Dọn Vườn: "hát quanh đầu gối cũng không hay gì"
Hôm nay có bài điểm sách của chị Thu Hà trên báo Tuổi Trẻ, xin post cùng lời giới thiệu của anh Trần Chiến, dưới là bonus vài số Dọn Vườn từ 50 năm của mục này trên báo Văn Nghệ. Minh họa và bìa của Đặng Hồng Quân.
Tự trọng là tự nhặt rác nhà mình
TT - Chuyên mục hài hước và bền bỉ nhất của một tờ báo từng lừng danh trong làng văn hóa nước nhà thuở chưa có Internet và những năm đầu manh nha báo mạng vừa được Phan Thị Vàng Anh và Nguyễn Trương Quý tập hợp, tuyển chọn để in thành hai tập sách dày dặn.
Ðó là mục Dọn vườn trên báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam.
Hai tập sách với gần 1.000 trang chọn nhặt lại những sạn, những cỏ dại, những hoa trái mùa, quả độc đủ loại từ hài hước, quen miệng đến dị hợm, khó lường trong cách sử dụng tiếng Việt suốt 50 năm (1955-2005) đã được những người làm vườn kỳ công, nghiêm nhặt và phải nói là khá uyên bác của tuần báo Văn Nghệ cần mẫn nhặt ra trong vườn văn nước nhà.
Nhặt ra, và dẫn dắt bằng những lời bình dí dỏm, hài hước, nhiều khi hơi cay nghiệt, riết róng nhưng chính xác, chính là một trong những cách làm cho mục Dọn vườn trở nên có sức hút lâu bền như thế, dù chỉ là một chuyên mục rất nhỏ trên một tờ báo lớn (một thời). Chẳng từ một ai, từ cây đa cây đề như Nguyễn Công Hoan, Huyền Kiêu, Trinh Ðường, Tô Hoài... đến những cây bút “thời danh” Nguyễn Ngọc Tấn (Nguyễn Thi), Nguyễn Minh Châu, Ðoàn Giỏi. “Luật chơi” rất đẹp: ai cũng có thể sai, ai cũng có thể bị giễu và ai cũng có quyền sửa.
Cũng có thể dễ dàng nhận thấy dòng chảy ngôn ngữ đã đổi thay như thế nào khi đọc từ tập 1 qua tập 2, ngôn ngữ của đầu tập 1 và cuối tập 2 đã xa cách nhau nhiều. Và cách “dọn vườn” cũng khác nhiều. Thủ phạm gieo cỏ dại, xả rác ngôn từ thường là: “một tờ báo”, “tác giả LXT”, “mục điểm sách trên VTV1”, không còn cụ thể, không còn đích danh, và lời bình cũng trung tính hơn, đồng nghĩa với ít ấn tượng hơn.
Dẫu thế, Dọn vườn (NXB Trẻ) thật sự là một cuốn sách cần, với những người “phu chữ” (Lê Ðạt), và là một tổng kết thú vị với tất cả những ai yêu “tiếng nước tôi”.
Thu Hà
Lời giới thiệu của nhà văn Trần Chiến
Một tờ báo “đứng được” thường phải có vài chuyên mục để người ta tìm đọc. “Dọn Vườn” trên Văn Học, sau này thành của báo Văn Nghệ - là một chỗ như vậy. Tồn tại đã trên 50 năm, “dòng chảy nhỏ” này ăn theo dòng văn lớn, lại gạn đục khơi trong cho nó, có vẻ khiêm nhường mà xứng đáng được một vị trí quan trọng. Và để “cầm” nó cần bao nhiêu phẩm chất nghịch ngược nhau: giầu kiến thức, giỏi văn phạm (tiếng Việt và cả tiếng nước người), tự tin, nghiêm nghị nhưng không kiêu ngạo. Hóm hỉnh, tinh quái mà chả thể nghiệt ngã quá như những Phong Hóa, Ngày Nay xưa, nhưng tôn trọng đối tượng đến mức rụt rè lại ra nhạt.
Thưở đầu ra mắt, người dọn vườn ký “Như Trạng”, vừa có ý tự giễu mình, vừa thách thức “tôi sẽ đụng vào các anh đấy”. Tự sự năm 1964 cho biết công việc có mục đích cao đẹp, nhưng cũng có khi lỡ tay ngắt phải mầm, hoa, nụ, và dứt khoát không chấp nhận lối viết như nói. Chuyên mục “gây sự” với sách, báo, tạp chí, thoại sân khấu, thuyết minh phim, chú thích tranh ảnh, đài phát thanh, sau này là truyền hình. Nhưng văn chương mạng bây giờ thì không đụng đến rồi. Một lao động phức tạp: nhặt nhạnh, so sánh, đối chiếu, xác định mức độ chê, cách thể hiện… Nhiều tên tuổi bị động chạm: Huyền Kiêu, Phạm Hổ, Nguyễn Ngọc Tấn, Thép Mới, cả ông kỹ chữ Nguyễn Tuân. “Văn lâm” gai góc, có một thái độ thế phải gan góc lắm, mình là ai chắc đâu đó tường chứ.
Trí nhớ hay phản bội con người, tập sách này nhắc lại cho ta quá khứ chữ nghĩa, cho những nhận xét thú vị. Số lượng ấn phẩm một thời đáng coi là “kinh dị”: Từ tuyến đầu tổ quốc / Mười lăm vạn bản này / Nhân với nửa trang sai. Hay: Toàn những sách in từ ba đến trăm năm chục nghìn một lượt / Tính số tròn, phí mười một vạn rưởi trang dư / Đủ để in hơn nghìn bản một tập thơ / Dày hàng trăm trang đâu phải ít. Chuyên mục cũng cho thấy một thái độ làm báo hẳn là quá chỉn chu, nghiêm túc so với bây giờ. Những “tít” bắt mắt, lời bình cười chảy nước mắt, như với thơ Lưu Trọng Lư: Đánh Tây mẹ đã sáu mươi / Bây giờ đánh Mỹ mẹ mười bẩy ngoai. Thậm công phu là một “kịch thơ” ghi ý kiến bạn đọc khi đến hiệu sách Quốc văn…, có khi còn khó hơn sáng tác. Dấu ấn người phụ trách từng thời kỳ cũng khá rõ: những năm tám mươi tiêu đề rất nghiệt ngã: “Chủ nghĩa khoa trương”, “Cẩu thả và thô thiển”, “Trở lại cái bệnh thích khoe chữ”… Dăm bảy năm gần đây nó “tử tế” hẳn: “Nhầm lẫn”, “Lỗi tác giả, lỗi biên tập, lỗi in?”, “Đôi chỗ nói sai, dịch sai”… Và lượng bài dài, dạng trao đổi đưa vào đã làm tính chất chuyên mục bị đổi đi. Dường như sự cực đoan cần thiết đã hiếm.
Quá trình dọn vườn cho thấy sự thay đổi của ngôn ngữ ta, dù là trong sáng tác hay truyền thông đại chúng. Văn chương trước đây thiên về tả, câu thường một mệnh đề, chữ thì tránh những “tầng nghĩa” nước đôi. Câu bị động, lối diễn đạt lai bị phê phán. Giờ thì ai mà dọn nổi những “ca sĩ đến từ Thanh Hóa”, “A. đứng sau B. với 3 điểm kém hơn”, “Tôi được dạy bởi giáo sư Z.”… Những dấu chấm phẩy, than, nhất là chấm lửng xuất hiện hằng hà sa số và không thể xác định được “chức năng”. Người Dọn Vườn bức xúc, đưa ý kiến của nhà nghiên cứu Văn Tâm, rằng đây là “quốc nạn văn tự”.
Đúng thế chăng? Truyền thông phát triển, thế giới hòa nhập, một ngôn ngữ hiếu động như tiếng Việt đang và sẽ còn ngổn ngang. Đề ra bộ luật chuẩn hóa cách viết lúc này e xa xỉ quá, vì chính những cá nhân, cơ quan hữu trách cũng không thống nhất với nhau. Cho nên sự tồn tại của Dọn Vườn Văn Nghệ là rất cần thiết, để chỉnh đốn, khơi gạn phần nào dòng chảy chữ nghĩa đang rất chi ồ ạt.
Trần Chiến
Một vài số Dọn Vườn từ hồi đầu:
Trong vườn thơ vài bạn chuyên nghiệp
Dọn Vườn, số 51, 17-4-1964
+ “...Tóc bố chớm điểm sương
Tuổi con vừa mười tám...
...Hai mươi năm xưa khổ
Lại bỗng nhiên kéo về
Chồng an trí Trà-khê
Vợ ở nhà chết đói”.
(Tựu trường, Văn Nghệ số 38)
- Đọc lại bài thơ trên, tác giả Vĩnh Mai giật mình, bèn xin tòa soạn cho tự dọn như sau:
Vợ chết hai mươi năm
Con mười tám tuổi
Ôi! Cái chuyện oái oăm
Chỉ Vĩnh Mai hiểu nổi.
+ “Mìn anh múa nhảy
Trên đường số Năm
Đạn anh đi thăm
Đầu Tây Bình-Trị
Súng anh rủ rỉ
Tận chiến khu Đ
Lại gọi nhau về
Hát quanh gối Đảng”.
(Bài hát người say hương, trong tập Sáng Xuân của Huyền Kiêu)
Đảng ta nào có nằm đâu?
Mà cần đến gối gối đầu hở ông?
Bảo “đầu gối” cũng không xong,
Hát quanh đầu gối cũng không hay gì.
+ “Chín khắc dài bao nhiêu cảnh xót đau”.
(Trong đêm khuya miền Nam, Phạm Hổ, trang 1)
- Ta thường nói: “Đêm năm canh, ngày sáu khắc”. Nhưng ngày của Phạm Hổ lại có đến chín khắc kia! Không biết anh đã lấy thêm ba khắc ở đâu nhỉ?
+ “Đánh Tây mẹ đã sáu mươi
Bây giờ đánh Mỹ mẹ ngoài bảy mươi”.
(Một bài thơ của Lưu Trọng Lư đăng trên báo Nhân Dân trong tuần lễ “Vì miền Nam ruột thịt”)
- Nghe đâu tác giả “Tiếng thu” vốn là một nhà thơ rất coi trọng nhạc điệu trong thơ, mình có ý định chữa hai câu thơ trên như sau:
Đánh Tây mẹ đã sáu mươi
Bây giờ đánh Mỹ mẹ mười bảy ngoai.
+ “Xà-lan kéo than, tàu thủy kéo còi”.
(Bạch-đằng, tập tráng ca của Trinh Đường)
Xà-lan kéo than: đúng!
Tàu thủy kéo còi: không sai!
Nhưng sao nghe chẳng xuôi tai
Tưởng kéo cái còi như kéo thuyền than!
+ “Rộp ràng từng nhịp cánh tay
Mồ hôi không cánh mà bay sáng lòa”.
(Biển lặng, trong tập thơ Quy-nhơn của Vương Linh)
Mồ hôi… mà bay sáng lòa?
Đây là hiện thực hay là… phép tiên?
Dọn tiếp Vườn Xuân
Dọn Vườn, số 96, 26-2-1965
+ “Số báo Cứu Quốc 1945, xuân Ất Hợi”.
(Một đầu bài chữ lớn ở báo Cứu Quốc số 3208)
“Đói Ất Dậu” ai mà không nhớ
Riêng ông quên lịch sử hay sao,
Mà ông cứ “Ất Hợi” ào?
+ “Năm Canh Sửu (1950)…, năm Tân Mão (1951)…”
(Cái Tết ý nghĩa nhất của tôi, Cứu Quốc số Xuân)
Mới Sửu đã đến Mão
Ôi! Nhớ huyền nhớ hão!
+ “Nhà cửa phong quang, ai chả mến thủ đô lịch sự.
Mọi người tiết kiệm, hẳn tự hào Hà Nội văn minh”.
(câu đối của Huyền Thanh, Thủ đô Hà Nội số Tết)
- Nhà, một danh từ, đối với mọi, không phải danh từ! Đối ẩu thế mà được, thì ai chả mến chắc là đối với hẳn tự hào cũng được, bất chấp cả phép đối từ trước đến nay! Có lẽ có cái lối đối “linh động” ấy, nên mới có hai câu thơ sau đây chăng:
+ “Biển trưng – ‘câu đối’ tuyệt hay
Toàn là: ‘Mỹ cút khỏi ngay tức thì’”.
(Cái xuân trong nớ “xuân” ghê, của Song Phi, Thời Mới số Tết)
Một vế cũng gọi đối a?
Đã ngay còn cố kéo ra… tức thì?
Hay nhại cổ, kiểu Song Phi?
“Vợi tôi con gái, nữ nhi, đàn bà,
Nửa đêm, giờ tí, canh ba…”?
+ Xem một tranh vẽ ở Thời Mới số Tết, thấy câu chú thích: “Lý sự đầu năm của tên đạo trích Mỹ”, Người Dọn Vườn buột miệng ngâm:
Đạo trích hay là đạo chích đây?
Tưởng nên chỉ trích cái sai này!
Dọn Vườn nào muốn châm cùng chích
Nhắc khẽ mà thôi, tránh nói cay.
+ “Vốn sẵn nghề nông trong tay từ thuở 13, 14 tuổi, nên em biết cái nạn thiếu phân như người thiếu cơm ấy”.
(Cảm nghĩ đầu xuân, báo Phụ Nữ số Tết)
- Sao không viết “Lúa thiếu phân như người thiếu cơm” cho nó bớt… rùng mình đi một chút nhỉ? Cách ví von không “sạch sẽ” trên đây làm mất hương vị ngày xuân đi nhiều, phải không các chị?
+ “Miền Nam nửa khúc ruột già
Nụ non đang kết thành hoa xuân hồng”.
(thơ của Thợ Rèn, báo Nhân Dân số Tết)
“Khúc ruột miền Trung” nghe sao tha thiết
“Khúc ruột già” đã kém tinh khiết lại chẳng
thiết tha…
Nụ, hoa trong ruột, ối dà! Lạ thay!
Do cẩu thả nên vô lý
Dọn Vườn, số 3, 10-1-1976
+ “Ðến chiều, Bảng đi công tác về, thì đã thấy lũ con đứng đón anh từ gốc đa trên đê”
và sau một hồi
“bát đũa nhấc lên, đặt xuống. Múc thêm canh-Cạy cháy-Rót thêm tương”
bỗng
“Ngoài sân nắng làm nỏ những cọng rơm”
và
“một thằng gà trống kênh kiệu… gáy lên một tiếng thách thức giữa trưa”.
(Mùa gặt đến, báo Văn nghệ số 608)
Phải chăng say mộng Nam Kha,
Ác vàng sắp lặn, thoắt đà chuyển…trưa!
+ “Cô gái khiêng băng ca đi trước khe khẽ hát bài “Trai núi Quyết, gái sông Lam”. Giọng trầm hùng. Tùng mơ màng trong tiếng hát dịu dàng trong trẻo ấy”.
(Ngôi sao sông Lam, Nhà xuất bản Lao Động, tr. 125)
- Mới hát khe khẽ mà thành trầm hùng!
Giọng trầm hùng lại dịu dàng trong trẻo!
Cô gái sông Lam thật lắm tài, đáng được tuyển vào văn công. Hay tại tác giả, cũng như nhân vật Tùng của mình, mải mơ màng vì người đẹp, cho đến lúc cầm bút tả lại vẫn còn chưa lai tỉnh?
+ “Ðôi mắt (của cô Tuyết – N.D.V.) xanh như hai hòn ngọc bích lóng lánh dưới hai hàng mi dài”: “Ðôi mắt(của bà Ðược – N.D.V.) bồ câu hiền từ, biếc xanh dưới đôi lông mày như kẻ”: “Mai mở căng đôi mắt xanh lấp lánh như bừng lên một sự áp đảo mạnh... Chiến đã phải công nhận Mai cũng là một cô gái khá sắc nước. Ðôi mắt lá răm của cô ta đen láy”.
(Sách trên, trang 6, 17, 59, 68...)
- Phải chăng dân xứ Nghệ ta trẻ già đều có những cặp mắt xanh như đầm? Mà cái cô Mai kia vừa đáng yêu lại vừa đáng sợ: đôi mắt cô ta vừa xanh lấp lánh đó, lại đã đen láy rồi!
...
Dọn Vườn, số 14, 5-4-1986
+ “Anh Ba-đa-đô Rô-man ''30 tuổi' (tr. 292) có 'hai người chị gái rất ồn ào', 'vừa tới tuổi dậy thì, giống như hai con ngựa non không lúc nào chịu đứng yên'”.
(Truyện dịch Ký sự về một cái chết đã được báo trước, NXB Văn Học, 1983)
- Đáng lẽ dịch là em gái thì người dịch lại dịch là chị gái. Nếu G.G.Mác-két, tác giả cuốn Một trăm năm cô đơn mà biết chuyện ở Việt Nam nữ nhân vật của ông ở tuổi dậy thì “như ngựa non” lại là chị của chàng trai ba mươi tuổi, như vậy là bằng gấp đôi tuổi dậy thì của người thường thì hẳn tác giả phải đổi tên cuốn sách của mình thành hai trăm năm cô đơn.
Nhận xét