Điểm sách: Nghề không ra nghề
Các biên tập viên của các nhà xuất bản giờ đây không còn thụ
động chờ các báo ưu ái viết bài giới thiệu sách nữa. Và cũng không đợi các nhà
xuất bản năn nỉ, nhiều báo lớn trên thế giới đã có mục điểm sách cực kỳ ảnh
hưởng đến thị trường, ví dụ như tờ New
York Times, tuần nào cũng có danh sách sách bán chạy. Dĩ nhiên là báo phải
có những bài điểm sách, bình giá ít nhiều có tính định hướng.
Ở Việt Nam
độ chục năm gần đây, việc điểm sách đã không còn là độc quyền của những tờ báo
chuyên văn chương, mà gần như mọi tờ cũng đều ít nhiều dành thiện cảm cho sản
phẩm hơi có phần cổ lỗ so với các mảng hát hò nhảy múa hay phim ảnh. Nói là
thiện cảm cũng nghĩa là kính nhi viễn chi, gọi là điểm vài cuốn cho thêm phần
sinh động mâm bát văn hóa của các tạp chí dành cho phụ nữ chẳng hạn. Từ thiện
cảm đến thương cảm khá gần, thái độ của báo chí dành cho sách cũng như với
những người già lạc thời. Lâu lắm rồi những cuốn sách không còn là trung tâm
của những trang báo văn hóa nữa. “Anh là nhà văn ạ” đồng nghĩa với “gã ta làm
cái nghề không ai làm”, và lâu dần các trang báo hay tạp chí cũng vô vọng trong
việc bình giá cuốn sách nào hay về mặt văn chương. Đa số dành độ ba trăm chữ
lọc từ thông cáo báo chí do nơi xuất bản phát ra, xóa bớt những chữ câu khách
quá lộ liễu của người làm PR, để độc giả đọc nửa tin nửa ngờ: có đáng tìm đọc
không nhỉ?
Tuy thế thiểu số còn lại, những người làm việc điểm sách vẫn
cần mẫn hàng tuần, hàng tháng nhặt nhạnh những cuốn sách thích hợp để làm những
người Mohican cuối cùng của giới phê bình. Người đọc đã không còn cậy đến những
bài phê bình dài lê thê khô như rơm trên những tập san lý luận văn học, họ chỉ
có thời gian liếc qua những bìa sách và những lời nhận xét ngắn gọn, trúng nhu
cầu đọc của họ: đọc để giải khuây, để trải nghiệm văn chương, hay để biết cách
nấu những món bánh kem chẳng hạn.
Nghề đọc sách để điểm trên báo có lẽ đã có thâm niên cả thế
kỷ ngay từ khi báo chí hiện đại ra đời ở Việt Nam, nhưng phải đến gần đây, nó
mới từ bỏ vị trí trên tháp ngà để trở thành bộ phận của nền giải trí phổ thông.
Tirage thấp của những trang báo văn học cũng đã làm cho mục điểm sách nói chung
bớt vẻ trịnh trọng, và những người làm việc điểm sách cũng thân thiện hơn với
độc giả, nếu như họ được ghi tên bên dưới bài. Bài của họ chuyển từ những trang
báo cuối tuần về blog, nơi có vẻ hợp hơn cả với phong cách điểm sách. Facebook
dường như vẫn là nơi xô bồ, nhộn nhạo hợp với các loại hình giải trí sớm nở tối
tàn hoặc các loại sách sống bám vào sự kiện. Những bài điểm sách trên Facebook
hoặc lâm vào cảnh được dăm người “like” mà không ai comment gì đặc biệt, hoặc
những comment kiểu “tem nè!” (rút gọn từ “bóc tem” – nghĩa là khoe mình là
người comment đầu tiên và rất sớm) hoặc những câu khen nhanh đến mức đáng nghi
ngờ khi người bình thường đọc chưa xong từ lúc tác giả post lên. Hoặc lịch sự:
“Like đã, đọc sau”. Sau, có thể vài tuần, và cũng có thể không bao giờ.
Vậy là điểm sách vẫn cứ cổ lỗ như bao thập niên qua, khi mà
bài điểm sách không có hình ảnh hay phương tiện nào phụ trợ, chỉ có trần sì non
ngàn chữ hé lộ đôi chút nội dung và kịp đánh giá tư cách của cuốn sách. Ngắn
vậy, chỉ tương đương hai, ba trang sách so với vài trăm hoặc nghìn trang sách,
người điểm sách đã có thể tán tụng hoặc “dìm hàng” tác phẩm kia. Có công bằng
không, khi cuốn sách ra đời là công sức của chẳng riêng tác giả mà còn cả đám
biên tập, người đọc soát lỗi, người dàn trang, họa sĩ vẽ bìa, nhà in, người
quảng bá của nhà xuất bản…
Nhưng cũng nên nghĩ tới sự công bằng cho người điểm sách tử
tế khi họ phải đọc vài cuốn sách một tháng, nghĩa là không ít hơn nghìn trang,
để lựa ra được một cuốn để giới thiệu. Nhiều khi cũng không thích thú gì vì
không có cuốn thật sự hay, hoặc đơn giản là… chán đọc, trong khi đến hẹn lại
lên, phải có bài như đã hẹn.
Ở đây kể tới những người điểm sách “chuyên nghiệp”, nghĩa là
được các báo hay tạp chí dành hẳn mục riêng hoặc giao giữ thường kỳ. Nghe thì
có vẻ oai nhưng thực tế thu nhập cũng chỉ ngang các mục khác, thậm chí không
bằng các nhà báo viết về showbiz, lắm khi đã họp báo có phong bì, lại còn đi
xem công diễn bằng vé mời, và viết bài giới thiệu lại có tiền nhuận bút. Còn
những người điểm sách kiểu bài đặt hoặc viết vì thích, việc này lại phải cầu kỳ
hơn ở chỗ bài phải tanh tưởi, có chất.
Những người điểm sách bây giờ có thể vẫn cận thị, đeo kính
dày cộp nhưng nhất thiết phải thức thời với nhu cầu độc giả, đặc biệt không
được tự ti với thân phận yếm thế của văn hóa đọc. Đã làm người đi hô hào người
khác đọc, mà mình lại thủ cờ trắng sẵn là thế nào! Lúc nào hắn ta cũng phải tự
diễn biến rằng văn hóa đọc không bao giờ lụi, dù có xuống cấp cũng chỉ là nhất
thời, và việc mình đang làm là vĩ đại. Có thế, những trang điểm sách mới chinh
phục nổi đám đông kiêu ngạo thờ ơ với sách nhưng lại khuỵu gối trước hào quang
của các mỹ nhân trên sân khấu hay màn bạc. Người ta nói, sắc đẹp làm nghiêng
nước nghiêng thành huống hồ đốn ngã người thường, chứ có ai nói văn chương
nghiêng lệch được gì vào thời các trang báo đã nhiều phần ghẻ lạnh người anh em
gần gũi của mình. Đến báo giấy còn vất vả tự cứu lấy mình trước sự lấn lướt của
báo mạng kia!
Tất nhiên cũng đã có mỹ nhân in sách. Nàng có cuộc ra mắt
sách khiến bất cứ nhà văn nào cũng ngạc nhiên rằng sách lại có thể chen chân
với nhan sắc. Nhưng việc cứ phải lẵng nhẵng đính kèm cái thẻ “chân dài” vào bìa
sách đã khiến cho nó khó chen vào mục điểm sách của những nhà phê bình nghiêm
túc kia. Ở đấy, những bài điểm sách không có cách nào là vin vào câu chữ, vào
cốt truyện, vào những gì thuộc về đặc tính của văn chương.
Đến đây, lại rẽ ra nhánh văn chương phổ thông và văn chương
tạm gọi là tiền phong, thứ một số nhà phê bình tương đắc và được số ít độc giả
tìm hiểu. Nhưng khái niệm hàn lâm đã không còn được chuộng, mà người ta có vẻ
thích đọc đa dạng hơn. Phổ thông hay cao cấp lắm khi cũng lẫn vào nhau,
Murakami và Mạc Ngôn từng là hai tên tuổi ăn khách ở Việt Nam và thế
giới, nhưng đã cạnh tranh giải Nobel và ông Tàu đã thắng ông Nhật năm rồi đó
thôi. Tình hình văn học còn như thế, chả trách bây giờ thắt lưng Hermes và túi LV tràn ngập đường phố Hà
Nội, dù có thể là hàng Tàu đồng hương tác giả đoạt Nobel kia. Một hai năm gần
đây, khi đã no nê và bão hòa việc đi shopping, cái túi xách nào hàng hiệu cũng
đã nhàm, cũng dễ bị vớ phải hàng dởm, thì chọn mua một cuốn sách an toàn hơn
hẳn, và nhất là làm sang một cách rất căn bản, nó tạo cho bạn một phong cách
“hàn sĩ” đúng điệu. Mua cuốn gì, đọc thế nào, hàn thử biểu của các nhà điểm
sách lúc này mới tỏ ra có ảnh hưởng. Lúc kinh tế sa sút, sách vở rút cục vẫn
chung tình đến tội nghiệp, như một bà vợ luống tuổi vẫn không cằn nhằn gì khi
ông chồng lăng nhăng khắp nơi đã về mái nhà xưa.
Tương ứng với phân loại văn chương, thì điểm sách phổ thông
chủ yếu trên các tạp chí thời trang, nhất là thời trang phụ nữ, thì mỗi trang
tạp chí điểm độ 3-5 cuốn, nghĩa là mỗi cuốn được độ 150-200 chữ, nghĩa là kịp
thuật lại đề tài, tên tác giả và tại sao nên đọc. Nó ngắn đến nỗi các nhà điểm
sách phải vò đầu bứt tai để có vẽ chân dung cuốn sách thì phải bỏ bớt mắt trái
hay mắt phải, hay là chỉ vẽ mỗi cái miệng, nếu như cuốn sách được ví với một
con người. Xin mách nước cho các độc giả của những mục này: căn cứ vào cách
dùng tính từ của người điểm sách mà có thể suy ra năng lực của hắn ta. Những
tính từ khiến bạn phải chú ý hơn bình thường, điều này chứng tỏ cuốn sách có
thể đọc được hơn so với cuốn khác cũng hắn điểm. Nếu tất cả đều dùng những tính
từ bạn đã thấy trăm lần thì tức là hắn bất tài, chứ không hẳn là sách dở.
Trong số các nghề ít người theo, thì điểm sách còn tồn tại
là nhờ cái thói yêu sách cộng thêm chút điệu đà kẻ sĩ. Dăm ba bạn đọc ruột ra
vào blog hay phần nào trên Facebook bàn tới bàn lui làm cho câu chuyện rôm rả
hơn chút. Dẫu hơi hiu quạnh, nhưng cũng có vẻ đáng tin hơn cái lối nhấn Like
trên Facebook nọ. Bạn đọc của những mục này lâu dần tụ lại thành một xóm, những
câu lạc bộ yêu sách (bookaholic gì đó), đắm chìm trong mê cung ngôn từ và họ có
“niềm vui khi điên mà chỉ những người điên mới biết được” – lời của nhà thơ Anh
John Dryden được lấy làm đề từ cuốn Forrest
Gump của Winston Groom. Theo biểu hiện bên ngoài, những người điểm sách và
đồng bọn yêu sách đi theo không khác gì những kẻ điên bởi vì xung quanh không
mấy ai chia sẻ được. Chỉ có mỗi ông Nguyễn Tuân nhớ đến họ khi nói: “Khi tôi
chết, nhớ chôn tôi cùng một thằng phê bình!” Người thì bảo Nguyễn Tuân ghét bọn
điểm sách, cáu quá mới nói thế, có người lại thi vị hóa bằng cách thêm vào vế
nữa chẳng giống kiểu ông Tuân tí nào: “Để cùng đàm đạo văn chương”. Không biết chuyện
trên có thật hay chỉ là giai thoại, nhưng ở nghĩa trang Văn Điển, bên cạnh mộ
nhà văn là mộ của vợ ông. Vợ ông thì hình như không điểm sách hay viết phê bình
bao giờ! Đến nguyện vọng của cây bút lớn còn bị bỏ qua như thế, trách gì số
người điểm sách mỗi ngày một tụt chỉ tiêu.
Nguyễn Trương Quý
(Tạp chí Đẹp tháng 3-2013)
Nhận xét