Nhân chuyện canh gà Thọ Xương

Đây là một bài của Nguyễn Công Hoan năm 1973 về việc dạy văn học cổ ở phổ thông.

Nên đi từ dễ đến khó
Văn Nghệ Số 515, 14-9-1973


Ở nước ta, dưới các triều đại phong kiến xưa, nhân dân ta phải học chữ Hán. Ai giỏi chữ Hán mới được nhà nước trọng dụng và được xã hội kính phục. Chữ Hán được coi là “chữ ta”, cho nên bất cứ điều gì ghi trên đây, đều phải bằng chữ Hán. Nếu có những người viết thư từ, thơ văn bằng chữ nôm, thì vì đã chịu ảnh hưởng nặng về Hán học, có nếp nghĩ bằng điển tích, bằng thành ngữ, hoặc bằng cả một câu ở trong các sách vở cổ, nên người ấy nói và viết từ cái ý chính đến cái ý phụ của mình muốn gọn ghẽ và bóng bảy thì thế nào cũng dùng điển tích và chữ sẵn.

Ðến thời Pháp thuộc, chữ Hán bị bỏ, ta học chữ Tây. Ta dùng chữ quốc ngữ để viết thư từ, làm văn thơ, thì văn học của ta còn ảnh hưởng của Hán học và mang thêm cả ảnh hưởng của Pháp học.

Từ ngày nước được độc lập, văn học của ta mới thay đổi dần để thành nền văn học đặc biệt thuần túy là Việt Nam.

Vì vậy, ngày nay, các con em ta đọc truyện mới xuất bản thì hiểu, đọc truyện xuất bản trước cách mạng đã gặp nhiều chữ phải bỡ ngỡ, đọc đến thơ văn cổ điển thì thấy khó hiểu quá.

Là bởi vì văn bây giờ viết bằng tiếng của con em ta nói hàng ngày. Dần dần, con em ta mà lớn lên. Lúc bấy giờ tự nhiên chúng không bỡ ngỡ đối với văn thơ cận đại nữa.

Nguyên tắc của sư phạm là đi từ dễ đến khó, từ biết đến chưa biết, từ giản dị đến phức tạp. Cho nên tôi nghĩ rằng văn học dạy ở nhà trường, muốn có kết quả, thì làm theo trình tự thời gian từ cổ điển đến cận kim rồi đến hiện đại mà phải theo hoàn cảnh đặc biệt của nước mình, mà đi ngược lại, tức là từ hiện đại, đến cận đại rồi mới đến cổ điển.

Trong cuốn Trích giảng văn học lớp bảy, trẻ em mới mười bốn tuổi, đã ngay từ đầu năm, học Văn thơ cổ điển, từ Trần Quốc Tuấn đến Trần Tế Xương. Những bài thơ ít điển tích của Trần Tế Xương, của Nguyễn Khuyến, các em có thể hiểu được. Mấy đoạn của Nguyễn Du, của Nguyễn Ðình Chiểu, nếu thầy giảng kỹ, các em cũng có thể hiểu được. Nhưng ngay hai bài in ở đầu sách, là bài Hịch tướng sĩ, bài Cáo bình Ngô, rồi tiếp sau là bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, thì thật là gay. Muốn việc giảng dạy và tiếp thu có kết quả, thì sự tận tâm của thầy giáo phải đi đôi với trình độ của thầy. Nhưng sự chú ý của trò càng không thể thiếu.

Trong thời kỳ chiến tranh phá hoại lần trước, tôi đi sơ tán, ở nhờ một gia đình có cháu học lớp bảy. Sau tuần lễ đầu năm học, tôi cứ thấy cháu lai nhai câu: ...sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tế phụ...

Tôi hỏi bài này là bài gì, ai làm ra, vì sao làm ra và để làm gì, cháu đều trả lời đúng.

Tôi hỏi:

- Sứ giặc là gì?

Cháu lúng túng, nghĩ một lát, rồi đáp:

- Là đại sứ của Mông Cổ.

Tôi hỏi nghĩa mấy chữ uốn lưỡi cú diều, bắt nạt tể phụ, cháu không nói được và viện lý do:

- Tại cô không giảng.

Tôi hỏi:

- Thế cháu có hiểu bài này không?

Cháu cười, không đáp. Tôi hỏi:

- Cô không giảng à?

- Có. Cô gợi căm thù đế quốc Mỹ xâm lược.

Rồi cháu nhắc lại tất cả những lời của cô giáo nói ở trong lớp. Tôi nghĩ:

“Cô giáo biến buổi giảng văn thành buổi giảng chính trị”.


*          * 

Một hôm, có một cháu học lớp chín phải chuẩn bị trước bài Văn tế Phan Chu Trinh của Phan Bội Châu. Vì cháu không hiểu, nên đến hỏi tôi. Trước khi giảng, tôi nói qua tiểu sử của hai cụ Phan cho cháu nghe. Rồi tôi đọc câu đầu:

Tuồng thiên diễn mưa Âu gió Mỹ, cuộc nọ kém thua hơn được, ngó non sông nên nhớ bậc tiên tri.
Tôi giảng nghĩa đen của câu chữ thiên diễn, rồi đến nghĩa dùng ở trong bài. Rồi đến chữ tuồng. Tại sao gọi là tuồng thiên diễn. Ðến bốn chữ mưa Âu gió Mỹ thì tôi thấy cháu tỏ ra khó hiểu.

Tại sao lại mưa với gió? Tại sao lại Âu với Mỹ? Có thể nói mưa Phi gió Úc được không? Ðúng là nói lối này quen thuộc với người có ảnh hưởng Hán học, nhưng rất lạ tai đối với các cháu mười sáu tuổi của chúng ta ngày nay.

Sau khi giảng rất kỹ từng chữ của câu đầu này, tôi bắt đầu nhắc lại. Chắc rằng bộ óc non nớt của cháu bị tôi nhồi nhét nhiều quá, cháu không thể nhắc lại được, nên tôi hỏi:

- Bây giờ đặt ra văn xuôi thì câu này phải như thế nào?

Tôi hiểu ngay rằng nếu đặt ra văn xuôi, nghĩa là nếu tôi dùng tiếng nói của các cháu, thì cháu hiểu ngay. Tôi cố dùng những văn có trong câu này để đặt thành một câu văn xuôi dài hơn. Lúc cháu hiểu, thì cháu cười rất thích thú:

- Ngày trước nói khác bây giờ nhỉ.

Ðây là mới một câu trong bài văn tế mà tôi đã mất nhiều thì giờ thế mà tôi đoán là cháu chưa hiểu kỹ lắm đâu - thì tôi không rõ ở trong lớp, thầy cô làm thế nào cho học trò thưởng thức được giá trị của những bài thơ in trong sách, để khỏi phụ công phu của tác giả đã tìm từng chữ, gọt từng câu để đạt ý mình trong tác phẩm?

Nguyễn Công Hoan

Nhận xét

tây bụi đã nói…
Có lẽ cái ý quan trọng nhất ở đây nằm trong câu cuối là "thưởng thức." Không phải là học trò nhận ra, hay học trò hiểu biết - Nguyễn Công Hoan viết "học trò thưởng thức được giá trị."

Unknown đã nói…
Đồng ý với anh Jason. Công nhận là ý đó rất tinh tế nhưng ít ai nhận ra đấy.

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm