"Người mà anh yêu quý vô cùng" (Xuân 2014)

(Bài đăng báo Tuổi Trẻ Xuân Giáp Ngọ với đầu đề "Lấp lánh tài hoa")

Năm tháng qua đi, những bài hát của những năm tháng cũ còn vẳng lại đến giờ là nhờ cây cầu kỷ niệm của các thế hệ. Không dễ để các thế hệ sinh ra vào đầu thế kỷ này đồng cảm với những lời quá diễm lệ của “vương khói trầm luân cay nồng, xé tơ tằm cho nát lòng” (Lỡ cung đàn – Hoàng Giác, 1947) hay gân guốc chi li “Ta lo phân phải chăm bao đầu lợn ấy. Muốn bông lúa to phải lo chọn giống gì” (Bài ca năm tấn – Nguyễn Văn Tý, 1965). Nhưng vượt ra khỏi khuôn khổ những bài hát phổ thông, chúng đã trở thành những trang sử ký nho nhỏ ghi lại thăng trầm thời cuộc.


Ở vào tuổi trên dưới 90, các tác giả của chúng vẫn sống bình lặng ở một góc nào đấy của Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, chậm rãi nghe những giai điệu của mình cất lên đây đó trên những làn sóng phát thanh truyền hình hay đôi ba những đĩa nhạc của các ca sĩ muốn thử sức dòng nhạc một thời. Họ ít khi xuất hiện trước công chúng, nhưng thời gian hẳn là giám khảo công bằng nhất cho giá trị tác phẩm. Với người viết bài này, những ca từ và giai điệu của các ca khúc một thời vẫn là những dẫn chứng thú vị về phẩm chất văn hóa của đời sống còn tiếp diễn đến giờ.

Trọn vẹn với mối tình đầu

Từng là thầy dạy nhạc cho các bạn cùng lứa từ rất sớm, có thể xem Nguyễn Thiện Tơ như đại diện cho sự nhanh nhạy của các chàng trai trẻ Hà thành khi tiếp thu văn hóa Tây phương thông qua phương tiện rất hấp dẫn là âm nhạc. Ông đã sớm hành nghề bằng chơi nhạc, dạy nhạc và có những sáng tác vô cùng chững chạc và mang tính kinh điển từ lúc chưa tới đôi mươi. “Nhớ tới đêm đầy ánh sáng, hương trong gió tràn mênh mang. Giây phút như ngừng thôi rơi, tiếng kinh muôn lời…” (Giáo đường im bóng, lời Phi Tâm Yến, 1938). Nếu các nhạc sĩ khác nổi tiếng đa tình và cái sự huê tình của họ cũng làm nên huyền thoại phù hoa của mảnh đất Hà Nội xưa, thì Nguyễn Thiện Tơ năm nay đã 93 tuổi, vẫn cùng sống bên người bạn đời, nàng thơ đầu tiên và duy nhất, người đã khiến chàng trai ngoại đạo “đắm đuối trên làn sóng, mắt nàng huyền mơ”. Khung cảnh bài ca không còn vay mượn thánh tích Tây phương mà đã mang màu sắc hoàn toàn Việt Nam, nhờ những chi tiết “Hồn thánh thót mưa dầm, buồn với âm thầm”. Đến giờ, Giáo đường im bóng vẫn là tình ca Việt có nét chủ đề Thiên chúa giáo trong trẻo hơn cả.


Người bạn thân thiết và từng có một vài sáng tác chung với Nguyễn Thiện Tơ, nhạc sĩ Hoàng Giác, lại có một câu chuyện khác về mối tình đầu đời. Kém người bạn mình 3 tuổi, Hoàng Giác cũng có một bóng hình của thời hai mươi tuổi, như mọi mối tình Hà Nội những năm tháng mà chất trang nhã tình tứ kiểu Pháp vẫn trong khuôn khổ lễ giáo Nho phong. Cho đến giờ, cả hai vợ chồng Hoàng Giác vẫn vui vẻ nói về “người xưa” của nhạc sĩ, nay vẫn sống cùng thành phố, và còn là bạn già của nhau nữa. Bà Kim Châu, vợ nhạc sĩ hóm hỉnh so sánh mình với người trước: “mình quê mùa lắm, không hiện đại như bà ấy vẫn đi nhảy đầm, mặc váy đâu”. Sự lịch lãm, tế nhị của họ trong ứng xử của tuổi U90 chắc hẳn bắt nguồn từ tình cảm trong trẻo mộc mạc của bảy thập niên trước, và giữ được qua chìm nổi thời gian. Cái rộn ràng tươi mới của Mơ hoa (1944) “Cô hái hoa tươi, hãy dừng bước chân, trên đường thẳm xa, tôi nhắn cô em đôi lời…” mà Hoàng Giác gửi gắm hình bóng người thiếu nữ “từ Hà Đông ra, dáng người cô ấy thon nhẹ, mà tôi liên tưởng đến những cô gái gánh hoa hàng sáng ở chợ Ngọc Hà” đã bước vào ký ức tập thể như một niềm mơ ước nho nhỏ mà trường cửu của con người về cái đẹp.




Đã viết về những số phận họ đồng hành

Cũng ở cùng thành phố, trong căn nhà ở phố cổ Hàng Thùng, là một nhạc sĩ lừng danh với những ca khúc “nhạc đỏ” – danh từ giờ đã phổ biến để gọi những ca khúc chủ đề chiến đấu và xây dựng đất nước. Nhưng trong những bài ca nhiều sắc thái tuyên truyền cổ động của ông, lấp lánh chất trữ tình rất riêng, có thể gọi ra chất Hoàng Vân. Tưởng như những năm này hơi khó để hát lên những bài địa phương ca hay ngành ca – đặc sản của các nhạc sĩ Hoàng Vân, Nguyễn Văn Tý… Nhưng hãy đến những buổi liên hoan hay phút ngẫu hứng của các buổi đám cưới, karaoke, những giai điệu của các ông vẫn được hát. Người ta hát không vì tiếc nuối thời bao cấp khốn khó. Người ta hát không đơn giản vì thói quen. Người ta hát bài đã chọn vì tiếng lòng được chuyển tải nhờ giai điệu và ca từ đẹp. Vì cái vẻ hào sảng, tự tin một thời họ đã có. “Vùng than thân yêu ơi, trong tình yêu quê hương có một tấm lòng, dành cho em người mà anh yêu quý vô cùng…” (Tình ca người thợ mỏ, 1981).

Khác với vẻ sướt mướt, kể lể của nhiều ca khúc tiền chiến lãng mạn, những ca khúc thời hậu chiến của Hoàng Vân (sinh năm 1930)  hay Nguyễn Đức Toàn (1929) vẫn khiến người nghe ngày nay quên mất độ tuổi thực của bài hát và của chính tác giả. Chúng rắn rỏi, bay bổng, và thậm chí còn mở đường cho những bài ca mang phong cách nhạc trẻ sau những năm tháng nặng tính kinh viện, như ca khúc Chiều trên bến cảng viết năm 1978. Bài ca với câu nhạc ngắn, đầy chất Pop, có ảnh hưởng của dòng ca khúc chính trị từ những ban nhạc Đông Đức tới biểu diễn ở Việt Nam năm trước đó, nhưng hơn hết là chính từ trăn trở của các nhạc sĩ, thậm chí là thách đố nhau, làm thế nào để viết được bài hát nhạc trẻ? Mặc dù vẫn mang màu sắc tuyên truyền, tình yêu sóng đôi với nhiệm vụ, nhưng những ca từ “ta gần nhau hơn, qua bao lần xa cách. Qua mỗi chuyến đi xa, càng thấy bao nhiêu điều mới lạ, về đất nước, về con người, và tình yêu. Ôi đất nước ta yêu, dẫu đã bao ngày vất vả…” đã phả hơi thở mới đầy mời gọi, thúc giục và đam mê, điều chỉ vài năm trước đó thực hiếm hoi. Người nhạc sĩ có chất giọng trầm ấm như một diễn viên sân khấu vẫn sống ở khu tập thể Nam Đồng và say mê hội họa, thứ ông đã học ban đầu ở trường Mỹ thuật Đông Dương gần 70 năm trước.

1958

NS Nguyễn Đức Toàn cùng nhà nghiên cứu Jason Gibbs tại nhà riêng NS, 2009

“Chỉ còn anh và em, cùng tình yêu ở lại”

Những bài ca của những nhạc sĩ cao niên vẫn còn sống với chúng ta, lạ lùng thay, chứng minh được sức sống của chúng nhờ cái đẹp mà các tác giả theo đuổi suốt cuộc đời. Chiếc khăn piêu của Doãn Nho (sinh năm 1933) viết từ năm 1956 đã giành được giải Bài hát của năm của chương trình Bài hát Việt 2012 qua tiếng hát Tùng Dương, và thậm chí còn là bài hát góp phần đưa cậu bé Quang Anh lên ngôi quán quân Giọng hát Việt nhí 2013, gây nên cơn sốt hát và nghe lại ca khúc sắp “lục tuần” này. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu cũng đã 90 tuổi nhưng năm ngoái vẫn ngồi ghế giám khảo Tiếng hát mãi xanh, vẫn làm người xem cười và phục vì sự dí dỏm mẫn tiệp. Đến giờ, hẳn không ai dám nói Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu (đều của Phan Huỳnh Điểu phổ thơ Xuân Quỳnh) là “của mùa thu cũ” (lời Thơ tình cuối mùa thu).

Những nhạc sĩ Tô Vũ (sinh năm 1923), Nguyễn Văn Tý (1924), Nguyễn Văn Quỳ (1925), Tô Hải (1927), Văn Ký (1928), Phạm Tuyên (1930), Hồ Bắc (1930), cùng nhiều nhạc sĩ ở vào tuổi U90 trong Nam ngoài Bắc hay xa quê hương, những gì họ để lại là bằng chứng cho một thế hệ vô cùng tài tình trong vốn tiếng Việt, để từ những bỡ ngỡ ban đầu, đã thành những ca từ giàu sức biểu cảm, như những trang sử ký dẫu chịu sự sàng lọc khắc nghiệt của thời gian, vẫn lấp lánh vẻ tài hoa của người đã tạo ra chúng. Họ đã chia sẻ tình yêu về những người bình dị xung quanh, người thiếu nữ láng giềng, người thợ mỏ vào lò, cô gái đồng quê lội bùn cấy hái, để rồi chính những nhân vật của họ bây giờ vẫn dạt dào hát những bài ca về chính mình, về những “người mà anh yêu quý vô cùng”…

Nguyễn Trương Quý

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm