Đường cong ngựa, dáng mỹ nhân

Có bạn ở báo Giáo dục & Thời đại năn nỉ mình viết một bài theo chủ đề oái oăm kinh khủng: mối liên hệ giữa ngựa và phụ nữ. Đúng là năm Ngọ, mà phụ nữ thì như hoa Xuân, vậy là có bài này đủ hai thành phần.

Trong bối cảnh văn học nghệ thuật đương đại, ngựa ít được nhắc tới. Phần vì ngựa không còn được dùng ở đô thị mà nông thôn cũng vắng bóng. Phần vì ngựa ở Việt Nam không có những dấu ấn sang cả như trong các thú chơi quý tộc hay nhà giàu Âu Mỹ. Những hình tượng “khách đà lên ngựa người còn nghé theo” đã quá xa xôi, chỉ còn được lôi ra trong giờ giảng văn khi thầy cô dạy Truyện Kiều. Ngựa của thời hiện đại là “người ngựa, ngựa người” hay “đầu trâu mặt ngựa”. Và “đồ đĩ ngựa”. Dĩ nhiên đối tượng so sánh hiếm hoi đặc biệt ở đây là phụ nữ lẳng lơ, trắc nết, những người thực ra được ngầm hiểu là có hấp lực ghê gớm về tình dục. Với những người này, họ cũng gợi hình ảnh những đường cong thường có ở những con ngựa sung mãn. Ngựa trung thành nhưng có lúc bất kham, có khi đá hậu. Những cô gái hoang dã tựa như con ngựa chưa được thuần, như cách nói của nhà văn Gabriel García Marquez: “hai người chị gái rất ồn ào, vừa tới tuổi dậy thì, giống như hai con ngựa non không lúc nào chịu đứng yên”. (Tiểu thuyết Ký sự về một cái chết đã được báo trước).

Bắt đầu từ mái tóc. Khi người phụ nữ muốn tỏ ra hiền thục, chờ đón thụ động (thực ra có khi đã ủ mưu sẵn), họ xõa tóc rủ xuống. Nhưng khi họ buộc vênh vểnh lên như cái đuôi ngựa, lại ra vẻ khiêu khích và sẵn sàng tham chiến. Khi họ chạy với mái tóc tung bay, họ giống loài ngựa phi nước kiệu trên thảo nguyên. Hình tượng con ngựa phóng khoáng tung bờm có vẻ tự do. Khi ngựa cúi đầu nhẩn nha gặm cỏ, dáng vẻ buông thả trên những cặp chân cao tựa như những cô gái đang chăm chút bản thân. Những đường lượn mềm mại trên cơ thể khi chuyển động tựa như những làn sóng. Có thể thấy sự mê say theo đuổi những khối cơ uyển chuyển này trên vô vàn bức tranh hội họa từ Đông sang Tây. Người ta đã biết dòng tranh vẽ ngựa của danh họa Từ Bi Hồng đầu thế kỷ 20. Còn ở những bảo tàng và bộ sưu tập tranh cổ điển hay Baroc khắp châu Âu, chủ đề tráng sĩ và anh hùng cưỡi ngựa tràn ngập. Những con ngựa được vẽ thành tranh, được tạc tượng như một đối tượng thẩm mỹ đặc biệt. Ngựa trở thành động vật được vẽ trên tranh nhiều chỉ sau con người.

Với tranh thủy mặc Trung Quốc, những đường nét mềm mại của lông bờm, đuôi hay các múi cơ trên mình ngựa vẽ bằng nét vờn tương phản với những đường rắn rỏi, kỷ hà của các cặp giò hay sống mũi. Ở tranh cổ điển châu Âu, là sự cuồn cuộn đầy sức sống trong thủ pháp đánh sáng mạnh mẽ, tạo nên hình thể ngựa như đang dồn hết nỗ lực trong những bối cảnh chiến trận, bên cạnh người hùng trung tâm. “Tôi cho rằng, cảm giác chinh phục cùng khống chế trong một số trường hợp không hề phân biệt đối tượng. Đối với phụ nữ cũng vậy, chinh phục phụ nữ giống như chinh phục ngựa, càng khó khăn, tôi lại càng thấy hứng thú.” Lâu lâu trên mạng có những truyện kiếm hiệp kỳ tình giả cổ, mang những cái tựa li kì. Chinh phục đàn bà như chinh phục ngựa.

Cái yếu tố bí ẩn của loài ngựa, loài vật chỉ phát ra những âm thanh bí ẩn xa lạ với người thường, giống như vẻ mặt mơ hồ bí ẩn của những người đàn bà xa lạ “buồn không nói” trong tranh Tô Ngọc Vân. Ở những bức tranh ấy, nhân vật biểu đạt tâm tình, thái độ, thân phận lẫn cá tính qua đường nét cơ thể. Cách các cô vươn tay, rẽ tóc, nghiêng người, có khi nào là một phảng phất của cái hất đầu, dậm chân, phi nước kiệu… của những hình ngựa đẹp?

Ngựa không khi nào nằm, mà cả đời khỏe mạnh sống trên những đôi chân cao. Người ta cũng chỉ thấy mỹ nhân “trường túc bất tri lao”, phô dáng hình uyển chuyển trên đôi chân thẳng tắp, là xứng đẳng cấp hoa hậu người mẫu. Ngựa mà nằm hay khuỵu gối là ngựa đã hỏng, đã tàn hơi. Mỹ nhân nằm bệnh ở chừng mực nào đó cũng gây cảm hứng, dáng nằm của các nàng cũng được các nghệ sĩ khắc họa rất nhiều, nhưng những đường cong cơ thể ấy chỉ phát huy vẻ đẹp khi chuyển động. Người phụ nữ Việt thời đầu thế kỷ 20 thường có chiều cao khiêm tốn. Cuộc cải cách áo dài của các họa sĩ Cát Tường và Lê Phổ giữa những năm 30 đã du nhập một thứ quan trọng của Paris: đó là guốc cao gót. Thứ này khiến phụ nữ Việt thành thị mặc áo dài phải chuyển động trên gót được kê cao, khiến cho dáng đi trở nên “ngực tấn công, mông phòng thủ”.

Và thời này, đôi guốc hoặc giày đế cao này có tên guốc phi mã, còn được quảng cáo trên báo chí: Bấy lâu đáy bể mò kim/ Kiểu giày phi mã nay tìm đã ra. Còn tác giả Vương Hồng Sển trong Sài Gòn Tạp pín lù cũng mô tả: “Ngày nay các cô tân thời đi guốc ‘Phi mã’, guốc cao gót để dễ ẹo bên nầy ẹo bên kia cho đúng mốt” (Bài Cô Ba Trà kể lại cuộc đời...). Cũng hóm hỉnh khi những chủ hiệu tung ra loại guốc có tên dễ liên tưởng đến dáng chạy của loài ngựa mà không thấy cô gái tân thời nào chê, và bán có vẻ chạy, hoặc ít nhất đã thành biểu tượng đỏm dáng một thời Hà thành. Cứ nhìn vào hình những cô gái mà vạt áo dài như cùng bay theo mái tóc trong tranh các họa sĩ Mỹ thuật Đông Dương 80 năm trước, chẳng khác gì những chú ngựa phi nước kiệu, người ta sẽ hiểu cái lý của sự so sánh này.

Nguyễn Trương Quý

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm