Tiếu ngạo về... còi
"Chồng lái lụa, vợ góa bụa"...
TT - Họa sĩ Thành Phong - tác giả của cuốn sách gây đình đám Sát thủ đầu mưng mủ - tiếp tục gây xôn xao bằng những nét bút trào lộng, nhưng lần này là một chiến dịch hết sức ý nghĩa: tấn công vào những hình ảnh xấu xí trong giao thông.
Như trong hình bên thật khó nhịn cười, nhưng cũng thật sâu cay với “chồng lái lụa” thì ắt là... ”vợ góa bụa”!
Thoạt xem và thoạt đọc thì thấy những hình và lời chú thích những bức tranh của họa sĩ Thành Phong cho chiến dịch “K0 còi” (đọc là Không còi) có vẻ hơi nhiều... sát thủ. Có lẽ âm hưởng của cuốn sách đình đám Sát thủ đầu mưng mủ năm ngoái vẫn còn mang tính thời sự nên những bức tranh của Thành Phong đã khiến độc giả tò mò muốn xem chàng họa sĩ này có gì mới lần này?
Nhưng cũng phải nói rằng chính thực tiễn cuộc sống đã sinh ra tranh Thành Phong thông qua những thành ngữ hiện đại do các bạn trẻ sáng tạo gửi đến cho anh. Những thành ngữ phần lớn có vần và quan trọng nhất có dụng công hài hước (Phố thành sông, lưu thông thêm thoáng; Xe mẹ mua, đua mẹ đánh...). Chính những yếu tố chơi chữ hoặc lắt léo cách gợi hình ảnh như vậy đã là đất cho Thành Phong phóng bút bằng nét vẽ khá thú vị của mình. Chẳng hạn như Đi ngược chiều, trẻ trâu chơi liều gắn với bức tranh vẽ hình một cậu trai cưỡi con trâu xông vào đám đông giao thông ngược chiều, cầm roi hét “Yêêê!” là một cặp lời - hình thông minh. Ở đây đã sử dụng được từ lóng “trẻ trâu” đang rất thịnh hành hiện nay để diễn tả mức độ điên rồ trong cách đi xe của một bộ phận giới trẻ “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”!
Cũng một cách lợi dụng yếu tố đồng âm, Còi to máy rú là thú đi xe lại tỏ ra có tầm hơn hẳn nhiều câu thành ngữ sành điệu thời Sát thủ đầu mưng mủ cũng của Thành Phong. Nếu như ở cuốn sách trước vẫn còn nhiều câu có vần nhưng khá vô nghĩa thì ở đây, họa sĩ mau chóng lợi dụng được chữ “thú” để vẽ một con khỉ lông lá mặt đỏ gay cho cả hai chân lên yên cưỡi xe Honda Cub trong tư thế “bốc đầu”. Nhiều bạn trẻ hẳn sẽ cảm thấy đồng cảm hoặc đỏ mặt (hi vọng thế!) với thông điệp đả kích qua hình ảnh bêu xấu một hiện tượng tiếc thay không còn hiếm hoi ngoài đường.
Tranh của Thành Phong đã ra đời như một kết quả tương tác giữa ngôn ngữ giới trẻ với bộ môn biếm họa. Điểm mạnh của sự tương tác này là kết nối được với tâm lý cộng đồng đông đảo các bạn trẻ, nhưng cũng là sự bó buộc cho họa sĩ. Mặc dù xu hướng tranh nhiều chi tiết và rậm chữ như của Phong vẫn được nhiều bạn trẻ thích vì mô tả trực tiếp và sát thực tế, nhưng để bức tranh đứng độc lập như một tác phẩm biếm họa thì cần đơn giản và mang tính biểu tượng hơn nữa. Tính sâu cay và đa nghĩa cũng cần bật lên từ việc vẽ ít mà hàm lượng thông tin dồn nén hơn.
Tất nhiên, với tư cách là những thông điệp bằng hình, nhiều bức tỏ ra là những minh họa có giá trị trong việc phản ánh thời cuộc - thời mỗi con người Việt Nam là một cá thể đi lại đầy ích kỷ và mù lòa. Một người đi xe máy sửng sốt dừng lại trước chắn tàu xe lửa có bảng đề “Còi to cho vượt”, hay quang cảnh một ngã tư khi đèn đỏ còn 3 giây, một gã thanh niên không đội mũ bảo hiểm bấm còi inh ỏi và hét lên giục người đằng trước đi, trong khi một chiếc xe thương binh chở hàng đã ngạo nghễ phóng lên... Những hình ảnh đời sống giao thông lộn xộn, nhầu nhĩ dường như đã tìm được những nét vẽ nhiều gãy khúc, xô lệch có chủ ý để mỗi người xem, nhất là giới trẻ, đến với “K0 còi” giật mình và bật cười khi thấy mình cũng ở trong đó, là nạn nhân mà có khi cũng là thủ phạm...
NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ
Bức tranh đòi hỏi người xem phải ngắm kỹ một chút, từ dòng tiêu đề hơi khó đọc đến cái mồm móm của người đi ôtô và lời bình phẩm nhỏ như lời thì thào của một người đi xe máy đang tròn mắt phía sau: “Đại gia vãi!”. Đổ đầy bình xăng trong thời buổi xăng lên giá liên tục hiện nay là một thước đo sự giàu có đầy tính thời sự. Và bức tranh còn ám chỉ một từ lóng thịnh hành của giới trẻ nữa - “móm” - chỉ việc kiệt quệ hoặc bất lực cùng đường. Nhưng đại gia và hàm răng... hình như liên quan đến câu tuyên bố “không có tiền thì cạp đất ra mà ăn” hãy còn gây ầm ĩ của một người đẹp mới đây? Điều này tác giả không nói thẳng ra, nhưng đặt cạnh bức tranh một người nghèo giơ tay xin hàng trước một cây xăng nhân cách hóa, bịt mặt kiểu kẻ cướp đòi tiền quả là có tác dụng mạnh. Chúng đưa lại một cảm giác trào lộng cay đắng về sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội mà giá xăng và phương tiện xe cộ là dấu hiệu nổi bật nhất.
|
Nhận xét