Chị Xít
“Ông Bỗ chết rồi!” Mẹ tôi loan cái tin ông anh chồng chết với vẻ mặt tỏ ra nhà có đám. Bố tôi bần thần, rồi hỏi: “Thằng Bộ có gọi con Xít về không?”
Bộ là con trai trưởng của ông Bỗ. Tên đẻ ra là Bọ, nên cô em có tên Xít. Tôi cũng không hiểu tại sao ông bác tôi lại có thể đặt tên con quái gở thế. Có phải thời xa xôi gì đâu mà phải đặt hèm. Sau này anh Bộ ra Hà Nội, thêm cái dấu mũ, thế là thoát ly được hoàn toàn cái gốc quê mùa. Anh lại lên tới chức vụ trưởng, có khi cấp dưới nịnh hay là cợt bằng cách thêm vào thành Bộ Trưởng. Rồi thành biệt hiệu luôn. Chị Xít thì không có cái may mắn ấy. Chị đã bỏ nhà đi lâu lắm rồi, sau một lần ông Bỗ đánh chị thừa sống thiếu chết.
“Biết tìm nó ở đâu? Hồi trước nó ở cái trại gì trên Ba Vì ấy, giờ chả biết còn sống hay chết rồi”. Mẹ tôi rên lên, giọng điệu như đã ủ sẵn câu chuyện, nhắc đến là như tua băng. “Năm nay nó mà còn sống cũng phải năm mươi rồi”.
Năm mươi rồi sao, tôi nhớ ngày bé từng gặp chị Xít đôi lần. Chị hồi ấy mới chớm bị chứng tâm thần, đầu buộc một cái khăn lụa hoa như kiểu công nhân nông trường. Chị từ quê xuống sau khi ông bố đánh. Ông bảo chị ăn cắp, nhưng bố tôi cũng kể hồi bé cũng từng bị ông Bỗ vu ăn cắp và đánh đòn. Nhưng lần cuối cùng xuống nhà tôi, chị Xít chỉ ở đúng một buổi chiều.
“Hồi cái Xít xuống đây, bảo nó ở nhà mình mà không chịu, rồi nó lên cái trại ấy”.
Cái cách kể chuyện của người già là vậy, toàn dùng những từ như “ấy, gì, đó”, những đại từ gợi nên một quá khứ đã kể đi kể lại nhiều lần. Nhưng rõ ràng trong câu chuyện mà bố mẹ tôi kể, chị Xít không thấy gây hành động gì khủng khiếp hoặc mất kiểm soát mà người tâm thần vẫn mắc phải như mất trí, xé quần áo, ăn mặc bẩn thỉu, cười nói ngây ngô ngoài đường. Mà thực ra đấy cũng chỉ là hình ảnh tôi thấy đôi lần ở những người tâm thần. Chứ người tâm thần hiếm hoi tôi biết là một ông chú hàng xóm ở khu nhà cũ của tôi. Chú Tuân, như tôi còn nhớ hồi bé, gọi là anh thôi, vui chuyện lắm. Anh đi đôi dép nhựa bộ đội có quai hậu màu nâu, dáng anh lại cao lớn, mặt mũi sáng sủa. Vừa đan phên, anh vừa vui vẻ trả lời những câu hỏi đủ loại của tôi, đánh nhau ra sao, bắn súng thế nào. Nhưng hình như anh trả lời hơi nhiều, chẳng hiểu anh có rõ tôi hỏi gì không nữa.
“Nó bị tâm thần đấy”.
Tâm thần lúc ấy là một từ rất nặng để trẻ con đem ra miệt thị nhau.
“Nó bị bom, điếc lòi. Cứ há há hớ hớ”.
“Tịt cả ngòi luôn ấy chứ! Thế nên có đứa nào lấy đâu”.
Một người khác là chị Thơ. Nghe đồn chị học đại học, học nhiều quá nên phát điên, rồi mất suất đi Nga, có người lại bảo chị điên vì thất tình. Chả hiểu thế nào. Chỉ biết mỗi lần sinh hoạt hè, chị lại đứng chống nạnh ở chỗ đám trẻ con chúng tôi, hát những bài hát Nga rồi kể đủ thứ chuyện bằng cái giọng sang sảng bất thường.
Rồi như mọi người tâm thần khác, họ gần như biến mất khỏi tầm nhìn của ta khi ta lớn lên. Tôi cũng không thấy ai nhắc đến chị Xít và tôi cũng quên hẳn chị.
Cho đến ngày bác tôi mất. Đám ma thân sinh ông vụ trưởng dĩ nhiên là phải to. Mọi chuyện cứ rầm rập huyên náo cả mấy ngày, từ việc cắt đặt ai sẽ lo việc gì, nhưng chủ yếu là quân của anh Bộ. Chị Hoa, vợ anh quyết không cho họ hàng nhúng vào. “Cháu cảm ơn các cụ đã có nhời. Nhưng ma chay của tứ thân phụ mẫu cán bộ có tiêu chuẩn cả rồi. Ma chê cưới trách, thôi thì các cụ cũng vì sự nghiệp của nhà cháu”. Mẹ tôi tức giận vì bị gạt ra khỏi “ban tổ chức”, gì thì gì về thứ bậc, mẹ tôi cũng là dâu thứ của họ. “Bố mày với chú mày còn đó, cái con vợ nó dám tôm lộn cứt lên đầu à”. Mấy ngày trời, cả phái đoàn họ hàng từ quê lên, chỉ có bàn chuyện làm thế nào để dạy cho vợ anh Bộ một bài học.
Đám ma to có khâu đăng cáo phó lên báo và truyền hình. Việc này do cấp dưới của anh Bộ lo. Một chuyện không ai để ý cho đến lúc chú tôi cầm tờ báo lên đọc, là ở chỗ “Thay mặt gia đình” bên dưới dòng “Trưởng nam: Trần Minh Bộ” là “Thứ nữ: Trần Thị Xinh”.
“Ơ, nhà ông Bỗ có đứa nào tên là Xinh đâu, chỉ có con Xít chứ”.
“Ông ngẫn thế, nó đổi tên cho đẹp. Bọ hóa Bộ thì Xít thành Xinh khó gì”.
Nhưng rắc rối là biết tìm chị Xít ở đâu? Còn có ba ngày nữa là làm lễ viếng.
Nếu phái đoàn ở nhà tôi râm ran chuyện chị Xít một thì nhà anh Bộ ầm ĩ mười. Đấy là nhà tôi nghe mấy người họ hàng qua nhà anh kể lại. Chị Hoa nổi cơn tam bành khi thấy tên chị Xít ở bản cáo phó trên báo đài. Cấp dưới anh Bộ đã mắc cái lỗi quá nhanh nhẹn khi lấy thông tin từ lý lịch cán bộ của anh mà điền vào. Hay gì đâu việc có con em tâm thần đứng tên cùng mình. Bây giờ thiên hạ đi dự đám ma, sẽ tọc mạch xem cô em gái ông vụ trưởng mặt mũi ra sao. Rồi chẳng may có đứa xấu bụng nó tố lên thì tiêu.
Anh Bộ thì không thấy lên tiếng, hoặc đúng hơn là nhà tôi chưa nghe thấy anh nói gì về chuyện này.
Bố tôi quyết định gọi điện cho anh Bộ. Khó khăn lắm phái đoàn mới liên lạc được với anh vào gần nửa đêm.
“Anh phải báo cho cái Xít chứ nhỉ”.
“Ông thông cảm, nhà cháu đang rối bời cả lên, thôi thì ma chay xong, cháu sẽ đi tìm nó. Rồi bốn chín ngày ông già cũng vẫn kịp”.
Khỏi phải nói bố tôi, người vốn hiền lành yếu đuối, cũng phải nổi cơn lôi đình thế nào. Nhưng mọi người đều cho rằng anh Bộ không xấu, mà do chị vợ giật dây hết. Chị ấy vun vén làm ăn như thế thì anh Bộ sợ là phải.
Cuối cùng tôi với tư cách thanh niên có phương tiện và cũng đã từng gặp chị Xít (từ hồi còn bé tí) được giao nhiệm vụ đi tìm chị.
**
Nếu chỉ là tìm chị Xít và đưa chị về thì có lẽ mọi sự đã đơn giản. Sau một ngày quần thảo các trại người cơ nhỡ, trại tạm lánh, trại tâm thần, các khu phục hồi nhân phẩm, rồi vào tận hai nông trường khắp huyện Ba Vì, và lục lọi quan hệ của bạn bè, tôi cũng tìm thấy chị Xít. Tôi cũng không hiểu làm thế nào mình lại nhìn thấy chị, vào đúng khu nhà của chị ở chân núi Chẹ bên bờ sông Đà.
Chính xác là chị thấy tôi.
Tôi đang hỏi đường vào nông trường X ở sườn bên này dãy Ba Vì, thì thấy mấy người phụ nữ dáng như vừa đi làm ruộng về, mặc bộ đồ bảo hộ màu xanh, đầu bịt khăn.
“Bảo!”
Nghe tên mình giữa chỗ lạ, tôi ngẩn ra một lúc. Một người phụ nữ bịt mặt vẫy vẫy tôi. Đấy là chị Xít. Mà vì sao chị nhận ra tôi thì cũng lạ, tôi của năm ba mươi lăm tuổi khác với năm lên năm, cũng như thế giới kịp qua hai cuộc đại chiến.
“Cậu giống ông lắm”.
À ra vậy. Nghĩa là cũng có nét giống ông Bỗ và anh Bộ luôn. Chị Xít đã thành một bà già, các nét khắc khổ heo héo. Mặt chị có cái vẻ bơ bơ của người sống tách biệt với xung quanh. Trái với hình dung của tôi, chị chỉ lặng người đi một lát khi nghe tin tôi báo. Rồi chị bình thản nói. “Tôi không về đâu. Tôi còn phải dọn nốt cái đồi chè nữa”.
Tôi nói đang có xe, chị tiện thể về luôn, mà về sớm thì còn gặp gỡ họ hàng luôn. Mọi người mong chị.
“Không. Tôi đã nói rồi. Cậu về đi. Cậu mang các thứ về, trên này tôi đủ rồi”.
Chị hối hả dúi cái phong bì và túi hoa quả tôi mang lên vào tay tôi. Búi tóc chị xổ ra, mắt chị long lên sáng quắc. “Cậu đi đi. Tôi không quen biết gì cậu”. Sự quyết liệt lạ lùng của chị làm tôi sợ. Tôi gần như bị tống ra khỏi khu nhà.
**
Chị Hoa căn vặn tôi mãi xem chị Xít có đúng là không còn ở Ba Vì nữa không. Tôi định nói chị vào Nam hay sang Trung Quốc rồi nhưng nghe vậy có vẻ tàn nhẫn quá. Tôi chỉ dám nói là chị đã chuyển đi, người ở nông trường không còn liên lạc gì nữa.
Hai ngày sau đấy, tôi lo lắng liệu người nhà tôi có ai cũng lại mò lên Ba Vì nữa không. Cách có bốn năm chục cây số, không quá khó tìm, nhất là tôi đã lộ ra tên nông trường kia. Nhưng công việc của đám ma và các thủ tục mọi người bày vẽ ra đã cuốn tất cả vào guồng. Kịch bản có thể đưa ra là cô em gái vụ trưởng đang ở nước ngoài không về kịp. Chuyện đó bây giờ quá phổ biến. Đấy là kịch bản của phái đoàn ở nhà tôi đưa ra, chứ không có đến tai hai vợ chồng anh Bộ. “Mà nhà nó cỡ ấy rồi, lắm thủ đoạn, chả nghĩ khôn hơn đám ngu dân nhà quê bọn mình. Còn phải dạy đĩ vén váy”.
Anh Bộ đã đích thân vào nhà tôi “xin lỗi các cụ” và mời phái đoàn đi đưa tang. “Chả cần anh mời chúng tôi cũng đến, nhé. Anh đừng tưởng anh làm to mà chúng tôi phải xin phép đưa ma anh mình”. Nói vậy nghĩa là đã xuống nước, bỏ qua cho rồi.
Đám tang diễn ra ở nhà tang lễ thành phố. Cả đường phố trước mặt trông ra vườn hoa kẹt mất một tiếng đồng hồ. Xe hơi nhích từng mét một. Vòng hoa ùn ùn mang vào trong.
Lẽ ra bố tôi, chú và bà cô tôi cũng đứng vào hàng cùng gia đình anh Bộ nhưng phần vì chị Hoa muốn đám ma kiểu Tây để tiếp đón các vị lãnh đạo, phần vì phái đoàn nhà tôi vẫn giận nhà anh chị, nên chỉ thắt khăn ngồi ở bàn uống nước gian bên cạnh. Mọi người sẽ chỉ xuất hiện lúc đọc điếu văn và di quan. Chú tôi buông một câu. “Ngồi đây tao được rít thuốc lào thoải mái”.
Đám ma dường như vô tận với liên tục các đoàn vào viếng. “Đám ma thành phố có khác. Sao họ đi đám mà ăn mặc cầu kỳ thế hở Bảo. Không có bát âm, đưa đò gì. Mất gốc hết cả. Cái họ này rồi biết đi về đâu”.
“Ngay từ đầu là tôi đã phản đối việc hỏa táng rồi. Ai lại để ông cha mình chết cháy bao giờ, thành ra chết hai lần à?”
“Thế sao bà không vào nhà nó mà cản?”
“Ơ hay, ông là chú nó, ông phải vào chứ. Tôi nói, nó lại bảo mụ già nữ nhân ngoại tộc lắm điều”.
“Mà con Xít ba hồn chín vía đâu không về. Trời hỡi ôi, có phải thời chiến tranh đâu mà cha con ly tán… Hờ ơi…”
Cô tôi nức lên, khóc ầm ĩ. Những người phụ nữ có vẻ dân công sở đang xếp hàng vào viếng nhìn cô vẻ khó chịu. Chú tôi gắt. “Khóc lóc cái giề! Im!” Cô tôi thôi kêu la, chỉ còn nức nở.
Rồi cũng đến lúc làm lễ truy điệu. Phái đoàn nhà tôi lục tục thả chân xuống đất tìm dép. Cấp phó của anh Bộ đứng đọc điếu văn, điểm lại cuộc đời người quá cố. “Ông Bỗ hóa ra cũng hoạt động cách mạng oách phết nhỉ. Hơ hơ”. Chú tôi cười khục khục. “Điếu văn viết hay quá, thằng Bảo mày nhớ xin lại cho tao mang về quê nhé”.
“Trưởng nam Trần Minh Bộ, vợ Lê Kim Hoa cùng thứ nữ Trần Thị Xinh có lời cảm ơn các ban ngành đoàn thể cùng bà con cô bác gần xa đã đến đưa tiễn cụ Trần Văn Bỗ về nơi yên nghỉ cuối cùng”. Vợ chồng anh Bộ cùng một người phụ nữ trùm khăn xô bước ra.
“Ơ? Con Xít đấy à?”
“Có phải con Xít đấy không, Bảo?”
Tôi căng mắt ra nhìn, nhưng chỉ thấy cái lưng của người phụ nữ quay lại. Chị Xít đổi ý rồi sao? Nhưng dáng người phụ nữ này trông rất thành thị, không có giống người phụ nữ ở nông trường hôm kia. Hay đây mới là chị Xít thật? Có khi tôi nhầm cũng nên.
Tôi len người lên phía trên để nhìn cho rõ. Chắc chắn là một người tôi chưa gặp. Mấy người phái đoàn nhà tôi cũng cố kiễng chân lên nhìn từ phía sau.
“Xít! Xít ơi!” Cô tôi kêu lên, nhưng người phụ nữ chít khăn xô chỉ rung rung cái đầu. Mấy người đứng bên cạnh cô tôi giơ ngón tay ra hiệu im lặng. Anh Bộ cất tiếng, nói anh em chúng tôi xin cảm ơn các ban ngành đoàn thể…
Có một tiếng gào thét nào đó vẳng lại từ ngoài sân nhưng mau chóng bị bạt đi khi tiếng nhạc kèn trỗi lên. Quan tài được khiêng ra. Khi đám đi ngang qua sân, bỗng một người phụ nữ lao vọt tới, kêu thất thanh. “Bố ơi!”
Một cảnh tượng huyên náo diễn ra. Chị Xít – người tôi đã gặp – xông vào quan tài, lăn lộn kêu khóc. Mọi người xôn xao. Tôi không kịp nhìn phản ứng của anh Bộ chị Hoa nhưng đã thấy mấy người bảo vệ nhanh chóng áp tải chị Xít đi. Tiếng chị vẳng lại đầy oán hờn. Cả nhà tôi chạy theo, hút bóng chị ở góc phố bên cạnh. Rồi một cái xe ô tô đưa chị đi mất. Cô tôi ngồi phịch giữa đường, gào khóc ầm ĩ. Ai nấy bối rối trước cảnh một bà già nhà quê khóc hờ.
“Bảo, mày lấy xe máy đuổi theo đi”. Chú tôi giục.
Một bà bán vòng hoa đứng trên vỉa hè cất giọng lanh lảnh. “Cái con đấy chuyên ăn cắp ở đám ma mà. Ở đây bọn tôi lạ gì.”
Mấy người nhà tôi nhìn nhau.
"Về đi cô ạ”. Bố tôi vỗ vai bà cô.
Tôi vẫy taxi. Mọi người thất thểu bước lên. Cách đó vài trăm mét, đoàn xe đi xuống đài hóa thân đã chuyển bánh. Dòng xe máy bị tắc lúc nãy giờ rùng rùng chuyển động phía sau.
“Biết tìm nó ở đâu? Hồi trước nó ở cái trại gì trên Ba Vì ấy, giờ chả biết còn sống hay chết rồi”. Mẹ tôi rên lên, giọng điệu như đã ủ sẵn câu chuyện, nhắc đến là như tua băng. “Năm nay nó mà còn sống cũng phải năm mươi rồi”.
Năm mươi rồi sao, tôi nhớ ngày bé từng gặp chị Xít đôi lần. Chị hồi ấy mới chớm bị chứng tâm thần, đầu buộc một cái khăn lụa hoa như kiểu công nhân nông trường. Chị từ quê xuống sau khi ông bố đánh. Ông bảo chị ăn cắp, nhưng bố tôi cũng kể hồi bé cũng từng bị ông Bỗ vu ăn cắp và đánh đòn. Nhưng lần cuối cùng xuống nhà tôi, chị Xít chỉ ở đúng một buổi chiều.
“Hồi cái Xít xuống đây, bảo nó ở nhà mình mà không chịu, rồi nó lên cái trại ấy”.
Cái cách kể chuyện của người già là vậy, toàn dùng những từ như “ấy, gì, đó”, những đại từ gợi nên một quá khứ đã kể đi kể lại nhiều lần. Nhưng rõ ràng trong câu chuyện mà bố mẹ tôi kể, chị Xít không thấy gây hành động gì khủng khiếp hoặc mất kiểm soát mà người tâm thần vẫn mắc phải như mất trí, xé quần áo, ăn mặc bẩn thỉu, cười nói ngây ngô ngoài đường. Mà thực ra đấy cũng chỉ là hình ảnh tôi thấy đôi lần ở những người tâm thần. Chứ người tâm thần hiếm hoi tôi biết là một ông chú hàng xóm ở khu nhà cũ của tôi. Chú Tuân, như tôi còn nhớ hồi bé, gọi là anh thôi, vui chuyện lắm. Anh đi đôi dép nhựa bộ đội có quai hậu màu nâu, dáng anh lại cao lớn, mặt mũi sáng sủa. Vừa đan phên, anh vừa vui vẻ trả lời những câu hỏi đủ loại của tôi, đánh nhau ra sao, bắn súng thế nào. Nhưng hình như anh trả lời hơi nhiều, chẳng hiểu anh có rõ tôi hỏi gì không nữa.
“Nó bị tâm thần đấy”.
Tâm thần lúc ấy là một từ rất nặng để trẻ con đem ra miệt thị nhau.
“Nó bị bom, điếc lòi. Cứ há há hớ hớ”.
“Tịt cả ngòi luôn ấy chứ! Thế nên có đứa nào lấy đâu”.
Một người khác là chị Thơ. Nghe đồn chị học đại học, học nhiều quá nên phát điên, rồi mất suất đi Nga, có người lại bảo chị điên vì thất tình. Chả hiểu thế nào. Chỉ biết mỗi lần sinh hoạt hè, chị lại đứng chống nạnh ở chỗ đám trẻ con chúng tôi, hát những bài hát Nga rồi kể đủ thứ chuyện bằng cái giọng sang sảng bất thường.
Rồi như mọi người tâm thần khác, họ gần như biến mất khỏi tầm nhìn của ta khi ta lớn lên. Tôi cũng không thấy ai nhắc đến chị Xít và tôi cũng quên hẳn chị.
Cho đến ngày bác tôi mất. Đám ma thân sinh ông vụ trưởng dĩ nhiên là phải to. Mọi chuyện cứ rầm rập huyên náo cả mấy ngày, từ việc cắt đặt ai sẽ lo việc gì, nhưng chủ yếu là quân của anh Bộ. Chị Hoa, vợ anh quyết không cho họ hàng nhúng vào. “Cháu cảm ơn các cụ đã có nhời. Nhưng ma chay của tứ thân phụ mẫu cán bộ có tiêu chuẩn cả rồi. Ma chê cưới trách, thôi thì các cụ cũng vì sự nghiệp của nhà cháu”. Mẹ tôi tức giận vì bị gạt ra khỏi “ban tổ chức”, gì thì gì về thứ bậc, mẹ tôi cũng là dâu thứ của họ. “Bố mày với chú mày còn đó, cái con vợ nó dám tôm lộn cứt lên đầu à”. Mấy ngày trời, cả phái đoàn họ hàng từ quê lên, chỉ có bàn chuyện làm thế nào để dạy cho vợ anh Bộ một bài học.
Đám ma to có khâu đăng cáo phó lên báo và truyền hình. Việc này do cấp dưới của anh Bộ lo. Một chuyện không ai để ý cho đến lúc chú tôi cầm tờ báo lên đọc, là ở chỗ “Thay mặt gia đình” bên dưới dòng “Trưởng nam: Trần Minh Bộ” là “Thứ nữ: Trần Thị Xinh”.
“Ơ, nhà ông Bỗ có đứa nào tên là Xinh đâu, chỉ có con Xít chứ”.
“Ông ngẫn thế, nó đổi tên cho đẹp. Bọ hóa Bộ thì Xít thành Xinh khó gì”.
Nhưng rắc rối là biết tìm chị Xít ở đâu? Còn có ba ngày nữa là làm lễ viếng.
Nếu phái đoàn ở nhà tôi râm ran chuyện chị Xít một thì nhà anh Bộ ầm ĩ mười. Đấy là nhà tôi nghe mấy người họ hàng qua nhà anh kể lại. Chị Hoa nổi cơn tam bành khi thấy tên chị Xít ở bản cáo phó trên báo đài. Cấp dưới anh Bộ đã mắc cái lỗi quá nhanh nhẹn khi lấy thông tin từ lý lịch cán bộ của anh mà điền vào. Hay gì đâu việc có con em tâm thần đứng tên cùng mình. Bây giờ thiên hạ đi dự đám ma, sẽ tọc mạch xem cô em gái ông vụ trưởng mặt mũi ra sao. Rồi chẳng may có đứa xấu bụng nó tố lên thì tiêu.
Anh Bộ thì không thấy lên tiếng, hoặc đúng hơn là nhà tôi chưa nghe thấy anh nói gì về chuyện này.
Bố tôi quyết định gọi điện cho anh Bộ. Khó khăn lắm phái đoàn mới liên lạc được với anh vào gần nửa đêm.
“Anh phải báo cho cái Xít chứ nhỉ”.
“Ông thông cảm, nhà cháu đang rối bời cả lên, thôi thì ma chay xong, cháu sẽ đi tìm nó. Rồi bốn chín ngày ông già cũng vẫn kịp”.
Khỏi phải nói bố tôi, người vốn hiền lành yếu đuối, cũng phải nổi cơn lôi đình thế nào. Nhưng mọi người đều cho rằng anh Bộ không xấu, mà do chị vợ giật dây hết. Chị ấy vun vén làm ăn như thế thì anh Bộ sợ là phải.
Cuối cùng tôi với tư cách thanh niên có phương tiện và cũng đã từng gặp chị Xít (từ hồi còn bé tí) được giao nhiệm vụ đi tìm chị.
**
Nếu chỉ là tìm chị Xít và đưa chị về thì có lẽ mọi sự đã đơn giản. Sau một ngày quần thảo các trại người cơ nhỡ, trại tạm lánh, trại tâm thần, các khu phục hồi nhân phẩm, rồi vào tận hai nông trường khắp huyện Ba Vì, và lục lọi quan hệ của bạn bè, tôi cũng tìm thấy chị Xít. Tôi cũng không hiểu làm thế nào mình lại nhìn thấy chị, vào đúng khu nhà của chị ở chân núi Chẹ bên bờ sông Đà.
Chính xác là chị thấy tôi.
Tôi đang hỏi đường vào nông trường X ở sườn bên này dãy Ba Vì, thì thấy mấy người phụ nữ dáng như vừa đi làm ruộng về, mặc bộ đồ bảo hộ màu xanh, đầu bịt khăn.
“Bảo!”
Nghe tên mình giữa chỗ lạ, tôi ngẩn ra một lúc. Một người phụ nữ bịt mặt vẫy vẫy tôi. Đấy là chị Xít. Mà vì sao chị nhận ra tôi thì cũng lạ, tôi của năm ba mươi lăm tuổi khác với năm lên năm, cũng như thế giới kịp qua hai cuộc đại chiến.
“Cậu giống ông lắm”.
À ra vậy. Nghĩa là cũng có nét giống ông Bỗ và anh Bộ luôn. Chị Xít đã thành một bà già, các nét khắc khổ heo héo. Mặt chị có cái vẻ bơ bơ của người sống tách biệt với xung quanh. Trái với hình dung của tôi, chị chỉ lặng người đi một lát khi nghe tin tôi báo. Rồi chị bình thản nói. “Tôi không về đâu. Tôi còn phải dọn nốt cái đồi chè nữa”.
Tôi nói đang có xe, chị tiện thể về luôn, mà về sớm thì còn gặp gỡ họ hàng luôn. Mọi người mong chị.
“Không. Tôi đã nói rồi. Cậu về đi. Cậu mang các thứ về, trên này tôi đủ rồi”.
Chị hối hả dúi cái phong bì và túi hoa quả tôi mang lên vào tay tôi. Búi tóc chị xổ ra, mắt chị long lên sáng quắc. “Cậu đi đi. Tôi không quen biết gì cậu”. Sự quyết liệt lạ lùng của chị làm tôi sợ. Tôi gần như bị tống ra khỏi khu nhà.
**
Chị Hoa căn vặn tôi mãi xem chị Xít có đúng là không còn ở Ba Vì nữa không. Tôi định nói chị vào Nam hay sang Trung Quốc rồi nhưng nghe vậy có vẻ tàn nhẫn quá. Tôi chỉ dám nói là chị đã chuyển đi, người ở nông trường không còn liên lạc gì nữa.
Hai ngày sau đấy, tôi lo lắng liệu người nhà tôi có ai cũng lại mò lên Ba Vì nữa không. Cách có bốn năm chục cây số, không quá khó tìm, nhất là tôi đã lộ ra tên nông trường kia. Nhưng công việc của đám ma và các thủ tục mọi người bày vẽ ra đã cuốn tất cả vào guồng. Kịch bản có thể đưa ra là cô em gái vụ trưởng đang ở nước ngoài không về kịp. Chuyện đó bây giờ quá phổ biến. Đấy là kịch bản của phái đoàn ở nhà tôi đưa ra, chứ không có đến tai hai vợ chồng anh Bộ. “Mà nhà nó cỡ ấy rồi, lắm thủ đoạn, chả nghĩ khôn hơn đám ngu dân nhà quê bọn mình. Còn phải dạy đĩ vén váy”.
Anh Bộ đã đích thân vào nhà tôi “xin lỗi các cụ” và mời phái đoàn đi đưa tang. “Chả cần anh mời chúng tôi cũng đến, nhé. Anh đừng tưởng anh làm to mà chúng tôi phải xin phép đưa ma anh mình”. Nói vậy nghĩa là đã xuống nước, bỏ qua cho rồi.
Đám tang diễn ra ở nhà tang lễ thành phố. Cả đường phố trước mặt trông ra vườn hoa kẹt mất một tiếng đồng hồ. Xe hơi nhích từng mét một. Vòng hoa ùn ùn mang vào trong.
Lẽ ra bố tôi, chú và bà cô tôi cũng đứng vào hàng cùng gia đình anh Bộ nhưng phần vì chị Hoa muốn đám ma kiểu Tây để tiếp đón các vị lãnh đạo, phần vì phái đoàn nhà tôi vẫn giận nhà anh chị, nên chỉ thắt khăn ngồi ở bàn uống nước gian bên cạnh. Mọi người sẽ chỉ xuất hiện lúc đọc điếu văn và di quan. Chú tôi buông một câu. “Ngồi đây tao được rít thuốc lào thoải mái”.
Đám ma dường như vô tận với liên tục các đoàn vào viếng. “Đám ma thành phố có khác. Sao họ đi đám mà ăn mặc cầu kỳ thế hở Bảo. Không có bát âm, đưa đò gì. Mất gốc hết cả. Cái họ này rồi biết đi về đâu”.
“Ngay từ đầu là tôi đã phản đối việc hỏa táng rồi. Ai lại để ông cha mình chết cháy bao giờ, thành ra chết hai lần à?”
“Thế sao bà không vào nhà nó mà cản?”
“Ơ hay, ông là chú nó, ông phải vào chứ. Tôi nói, nó lại bảo mụ già nữ nhân ngoại tộc lắm điều”.
“Mà con Xít ba hồn chín vía đâu không về. Trời hỡi ôi, có phải thời chiến tranh đâu mà cha con ly tán… Hờ ơi…”
Cô tôi nức lên, khóc ầm ĩ. Những người phụ nữ có vẻ dân công sở đang xếp hàng vào viếng nhìn cô vẻ khó chịu. Chú tôi gắt. “Khóc lóc cái giề! Im!” Cô tôi thôi kêu la, chỉ còn nức nở.
Rồi cũng đến lúc làm lễ truy điệu. Phái đoàn nhà tôi lục tục thả chân xuống đất tìm dép. Cấp phó của anh Bộ đứng đọc điếu văn, điểm lại cuộc đời người quá cố. “Ông Bỗ hóa ra cũng hoạt động cách mạng oách phết nhỉ. Hơ hơ”. Chú tôi cười khục khục. “Điếu văn viết hay quá, thằng Bảo mày nhớ xin lại cho tao mang về quê nhé”.
“Trưởng nam Trần Minh Bộ, vợ Lê Kim Hoa cùng thứ nữ Trần Thị Xinh có lời cảm ơn các ban ngành đoàn thể cùng bà con cô bác gần xa đã đến đưa tiễn cụ Trần Văn Bỗ về nơi yên nghỉ cuối cùng”. Vợ chồng anh Bộ cùng một người phụ nữ trùm khăn xô bước ra.
“Ơ? Con Xít đấy à?”
“Có phải con Xít đấy không, Bảo?”
Tôi căng mắt ra nhìn, nhưng chỉ thấy cái lưng của người phụ nữ quay lại. Chị Xít đổi ý rồi sao? Nhưng dáng người phụ nữ này trông rất thành thị, không có giống người phụ nữ ở nông trường hôm kia. Hay đây mới là chị Xít thật? Có khi tôi nhầm cũng nên.
Tôi len người lên phía trên để nhìn cho rõ. Chắc chắn là một người tôi chưa gặp. Mấy người phái đoàn nhà tôi cũng cố kiễng chân lên nhìn từ phía sau.
“Xít! Xít ơi!” Cô tôi kêu lên, nhưng người phụ nữ chít khăn xô chỉ rung rung cái đầu. Mấy người đứng bên cạnh cô tôi giơ ngón tay ra hiệu im lặng. Anh Bộ cất tiếng, nói anh em chúng tôi xin cảm ơn các ban ngành đoàn thể…
Có một tiếng gào thét nào đó vẳng lại từ ngoài sân nhưng mau chóng bị bạt đi khi tiếng nhạc kèn trỗi lên. Quan tài được khiêng ra. Khi đám đi ngang qua sân, bỗng một người phụ nữ lao vọt tới, kêu thất thanh. “Bố ơi!”
Một cảnh tượng huyên náo diễn ra. Chị Xít – người tôi đã gặp – xông vào quan tài, lăn lộn kêu khóc. Mọi người xôn xao. Tôi không kịp nhìn phản ứng của anh Bộ chị Hoa nhưng đã thấy mấy người bảo vệ nhanh chóng áp tải chị Xít đi. Tiếng chị vẳng lại đầy oán hờn. Cả nhà tôi chạy theo, hút bóng chị ở góc phố bên cạnh. Rồi một cái xe ô tô đưa chị đi mất. Cô tôi ngồi phịch giữa đường, gào khóc ầm ĩ. Ai nấy bối rối trước cảnh một bà già nhà quê khóc hờ.
“Bảo, mày lấy xe máy đuổi theo đi”. Chú tôi giục.
Một bà bán vòng hoa đứng trên vỉa hè cất giọng lanh lảnh. “Cái con đấy chuyên ăn cắp ở đám ma mà. Ở đây bọn tôi lạ gì.”
Mấy người nhà tôi nhìn nhau.
"Về đi cô ạ”. Bố tôi vỗ vai bà cô.
Tôi vẫy taxi. Mọi người thất thểu bước lên. Cách đó vài trăm mét, đoàn xe đi xuống đài hóa thân đã chuyển bánh. Dòng xe máy bị tắc lúc nãy giờ rùng rùng chuyển động phía sau.
Nhận xét