉ có những đàn bướm đùa vui trên muôn hoa, đấy còn là những mùa ly biệt, đưa người yêu sang sông, là đoạn kết cho những mối tình nghệ sĩ bất thành. Năm 1954, ca khúc Lá đổ muôn chiều ra đời để ghi dấu một cuộc chia tay trên con đường Trần Hưng Đạo ngập lá sấu vàng và hương hoa sữa. Thăm thẳm trong ca từ là sự luyến tiếc mối tình đã đứt đoạn, nhưng cả sự chia tay cũng đầy diễm ảo.


BCHN 127 - GIÓ LÃNG TỬ BỐN PHƯƠNG



Năm 1941, họa sĩ Hoàng Lập Ngôn tự làm một chiếc xe ngựa đặt tên cho chiếc xe tự chế của mình là Nhà Lăn Mê Ly, hoạ sĩ dùng chiếc xe ngựa kéo này làm phương tiện giao thông để đi vẽ người và phong cảnh khắp đó đây. Mặc dù thực tế không phải là một sự tích to lớn, nhưng chiếc xe xuyên Việt đó đã trở thành cảm hứng cho một loạt những bài hát về sau này, là niềm mơ ước hào sảng của cả một thế hệ thanh niên.

Hình ảnh một đoàn nghệ sĩ ra đi trong phong sương có sức hấp dẫn đặc biệt với các tâm hồn trai trẻ lúc bấy giờ. Nhà Lăn Mê Ly có lẽ chỉ là yếu tố hiện thực hóa của đằng đẵng những khát vọng thế hệ, nhưng nhờ sự có mặt của nó mà tạo nên một huyền thoại xê dịch.



BCHN 128 - HƯỚNG VỀ THÀNH PHỐ XA XƯA



Những người nghệ sĩ tha phương, để tìm nơi bình yên giữa khói lửa. Họ mang theo Hà Nội trong cách sống, trong nỗi nhớ, trong những chi tiết nhỏ nhặt tưởng chừng lãng quên đi: một màu áo tím, một sắc hoa lay động ánh chiều tà. Chiến khu không còn là chốn rừng thiêng nước độc như thuở nào trong truyện đường rừng của Thế Lữ, mà là nơi trú ngụ bình yên.

...giai đoạn này, HN bắt đầu được mô tả 1 cách cụ thể và chi tiết trong ca khúc. HN hiện lên với đường nét của đời sống sinh hoạt, ta đã gặp ở Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi. HN hiện lên với dáng vẻ ảo mộng mà trong trẻo, có lẽ là khởi nguồn từ Hướng về Hà Nội của Hoàng Dương.



BCHN 129 - ĐÊM MƠ HÀ NỘI DÁNG KIỀU THƠM



"...Miếng ngon Hà Nội, vì thế, nhiều khi làm cho ta yêu Hà Nội thấm thía, nhớ Hà Nội ê chề, và làm cho ta cảm giác ta là người Hà Nội hơn... Có ai đã xa Hà Nội lâu ngày, một chiều hiu hắt vọng về Hà Nội nhớ từng cái ngõ, từng cái nhà, nhớ từng vườn Bách Thảo, hồ Hoàn Kiếm nhớ đi, nhớ từ những hoa sấu rụng ở trên đường đầu thu nhớ xuống, mà tự nhiên ở đâu có người tìm đến mang “một chút quà Hà Nội” đến cho mình, người ấy mới có thể biết “quà Hà Nội” giá trị như thế nào!

...Bây giờ, nghĩ lại cái đẹp não nùng của cốm Vòng xanh màu lưu ly để ở bên cạnh những trái hồng trứng thắm mọng như son tàu, tôi thích nhớ lại một buổi chiều thu đã xa lắm lắm rồi, có một nhà nọ đưa hồng và cốm sang sêu một người em gái tôi."

Vũ Bằng đã hồi tưởng lại những món ăn thức quà Hà Nội, phở, cốm... những hương vị và cảnh tượng mộc mạc nhưng đã định hình cả trời thương nhớ của những người ly biệt.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm