Nhật ký tiểu thư Jones

.

.
Nhân biên tập xong cuốn Bridget Jones's Diary thấy bọn Anh viết hài hước vui từ nhân vật chính đến nhân vật rất phụ, đi kiếm phim cả 2 phần về xem. Phần 2 thì cũng không đến nỗi nào so với rom-com của Mỹ, nhưng phần 1 dù fresh hơn nhiều cũng có lẽ chỉ bằng 60% của truyện. Trong phim các nhân vật phụ gần như không có đời sống và tính cách thì nhàn nhạt, mặc dù một trong số các biên kịch của phim có cả Helen Fielding, tác giả sách. Trong truyện, bà mẹ được xây dưng rất thành công kiểu bà già bỗng dưng chán chồng già, chán cuộc sống hưu trí, đâm bổ theo các ông khéo mồm. Mà bà già cũng có sự hấp dẫn của bà già, cũng làm bồ mê được! Hay đám bạn của Bridget, mỗi người một vẻ, nhất là cậu bạn đồng tính Tom, có những sở thích kỳ quặc và thông cảm dễ dàng cho sự vụng của nàng Jones. Rất là hi vọng quyển sách sớm ra, đọc cười gần chết. Bạn Lê Thủy (dịch Từng qua tuổi 20) không dịch vì kêu tục (mình chả thấy tục tí nào, hay là mình tục :-)), nhưng rồi có bạn Quách Thủy dịch cùng Xuân Lan, rất là ưng ý. Mỗi tội cả 3 bạn này thi nhau đẻ baby, cả tập 1 lẫn tập 2. Một trong những vấn đề của dịch sách nhiều tập là các nữ dịch giả lấy chồng, đẻ con và đi du lịch!

Phim thực ra thành công là nhờ đo ni đóng giày đúng diễn viên. Nếu ai chưa từng đọc hay xem phim (cũng mấy năm rồi nhỉ), thì có 3 nhân vật chính, là Bridget 32 tuổi, béo (ám ảnh về béo), "hút thuốc như ống khói, uống rượu như cá và mặc quần áo giống mẹ cô ta". Renee Zellweger mặc dù từng được những 2 giải Oscar nhưng chả mấy ai nhớ vai gì bằng vai Jones, và cô diễn viên này chết vai này mất rồi. Mới xem New In Town, phim chán kinh khủng mặc dù đóng cũng được. Renee có kiểu cười múm mím và nhất là đôi mắt biết giễu rất đạt. Cho nên nếu có làm phần 3 mà không mời cô này đóng thì coi như dự án phá sản.

Cô Jones này có anh sếp là Daniel sở khanh, nhưng lại đẹp trai và hấp dẫn, kiểu bastard nhưng lại làm các chị em chết như ngả rạ. Công nhận là chọn vai như thần, không ai hơn Hugh Grant.

Còn Mark Darcy là anh luật sư tốt bụng, kiểu con của bạn bố mẹ. Đây là môtip giễu nhại cực kỳ chuẩn, nhất là tác giả còn cho Jones mê Kiêu hãnh và Định kiến, mê luôn phim truyền hình có vai Mr. Darcy do Colin Firth đóng. Thật là in-joke quá thành công khi vai Mark (cố tình trùng họ Darcy!) này do Colin Firth vào. Anh này có mặt rất lành và lạnh, hợp với những hình mẫu đàn ông chắc chắn và hiệp sĩ ít nói.

Xét cho cùng thì hình tượng gã hư và anh chàng tốt bụng cùng đánh nhau vì mình là fantasy của các chị em chăng. Một để có cảm giác bất toàn (thế mới thú!) và một để được cảm thông (thế mới vị!) Nếu phần 3 mà không làm sớm thì bộ 3 này già đi nữa, nhăn nheo thì thất bại cầm chắc. Nói chung cũng chẳng hi vọng là sẽ còn hay như phần 1. Có được nhau rồi, hiểu làm và bỏ nhau rồi lại đoàn viên, chứ còn biết kể gì nữa.

Thấy trong tác giả kịch bản có Richard Curtis, chuyên trị các phim có Hugh Grant đóng. Hôm nay xem Notting Hill, anh này đóng với Julia Roberts. Hơi sốt ruột với cách câu giờ của phim này, nhưng nói chung là họ giỏi. Chỉ có mỗi câu chuyện đào Hollywood gặp anh bán sách Luân Đôn, bối cảnh chỉ có mỗi cái nhà, hai khách sạn và cái công viên, thế mà 2 tiếng đồng hồ cũng đủ lâm ly. Các nhân vật rom-com cũng như truyện hài hài Anh bao giờ cũng có một nhóm bạn ngồi uống rượu với nhau và một êkíp gia đình vừa truyền thống (năm nào cũng tiệc đứng cà ri gà tây) vừa phá cách (lúc nào cũng có chuyện cười nhố nhăng). Cảm giác là từ tác giả tiểu thuyết đến tác giả kịch bản, và đạo diễn cho đến nhà sản xuất luôn ý thức rõ mẫu người mình tả và nhắm đến là ai. Cho nên tình tiết ở phim dù bị giảm nhẹ đi đến độ có khi hời hợt, nhưng diễn viên vì nhập vai, yêu nhân vật đến hết ga nên phim vẫn thú vị. Một cái kiểu đi lũn cũn của Renee hay cái hấp háy mắt của Hugh cũng đủ diễn đạt, bên cạnh những tình huống oái oăm và twist rất mạnh.

Còn một phim khác mới xem, chả ăn nhập gì ở đây nhưng cũng kể là The Family Stone (tạm dịch Gia đình Stone, nhưng Stone cũng nghĩa là viên kim cương trên cái nhẫn cầu hôn). Thật ra cũng có liên quan vì là chủ đề gia đình, Giáng sinh và cưới xin như mấy phim và truyện trên. Phim này có mấy diễn viên mình hay xem từ lâu, Diane Keaton, Sarah Jessica Parker. SJP đóng phim này khá hay, cũng được đề cử Quả Cầu Vàng, nhưng chị này chết vai Carrie phim Sex and the City, cũng như Renee chết vai Jones. Có vẻ phim này làm năm 2005 là để ăn theo sự nuối tiếc của bà con sau khi sitcom Sex and the City kết thúc năm 2004. Nói chung là phim Xmas như thế cũng khá khẩm, so với năm nào cũng có những phim rom-com Giáng sinh nhạt như nước ốc.

Chào hàng bà con mẩu này trong Nhật ký tiểu thư Jones (Quách Thủy, Xuân Lan dịch, NXB Trẻ, sắp xuất bản):

Thứ Bảy, ngày 22 tháng 4

54,1kg, rượu 0, thuốc lá 0, calo 1800.

Hôm nay là một ngày lịch sử và đáng vui mừng. Sau mười tám năm cố gắng giảm xuống 54 cân, mình cuối cùng đã đạt được. Đó không phải là sự lừa bịp của cân, mà còn được khẳng định bằng quần. Mình gầy rồi.

Không có một sự giải thích nào đáng tin được. Mình đi tập thể dục hai lần tuần trước, nhưng điều đó, mặc dù hiếm hoi, không phải là điều gì đặc biệt. Mình ăn uống bình thường. Đây là một điều kỳ diệu. Gọi Tom, Tom bảo có lẽ mình bị sán dây. Cách để tẩy nó là, cậu ta nói, cầm một bát sữa ấm đặt trước miệng và một chiếc bút chì. (Sán dây thích sữa ấm, có lẽ vậy. Chúng thích sữa.) Mở miệng ra. Sau đó, khi đầu sán dây thò ra, cuộn nó cẩn thận bằng cái bút chì.

“Nghe này,” mình bảo cậu ta, “sán dây này đang ở đây. Tớ thích các chú sán dây mới này. Không chỉ vì tớ gầy đi, mà tớ còn không muốn hút thuốc hoặc tu rượu nữa.”.

“Cậu đang yêu à?” Tom ngờ vực hỏi, giọng ganh tỵ. Cậu ta luôn như thế. Không phải vì cậu ta muốn mình vì rõ ràng là cậu ta đồng tính. Nhưng nếu bạn đang độc thân, điều bạn ghét nhất là bạn thân nhất của mình có một quan hệ tốt đẹp với ai đó khác. Mình vắt óc nghĩ, sau đó dừng lại, sửng sốt vì bỗng nhiên nhận ra. Mình không còn yêu Daniel nữa. Mình tự do.


Thứ Ba, ngày 25 tháng 4

54,1 kg, rượu 0 (tuyệt vời), thuốc lá 0, calo 995 (tiếp tục kiêng khem tốt).

Hừ. Tới dự tiệc tối của Jude hôm này trong chiếc váy đen nhỏ bó sát để khoe thân hình.

“Chúa ơi, cậu ổn chứ?” Jude hỏi khi mình vừa bước vào. “Cậu trông rất mệt mỏi.”

“Tớ ổn.” Mình đáp, giọng ủi xìu. “Mình đã giảm được 3 cân. Có vấn đề gì không?”

“Chẳng có gì cả. Không, mình chỉ nghĩ…”

“Nghĩ gì? Nghĩ gì?”

“Có lẽ cậu đã giảm khá nhanh… trên mặt.” Cô nàng nói vội, nhìn mình chằm chằm mổ xẻ phân tích.

Simon cũng thế.

“Bridgitttt! Đã làm điếu nào chưa?”

“Không, tớ cai rồi.”

“Ố, ô, thảo nào trông cậu vậy…”

“Cái gì?”

“Ồ, chẳng có gì cả, chẳng có gì. Chỉ hơi… buồn rầu thôi.”

Chuyện đó tiếp tục cả tối. Không có gì tệ hơn mọi người bảo bạn rằng bạn trông mệt mỏi. Họ cũng có thể nói rằng bạn trông giống như năm loại cứt trộn vào nhau vậy. Mình cảm thấy hài lòng với chính mình vì không uống gì nhưng khi buổi tối tiếp tục, và mọi người đều ngày càng say khướt, mình bắt đầu cảm thấy quá điềm đạm và xa cách với mọi người tới mức mình thậm chí bắt đầu thấy khó chịu với chính mình. Mình cố gắng tham gia vào các câu chuyện trong khi mình thật sự không muốn nói một từ nào hết, và chỉ nhìn lên, gật đầu tỏ vẻ hiểu ý nhưng đầy xa lạ.

“Cậu đã uống trà hoa cúc chưa?” Mình hỏi Jude lúc mà cô nàng lảo đảo đi qua chỗ mình, nấc lên một cách vui sướng, rồi gục xuống cười khúc khích, choàng tay ôm lấy mình và ngã xuống. Mình quyết định mình nên về nhà.

Khi về tới nơi, mình lên giường, đặt đầu lên gối nhưng mọi thứ vẫn thế. Mình cố gắng nằm yên một chỗ, rồi chỗ khác, nhưng vẫn không thể ngủ được. Bình thường thì mình đã ngáy từ lâu rồi và đang lang thang trong các giấc mơ đầy kịch tính. Mình bật đèn lên. Đã 11 giờ 30. Có lẽ mình nên làm cái gì đó, kiểu như, à… như là khâu vá? Tự hãnh. Chuông điện thoại reo. Đó là Tom.

“Cậu ổn chứ?”

“Ổn. Tớ cảm thấy rất ổn. Sao thế?”.

“Cậu chỉ có vẻ hơi, hơi, bải hoải tối nay. Mọi người đều nói là cậu chẳng giống cậu mọi khi.”.

“Không. Tớ ổn mà. Cậu có thấy tớ gầy đi thế nào không?” Im lặng.

“Tom?”

“Tớ nghĩ là ngày trước cậu trông tuyệt hơn, bạn yêu à.”

Bây giờ thì mình cảm thấy trống rỗng và hoang mang – như thể một cái chăn đang bị kéo ra từ dưới chân mình. Mười tám năm – lãng phí. Mười tám năm cân đo tính toán calo và các đơn vị tính toán chất béo. Mười tám năm mua áo sơ-mi và len dài tay và đi lùi rời khỏi phòng trong những tình huống thân mật để che cái mông. Hàng triệu bánh kem pho-mát, hàng chục triệu lát pho-mát Emmenthal bỏ không ăn. Mười tám năm đấu tranh, hy sinh và nỗ lực vì cái gì? Mười tám năm và kết quả là “bơ phờ, bải hoải”. Mình cảm thấy như mình giống như một nhà khoa học khám phá ra rằng cả sự nghiệp của ông hoàn toàn là một sai lầm.

---

Thứ Tư ngày 1 tháng 11

56,7kg (quá tốt! quá tốt!), rượu 2 ly (rất tốt), thuốc lá 4 điếu (nhưng chẳng hút ở nhà Tom được kẻo lại phóng hỏa lên trang phục dự thi Hoa hậu thế giới phá cách), calo 1848 (tốt), số ly sinh tố đã uống 12 (tiến bộ xuất sắc)

Vừa ghé chỗ Tom dự cuộc họp mặt thượng đỉnh bàn về tình hình với Mark Darcy. Tuy nhiên cậu ấy lại đang cuống quýt cả lên về cuộc thi Hoa hậu thế giới phá cách sắp đến. Mặc dù đã quyết định từ lâu là sẽ đi dự thi với tư cách “Hoa hậu Hiện tượng trái đất ấm dần” nhưng giờ đây cậu ấy đang khủng hoảng tự tin trầm trọng.

“Tớ chẳng có có tí quái hy vọng nào cả,” Tom nhìn vào gương bảo, rồi vùng vằng đi lại cửa sổ. Cậu ấy đang mặc trên người một hình cầu bằng nhựa nhiệt dẻo sơn phết như bản đồ thế giới nhưng với hai địa cực đang tan chảy ra và một vết cháy lớn ở vị trí Brazil. Một tay cậu ấy cầm thanh gỗ cây nhiệt đới cùng chai mỹ phẩm dạng phun hiệu Lynx còn tay kia cầm thứ lông lá gì đó chẳng rõ mà cậu ấy bảo là một con mèo đốm Nam Mỹ đã chết. “Cậu nghĩ xem tớ nên có thêm khối u da không?” cậu ấy hỏi.

“Cái này là cuộc thi sắc đẹp hay cuộc thi trang phục độc đáo thế?”

“Thi là thi thôi, tớ chẳng biết, chẳng ai biết là cái nào,” Tom đáp, đoạn gỡ quẳng món đội đầu xuống – mô hình một cái cây cậu ta định đốt lên trong cuộc thi. “Cả hai. Cái gì cũng thi. Sắc đẹp. Sự độc đáo. Tính nghệ thuật. Tất thảy đều mờ mịt đến quái đản.”

“Có cần phải là pê-đê mới được dự thi không?” mình hỏi, tay táy máy một mẩu nhựa nhiệt dẻo.

“Không. Ai cũng dự thi được: phụ nữ, súc vật, bất cứ thứ gì. Vấn đề chính là chỗ ấy đấy,” cậu ấy vừa đáp vừa dằn dỗi quay trở lại trước gương. “Đôi lúc tớ nghĩ tớ sẽ có nhiều cơ hội chiến thắng hơn nếu đưa một con chó thật tự tin đi dự thi.”

Rốt cuộc bọn mình đồng ý với nhau rằng mặc dù chủ đề trái đất ấm dần lên tự thân nó vốn hoàn hảo, cái hình cầu bằng nhựa nhiệt dẻo lại hình như không tôn được vẻ đẹp của một bộ trang phục dạ hội. Thật sự thì cuối cùng bọn mình thiên về kiểu đầm bó sát tha thướt bằng lụa óng ánh màu xanh Yves Klein với những họa tiết hình khói và quả đất để tượng trưng cho việc các địa cực bị tan chảy ra.

Thấy rõ là ngay lúc này sẽ chẳng hỏi ý kiến ý cò gì được từ Tom về vụ Mark Darcy, mình cáo từ ra về trước khi quá muộn, hứa hẹn rằng sẽ vắt óc nghĩ về phần thi Trang phục áo tắm và Trang phục dạo chơi ban ngày.

Về đến nhà, mình gọi Jude nhưng cô ấy lại bắt đầu kể với mình về một ý tưởng mới từ phương Đông được đăng trên tạp chí Cosmopolitan tháng này tên gọi “Phong Thủy giúp bạn đạt được mọi thứ mong muốn trong cuộc sống.” Theo lời cô ấy có vẻ tất cả những gì bạn cần làm là dọn dẹp sạch sẽ tủ chạn trong nhà để khai thông chính bạn, sau đó chia nhà bạn thành chín khu vực (đấy gọi là vạch ra bản đồ bát quái), mỗi phần đại diện cho một lĩnh vực trong cuộc đời bạn: sự nghiệp, gia đình, quan hệ xã hội, của cải, hoặc con cái chẳng hạn. Những đồ đạc gì bạn đặt ở mỗi khu vực trong nhà sẽ quyết định thành quả bạn gặt hái được ở lĩnh vực tương ứng trong cuộc sống. Ví dụ như, nếu bạn cứ thấy mình rỗng túi thì có thể là do sự có mặt của một cái giỏ rác ở khu vực Của Cải trong nhà bạn.

Cực kỳ phấn khích về lý thuyết mới vì rõ là nó lý giải được khối chuyện. Quyết tâm sẽ mua tờ Cosmo ngay khi có cơ hội. Jude bảo đừng kể với Sharon vì cô ấy hiển nhiên xem Phong Thủy là trò vớ vẩn. Cuối cùng rồi cũng xoay sở kéo câu chuyện về Mark Darcy.

Dĩ nhiên là không phải cậu tơ tưởng anh ta rồi, Bridge, tớ có bao giờ nghĩ thế đâu,” Jude nói. Cô ấy bảo câu trả lời đã quá rõ ràng: mình nên tổ chức một bữa tiệc tối và mời anh ta.

“Làm thế là hoàn hảo,” cô ấy bảo. “Không giống như cậu rủ anh ta hẹn hò, cho nên cậu không phải chịu áp lực gì cả và có thể mặc sức mà khoe mẽ và nhờ hết thảy bạn bè của cậu giả vờ như họ cho là cậu rất tuyệt vời.”

“Jude,” mình đau lòng hỏi, “cậu bảo, ‘giả vờ’ á?”

.

Nhận xét

Me Na đã nói…
Tự dưng lạc vào blog của anh và đọc được post này, xin mạo muội đóng góp vài nhận xét:

- Bridget Jones' diary 1 không chỉ có in joke với Pride and Prejudice bản truyền hình 1995 của BBC mà bản thân truyện cũng là parallel của truyện P&P của Jane Austen. Bridget và Mark khi gặp nhau trong một buổi tiệc (giống Darcy và Lizzie) đều cảm nhận về nhau dựa trên định kiến và bị sự kiêu hãnh kìm hãm trên đường đến với nhau. Helen Fielding cũng đã thừa nhận cảm hứng truyện đến từ Jane Austen. Ngoài ra chính bản thân Fielding là một fan cuồng nhiệt của nhân vật Darcy do Colin Firth đóng nên đã xây dựng nhân vật Mark Darcy dựa trên nhân vật này (với sự thể hiện của Firth). Do đó khi thành phim thì Fielding hiển nhiên phải ra điều kiện cho các nhà sản xuất phải mời bằng được Firth vào vai này. Trong BJ 2 (truyện) còn có đoạn Bridget phỏng vấn Colin Firth vô cùng hài hước.

- The Family Stone không phải phim được sản xuất ăn theo Sex and the City, dù lúc quảng cáo thì có lợi dụng tiếng tăm nổi của SJP lúc bấy giờ. Tựa đề phim đúng như anh nói là chơi chữ giữa tên gia đình Stone và chiếc nhẫn đính hôn gia bảo. Nhưng riêng cá nhân tôi khi xem phim rồi đọc lại tên phim chợt nghĩ còn 1 ý nghĩa thứ 3 nữa: đó là "điểm tựa của gia đình" chỉ đến nhân vật Sybil do Dianne Keaton đóng. Trên bề mặt đó là một phim rom-com Giáng sinh, nhưng phía dưới, đó là một phim tâm lý xã hội về gia đình, những giá trị kết nối mỗi người trong gia đình với nhau và trong trường hợp này, người mẹ là người đã đồng hành với các con mình, chấp nhận yêu thương một đứa như nó vốn có (con trai đồng tính), biết được ai sẽ là người phù hợp với con trai/con gái mình và rất tế nhị tán thành/gợi ý. Cả Giáng sinh ấy là một sự kiện lộn xộn nhưng kết quả lại rất vẹn toàn nhờ người mẹ. Bà đã dùng Giáng sinh cuối cùng ấy để giàn xếp, mang lại hạnh phúc sau này cho các con một cách vô cùng tế nhị. Hình ảnh cuối cùng của phim là ảnh chân dung của bà. Đây là 1 phim Giáng sinh nhưng sẽ là một món quà rất ý nghĩa trong Ngày của mẹ (Mother's Day).

Cảm ơn anh đã dành đất cho những nhận xét của tôi,một người xa lạ. Hy vọng đọc được những post mới của anh.
Unknown đã nói…
Cảm ơn những nhận xét rất sắc của chị Mẹ Na. Về BJ thì đúng vậy, nhưng tôi không biết có phải dân Anh đã "tập luyện" nhiều hay không mà họ parody cứ như hít thở khí trời. Tôi nghĩ The Family Stone thì vai của Diane Keaton có thể còn làm được tốt hơn, so với mong đợi. Có lẽ vì phim nhiều nhân vật quá nên dành đất thế cũng là giỏi rồi.
Me Na đã nói…
Cảm ơn nhận xét của anh. "Kế thừa" thực ra là một đặc điểm rất phổ biến của văn hóa Phương Tây, nên dân Anh rất thạo chuyện này. Ngoài ra P&P là tác phẩm kinh điển và rất được yêu thích. Gần đây còn có "Pride and Prejudice and Zombies", viết lại P&P theo kiểu chuyện kinh dị nữa.

Bản dịch BJD anh trích nghe lành quá :), tôi có cảm giác "sự hài hước và thật" đã bị lost in translation rồi. Có thể người đọc Việt mình chưa chấp nhận nếu chuyển 100% độ "tục" sang chăng?

Về The Family Stone thì tôi lại nghĩ là đất diễn của DK là đủ, tôi nghĩ đạo diễn muốn người xem "cảm" sự quan trọng và vai trò của người mẹ qua cuộc sống của những đứa con. Tôi đánh giá đạo diễn rất cao tay ở điểm này.
Unknown đã nói…
Có thể là đoạn trích khác sẽ "nóng" hơn, tôi thì thấy khá chuẩn với cảm nhận của bản thân so với bản gốc. Tôi thích khía cạnh nhạy cảm của truyện, ở những tinh tế lặt vặt dây cà dây muống.
Unknown đã nói…
chào anh!! em là một người khá là đam mê đến điện ảnh Hàn Lâm và cảm ơn vì anh đã dẫn khá chi tiết về một số phần hay trong quyển. Nhưng có điều đọc nhận xét đầu tiên có lẽ hơi thừa và hơi chủ quan. Thứ nhất là phim khác với tiểu thuyết, tiểu thuyết anh phải đọc tới một tháng mới hết, còn phim chỉ giới hạn cao nhất 3 tiếng hết dat. Vì vậy trong làm film điểm tinh tế của người làm film là khắc họa cho lên được điểm nổi bật của nhân vật chính, cái đáng cười, cái đáng yêu, và tạo nên được tính chất của bộ film, vì vậy nếu như trong một film dài 3 tiếng là hết cỡ, nếu người đạo diễn không biết chọn lựa chi tiết cho phù hợp và tạo nên cái "màu" cho Bridget Jones thì ông ấy là sẽ lãnh "Mâm Xôi Vàng", ở đây đạo diễn đã bik chọn được chi tiết nào là nên đưa vào, và bạn thấy đó nếu như ông ấy mà tập trung làm sáng tỏ các nhân vật "rất" phụ trong nhân vật vậy màu sắc của 'Jones hay là Mark cũng sẽ rất mờ nhạt và bộ film ko có sự lưu động gì cả, nhưng ở đây film ko tập trung vào những nhân vật phụ mà tập trung vào việc khắc họa nhân vật hcinsh, làm thế nào để khán giả yêu nhân vật mới là vấn đề. Còn tiểu thuyết đương nhiên nó phải rõ ràng hơn, vì thời gian để bạn đọc hết nó rất lâu, và người bik ko có hạn định về số lượng và thời gian vì vậy đương nhiên là trong tiểu thuyết phải rõ ràng hơn rồi. Cái khó của người làm film là làm thế nào để truyền đạt được nội dung cơ bản trong từng ấy thời gian.

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm