Hà Nội của những cao bồi già

Trước khi giới thiệu cuốn tạp văn Con giai phố cổ, xin nhắc lại đôi nét về tác giả và cuốn Cơ hội của Chúa vừa tái bản (Bìa và minh họa của Kim Duẩn).


Nguyễn Việt Hà (sinh 1962) là một gương mặt tiêu biểu của văn xuôi Việt Nam đương đại. Các tiểu thuyết Cơ hội của Chúa (1999), Khải huyền muộn (2003), tập truyện ngắn Của rơi (2004), tạp văn Nhà văn thì chơi với ai (2005), Mặt của đàn ông (2008), Đàn bà uống rượu (2010), Con giai phố cổ (2013) đều gây được sự chú ý của độc giả. Tác phẩm của anh được dịch in trong một số tuyển tập giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài. Gần đây nhất, Cơ hội của Chúa được dịch sang tiếng Pháp, NXB Riveneuve Éditions (2-2013).


Cơ hội của Chúa là một tác phẩm đầy ắp các không gian trong một hình thức đa diện nhất: truyện trong truyện, chuyện tình yêu, tình bạn, quan hệ tay ba, chuyện tôn giáo và thế tục, chuyện cuộc đời của các thế hệ sống ở một Hà Nội buổi giao thời khi bước vào giai đoạn kinh tế mở cửa những năm cuối thập niên 1980. Những nhân vật chính của tiểu thuyết tiêu biểu cho một thế hệ trẻ Hà Nội đã yêu và sống đầy khắc khoải nhưng cũng yếm thế buông xuôi. Nguyễn Việt Hà đã nói được trạng thái tâm lý của một thế hệ “mất mát”, cái trạng thái điển hình gặp ở nhiều nền văn học, nhưng trong Cơ hội của Chúa, nó mang cảm xúc của những góc phố Hà Nội đang biến đổi, cái biến đổi một đi không trở lại.


Nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến đã bình luận về văn chương của Cơ hội của Chúa: “…có một trong những câu nói hóm hay nhất, ý vị nhất trong văn học Việt Nam đương đại. Văn học Việt Nam sau 1945, không hiểu sao vắng hẳn đi sự hóm hỉnh, sự bông đùa,… rất hiếm những câu thể hiện sự tinh diệu của tinh thần. Tiểu thuyết Cơ hội của Chúa thừa thãi những câu hóm hỉnh, đùa giễu, về phương diện này có thể xem tác phẩm của Nguyễn Việt Hà là một cái mốc. Cảm hứng phê phán mang tinh thần hài hước khoan hòa sẽ tạo một vị trí đặc biệt cho Nguyễn Việt Hà trong văn xuôi Việt Nam đương đại”.

“Nhân vật phản-anh-hùng lớn nhất trong lịch sử văn học Việt Nam, Hoàng của Nguyễn Việt Hà đánh dấu đỉnh cao của một nền văn học thời bình. Hoàng còn là biểu tượng của một thẩm mỹ mới, không kém dũng cảm trong khi phần lớn độc giả Việt quá quen với các nhân vật văn học, dù ác hay thiện, đều phải có hành động và mục đích rõ ràng. Trong khi Tâm, Nhã, Thủy chắc chắn sẽ đi tìm khát vọng mới sau những cú sốc đầu tiên, Hoàng lại tiếp tục một cuộc sống mãi mãi là dang dở, không tốt không xấu, không bi quan không lạc quan, một cuộc sống như nó vốn thế.” – nhà phê bình Đoàn Cầm Thi.

“Bằng sự bỏ ngỏ một vai phát ngôn, ở đây có rất nhiều câu văn mở cánh cửa cộng thông sang người đọc, mở rộng sự liên đới của câu chuyện đến những câu chuyện khác ngoài nó, kể cả bằng sự gợi lên một tranh luận tiềm tàng. Một nhà xuất bản nhận xét văn chương của Nguyễn Việt Hà hấp dẫn giới trẻ. Có lẽ, về mặt hình thức - cái ‘vỏ ngôn từ’ ấy mang lại ấn tượng cởi mở và hội nhập rất hiện đại.” – nhà thơ Nguyễn Chí Hoan.

Túy quyền trong văn phong của Nguyễn Việt Hà có những chiêu thức rất đắt. Với Nguyễn Việt Hà, tôi nghĩ rằng chỉ riêng với lối viết túy quyền, đã đủ xác định đẳng cấp của anh: anh xứng đáng đứng vào hàng ngũ top ten trong văn học Việt Nam hiện đại.” – nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.


HÀ NỘI CỦA NHỮNG CAO BỒI GIÀ 
(lời giới thiệu cho cuốn Con giai phố cổ)



Nguyễn Việt Hà đến giờ vẫn chưa thạo dùng email và càng không biết các thứ mạng xã hội. Anh là một con người của đường phố theo đúng nghĩa. Đường phố ở đây là của Hà Nội, một vùng Hà Nội cũng rất hẹp với khu phố cũ có bán kính một cây số từ Hồ Gươm. Tạp văn của Nguyễn Việt Hà là một thứ mạng xã hội riêng của anh, đủ thành phần, từ đám đàn ông, những gã khờ và mưu sĩ, rồi những nàng thơ của họ, đến những chuyện tình ái đọc lên sực nức đùa giễu. Tình ở một Hà Nội với những gã trai phố cổ mà như tác giả đã viết, “bọn họ thong thả ăn, tinh tế mặc, chầm chậm sống. Có bọn họ, Hà Nội hôm nay mới có nổi dăm bảy hàng phở ngon, vài ba quán cà phê thị dân sâu lắng. Bọn họ chẳng chịu là gì, sống bạc nhược nghệ sĩ nửa mùa, rồi trả ơn Hà Nội bằng cách quyết liệt tự nuôi cho mình những thói quen của bao đời Hà Nội.” Nguyễn Việt Hà vừa bảo, đó là “linh hồn” của thành phố này, vừa giễu “thăm thẳm mơ màng rêu phong tạo riêng một bản sắc”.

Đó chính là chân dung tự họa của Nguyễn Việt Hà, một gương mặt văn chương nổi bật của Hà Nội lúc giao thời hai thế kỷ và cho đến tận bây giờ, khi hàng ngày truyền thông “nghiện” nói về sự biến mất của cốt cách Hà Nội.


Tạp văn hay tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà là một món ăn pha chế nêm nếm các mùi vị đặc trưng, để đẻ ra những trang viết bảo là ê hề “tái nạm gầu gân” như phở bò cũng được, mà bảo là kênh kiệu “cam vắt không đường” cũng xong. Chúng lại có cái mùi Tây của những chai rượu mạnh uống “xếch”, những nhãn hiệu rượu mà tác giả hay dẫn vào văn của mình, và đậm đặc những tích văn cổ trong khi cũng rất dễ dàng thấy những triết lý Thiên Chúa giáo xoắn xuýt bổ trợ. Để rồi từ đó, Nguyễn Việt Hà đánh võng từ vỉa hè này sang cột điện kia, khiến cho Hà Nội trong văn của anh nhộn nhịp gấp bội. Nào đã ai thấy hai cái nhà mặt phố Hà Nội nào giống hệt nhau?

Hà Nội trong tạp văn của Nguyễn Việt Hà là một Hà Nội truyền từ những gã đàn ông gia đình buôn bán nhưng đầu óc lãng đãng như sương mù tháng Chạp bốc lên từ Bờ Hồ, hơi có tí phẩm chất giang hồ để thành ra những tay “cao bồi già”, cho đến bọn trai trẻ “nhất loạt đều mê gái sớm, thảng thốt mới có đứa lọt vào được đại học nhưng thông minh tài hoa lãng tử kiêu bạc thì không một thứ giai của vùng nào sánh nổi. Chỉ trong vài buổi cóp nhặt học truyền tay đã lập tức bập bùng ghita điêu luyện tán gái. Phải xem một thằng con giai xõa sợi tóc dài khàn khàn cầm đàn ‘quạt chả’ hát ‘Đau, từ đáy trái tim ta buồn đau... Đau...’ thì mới hiểu được thế nào là sự quyến rũ”. Không gian Hà Nội đầy hoài cổ ấy thực ra lại rất đương đại, cái ngày hôm qua sở dĩ sống động thế là vì cái kẻ đang sống hôm nay cũng rất thức thời. Họ lớn lên từ những mái nhà hôm qua “ngói thâm nâu”, hôm nay trưởng thành dưới mái bằng lợp tôn, họ vẫn ăn chơi bốc giời như thường. Nhưng đúng là Nguyễn Việt Hà khắc khoải nhiều về một giai đoạn vài chục năm trước, lúc sự ăn chơi của tuổi trẻ phố cổ “đầy trong trắng”, nghèo nghèo đơn sơ và mang gương mặt mộc không trang điểm.


Hãy xem tác giả nói về việc viết tạp văn của mình: “Tạp văn kiếm tiền bắt buộc phải lên gân. Thành ngữ bia hơi bảo ‘cổ có gân thành thần nói phét’, tạp văn kiếm tiền mà không biết bốc phét thì có nước húp cháo… Tạp văn thành sách không hiểu có oai và sang hơn không nhưng chắc chắn là đang thời thượng, bởi nó a dua chiều theo cái thói quen ngại đọc dài của độc giả”. Tuy ra giọng có vẻ coi thường thể loại này, nhưng bản thân Nguyễn Việt Hà đã có đến vài tập tạp văn, và là cây bút sung sức loại nhất của tạp văn đăng báo vài năm qua. Chính ở thể loại tạp văn, người đọc thưởng thức được khả năng càn lướt đề tài của anh, cũng như sự thông minh dí dỏm đặc trưng, để ai cũng nhặt ra được vô số triết lý đặc sệt tinh thần đường phố Hà Nội. Và ngay cả khi cần phải chứng minh kiến văn của mình, Nguyễn Việt Hà cũng có đầy ắp tra cứu Đông Tây từ chuyện cũ rích đến chuyện gần đây.

Vậy là theo tinh thần đương đại, tôi cũng xin mời độc giả “đăng nhập” vào thế giới mạng xã hội của Nguyễn Việt Hà. Nó kết nối sâu sắc với thế giới của Cơ hội của Chúa, cuốn tiểu thuyết đầu tay làm nên tên tuổi của anh vào những năm cuối thế kỷ trước. Người đọc của mạng xã hội này hẳn sẽ gặp nhau, kết bạn, yêu đương và tranh cãi ầm ĩ như thường.

Nguyễn Trương Quý

Nhận xét

Titi đã nói…
Bác Hà không bit email thật à? không thể tin được...giọng văn ngạo nghễ và càn lướt như xe tăng thế cơ mà ...hi hi...
Nguyễn Trương Quý đã nói…
Có dùng nhưng có vẻ "nghiệp dư" :)

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm