Đôi tất trắng đàn ông

(Bài viết ủng hộ tạp chí TTVH Đàn Ông số 100)

Cách đây 8 năm, nhiều người đi ăn cưới vẫn mặc quần âu sẫm màu, giày đen và tất trắng. Các cửa hàng bán tất (miền Nam gọi là vớ) khá nhiều tất trắng. Một nhà văn từng chế giễu hiện tượng rất nhiều ông ăn mặc lối ấy, gọi là chân sản phụ hay chân bó bột. Đúng là cho đến lúc ấy, thế giới chỉ thấy Michael Jackson đi tất trắng cùng giày đen nhảy điệu Moonwalk trong các video ca nhạc. Người ta giải thích, ông hoàng nhạc Pop đi tất như thế là để làm điểm nhấn cho khán giả nhìn vào bước nhảy của mình. Đàn ông Việt có lẽ ám ảnh về việc chứng minh mức độ vệ sinh sạch sẽ của mình sau những năm tháng nghèo khó bằng những đôi tất trắng phau “vợ tôi vừa mới giặt” và “nhà tôi có dùng bột giặt cực mạnh”.

Bây giờ thì mua tất trắng hơi bị khó. Toàn những màu lịch thiệp xam xám, ghi ghi. Cứ như thể đã có một cuộc cách mạng về thời trang đàn ông. Cái gì đã làm nên điều ấy? Đàn ông Việt thường ít thay đổi trừ khi sự thay đổi ra tấm ra món, thật hoành tráng và dễ thấy, như cách đây vài tuần, tôi vẫn nghe thấy người mua hàng ở một siêu thị quần áo nhắc nhau: “Nhớ tìm cái áo kiểu NATO ngày trước”. Trời ạ, tôi xúc động như thể trở về quá khứ 20 năm trước, khi mà toàn thể đàn ông miền Bắc khao khát áo jacket có tên NATO (có vẻ giống áo đồng phục của sĩ quan khối quân sự Bắc Đại Tây Dương) cũng như áo lông Đức. Quả thực, những cái áo dày cồm cộp màu xanh rêu này vừa khéo nhắc lại thời chiến tranh đã qua, vừa mang đường nét ngoại lai Tây phương lúc ấy hãy còn rất xa xôi sau những thập niên Việt Nam bị cấm vận. Thay đổi từ áo bay bộ đội lên áo NATO mang quy mô khác hẳn đổi màu tất. Vì thế để đàn ông Việt coi một đôi tất trắng là phản thời trang thì đòi hỏi một tầm cỡ tinh tế hơn. Vào cái thời truyền hình cáp chưa có, các show thời trang chủ yếu khoe đồ lót hay váy dạ hội phụ nữ, thì một tạp chí có màu sắc thời trang cho đàn ông như Thể thao & Văn hóa Đàn Ông là một sản phẩm khiến người ta dần dần nhận ra, nên và không nên mặc cái gì. 

Tờ tạp chí này ra đời để đàn ông Việt Nam thấy báo chí giải trí không chỉ có mỗi bóng đá, xổ số và chuyện vụ án, mà còn có vô số cái khác: ăn mặc, đi lại, xe cộ. Các thứ giải trí không còn tăm tối như bóng đá để cá độ, xổ số để đánh đề, vụ án để nhấm nháp cái sự hoành tráng của các băng đảng bị truy quét; nó là sản phẩm của một thời hòa bình, xã hội đã có tích lũy và con người đã biết hưởng thụ. Nguyên việc đưa hình người đàn ông đỏm dáng ra bìa tạp chí cũng đã thể hiện một tư duy mới mẻ ở một xã hội tưởng như đậm đặc nam quyền nhưng lại quen mặc đồng phục màu áo lính, chẳng đếm xỉa đến sự khác biệt của mỗi cá nhân. Việc các cô gái đẹp khoe dáng trên bìa tạp chí đã khá quen thuộc, nhưng một doanh nhân sành điệu xuất hiện ở trên đó khẳng định một cái nhìn khác trong truyền thông. Nó gây cảm giác “chính danh ngôn thuận”, thay vì một thời dân làm ăn thậm thụt những câu chuyện không rõ thực hư, rò rỉ qua những bài phóng sự quá đậm tính văn chương trên báo Lao Động hay Tiền Phong. Cùng với tờ Đàn Ông, một loạt những tờ khác cũng ra đời sau đó, tạo nên một làn sóng khắc họa hình ảnh đàn ông Việt Nam đĩnh đạc và hấp dẫn. Ít nhất thì người ta cũng thấy đàn ông nước nhà trên các hình ảnh hoặc phim quảng cáo cũng to cao đẹp trai, răng trắng đều cả hai hàm, cơ bắp nở nang, đặc biệt là mặc comlê không đến nỗi như khoác đồ đi mượn.

Nhờ một quá trình như thế, những thứ tiểu tiết kiểu những đôi tất trắng mới dần biến mất khỏi tủ quần áo của họ. Nó là một sự đánh dấu một lớp người biết quan sát tinh tế hơn, biết nhìn ra xung quanh và hội nhập. Tất nhiên, một đôi tất trắng chẳng phải là điều lớn lao gì mà những tạp chí đàn ông hay kiến thức về thế giới mang lại cho đàn ông Việt Nam. Còn vô vàn những góc cạnh khác: chuyện làm ăn kinh tế, các bài học tài chính, sự hình thành thị trường chứng khoán, những câu chuyện về sức khỏe và bài tập thể dục… Cuộc sống đầy những bất trắc mà người đàn ông phải đối diện, và tạp chí đàn ông trước hết phải là nơi đưa ra những lời giải cho họ, có vậy mới khiến họ bỏ tiền ra mua. Mấy người mua tạp chí về để ngắm những kẻ lạ hay đọc những thứ chẳng liên quan đến mình?

Nói cho cùng, mua một tờ tạp chí đàn ông cũng là mua những giọng điệu đặc biệt mà tờ ấy tạo ra. Chia sẻ, cảm thông, kiêu bạc, những giọng điệu nhiều khi giúp cho một vài ý tưởng lóe lên trong đầu người đọc giữa lúc họ lật giở bên bàn cà phê hoặc cơm trưa văn phòng. Nó mà mang cái giọng đồng ca như muôn vàn tờ khác thì đã không chạy được đến hơn 100 số, nghĩa là ngần ấy người đàn ông được lên hình bìa, và chắc họ không đi giày đen tất trắng.

Nguyễn Trương Quý
(TTVH Đàn Ông số 100)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm