Tết xa nhà
Chục năm trước, khi tôi đang gà gật trên chuyến xe dài như
vô tận từ cửa khẩu Cầu Treo, Hà Tĩnh sang Viêng Chăn, thỉnh thoảng tôi choàng
dậy khi có tiếng nhạc lăm vông tưng
bừng quanh những đống lửa từ làng mạc hai bên đường. Người Lào đón Năm mới
dương lịch. Tết cổ truyền Lào tận mãi tháng Tư. Lúc này Hà Nội đang mưa phùn
gió bấc, đang nghìn nghịt người đi mua sắm cuối năm. Tết âm lịch năm đó đến
sớm, ngay cuối tháng Giêng. Bạn bè xui, đi Lào đi, dễ đi lắm. Lào có lẽ không
có gì nhiều để nghiên cứu, gần Việt Nam thế mà! Tôi cầm theo cuốn Lonely Planet, đọc được loáng thoáng
những nơi cần thăm rồi cất đi vì không đủ kiên nhẫn.
Càng đi sâu vào đất Lào, không khí càng khô nóng hơn. Đang
từ Đông Trường Sơn mưa rét, Tây Trường Sơn đón chúng tôi với cảm giác ngây
ngấy, khan khan. Tháng Giêng mà Viêng Chăn nóng như mùa hè Hà Nội. Trong ánh
nắng gay gắt, tháp Thạt Luổng không rõ có phải dát vàng thật không bừng bừng
như ngọn lửa giữa quảng trường mênh mông. Đứng chụp ảnh ở góc nào cũng rơi vào
tình trạng mặt người đen thui vì cái phông cảnh rực rỡ kia.
Những dãy phố nhà hai tầng, những tòa nhà công thự xây theo
kiến trúc những năm 50 lập tức khiến tôi thích thú. Chúng giống một Hà Nội tôi
từng biết. Những màu vàng sẫm, màu ôliu, màu xanh cỏ úa của những mảng tường và
cửa sổ nan lá sách của một thời kiến trúc đô thị thuộc địa nho nhỏ. Những đường
gờ, những tấm ôvăng chạy dài, những hàng hiên che vỉa hè nối nhau tạo nên những
bóng râm trông ra những quảng trường hay ngã tư nhỏ vắng vẻ. Khung cảnh giống
như một bức ảnh thời thơ ấu. Chỉ thiếu cái lạnh và những hàng cây sấu lá sẫm
màu là thành Hà Nội.
Sau hai ngày nhanh chóng khám phá hết thủ đô Lào, tôi ngược
lên Luang Prabang, cố đô của vương quốc Vạn Tượng (Lan Xang) rồi vương quốc
mang tên kinh đô này. Theo những gì tôi tranh thủ đọc được, Lào vốn hợp thành
từ ba vương quốc, và Luang Prabang là nơi triều đại quân chủ cuối cùng tồn tại
trước khi chấm dứt vào năm 1975. Hoàng cung nhỏ bé đến ngạc nhiên, mang kiến
trúc kết hợp giữa dinh thự thuộc địa và chùa Lào. Những đồ đạc đơn sơ, những bộ
xa lông phong cách nửa thế kỷ trước, những số phận cung đình đã bị diệt vong
bởi các cuộc chiến tranh.
Điều đặc biệt của thành phố này là nó khiến ta nhớ về nhiều
nơi. Một hoàng thành nhỏ bé nằm bên một con sông nhỏ như sông Hương gợi nhớ đến
Huế. Một khu phố hai tầng nhỏ nhắn vuông vắn bên sông Mê Kông giống Hội An. Và
những con dốc của các khu phố du lịch cùng làng bản xung quanh, giống Sapa.
Thành phố nằm ở mỏm đất nơi ngã ba sông Nậm Khăn và Mê Kông, có đến cả mấy trăm
ngôi chùa san sát nhau quây quần dưới chân ngọn núi Phou Si. Đi vài bước lại
gặp chùa. Những tháp mộ và stupa lô nhô khắp nơi. Thành phố tuy vậy lại không
có cảm giác ủ dột hoang phế như những kinh đô di sản Đông Nam Á khác.
Ấy chính là nhờ không khí của ngày lễ Năm mới tại đây, nơi
có những khu phố du lịch với những thanh niên da trắng mà cuộc đời dường như
nhất-thiết-phải-tới châu Á, và dãy dài xe hơi hạng sang đậu dọc lề đường. Có
một buổi tiệc mừng Năm mới diễn ra hôm qua, còn lại những khung bạt chưa dỡ,
hệt như khung cảnh mở đầu bài hát Happy
New Year của ABBA: “Sâm banh đã cạn
và pháo hoa đã hết. Anh cùng em, chúng ta vẫn đây. Mất mát và buồn bã làm sao.
Khi bữa tiệc đã kết thúc, và buổi sớm nay sao xám xịt. Không hề giống ngày hôm
qua…”
Luang Prabang nằm ở vĩ tuyến ngang với Bắc Bộ nước ta, lại ở
trên cao nguyên, nên nhiệt độ mát mẻ hơn hẳn Viêng Chăn. Những làn sương bảng
lảng trên những triền dốc ở đây giống những mùa đông Hà Nội hoặc Sapa. Những
con đường ít xe cộ, những đôi trai gái bước thong dong dưới những rặng hoa đại,
những chạm khắc mặt Phật cho đến vũ nữ đều thấm vẻ từ bi, man mác như những
ngôi làng cổ Bắc Bộ.
Đan xen vào giữa khung cảnh di sản là những ảnh hưởng Tây
phương. Biển báo đường dành cho người đi bộ có hình cô gái mặc váy áo truyền
thống và búi tóc. Nhà hàng nấu kiểu Pháp. Những quán bar nho nhỏ có hàng hiên
nhìn ra phố. Không có nhiều cô gái mắt xanh mỏ đỏ nhưng có những ông Tây già
ngồi ôm những cậu trai bản địa. Nếu như ở Viêng Chăn chúng tôi phải đợi bốn
mươi lăm phút mới có món ăn đầu tiên và duy nhất thì ở Luang Prabang tốc độ
nhanh nhẹn hơn nhiều, chỉ mười lăm phút tôi đã có cả một bàn ăn sáu bảy món. Ở
đây xem ra toàn cầu hóa nhiều hơn, từ đồ ăn cho đến các dịch vụ “giao lưu tình
cảm”. Nhưng về cơ bản, vẫn là một thành phố trầm lắng. Người bạn đồng hành có
vẻ đã chán nên về trước. Tôi còn muốn đi vào rừng và cưỡi voi xem sao.
Cái lạnh cao nguyên khiến tôi ngây ngấy sốt. Tôi bỏ ý định
cưỡi voi, quay về một mình. Khí hậu khắc nghiệt và hai mươi ba tiếng đồng hồ từ
Lào về Hà Nội theo lộ trình cũ khiến tôi ngán ngẩm. Tôi quyết định mua vé máy
bay. 180 đôla là khá đắt với tôi lúc ấy. Tôi hi vọng là ngoài tờ 100 đô trong
ví, tôi có thể mua bằng số tiền Kip còn lại. Lúc ấy tôi chưa dùng thẻ tín dụng
quốc tế. Thật lạ lùng, vào lúc đó, tôi chưa hề có một ý niệm về việc chuẩn bị
tư trang, cứ đi là đi. Trên chuyến xe từ bến xe về trung tâm Viêng Chăn, một
anh chàng người Mỹ bắt chuyện giết thì giờ. Chuyện về những chỗ đã đi ở Lào.
Tôi hỏi hắn có cưỡi voi không. Hắn nhún vai: “Tao không thích cách người ta đối
xử với loài vật như thế.” Vậy là mày giống một nhà hoạt động môi trường. Hắn
gật gù, “Tao ăn chay”. Nhìn tướng tá gồ ghề, đầu bịt khăn hoa, tai đeo khuyên,
người xăm trổ của tay này, tôi lấy làm thú vị về sự nghịch lý. May mà tôi chưa
nói là mình định cưỡi voi.
Tôi bước vào quầy vé của Vietnam Airlines ở tòa nhà Lao Plaza ,
đặt ngay vé đi Hà Nội. Tôi rút tiền ra. Tôi choáng váng vì tờ đô la mình có là
đồng… một đô. Thế là tôi phải cay đắng hủy vé, mất oan số tiền phạt trong khi
chưa kịp cầm trên tay cái gì hết. Tôi giận mình đến muốn khóc. Tại sao tôi
không chịu làm thẻ tín dụng quốc tế? Tại sao tôi lại chủ quan đến vậy… Tôi vẫn
cứ là trẻ con, là đồ nhà quê, v.v...
Tôi lủi thủi ra bến xe và bắt chuyến về Hà Nội trong cái
nóng Trung Lào. Hai mươi ba tiếng đồng hồ trên xe, tôi thấm thía hơn lúc nào
cảm giác mong về nhà. Cạnh chỗ tôi, một bà già người Lào say xe nôn tóe loe,
rồi cánh Tây balô cãi nhau với lơ xe Việt khi bị xếp xuống cuối xe để nhường
cho đám buôn chuyến lèn hàng. Gần một ngày đêm trên ôtô lèn chặt người, tôi
không còn cách nào khác là ép mình đọc hết sạch cuốn sách Lonely Planet về Lào. Một thao tác ngược đời vì khi rời đất nước
này, tôi mới có thời gian đọc thật kỹ, từng đoạn, từng trang… Rồi tôi thấy đây
là cuốn sách hay nhất trong những cuốn mà tôi đã đọc trong loạt sách này. Tác
giả đã sống ở Lào gần mười năm. Những dẫn chứng thú vị như người Pháp thời cai
trị Đông Dương đã kết luận: Nếu người An Nam
trồng lúa để nó lớn, người Miên nhìn lúa lớn thì người Lào nghe lúa lớn.
Những câu chuyện về Hoàng gia Lào đã bị đày đến chết ở một cái hang ở tỉnh Sầm
Nứa, trong khi sử chép họ tham gia Hiệp thương chính trị… Đất nước thanh bình
với những ngôi nhà mái dốc xinh xắn như minh họa truyện tranh trẻ con, hiếm hoi
thấy nhà bê tông mái bằng, hóa ra cũng có một lịch sử nhiều đau khổ và loạn
lạc. Tôi cay mắt khi nhớ lại tòa nhà Hoàng cung bé tí quét vôi trắng ở cạnh ngã
ba sông Mê Kông và Nậm Khăn.
Để rồi từ đó, tôi lâu lâu lại nhớ cảm giác chơi vơi bên bờ
Mê Kông lộng gió của một ngày đầu năm, nơi tôi đã ngỡ như mình đã suy niệm được
điều gì trọng đại lắm. Tôi mới chỉ nhìn thấy những khuôn mặt Phật mà vội đánh
dấu “đã đến trước khi chết”. Cho đến lúc đắm mình trong câu chữ của cuốn sách,
tôi mới thấy, nhỡ chuyến bay có thể là điều không may, không có thẻ tín dụng có
thể là kém cỏi, nhưng cơ hội đắm mình trong một cuốn sách hướng dẫn du lịch, để
rung cảm với số phận một đất nước, thì rất khó lặp lại.
N.T.Q
Nhận xét