Các bi kịch thiểu số của Lý An

.
Nhân chuyện phim ảnh, bài này viết cũng lâu rồi, nhân báo Sinh viên Việt Nam đăng bản ngắn, mình xin đăng cả bài nguyên. Bài này viết cho một dự án sách điện ảnh sắp ra mắt của bạn Lâm.

...

Các bi kịch thiểu số của Lý An


Bằng cách nào mà những bi kịch nhỏ lại khiến số đông đồng cảm, thậm chí thành hiện tượng? Phẩm chất của bộ phim là một kỹ thuật kể điêu luyện hay một xúc cảm bồng bột đem lại cho khán giả trong khoảng hai tiếng đồng hồ? Như thường lệ, thật khó trả lời, nhưng phim ảnh là vậy, đưa được những góc khuất đời sống thành câu chuyện của công cộng.


Lý An chắc chắn là một ngôi sao nổi bật của thời toàn cầu hóa. Từ những bối cảnh Á Đông cho đến nước Anh thời Victoria hoặc miền Tây nước Mỹ hẻo lánh, phim nào Lý An cũng khiến thế giới quan tâm và giành được nhiều giải thưởng. Nhưng những truyện phim của Lý An là những câu chuyện của thiểu số, của những kẻ bên lề cố gắng nhập cuộc vào dòng chính. Những cố gắng của mấy kẻ đó khi thành công, khi thất bại, nhưng cuộc tìm kiếm chỗ đứng của họ bao giờ cũng mang lại đầy vết trầy xước của tâm hồn con người trong cái máy nghiền bạo tàn của thiết chế số đông.


Điểm lại những phim của Lý An, từ bộ phim đầu tay Thôi Thủ (Tay đẩy, 1992) đến bộ phim vừa ra mắt Taking Woodstock về nhạc rock, giải phóng tình dục và hippy những năm bảy mươi, những câu chuyện và những nhân vật phần lớn là những kẻ ngoài lề hoặc lạc loài. Tay đẩy là câu chuyện sốc văn hóa của một người ông từ Trung Quốc nhập cư vào gia đình người con trai lấy vợ Mỹ ở New York. Hỉ Yến (Wedding Banquet, 1993) là phim hài hiếm hoi của Lý An về một cặp đồng tính kẻ Đài Loan người Mỹ, với những xung đột quen thuộc về vấn đề đạo đức truyền thống Á Đông được giải quyết bằng những nỗ lực cá nhân có phần lý tưởng, làm khắc sâu thêm sự va chạm của khác biệt văn hóa Đông-Tây, quyền mưu cầu hạnh phúc của cá nhân với trách nhiệm định sẵn của giáo lý. Lý trí và tình cảm (Sense and Sensibility, 1995), dựa trên tiểu thuyết nổi tiếng của Jane Austen là chuyện tình của những người phụ nữ nhạy cảm tìm cách vượt ra khỏi khuôn khổ thụ động mà xã hội nam quyền thế kỷ XIX dành cho họ. Dù là phim hành động thì Ngọa hổ tàng long (2000), Hunk (2003) cũng xoay quanh những nhân vật người hùng lập dị, những kẻ lẩn tránh và không hiện diện bình thường ở xã hội đang có.


Lý giải về sự lựa chọn của mỗi người là vô cùng, nhưng Lý An có những điểm khiến người ta dễ cho rằng là xuất phát cho thiên hướng tìm những khía cạnh mâu thuẫn cá nhân-cộng đồng: là người thừa hưởng nền văn hóa to lớn của Trung Hoa, nhưng lại sinh ra ở hòn đảo ly khai Đài Loan, là người Á Đông nhưng những bộ phim là sự khẳng định chỗ đứng ở phương Tây, là nhà làm phim bom tấn nhưng cũng chuyên trị tìm những đề tài hóc búa và phức tạp về tâm lý. Khía cạnh giải phóng cảm xúc cá nhân, cái ngập ngừng giữa giá trị cũ và sự đổi thay là yếu tố xuyên suốt những bộ phim gây tiếng vang của Lý An.


Hai bộ phim gần đây là Brokeback Mountain (2005) và Lust, Caution (Sắc, Giới, 2007) là hai câu chuyện về bản thể được đánh thức qua mối quan hệ thể xác của các cá nhân. Phim của Lý An là phim của những cá nhân. Họ tìm kiếm nhau và phát hiện ra con người thật của mình và điều quan trọng là họ dám sống với sự thật đó, cho dù kết cục bất hạnh.


Hai bộ phim đều chuyển thể từ hai truyện vừa của hai nhà văn nữ, Annie Proulx của Mỹ và Trương Ái Linh của Trung Quốc. Hai tác phẩm văn chương mỏng mảnh về số trang nhưng sự công phu trong bối cảnh đã là yếu tố để Lý An phát triển bằng sự hiểu biết sâu sắc về hai nền văn hóa ông đang đồng hành sống. Brokeback Mountain gây chú ý bởi đề tài tình yêu đồng giới giữa hai chàng cao bồi chăn cừu ở một vùng miền núi Wyoming, còn Sắc, Giới lại li kì với câu chuyện tình tinh vi đẫm nhục cảm trong lớp lang của bi kịch gián điệp Thế chiến II. Từ hai câu chuyện có phần lỏng lẻo, hai bộ phim của Lý An đã dựng nên được không gian của xã hội đương thời. Đấy là nơi mà con người chỉ có ít sự lựa chọn, và đau xót cho họ là sự lựa chọn của họ lại bị coi là trái với đạo đức xã hội của tập thể, của số đông.


Brokeback Mountain là câu chuyện của hai gã trai nhà quê học vấn thấp, lao vào nhau vì nhu cầu nương tựa ở vùng cao nguyên hoang liêu, vì sự hấp dẫn giới tính mà người bình thường không hiểu được và thậm chí còn ghê tởm. Hơn lúc nào hết, việc hai tâm hồn đến với nhau từ những nhu cầu bản năng, sự cô đơn cần hơi ấm nơi núi rừng lạnh lẽo khiến cho mối quan hệ là một lẽ tự nhiên, gợi lại một câu chuyện chia sẻ có tính phúng dụ về cặp đôi người chinh phục và kẻ đồng hành – hai cá thể cần nhau để sinh tồn. Hai gã Jack Twist (Jake Gyllehal đóng) và Ennis del Mar (Heath Ledge đóng) ban đầu còn chối bỏ tình cảm nảy sinh giữa họ, cho đó chỉ là một loại quan hệ không phải tình yêu. Mối quan hệ của Jack và Ennis theo cái nhìn của Lý An có sự phát triển về nhận thức. Giây phút Jack lái chiếc xe đi khỏi khu trại là lúc Ennis nhận ra hắn đã yêu, và lúc ấy cũng là khi hắn vuột mất một tình yêu mà hắn chưa hề chuẩn bị đón nhận.


Không cần phải kể lại nhiều về một bộ phim được xem như “diễm tình bi kịch” nhất sau Titanic. Những chuyện như hai người lập gia đình riêng, tái ngộ và kẻ còn người mất, vốn là những bi kịch nhỏ đầy rẫy trong phim ảnh. Nhưng cuộc sống của hai con người đau khổ ấy trong một xã hội có đổi thay vật chất hiện ra bàng hoàng như một đoạn phim tài liệu. Ennis tóc vàng đi làm công nhân sửa đường nhựa, lấy một cô vợ chân chất, sinh con đẻ cái trong một ngôi nhà ọp ẹp nơi đồng hoang, tã lót và đồ đạc lủng củng vây quanh thân thể to lớn như gợi nhắc về hình ảnh một chàng chăn cừu nơi núi rừng phóng khoáng nhiều năm trước. Cảnh phim chuyển dần sang cảnh ngôi nhà dần nâng cấp, có đài radio, có đồ gỗ formica của những năm sau, ngăn nắp hơn, tiện nghi hơn, nhưng con người Ennis vẫn như vướng víu trong tổ ấm miễn cưỡng ấy. Cho đến lúc lá thư của Jack đến…


Còn anh chàng Jack tóc nâu? Anh chàng này được tác giả Annie Proulx đặt là vai nữ trong quan hệ đồng giới, không chỉ vì tư thế làm tình mà còn vì cá tính duy mĩ và nhạy cảm hơn. Cuộc đời của Jack mặc dù thành công hơn, là một hình ảnh của giấc mơ Mỹ trong những phim ảnh cổ điển - lấy vợ đẹp, tham gia kinh doanh và tháo vát trong cuộc sống, nhưng cũng bất ngờ cho thấy tất cả chỉ là một bức màn che giấu. Ta không thấy Jack bộc lộ sự chán chường hay khắc khoải, những cảnh phim có Jack là những cảnh hoạt, đấu lý, cãi cọ và hồ hởi như nhiều cảnh phim Mỹ phổ thông khác. Jack về mặt nào đó, có mẫu số chung với những Gatsby của F. Scott Fitzgerald hay Gót sắt của Jack London, những mẫu đàn ông người hùng bi kịch. Jack là người dám phiêu lưu như phong cách của những nhân vật người hùng đó, vì thế việc Jack dám mạo hiểm đi tìm Ennis cũng chỉ là vấn đề thời gian. Cách thức triển khai nhân vật đến đây vẫn nằm trong cái khung quen thuộc của dấn thân kiểu Mỹ. Nhưng sự tinh tế của bàn tay đạo diễn ở chỗ đặc tả được sự dồn nén của hai tâm hồn lưu lạc. Việc họ tìm đến nhau thực tế là hồi tưởng lại thời thơ ngây ở núi Brokeback, khi cả khái niệm về mối tình còn chưa được hình thành.


Nếu chỉ có vậy thì dù Jack chết, câu chuyện tình núi Brokeback vẫn chỉ là một câu chuyện diễm tình. Điều phía sau của câu chuyện ấy là hậu cảnh hai mươi năm trời, không khí lạnh lẽo của xã hội đối với những con người dưới đáy thấp cổ bé họng. Jack có được tình yêu từ người vợ xinh đẹp Lureen Newsome (Anne Hathaway đóng) là có cơ hội ngoi lên địa vị lớp trên, nhưng tiếng nói của anh ta là tiếng nói đồng thuận với người vợ quán xuyến công việc và ông bố vợ trung lưu. Phần đời của Jack khi này chỉ là màn sinh hoạt nhàm chán và công thức. Jack chỉ có tiếng nói riêng trong những phút cuồng bạo nơi quán nhậu, gợi lại những lúc lang thang chăn cừu với Ennis.


Cuộc sống của Ennis cũng chỉ là vệt mờ buồn xám. Cảnh gia đình dắt díu đi hội chợ ngắm pháo hoa rồi Ennis nện cho mấy gã thanh niên cà khịa, rồi yên phận dắt nhau ra về, có gì đó thật cay đắng cho một kiếp người tẻ nhạt và vất vả. Câu chuyện cao bồi nhà quê bị khinh rẻ lẫn sự sợ hãi về bản thể đồng tính luyến ái bị xã hội chối bỏ có gì đó gợi nhớ đến Midnight cowboy (Chàng cao bồi nửa đêm, 1969, đạo diễn John Schlesinger), một bộ phim đầy cảm thương đối với những phận người bé mọn trong một xã hội nhiều kỳ thị và cách biệt giàu nghèo. Chủ đề đồng tính luyến ái của phim Lý An dễ khiến khán giả lầm tưởng là một bộ phim xoáy vào sự kỳ thị thiên hướng tình dục, song trên hết, bộ phim này chia sẻ với bộ phim của Schlesinger ở khía cạnh mổ xẻ khát vọng sống của con người.


Tình yêu cấm kỵ tiếp tục là chủ đề của Sắc, Giới hai năm sau đó. Và dường như đây cũng là sự đồng cảm của một LHP đề cao những yếu tố độc lập như Venice khi họ trao giải Sư tử vàng cho bộ phim thứ hai của Lý An trong vòng ba năm. Sắc, Giới dường như kết hợp những sở trường của Lý An: khám phá sắc thái tâm lý tình cảm tinh vi của phái nữ, mang sẵn trong mình dòng văn hóa nguồn cội, khả năng bắt trúng đặc trưng tác phẩm văn học nguyên tác.


Mặc dù Lý An cho nhân vật nữ của mình là nàng Vương Giai Chi được sống nhiều hơn so với của nữ sĩ Trương Ái Linh, nhưng có đọc cả hệ thống truyện ngắn tinh tế của kỳ nữ trên văn đàn hiện đại Trung Quốc này mới thấy, Lý An đã công phu thế nào để dành đất cho nhân vật tung hoành. Nhiều cảnh ân ái của Vương Giai Chi (Thang Duy đóng) và mật thám Dị (Lương Triều Vĩ) khá sốc với những ai mong đợi cách làm phim duy mỹ của Lý An từng làm với Sense and Sensibility, ở đây Lý An để cho khuôn hình đặc tả ấn tượng nóng bỏng của thân thể hai kẻ cô độc trong cái lốt ngụy trang của mình. Cái lốt thực mà giả, ân ái giả mà thực. Hai kẻ đó chỉ có những giây phút trần trụi để là chính mình.


Giai Chi vừa phải sống vai trò của một nữ sinh viên trong tổ chức cách mạng (thứ chỉ nói lên thành phần xuất thân của cô), vừa phải đóng vai một mệnh phụ vắng chồng tham gia các tiệc trà tốn kém (đặc điểm này là lớp diễn cái vỏ quý phái kiêu sa của cô), vừa phải kiềm chế dục vọng khao khát trong khi phải dùng chính dục vọng ấy để làm mồi nhử trùm mật thám Dị, kẻ mà cô có nhiệm vụ gài bẫy để trừ khử. Đây là tình huống đắt giá, thể hiện sự bạo tay của Lý An so với nguyên tác.


Bộ phim cho đến trước cảnh nhóm sinh viên giết kẻ phản bội trong nhóm vẫn hoạt động theo lối nghĩa hiệp, lý tưởng hóa có nét gợi lại kiểu phim tâm lý xã hội Hồng Kông hay Đài Loan. Cách xử lý mang màu sắc kiếm hiệp kỳ tình - tưởng có vẻ xoàng xĩnh - thực tế là dụng ý của Lý An. Kiếm hiệp là một ý niệm về tinh thần thượng võ và duy cảm, hợp với tính hồn nhiên bột phát của những người trẻ tuổi dấn thân cho việc nghĩa. Nhưng khi nhiệm vụ bị thất bại ngoài ý muốn, mỗi người mỗi ngả, người xem nhận thấy Lý An đã tạo cho các nhân vật một khoảng lặng có lý. Tuy vậy, khi phải rút vào bí mật, Giai Chi nhận ra bi kịch thực sự của mình giờ mới bắt đầu, bởi vì tình cảm chớm nở giữa cô và Dị. Khoảng lặng ấy là niềm khao khát bị chôn giấu của Giai Chi. Lý An thúc đẩy niềm khao khát ấy bằng việc Giai Chi hưởng ứng mau lẹ việc trở về Thượng Hải, dấn thân vào nhiệm vụ mà các đồng chí ủy thác.


Để thỏa mãn tình cảm bị thôi thúc trong mình, Giai Chi chấp nhận những quy tắc Maoism khắc nghiệt của tổ chức - vốn đã trở thành đơn vị hoạt động chính trị thông qua sự có mặt chỉ đạo của một vị cán bộ bí mật. Cô đã chọn kết cục cho mình, bởi chẳng có cơ hội quay đầu lại giữa hai thành lũy sắt máu của hai phe đối địch. Giai Chi của Lý An chỉ ngoái đầu lại một lần và bước trên con phố hun hút để rồi khuất sau cánh cửa nhà họ Dị. Sau lưng cô là con đường đã bị chặt đứt bởi lá thư gửi cho người cha ở Anh hẹn ngày tái ngộ đã bị viên cán bộ đốt. Trước mặt cô là cánh cửa thử thách: đam mê ngùn ngụt với người tình mâu thuẫn với nhiệm vụ giết hắn ta. Giai Chi thản nhiên chấp nhận bởi với đời sống của cô chỉ còn duy nhất niềm hoan lạc là cô sở hữu được. Bi kịch của con người mang những khát vọng nhân bản vì thế cao hơn một chuyện tình li kì. Trương Ái Linh cho Giai Chi cứu người tình của mình ở hiệu kim hoàn, và cái kết buông ở đó với nỗi trống rỗng vô tận. Lý An cụ thể hóa nỗi đau bằng vụ xử bắn toàn bộ thành viên của tổ chức sinh viên, với chút dằn vặt của Dị ở cảnh kết trong lúc một mình.


Lý An rất khéo ở khả năng gia giảm liều lượng. Hai bộ phim đều bị dán nhãn giới hạn độ tuổi cũng như những yếu tố gây tranh cãi về đạo đức hay quan niệm lễ giáo. Song việc theo đuổi những ẩn dụ thẩm mỹ tinh tế, những góc hình tuyệt mỹ đã khiến phim có vẻ hấp dẫn trong trẻo chứ không u uất tù đọng như nhiều phim cùng chủ đề. Vì thế dư âm để lại cho người xem là sự đồng cảm với quyết định của nhân vật. Nhân vật của Lý An không nói những lời có cánh, không tìm cách bộc lộ sự sắc sảo ngôn từ, không khôn ngoan kiểu mẫu người cải tạo môi trường xung quanh của Hollywood. Họ có logic riêng, thông qua cảm xúc mà nhà làm phim đặc tả, khiến cho người xem chấp nhận. Sự chấp nhận ấy còn do cái phanh Lý An tạo ra trước khi cảm xúc có nguy cơ bị đẩy tới mức cải lương: hình ảnh cái áo cũ của Ennis phủ lên cái áo của Jack ở cảnh kết là phút trữ tình cân bằng lại nét khô gắt của quan hệ đậm nét nhục dục thô bạo trong phim.


Cũng có thể nói là phim của Lý An an toàn, chỉn chu. Những gì sốc cho khán giả thực ra đã dự báo trước bằng sự nhập cuộc từ tốn của truyện phim. Lý An nhẩn nha cho nhân vật thăm dò nhau, phô diễn tài nghệ đặc tả tâm lý, và cái phần gay cấn kia là hệ quả tất yếu. Phim của Lý An vì vậy có màu sắc cổ điển, bài bản và đấy là một lý do khiến chúng nhận được sự đánh giá cao của các giải thưởng phim lớn châu Âu, Mỹ và cả quê nhà ông. Một câu chuyện nhân bản được kể bằng một lối trau chuốt nhưng không rườm rà, không sa đà những môtíp sến, vì thế không có gì lạ khi chinh phục khán giả toàn cầu.


Nỗi cô độc của con người trong cuộc tìm kiếm hạnh phúc trong phim Lý An thực ra là cuộc xoay xỏa tìm kiếm chỗ đứng cá nhân trong mối ràng buộc của xã hội, nhất là khi họ là những kẻ ngoài lề, những sinh mệnh nhỏ bé không có gì để bấu víu ngoài lòng nhạy cảm. Tính thiếu lý tưởng của các nhân vật ở đây là đặc điểm của dòng phim lấy những đối tượng phản-anh hùng làm chủ thể. Điều này làm cho phim của Lý An luôn để lại những luận đề ngoài hình sau khi dòng chữ kết phim hiện lên.


Nguyễn Trương Quý

.
Tham khảo:
+ Chuyện tình núi Brokeback, Annie Proulx, Phạm Văn dịch, Nhã Nam và NXB Văn học, 2008.
+ Sắc, Giới, Trương Ái Linh, Phan Thu Vân dịch, NXB Trẻ, 2009.
.

Nhận xét

sonata đã nói…
TQ phân tích phim hay thế :))thành ra hay "mọi nhẽ"!, cả kiến trúc, cả nhạc cả phim!
Chu Chu đã nói…
vâng, hay quá:)
hollyaput đã nói…
Bạn Q viết thời trang cũng hay lắm chị So ạ. Người đâu mà lắm tài thế ;_))
Marcus Vu đã nói…
hị hị, bài hay mà tôi cười suýt ngất khi nhìn cái hình minh họa đầu trang ở cái link SVVN.
hollyaput đã nói…
ừa, số trước bài của bạn Sirius cũng dính chưởng. Không biết bạn nào làm báo mạng bên đó, mình cũng kg thèm quan tâm luôn.
Nguyễn Trương Quý đã nói…
Xem ra Bookaholic club của bạn Hòa chuyển thành Cinema Paradiso nhỉ. :-)

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm