Top 100 di tích
.
Mấy hôm nay liên tục được photobucket báo là bị quá tải vì download ảnh trong kho ảnh của mình trên mạng. Không hiểu bà con lấy ảnh hăng thế, toàn ảnh đình chùa mà thôi? Đành tạm khóa vào, xin thông cảm, không thì blog toàn thấy hình lỗi.
Nhân tiện nói chuyện đình chùa và có người xin ảnh đăng báo, mình thử đưa ra cái gọi là Top 100 di tích Việt, chủ yếu ở Bắc Bộ và thể loại đình, chùa, đền. Tất nhiên là ưu tiên những công trình cổ, đặc sắc về kiến trúc, điêu khắc và mỹ thuật, thêm vào đó là cảnh quan và tầm quan trọng về lịch sử. Và không thể bỏ qua sự yêu thích cũng như đã kiểm chứng thực tế của mình nữa.
01 Chùa Thầy (Quốc Oai, HN)
02 Chùa Tây Phương (Thạch Thất, HN)
03 Chùa Bút Tháp (Thuận Thành, Bắc Ninh)
04 Chùa Keo Hành Thiện (Xuân
05 Đình
06 Đình Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh)
07 Làng Đường Lâm (Sơn Tây, HN)
08 Chùa Mía (Sơn Tây, Hà Nội)
09 Chùa Bối Khê (Thanh Oai, Hà Nội)
10 Chùa Keo (Vũ Thư, Thái Bình)
11 Chùa Đậu (Thường Tín, Hà Nội): ngoài 2 pho tượng ướp toàn thân của 2 vị sư từ TK XVII thì chùa còn giữ được gác chuông và tòa tiền đường có chạm khắc rất đẹp của thời Hậu Lê.
12 Chùa Bổ Đà (Việt Yên, Bắc Giang): chùa có bức tường đất đẹp, các pho tượng và chạm khắc quý, đặc biệt có bộ ván khắc in kinh lớn nhất VN.
13 Chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh): chùa có lịch sử lâu đời từ thời Sĩ Nhiếp, ngoài con cừu đá chung cặp với con ở lăng Sĩ Nhiếp thì chùa có hệ thống tượng Tứ Pháp đặc biệt. Tuy nhiên chùa được trùng tu mới coóng nên không còn gây cảm tình được mấy về cảnh quan.
14 Chùa Hoa Yên (Yên Tử, Quảng Ninh): số 1 về cảnh quan vì trên một ngọn núi với một quần thể rộng lớn, với nhiều rừng cây cổ thụ như tùng, trúc và hệ thống tháp mộ từ đời Trần. Chùa mới xây lại nên không có gì đáng chú ý.
15 Chùa Kim Liên (Tây Hồ, Hà Nội): Xây trước chùa Tây Phương 2 năm (1792), cùng hình thức kiến trúc, có thêm tam quan độc đáo đứng trên một hàng cột và nguyên thủy trông ra hồ Tây. Chùa có nhiều pho tượng quý như tượng Trịnh Sâm.
16 Làng Cự Đà (Thanh Oai, HN): Ngôi làng có hàng chục ngôi nhà gỗ truyền thống và kiểu biệt thự Pháp, vang bóng một thời vinh hoa giàu có, có thể so được với phố Pháp ở HN. Tuy nhiên, cảnh quan làng khá chật hẹp và đa số nhà cổ bị xuống cấp nặng nề.
17 Chùa Phổ Minh (
18 Chùa Hương Tích (Mỹ Đức, Hà Nội): Được mệnh danh Nam Thiên đệ nhất động, là một quần thể rộng lớn ngang với Yên Tử. Kiến trúc và mỹ thuật không còn lại bao nhiêu, trừ gác chuông chùa Thiên Trù do danh sĩ Chu Mạnh Trinh vẽ kiểu với ba tầng mái và hai bước khu nóc cho hình dáng đặc biệt. Điềm đặc biệt nhất là lộ trình hành hương đi đò qua suối Yến và lại leo núi lên cao giữa rừng cây. Trong các động còn có nhiều bia đá và chữ đại tự có chạm hoa văn thời Lê-Trịnh.
19 Chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, HN): Ngôi chùa Quảng Nghiêm Tự xây theo mặt bằng chữ Quốc nên có số bước cột nhiều, dẫn tới có tên gọi dân gian là Trăm Gian. Chùa nằm trên ngọn đồi, có nhiều cây cao giữa khu làng xóm bán sơn địa. Hệ thống kiến trúc có gác chuông cao và thanh thoát. Chùa nhiều tượng quý và bức chạm đẹp, trong đó có bệ tượng đất nung thời Trần. Tuy nhiên bây giờ việc trùng tu cẩu thả làm chùa xấu đi rất nhiều.
20 Chùa Nành (Ninh Hiệp, Gia Lâm, HN): Chùa ở quê của Ngọc Hân công chúa, còn giữ được nét cổ kính và hệ thống tượng đẹp, nhất là 18 pho La Hán to gấp rưỡi người thật.
21 Chùa Trầm (Chương Mỹ, HN): Chùa có vị trí đẹp ở chân núi Tử Trầm, vùng núi đá vôi gần HN nhất. Đặc biệt nhất là chùa có hang Long Tiên, với hệ thống tượng Thập điện Diêm vương, Tuyết Sơn và Tam Thế bằng đá. Ngoài cửa hang có con rùa đá nổi lên mặt đất, vạt nửa mai thành hình cái khánh khắc bài minh. Quanh chùa có những ao sen đẹp, cách đó vài trăm mét là chùa Vô Vi trên một ngon núi nhỏ, cũng khá thú vị.
22 Đình - Chùa Thổ Hà (Việt Yên, Bắc Giang): Nằm ở cạnh sông Cầu, hệ thống bến nước - đình - chùa - cổng làng Thổ Hà đã được lên lịch và bưu ảnh rất nhiều lần từ xưa. Đình có kiến trúc đẹp và to lớn, nhiều chạm khắc độc đáo. Không gian sau đình nối với chùa và cổng làng cực nên thơ, với hệ thống các mái cong xếp lớp liên tục.
23 Đình Mông Phụ (Sơn Tây, HN): Ngôi đình nằm ở giữa làng Mông Phụ, nhìn ra trung tâm của làng cũng như xã Đường Lâm. Chạm khắc không ngoài các môtíp quen thuộc của nghi thức thờ cúng, nhưng đình mở thoáng các hướng kết hợp với quán nước cổ, nhà dân mái ngói tường đá ong làm cho không gian quanh đình trở thành loại đẹp nhất của đình làng VN.
24 Đình Hữu Bằng (Thạch Thất, HN): Đình của một làng chuyên nghề mộc mỹ nghệ nên to lớn và nhiều đồ thờ đẹp. Đình nằm cạnh chùa và miếu tạo thành một quần thể nhìn ra hồ nước tròn.
25 Đình Tây Đằng (Ba Vì, HN): Được xác định niên đại vào loại đình cổ nhất VN còn lại (TK XVII), đình có nhiều chạm khắc dân gian thú vị. Tuy nhiên sau khi sửa lại mới toanh thì cũng không tự do vào được vì luôn khóa cổng - vốn mới được xây thêm. Đáng nói là sau khi sửa, đình nhìn quá mới và quá cứng.
26 Đền Ngọc Sơn (Hoàn Kiếm, HN): Đơn giản vì nằm giữa trung tâm thủ đô, trên một cái hồ tuyệt đẹp. Đây là một hình thức có ảnh hưởng Trung Quốc, với Trấn Tạ, bình phong, cầu cong, tháp đá... quanh một cái hồ.
27 Đền Gióng Phù Đổng (Gia Lâm, HN): Ngôi đền có nhiều chạm khắc đẹp, có tòa thủy đình khá tiêu biểu vì tỉ lệ đẹp cho kiến trúc.
28 Đền Và (Sơn Tây, HN): Ngôi đền nằm trên một ngọn đồi lim xanh um, xung quanh là bức tường đá dạng tường thành. Đền có sự cân đối về kiến trúc tuy không nổi bật lắm. Chỉ tiếc là việc tu sửa hơi bị cẩu thả.
29 Đền Cổ Loa (Đông Anh, HN): Quần thể di tích có nhiều thứ để xem, như ngôi đình Ngự Triều Di Quy rất lớn, nghi môn đẹp, mang nét kiến trúc vùng hơi trung du.
30 Đình Chèm (Từ Liêm, HN): Ngôi đình mang cả chức năng đền, nằm ngay bên bờ sông Hồng, có kiến trúc đẹp và nhiều chạm khắc tinh xảo.
31 Đình - Chùa Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh): Ngôi đình hình chữ Nhị, với mái cong mềm mại, tường và hàng cột gạch trần rất giản dị. Cạnh đấy là ngôi chùa có gác chuông tám mái.
32 Đình So (Quốc Oai, HN): Có nhiều chạm khắc tuyệt đẹp ở tam quan. Nhìn ra đoạn đường đê sông Đáy rất nên thơ.
33 Chùa Thái Lạc (Văn Lâm, Hưng Yên): Có bộ vì nóc và chạm khắc có một không hai từ thời Trần, mang dấu ấn điêu khắc Chàm, với hình tiên nữ dâng hương, múa đèn, đánh đàn. Bộ Tam Thế tuyệt đẹp thời Lê đã bị mất một pho. Sau đó thì chùa được trùng tu và may mắn thì được vào trong nếu không bị khóa cổng.
34 Đình Đại Phùng (Đan Phượng, HN): Đình có các chạm khắc sinh hoạt đẹp, trong đó có cảnh đánh đàn đáy trong ca trù (theo anh Nguyễn Xuân Diện mới cho biết).
35 Đình Diềm (Yên Phong, Bắc Ninh): Đình nằm trong làng tổ hát Quan họ, có cảnh quan đẹp vì nhìn ra hồ bán nguyệt rộng và gần với đền Bà Chúa Thủy tổ Quan họ, Chùa... cùng với các nhà cổ, cổng làng, tạo thành một không gian chặt chẽ. Đình tuy bé nhưng có nội thất lộng lẫy.
36 Đình Liên Hiệp (Đan Phượng, HN): Đình giàu có về chạm khắc, là mẫu cho rất nhiều đình quanh vùng. Các chạm khắc ở đây gần như có mặt trong mọi cuốn sách về chạm khắc dân gian VN.
37 Chùa Hoàng Xá (Quốc Oai, Hà Nội): Có hồ sen và phương đình trong một hẻm núi rất u tịch. Có động đá nhưng hiện còn pho tượng nào được bày trong đó nữa.
38 Chùa Phật Tích (Tiên Du, Bắc Ninh): Chùa nằm ở sườn núi Lạn Kha, có pho A Di Đà bằng đá tạc năm 1057 (tượng Phật cổ nhất VN) và 10 pho tượng thú bằng đá cỡ lớn thời Lý. Ngoài ra còn có một khu tháp mộ sư từ thời Trần cho đến Lê. Hiện chùa sắp có pho tượng phiên bản A Di Đà bằng xi măng cao 30m trên đỉnh núi.
39 Đền An Sinh (Đông Triều, Quảng Ninh): khu mộ táng của vua Trần Anh Tông và một số vua khác gần đó. Nằm trên một mỏm đảo giữa hồ nước, nguyên trước đây là mỏm đồi giữa thung lũng, xung quanh là dãy núi bao bọc như móng ngựa, sau này để "đuổi" dân Trung Quốc ra khỏi khu vực vì họ đào bới lung tung (chắc muốn tìm vàng hoặc tìm cốt vua), chính quyền cho xây đập và bơm nước ngập thung lũng, chỉ còn mỏm đồi là nơi đặt huyệt Trần Anh Tông. Nhưng khi tôi đến năm 2003, chỉ còn bốn bậc thềm đá có các con rồng và sấu đá và gạch cổ, chỗ mỏm chỉ còn một cái huyệt đã bị đào bới.
40 Chùa Tiên Lục (Lạng Giang, Bắc Giang): Có cây dã hương lớn nhất VN, rất cao và có mùi thơm đặc biệt. Khu vực này phong cảnh đồi trung du rất đẹp.
41 Lăng đá Dinh Hương (Hiệp Hòa, Bắc Giang): Lăng đá có các tượng người hầu và voi, ngựa đá rất sinh động. Gần đó còn có vài cái lăng nữa cũng khá hay, tuy tất cả đều bé nhỏ và nằm sâu trong làng.
42 Chùa Kiến Sơ (Gia Lâm, Hà Nội): ngay bên cạnh đền Gióng Phù Đổng, là ngôi chùa có niên đại từ TK VI. Hiện còn có một số di vật cổ và các động Diêm Vương đắp bằng đất sơn,
43 Làng Hành Thiện (Xuân
44 Thành cổ Sơn Tây (Sơn Tây, HN): Còn giữ được một vài đoạn tường thành đá ong, hào nước và cổng thành. Cái hay là đã trở thành một công viên nhiều cây xanh khá đẹp.
45 Chùa Bích Động (Hoa Lư, Ninh Bình): Chùa có ao sen và cầu đá đẹp, cùng với một số chạm khắc trên đá thời Lê. Gần với Tam Cốc là khu sông chảy giữa các núi đá vôi và các hang động giống Hạ Long, cộng với đền Thái Vi, thành khu tham quan liên hoàn.
46 Đền Nhà Lê (Thanh Hóa): Tuy không lộng lẫy và hoành tráng nhưng lại đẹp kiểu mộc mạc. Còn giữ được bài vị của các vua nhà Lê suốt 360 năm của triều này.
47 Đền Quán Thánh (Tây Hồ, HN): Vị trí đắc địa ở ngay đầu đường Thanh Niên gần hồ Tây và hồ Trúc Bạch, giữa khuôn viên nhiều cây muỗm cổ thụ. Nổi tiếng có pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ bằng đồng đen cao 3,9m từ TK XVII.
48 Đền Đinh Lê (Hoa Lư, Ninh Bình): Được xem như trung tâm của kinh đô Hoa Lư xưa, hai ngôi đền còn giữ được nhiều di vật như sập đá, các đồ thờ, chạm khắc gỗ đẹp. Cảnh quan khu vực cũng rất đẹp, có dãy núi Yên Ngựa bao quanh, chùa Nhất Trụ có cột kinh thời Đinh (TK X). Nhưng chỉ nên đi xem với điều kiện sau năm 2010 khi đã kỷ niệm xong 1000 năm Thăng Long.
49 Chùa Trấn Quốc (Tây Hồ, HN): một trong những ngôi chùa có vị trí đẹp nhất VN, trên một hòn đảo trông ra hồ Tây, đi vào từ đường Thanh Niên, cũng là con đường nên thơ nhất Hà Nội. Trong chùa có tượng đẹp, còn lại kiến trúc chủ yếu từ thời những năm 1930, hiện giờ thì lòe loẹt quá mức.
50 Chùa Một Cột (Ba Đình, Hà Nội): Mặc dù được biết đến vì biểu tượng tòa Liên Hoa Đài, nhưng tòa này dựng lại năm 1955, vừa bé nhỏ vừa đơn sơ, nên dễ gây thất vọng cho người xem. Tuy vậy, trong chùa có nhiều tượng rất đẹp, vốn ít người để ý. Chùa nằm trong khu vực tham quan Lăng Bác và Bảo tàng Hồ Chí Minh nên rất ồn ào, không phải là thích hợp cho một ngôi chùa.
51 Chùa Láng (Đống Đa, Hà Nội): Chùa thờ Từ Đạo Hạnh, có khuôn viên rất rộng, kiến trúc cũng như tượng đẹp. Sân chùa có tòa bát giác cột gạch trần, tám mái hai tầng chồng diêm. Trước chùa ở giữa một khu ruộng trồng rau húng, loại rau thơm đặc biệt có tên riêng: húng Láng.
52 Chùa Nôm (Mỹ Hào, Hưng Yên): Ngôi chùa to nhất Hưng Yên, có kiến trúc khá quy mô, hiện đã sửa lại như... mới. Chùa có cầu đá cổ rất đẹp.
53 Đền Hát Môn (Phúc Thọ, HN): Đền thờ Hai Bà Trưng nơi hai Bà trầm mình xuống Hát Giang (tức đoạn sông Đáy đổ vào sông Hồng). Đền có địa thế cao ráo, có tam quan rất đẹp và cổ kính. Đền dùng nhiều màu đen trong nội thất. Trước khi tu sửa, đền có màu sắc thâm u rất huyền hoặc. Nay không biết thế nào.
54 Đình Hương Canh (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc): Đình quy mô trung bình, kiến trúc cũng giữ được những nét của thế kỷ XVIII-XIX và nhiều chạm khắc đẹp.
55 Đình Đông Ngạc (Từ Liêm, HN): Ngôi đình có tam quan khá độc đáo vì đứng trên một hàng cột, với mái dốc thẳng mà không bít đốc đầu hồi. Làng Đông Ngạc cũng là làng nhiều nhà cổ và nhiều nhà khoa bảng.
56 Đình làng Chuông (Thanh Oai, HN): Có ngũ môn to lớn như cổng thành với lầu chạy dài bên trên. Trước cổng đình là sân chợ, nổi tiếng về bán nón.
57 Đình Thụy Khuê (Quốc Oai, HN): Ngay trong quần thể Sài Sơn tức chùa Thầy. Ngôi đình có mặt bằng hình chữ Công ngược, tức chuôi vồ quay ra ngoài làm tiền sảnh. Trong đình có nhiều đồ thờ và chạm khắc đẹp.
58 Làng Ước Lễ (Thanh Oai, HN): Ngôi làng làm giò chả nổi tiếng, có hai cổng làng rất đẹp, có cầu dẫn qua hào nước.
59 Tháp Bình Sơn (Lập Thạch, Vĩnh Phúc): Nằm trong chùa Vĩnh Khánh, gần sông Lô. Tháp bằng đất nung từ thời Trần, cao chừng 15m, giữ nhiều hoa văn đáng chú ý, cũng như các viên gạch giả cấu trúc chồng rường đỡ mái xây bằng các viên gạch quay ngang giật cấp.
60 Văn Miếu Bắc Ninh: Trên một ngọn đồi, tuy bé nhưng giữ được nhiều di vật quý như nhiều tấm bia cổ.
61 Văn Miếu Hà Nội: Có khuôn viên đẹp, nhiều cây xanh, chú ý có hệ thống 82 tấm bia đá đặt trên lưng rùa dựng từ 1484, ghi tên các tiến sĩ từ năm 1442 đến 1779, với nhiều trang trí đặc thù của hơn 3 thế kỷ. Kiến trúc đáng lưu ý có tam quan, Khuê Văn Các và tòa Thái Miếu, trong đó Khuê Văn Các dựng năm 1805 được xem như biểu tượng của HN, với kiến trúc cân đối và dễ nhận diện.
62 Chùa Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương): Khuôn viên rất lớn, có nhiều cây đại đẹp. Tuy nhiên, tất cả các chùa đất Hải Dương đều mắc bệnh được tu sửa lại mới coóng và hoành tráng nên không còn cảm giác cổ kính gì.
63 Chùa Chuông (Hưng Yên): có cầu đá cổ và không gian đẹp, phần là nhờ thị xã lúc nào cũng vắng vẻ.
64 Điện Kính Thiên (Ba Đình, HN): ngoài ý nghĩa lịch sử thì ở đây giữ được nền cấp cũ, với đôi rồng đá thời Lê và các đồ án trang trí rất đẹp, được xem như mẫu mực điêu khắc đá thế kỷ XV.
65 Đền Trần (
66 Đền Voi Phục (Ba Đình, HN): Ở khu đất cao ráo và nhiều cây cổ thụ, đền nhìn ra hồ Thủ Lệ nên cảnh quan hữu tình, là đền phía Tây trong tứ trấn Thăng Long.
67 Đền Hùng (Phong Châu, Phú Thọ): Ngoài ý nghĩa lịch sử thì khu vực đền này có cảnh đẹp nhờ trên ngọn núi nhiều cây lớn, đặc thù của các chốn hành hương phải leo trèo nhiều. Kiến trúc chủ yếu từ đầu TK XX.
68 Chùa Tiêu Sơn (Từ Sơn, Bắc Ninh): Chùa có vị trí đẹp, trên ngọn núi độc lập giữa vùng đồng ruộng của huyện Từ Sơn. Ai đọc Tiêu Sơn tráng sĩ của Khái Hưng thì sẽ muốn đến đây, truyện nói về Phạm Thái, tác giả Sơ kính tân trang, người từng nổi dậy chống Tây Sơn nhưng thất bại, người yêu bị gả cho người khác, bất đắc chí đi tu ở chùa này.
69 Chùa Hòe Nhai (Ba Đình, Hà Nội): Chùa có pho tượng Thích Ca nằm trên lưng rùa.
70 Quán Giá (Từ Liêm, HN):
71 Phủ Tây Hồ (Tây Hồ, HN): có cảnh quan đẹp vì trông ra hồ Tây. Được tu bổ hoành tráng
72 Đền Sóc (Sóc Sơn, HN)
73 Chùa Bà Đá (Hoàn Kiếm, Hà Nội)
74 Chùa Liên Phái (Hai Bà Trưng, Hà Nội): có tòa tháp từ thời Trịnh Tráng, trong khuôn viên khá đẹp. Tuy vậy chùa đã bị mất đi rất nhiều phần nguyên gốc.
75 Đền Kiếp Bạc (Chí Linh, Hải Dương): nổi tiếng vì thờ cúng hơn là kiến trúc. Tuy nhiên có những nét đặc biệt về sự kết hợp của xây dựng mới đầu TK XX với hình thức cổ.
76 Đền Đô (Từ Sơn, Bắc Ninh): Được dựng lại mới hoàn toàn nên chỉ coi như một điểm dừng chân có tính lịch sử - nơi phát tích nhà Lý và thờ 8 vua Lý. Gần đình Đình Bảng.
77 Chùa Mễ Sở (Văn Giang, Hưng Yên): có pho tượng Phật Quan Âm thiên thủ thiên nhãn nhiều tay nhất: 1131 tay.
78 Đền Đồng Nhân (Hai Bà Trưng, HN)
79 Chùa Tào Sách (Tây Hồ, Hà Nội)
80 Đền Xưa (Hưng Yên)
81 Đình Yên Phụ (Tây Hồ, HN)
82 Phủ Giày (Vụ
83 Đền Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội)
84 Đền Cửa Ông (Cẩm Phả, Quảng Ninh)
85 Chùa Dư Hàng (Hải Phòng)
86 Đền Đa Hòa (Khoái Châu, Hưng Yên)
Chùa Đọi (Duy Tiên, Hà
Chùa Mui (Thường Tín, Hà Nội)
Đình - chùa Dương Liễu (Hoài Đức, HN)
Đình Phù Lão (Lạng Giang, Bắc Giang)
Đình Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc)
Đình Trà Cổ (Hải Ninh, Quảng Ninh)
Đình Võ Liệt (Thanh Chương, Nghệ An)
Lam Kinh (Thọ Xuân, Thanh Hóa)
Lăng đá Nguyễn Diễn (Từ Sơn, Bắc Ninh)
Lăng đá họ Ngọ (Hiệp Hòa, Bắc Giang)
Thành nhà Hồ (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa)
- Xét một cách thấu đáo thì quần thể chùa Thầy gồm núi, hồ nước, chừng dăm bảy ngôi chùa và khu dân cư xung quanh thực sự là độc đáo và để xem kỹ thì cũng phải hơn một ngày - nên đáng ở số 1. Đặc biệt là những kiến trúc như tam bảo chùa Thiên Phúc (tức chùa Thầy), thủy đình và các bộ tượng đạt tới vẻ toàn bích. Ở đây có nhiều tác phẩm điêu khắc cổ trải dài qua nhiều triều đại từ đời Lý đến nay, tính nguyên bản còn đáng kể. Núi đá có nhiều cây đẹp, rất "môi trường". Tình hình dịch vụ ở đây đã có vẻ được cải thiện rất nhiều, không còn cảnh mời chào giành giật nữa. Tuy nhiên nếu người ta không quy hoạch và khống chế tốc độ xây dựng xung quanh một cách nghiêm khắc thì khó mà chấm hạng nhất được.
- Chùa Tây Phương tuy không phải là to, nhưng vì kiến trúc hoàn hảo và bộ tượng quý còn gần như nguyên vẹn, cũng như nằm trên một quả núi có rừng cây bao bọc, không có gì phải bàn cãi khi xếp thứ 2. Vẻ đẹp của chùa vẫn là vẻ nuột nà trong sự giản dị. Rừng cây bao quanh cũng là ưu thế, cho không khí sạch sẽ và trong lành.
- Về 3 là Bút Tháp, một ngôi chùa đồng bằng, có lẽ là ngôi chùa cổ có mặt bằng trải dài nhất. Bút Tháp có đủ các thành phần kiến trúc: gác chuông tam quan, tam bảo nội công ngoại quốc, lầu gác, thêm lan can đá và cầu đá, và tháp đá đặc biệt. Đường nét kiến trúc hài hòa và tinh tế, bên trong có những pho tượng quý giá như Quan Âm nghìn tay nghìn mắt, Tam Thế, Tam Tôn, vv...
- Chùa Keo Hành Thiện với kiến trúc và chạm khắc hoàn thiện, hơi ngạc nhiên khi về thứ 4, nhưng có lẽ tôi chọn vì chùa có không gian thanh vắng rất dễ chịu, có lẽ vì không có sư (?), chạm khắc tỉ mỉ và bay bướm. Thêm nữa là các tòa kiến trúc rất hài hòa và cân đối, không gian xung quanh nhịp nhàng hô ứng chắc chắn như một đơn vị cấu thành làng.
- Đình Chu Quyến xem như hình mẫu đặc trưng của một ngôi đình Bắc Bộ, mộc mạc và phóng khoáng hơn nhiều đình khác. Đình trước nay chỉ có một tòa đại đình chữ Nhất, bốn đầu đao cong vút lên, nằm trên thửa ruộng đầu làng. Hiện người ta đang sửa lại, thấy xây thêm tứ trụ và hàng rào rất xấu, không biết có bỏ đi không. Đình có những chạm khắc cực đẹp, đối lập với hệ cột rất to, cao 8,1m và chu vi một vòng tay ôm không xuể. Đình còn giữ được hệ ván như nhà sàn.
- Đình Đình Bảng phải kể đến vì là ngôi đình rất lớn, thức kiến trúc hoàn chỉnh đến cổ điển. Các chạm khắc lộng lẫy và công phu, tuy không có nhiều phá cách mà lệ vào các môtíp tứ quý và hóa long.
- Làng Đường Lâm có ngay ở thứ 7 là vì đại diện cho thành phần quan trọng nhất của XH cổ. Làng này hay thực chất là 8 làng trong một xã còn giữ được đủ các thành phần kiến trúc có tính nguyên gốc cao. Nhưng quan trọng nhất là các thành phần ấy hợp lại nhất quán, nhưng lại có những không gian mở thoáng ra nhiều diện gò đồi, sông hồ, nên không ai cảm thấy bí bức hoặc tù túng mà rất dễ chịu khi phong cảnh thay đổi rất thú vị.
- Chùa Mía nằm ở trong xã Đường Lâm, nhưng đứng riêng ở vị trí thứ 8 là vì vẻ đẹp của chạm khắc và số lượng tượng kỷ lục VN - 287 pho. Những cái đẹp của tượng chùa Mía không lộng lẫy như 4 ngôi chùa đầu bảng, nhưng dễ chịu như bước vào từ đời sống.
- Chùa Bối Khê trước đây ít được để ý so với chùa Trăm Gian vốn cùng thờ chung một vị Đức Thánh Bối. Nhưng khi Trăm Gian bị xuống cấp và hủy hoại khá nhiều thì Bối Khê lại được ưa thích hơn. Bối Khê có không gian rộng, đẹp và lưu giữ những điêu khắc cổ cũng như bộ vì nóc từ thời Trần, vốn chỉ còn ngoài ra ở chùa Thầy và những bức chạm gỗ ở chùa Thái Lạc. Bối Khê có phần hậu cung có kết cấu chồng rường nhiều lớp giống gác chuông chùa Keo Thái Bình, có dáng dấp đấu củng (hệ console dưới mái) của Trung Quốc. Điều chưa thích lắm ở đây là tổ chức không gian chưa chặt chẽ, cũng như sự tương ứng giữ tượng và vỏ kết cấu bị chật chội.
- Về hạng 10 là chùa Keo Thái Bình, một thứ hạng có lẽ hơi thấp so với ngôi chùa loại to nhất này. Ngoài các ưu điểm nổi bật như kích thước đồ sộ của các tòa kiến trúc, và có điểm nhấn là gác chuông phía sau, thì chùa Keo TB có chỗ kém mấy chùa trên là số tượng không phong phú, các lớp kiến trúc mặc dù giống chùa Keo Hành Thiện nhưng lại có vẻ không được phối hợp với nhau nhịp nhàng. Tuy nhiên, các chạm khắc và đường nét chung lại khỏe khoắn, gây được ấn tượng mạnh.
Từ 11-40 thực tế không chênh lệch nhau là mấy, thậm chí có cái có thể nhảy cóc vào top 10 được. Mấy cái ở cuối danh sách chưa xếp hạng là vì chưa đi hoặc đi đã lâu không còn tư liệu kiểm chứng. Khi nào có thì giờ sẽ nhận xét nốt.
(Ảnh: điện thờ Thánh trong chùa Keo Hành Thiện)
.
Nhận xét
ảnh của mình chả ai download hết:D
@Mỵ: Chắc vì dễ lấy thôi :-D
@VMC: Nhưng mà anh lại đi được những cái lớn hơn chứ ạ. Anh đi Cát Tiên chưa ạ? :-)))