Bí thư tỉnh ủy (tiểu thuyết)

.


Lời giới thiệu


Cuốn tiểu thuyết này không phải là một sự hư cấu thuần túy văn học.


Ở đây, tác giả chỉ sử dụng thủ pháp văn học để nói về một sự kiện lịch sử có thật và về một người anh hùng có thật.


Sự kiện đó là khoán trong nông nghiệp Việt Nam – một vấn đề và cũng là một sự thách đố có ý nghĩa sinh tử đối với số phận nền kinh tế Việt Nam.


Người anh hùng đó là Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc – cha đẻ của mô hình khoán. Cũng như trong mọi sự sinh nở, ông đã trải qua những thai nghén, mang nặng, đẻ đau. Rồi cũng như không ít bậc cha mẹ, ông đã không sống đủ lâu để nhìn thấy “đứa con” của mình sống sót, trưởng thành, phát triển…


Mọi cuốn tiểu thuyết, dù viết về vấn đề gì, đều có cốt lõi là những thắt nút, mâu thuẫn, và cởi nút, giải quyết mâu thuẫn. Có những loại mâu thuẫn là sự xung đột giữa cái ác và cái thiện. Nhưng mâu thuẫn mà cuốn tiểu thuyết này đề cập tới, cũng là mâu thuẫn đã diễn ra trong thực tế lịch sử kinh tế VN, lại là mâu thuẫn giữa cái thiện với cái thiện.


Tập thể hóa nông nghiệp là một ý tưởng thánh thiện. Nó ra đời ở Liên Xô với Lê-nin vào đầu thế kỷ XX. Lê-nin đã từng nghĩ rằng “nền sản xuất tiểu nông từng ngày từng giờ đẻ ra chủ nghĩa tư bản”. Vào thời đại đó thì chủ nghĩa tư bản bị coi là nguyên nhân của rất nhiều tai ương chướng họa, mà cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất là một bằng chứng hùng hồn, rồi cuộc đại khủng hoảng kinh tế 1929-1930 là một bằng chứng không kém phần tiêu biểu nữa. Nhưng chỉ vài năm sau khi thực hiện hợp tác hóa nông nghiệp ở một số nơi, chính Lê-nin đã nhận thấy cách tập thể hóa như đã làm ở Liên Xô là không ổn. Thậm chí, theo Lê-nin, Nhiệt tình cách mạng + dốt nát = phá hoại. Ở Lê-nin lại xuất hiện một ý tưởng thánh thiện khác. Ông đã nói với những người cộng sản phụ trách nông nghiệp rằng: “Không được làm cho nông dân bất bình bằng cách biến công cuộc hợp tác hóa thành một trò chơi ngu ngốc của các anh…[1] Hãy để cho nông dân được tự do sản xuất và đem bán những sản phẩm của họ…”[2]


Sau khi Lê-nin qua đời, những người kế tục ông lại trở về với quan niệm rằng muốn phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nông dân phải tiến hành tập thể hóa. Thậm chí, nếu nông dân vì lạc hậu mà chưa thấy được đấy là lợi ích của chính mình thì phải cưỡng bức họ. Công cuộc tập thể hóa đã được hoàn thành vào năm 1932. Ngay sau đó, nông nghiệp sa sút chưa từng thấy. Toàn Liên bang Xô-viết thiếu ăn. Chính người sản xuất ra lương thực lại là những người chết đói trước tiên (vài triệu người). Đến cơ sự này thì sự thánh thiện bị đặt trước những chất vấn của cuộc sống – đúng ra là của hàng triệu cái chết: Sửa đổi đi hay tiếp tục áp đặt? Stalin đã chọn đáp án thứ hai. Đất nước tiếp tục rơi vào một vòng xoáy của những khủng hoảng, nhưng được giữ kín như bưng. Đến đây thì sự thánh thiện đã bị thay thế bằng lợi ích của quyền uy. Đây không còn là mâu thuẫn giữa cái thiện với cái thiện nữa, mà là xung đột giữa cái thiện với quyền uy, giữa cái đúng của nhận thức bất lực với cái sai được che chắn bởi quyền lực.


Hai mươi năm sau, kịch bản đó lại diễn ra ở Trung Quốc, cũng bắt đầu từ những ý tưởng thánh thiện, rồi bị trả giá bằng những thảm họa của Công xã nhân dân và Đại tiến vọt (cũng vài chục triệu người chết). Thảm họa này lại đánh thức nhiều bộ óc thánh thiện đi tìm cái đúng. Nhưng cái sai đầy quyền uy đã tự vệ bằng những phong trào Cách mạng văn hóa, Chống phái hữu… Phải hơn 20 năm sau, cái đúng mới mở được đường đi, và cũng chỉ có thể đi sau những cỗ quan tài của quyền lực cũ…


Kịch bản của Việt Nam có nhiều nét khác so với hệ thống các nước Xã hội chủ nghĩa khác. Hợp tác hóa đương nhiên cũng xuất phát từ những ý tưởng thánh thiện muốn cứu nông dân, cứu nông nghiệp, cứu đất nước khỏi cảnh nghèo nàn lạc hậu. Nó được nhận thức như một món ăn thịnh soạn mà chế độ mới đem đến cho nông dân. Nhưng ngay khi mới “nấu” xong, món ăn này đã tỏ ra khó nuốt nổi. Song những người chuẩn bị món ăn này lại không phải là những người trực tiếp thưởng thức, nên họ không cảm nhận được sự khó nuốt. Cũng có kẻ thì vì nể nang mà cố nuốt. Nhưng cũng có người, ban đầu là số ít, đã đi từ nghi ngờ đến khẳng định: Món ăn này nấu hỏng rồi, phải nấu lại. Trên mâm cơm cơ chế của nông nghiệp thì người đầu tiên đã dừng đũa và tuyên bố như vậy chính là Kim Ngọc.


Thực hiện lời tuyên bố đó, ông đã cùng toàn tỉnh nấu lại món ăn này, đó là Khoán hộ. Món Khoán hộ được bà con nông dân tấm tắc khen ngon. Nhưng với một vài “anh nuôi” cũ thì vấn đề không còn là chuyện ngon hay không ngon, vì họ đâu có phải trực tiếp ăn món này? Với họ vấn đề là uy tín của nhà bếp. Họ tuyên bố rằng món ăn đó dù có ngon thì cũng có nhiều chất độc hại gây chết người. Vì thế, nhà bếp không được tiếp tục nấu món ăn đó nữa.


Trong trường hợp này, Kim Ngọc đã hành xử giống như Galileo Galilei: Một mặt,vì tinh thần tổ chức đối với Đảng, ông buộc phải khước từ cái đúng của mình trong hành động, nhưng mặt khác ông vẫn giữ vững niềm tin về cái đúng của mình trong tư duy.

Trong tư duy của Kim Ngọc thì “quả đất” khoán vẫn quay. Nhưng khác với tình hình ở Liên Xô, Trung Quốc, ở Việt Nam nhiều “anh nuôi” cũ lại bày tỏ sự đồng tình với ông.


Rồi phải mất 21 năm sau (từ 1968 – đến 1988), khi Kim Ngọc không còn trên trái đất này nữa, “quả đất” khoán của ông mới quay trong cuộc sống.


Điều trớ trêu và đáng tiếc đó hình như vẫn là nhịp đi thường tình của phát triển. Vì thế hình như số phận của phần lớn các nhà cải cách đều giống nhau: Cô đơn và hẩm hiu với nhưng phát hiện của mình, bất lực trước sự phủ định của cái cũ còn đại diện cho đa số, âm thầm ấp ủ niềm tin là mình đúng, đến khi cái đúng được đời công nhận và tôn vinh thì cỏ đã mọc xanh trên mồ của mình.


Cũng vì thế, khi tác giả bài giới thiệu này viết xong cuốn sách về “Phá rào trong kinh tế”, mà Khoán Kim Ngọc được nói tới đầu tiên, đã tới thắp một nén hương trên bàn thờ của ông và thầm đọc tặng ông 2 câu thơ:


Dẫu cho như thế là thiên cổ

Nghĩa sĩ mỉm cười dưới cỏ khâu.


Giáo sư kinh tế Đặng Phong



[1] Thư gừi cho Molotov để chuyển cho toàn thể Bộ Chính trị. Lê-nin toàn tập, Tập 45, trang 53.

[2] Báo cáo tại Đại Hội IX Đảng CS Nga, như trên, tr. 143.


***


Trích Chương ba mươi bảy, tiểu thuyết Bí thư Tỉnh ủy của Vân Thảo, NXB Trẻ 2010.

Đây là một đoạn khá thú vị, có dựa trên một số nguyên mẫu lịch sử.



Kim Ngọc (1917-1979)


1


Nghị quyết 68 ra đời đã được gần hai năm. Năng suất lúa vụ sau cao hơn vụ trước. Từ chỗ chỉ đạt một tấn rưỡi, tấn tám trên một héc-ta thì giờ đây bình quân toàn tỉnh đã đạt năm tấn. Hồng Vân trở thành ngọn cờ đầu đạt đến bảy tấn trên một héc-ta. Gia Đạo cũng xấp xỉ sáu tấn. Chỉ mới bốn vụ lúa, hai chiêm hai mùa và hai vụ xen canh đã làm bộ mặt nông thôn Phước Vĩnh thay đổi hẳn. Người nông dân không những đủ ăn đủ mặc mà bắt đầu tính đến chuyện xây dựng nhà cửa. Nhiều tỉnh nghe nói Phước Vĩnh nhờ có khoán hộ mà năng suất lúa tăng lên gấp đôi gấp ba nên tổ chức đến tham quan và về tổ chức thực hiện khoán theo cách riêng của mình. Không ngờ việc làm đó đã làm hại ông Hoàng Kim. Một buổi chiều ông đang ngồi làm việc thì anh nhân viên cơ yếu của tỉnh ủy bước vào.


- Thưa bí thư, có điện tối mật của Ban bí thư Trung ương, chúng em vừa nhận và dịch xong.

Ông Kim cầm lấy bức điện xem rồi ngẩng đầu lên hỏi anh nhân viên:


- Có ai biết chưa?


- Dạ chưa. Chúng em giữ nguyên tắc của cơ yếu, điện gửi cho ai, chỉ người ấy được xem.


- Cám ơn cậu.


Anh nhân viên cơ yếu chào ông Kim rồi lui ra. Đúng lúc đó bà Thường bước vào. Thấy ông Kim cầm tờ giấy trên tay với dáng vẻ suy nghĩ, bà Thường hỏi:


- Chú đang đọc gì mà có vẻ suy nghĩ thế?


- Bên cơ yếu vừa đưa điện sang báo anh Trung Chính về làm việc với tỉnh ủy.


Thế là điều dự cảm của mình đã thành sự thật. Bà Thường nghĩ và hỏi:


- Bao giờ anh ấy về?


- Ngày mồng sáu tháng này. Anh Trung Chính sẽ về trước nửa ngày để làm việc với thường vụ. Anh ấy yêu cầu triệu tập từ bí thư huyện ủy trở lên và các cán bộ đầu ngành của tỉnh để nghe anh ấy nói chuyện vào ngày hôm sau.


- Tôi đoán không sai. Sấm sét sắp đổ xuống đầu chú rồi đấy.


- Cái gì đến rồi sẽ đến có gì mà lo hả chị – ông Kim điềm tĩnh nói – Có lẽ phải triệu tập thường vụ họp đột xuất để bàn công tác bảo vệ chứ anh ấy ở lại qua đêm là phức tạp lắm.


Bà Thường hỏi:


- Chú định bố trí chỗ ăn ở ra sao? Anh Trung Chính là người rất kỹ tính chứ không giản dị như các đồng chí lãnh đạo khác.


- Có lẽ phải dọn dẹp lại cho thật sạch sẽ mấy gian nhà dành cho các ông phái viên ở trước đây cho anh Trung Chính và đoàn tuỳ tùng ở chứ chẳng có chỗ nào hơn. Việc bảo vệ phải gọi tay Thạch qua để giao nhiệm vụ cho nó. Ta họp thường vụ ngay bây giờ nhé.


Bà Thường bảo:


- Tôi thấy chẳng cần triệu tập thường vụ họp làm gì. Ăn ở thì gọi chú Phương, chánh văn phòng lên giao nhiệm vụ. Còn việc bảo vệ thì nói với chú Quốc gọi Trưởng Ty Công an đến bàn bạc công tác bảo vệ vòng trong vòng ngoài như thế nào, thế là xong. Tôi nghĩ lần này anh Trung Chính lên đây mục đích là để nói về Nghị quyết 68 và những việc làm của các Hợp tác xã đang diễn ra lâu nay. Chú nên dành thời gian suy nghĩ về vấn đề này để nếu nhỡ anh Trung Chính có hỏi còn trình bày với anh ấy.


Ông Kim nói nhẹ bẫng:

- Có gì mà phải suy nghĩ. Mình nghĩ thế nào, cứ thế mà nói. Đừng nói dối thì thôi.


- Không đơn giản như vậy đâu chú ạ. Trong buổi anh Trung Chính làm việc với thường vụ, thế nào chú Đình cũng dựa vào thế của anh Trung Chính để phê phán Nghị quyết 68 có khi còn gay gắt hơn cả lần họp tỉnh ủy để thảo luận và thông qua Nghị quyết. Cũng có thể anh Trung Chính dựa vào những ý kiến của tay Đình để nói rằng trong nội bộ thường vụ cũng có người nhận ra sai lầm của Nghị quyết 68 và việc thay đổi phương thức sản xuất của Hợp tác xã.


- Chị không phải lo lắng cho tôi.Tôi đồng ý là không phải họp thường vụ nữa. Để tôi qua báo cậu Đô cho gọi cậu Phương để giao cho việc chuẩn bị ăn ở.


....


Khi Tấn và Sản ra rồi, ông Quốc hỏi ông Kim:

- Có việc gì thế anh?


- Ban bí thư vừa điện lên báo ngày mồng sáu anh Trung Chính sẽ lên làm việc với Ban thường vụ. Ngày mồng bảy sẽ có cuộc nói chuyện từ bí thư huyện ủy trở lên và các cán bộ đầu ngành của tỉnh. Tớ đã giao cho văn phòng lo chuyện ăn ở và triệu tập các thành phần về dự vào sáng mồng bảy rồi. Tớ qua đây báo cho ông biết để gọi tay Thạch đến bàn việc bảo vệ trong những ngày anh Trung Chính làm việc ở tỉnh.


Ông Quốc tỏ vẻ lo lắng:

- Chắc sấm sét sắp đánh xuống đầu anh em mình đây.

- Có thể như thế. Còn năm hôm nữa thôi nên lát nữa ông cho gọi tay Thạch qua để bàn mới kịp. Bảo với tay Thạch ngay từ chiều mồng năm anh em bảo vệ đã có mặt ở trong khu cơ quan tỉnh ủy để triển khai công tác bảo vệ. Cũng không cần thông báo cho tay Thạch là ai sẽ lên làm việc với tỉnh ủy.


Ông Quốc hỏi:

- Anh có dự đoán anh Trung Chính sẽ đề cập vấn đề gì với tỉnh ủy không?

- Không ngoài Nghị quyết 68.


Ông Quốc thắc mắc:

- Nhưng Nghị quyết 68 đã được thực hiện gần hai năm nay rồi kia mà.

- Tính của anh Trung Chính là rất thận trọng. Chắc anh ấy chờ thu thập được đầy đủ những việc làm của các Hợp tác xã nông nghiệp để làm chứng cứ rồi mới làm việc với chúng ta. Nghe đâu ở Hải Phòng, Hải Hưng và cả Phú Thịnh cũng đang bung ra đủ các loại khoán nên có thể anh Trung Chính muốn dập tắt nơi xuất phát của phong trào để làm gương cho các nơi.


Ông Quốc thở dài chán nản:

- Không biết chuyện gì sẽ đến đây.

- Nắng chiều nào che chiều ấy, chẳng có gì mà lo. Ông cho gọi tay Thạch qua bàn ngay đi nhé. Tớ về đây.


Ông Kim vội vàng đi ra dắt xe đạp nhảy lên đi. Ông Quốc nhìn theo cái dáng cao lêu nghêu gò lưng đạp xe của ông Kim buông tiếng thở dài thương cảm.


3


Một loạt ôtô con sang trọng nối đuôi nhau đỗ trong khuôn viên tỉnh ủy. Đầu tiên là một chiếc Vôn-ga màu đen bóng loáng, kế đến là hai chiếc Mốt-cô-vích. Sau cùng là hai chiếc commăngca. Mấy chục chiến sĩ công an đứng rải rác khắp các ngã đường trong khuôn viên. Không một bóng người đi lại. Không khí trang nghiêm, nặng nề bao trùm lên từng nhánh cây ngọn cỏ.


Trong phòng khách tỉnh ủy, ông Trung Chính và người trợ lí của mình cùng mấy cán bộ trong Ban nông nghiệp Trung ương ngồi một phía. Còn các ủy viên thường vụ tỉnh ủy ngồi một phía. Không khí trong phòng khách cũng nặng nề đến nghẹt thở.


Ông Trung Chính ngừng nói đứng lên đi lại trong phòng như để suy nghĩ những điều mình sẽ nói tiếp. Đi được mấy vòng, ông dừng lại nhìn chăm chú vào bức chân dung của Mác, Lê-nin lồng trong một khung gỗ hình bầu dục treo ở trên tường. Mọi con mắt nhìn theo từng cử chỉ của ông. Lát sau ông trở về ngồi vào chỗ cũ, chiêu một ngụm nước do người trợ lí đưa cho rồi tiếp tục nói bằng cái giọng khúc chiết sắc lạnh của mình:

- Những điều tôi vừa nêu lên với các đồng chí là có cơ sở chứ tôi hoàn toàn không áp đặt cho các đồng chí. Khi các đồng chí phái viên về phản ánh những hiện tượng diễn ra trong các Hợp tác xã của tỉnh các đồng chí, lúc đầu tôi nghĩ đó chỉ là hiện tượng tự phát nhất thời của nông dân, thế nào các đồng chí cũng nhận ra và chấn chỉnh. Nhưng khi tôi nhận được bản dự thảo về quản lí lao động của các đồng chí, tôi đã đoán được con đường các đồng chí sẽ đi. Tôi đã yêu cầu các đồng chí phái viên trao đổi một cách chân tình với các đồng chí để các đồng chí nhận ra sai lầm của mình. Thế nhưng không những các đồng chí không chấn chỉnh mà còn đi xa hơn. Đó là ra Nghị quyết chính thức để các cơ sở Đảng chỉ đạo cho nông dân thực hiện những việc làm hết sức vô nguyên tắc của các đồng chí. Các đồng chí có biết đưa được nông dân đi vào con đường làm ăn tập thể là một trong những thành quả hết sức lớn lao của Đảng ta không. Đáng ra các đồng chí phải nêu cao trách nhiệm trước Đảng, làm cho kinh tế tập thể ngày càng phát triển vững mạnh thì ngược lại các đồng chí đã có những chủ trương sai trái, đi ngược lại hoàn toàn với con đường tập thể hóa Xã hội chủ nghĩa. Trong việc làm này đồng chí Kim phải chịu trách nhiệm phần lớn vì đồng chí là bí thư tỉnh ủy nhưng lại hành động hết sức tùy tiện.


Ông Kim từ đầu cuộc họp đến giờ cố gắng nhẫn nhịn. Khi phát biểu, ông chọn từng chữ, từng lời để né tránh sự bắt bẻ của ông Trung Chính. Vốn tính tình trung thực, thẳng thắn, có gì là nói bung ra ngay. Nói hết, nói không một chút nể nang. Nhỡ nói sai làm người khác không vừa lòng thì xin lỗi một cách chân thành. Giờ đây ông cố ép mình lại để đắn đo hơn thiệt trước khi nói là một cực hình đối với ông. Khi nghe ông Trung Chính bảo mình hành động tùy tiện, ông thấy cần phải nói thẳng chính kiến của mình liền đứng bật lên như một chiếc lò xo:

- Thưa đồng chí. Đồng chí bảo đồng chí không áp đặt mà phê phán chúng tôi là có cơ sở. Tôi nghĩ cái cơ sở do một vài đồng chí phản ánh lại với đồng chí đã bị bóp méo theo cách nhìn nhận hết sức chủ quan và bảo thủ của các đồng chí đó. Còn thực tế thì sau khi có Nghị quyết 68, bộ mặt của các Hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh Phước Vĩnh đã thay đổi hoàn toàn. Từ chỗ năng suất mấy năm trước đây năm nào cũng chỉ đạt từ một tấn rưỡi đến một tấn tám trên một héc-ta một vụ thì nay đã đạt được trên dưới năm tấn một héc-ta. Có hợp tác xã như Hồng Vân ở huyện Vĩnh Hòa đã đạt bảy tấn trên một héc-ta. Tổng sản lượng năm qua đạt 222.000 tấn, tăng hơn năm ngoái đến 4000 tấn. Chỉ tiêu lợn cân cho Nhà nước vượt từ 100 đến 150%. Tổng đàn lợn của tỉnh chúng tôi hiện tại có 307.000 con. Vì sao các đồng chí không chịu nhìn nhận thực tế đó mà quy cho chúng tôi hết tội này sang tội khác. Các đồng chí ngồi ở trên cao mà phán xuôi phán ngược, sai chỗ này, đúng chỗ kia. Còn chúng tôi suốt ngày lội ruộng với xã viên, chúng tôi hiểu nên làm thế nào để cho nông dân không phải đói…


Đôi mắt sắc lạnh của ông Trung Chính nhìn thẳng vào ông Kim :

- Nói như vậy là đồng chí kết tội cho Trung ương quan liêu có phải không?


Ông Kim vẫn đứng nguyên đáp lại:

- Tôi không nói Trung ương quan liêu. Nhưng tôi xin mạnh dạn nói thật với đồng chí, trong tình hình hiện nay dân cần thóc gạo hơn là cần những tín điều và lí thuyết xa xôi. Trong khi cào cỏ cải tiến, xe cải tiến, bình bơm thuốc trừ sâu và máy tuốt lúa đạp bằng chân chưa sản xuất đủ để cung cấp cho nông dân mà đã đem chuyện cơ giới hóa, điện khí hóa, hóa học hoá ra nói với nông dân thì làm sao họ hiểu nổi.


Ông Trung Chính như chạm phải nọc. Ông hỏi giọng gay gắt:

- Theo đồng chí, chủ nghĩa Mác – Lê-nin và con đường làm ăn tập thể Xã hội chủ nghĩa là những tín điều và lí thuyết vu vơ có phải không?


Ông Kim không một chút nao núng:

- Có lẽ hai chữ tín điều tôi vừa nói là sai. Nhưng nếu đồng chí không kết tội tôi thì tôi xin nói thật, ở một mức độ nào đó chúng ta đang rơi vào chủ nghĩa giáo điều. Hơn mười năm trước đây Đảng ta đã một giá quá đắt cho lí thuyết giáo điều trong Cải cách ruộng đất. Đồng chí phê phán Nghị quyết 68 của chúng tôi là sai lầm, mở đường cho nông dân trở lại con đường làm ăn cá thể. Là biểu hiện những lệch lạc về quan điểm, lập trường. Tôi thì tôi cho rằng, Nghị quyết 68 là một Nghị quyết xuất phát từ tình hình thực tế của Hợp tác xã nông nghiệp hiện nay và đã đúc kết thành lí luận hẳn hoi…


Ông Trung Chính cắt ngang:

- Trước khi lên đây, tôi đã đọc lại một lần nữa Nghị quyết 68 của các đồng chí và cố tìm hiểu cái lí luận đã được đúc kết từ thực tiễn của các đồng chí như thế nào rồi. Dưới cái vỏ bọc nghe rất ngọt ngào là một số vấn đề về quản lí lao động nông nghiệp trong Hợp tác xã hiện nay, nhưng nội dung bên trong thì khoán ruộng đất cho hộ, để cho dân tự do khai phá đất chân rừng, gò đồi, sử dụng đất canh tác chia cho xã viên nuôi lợn. Việc làm sai trái như vậy mà đồng chí cho rằng đã đúc kết thành lí luận hẳn hoi ư?


Ông Kim nói khẳng khái:

- Tôi xin khẳng định lại một lần nữa là Nghị quyết 68 của chúng tôi hoàn toàn xuất phát từ thực tiễn của tình hình của các Hợp tác xã nông nghiệp trong những năm qua. Thực tiễn đã chỉ ra sự vô lí là khi xây dựng Hợp tác xã quy mô, ta vẫn dùng đơn vị hộ để tính toán quy mô, diện tích, công cụ sản xuất. Nhưng khi tiến hành sản xuất lại tách hộ ra khỏi tư liệu sản xuất. Nghị quyết 68 của chúng tôi lấy yếu tố con người quyết định mọi thắng lợi, vì vậy con người phải được giao quyền tự chủ sáng tạo. Nếu không làm thế, vẫn tiếp tục duy trì quản lí lao động theo kiểu dong công phóng điểm thì các mối quan hệ kinh tế trong Hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả. Chúng ta biến nông dân thành những người làm công, chính xác hơn là làm thuê cho tập thể. Nghị quyết 68 của tỉnh ủy chúng tôi là muốn đưa hộ xã viên trở về vị trí là một đơn vị kinh tế tự chủ trong Hợp tác xã nông nghiệp, không biết chúng tôi sai ở chỗ nào?


Ông Trung Chính không hề tỏ ra xúc động trước những lời lẽ có vẻ ngang bướng của ông Kim. Ông nói hết sức bình tĩnh:

- Các đồng chí sai ở chỗ nào ư? Nghị quyết 68 thể hiện nhận thức về cuộc đấu tranh giữa hai con đường còn lêch lạc, mơ hồ. Không nhận thấy hết tính chất phức tạp, lâu dài của nó. Các đồng chí nên nhớ rằng, giai cấp địa chủ và tư sản tuy đã bị đánh tan về cơ bản, nhưng tàn dư tư tưởng của nó còn rơi rớt lại. Chỉ cần có cơ hội tốt là chúng ngóc đầu dậy. Vì vậy cuộc đấu tranh giai cấp trên mặt trận tư tưởng chưa hề chấm dứt mà nó vẫn tiếp tục diễn ra dưới mọi hình thái khác nhau. Với chủ trương khoán hộ của Nghị quyết 68 sẽ tạo điều kiện cho đầu óc tư hữu của nông dân có cơ hội phát triển, tính tập thể của xã viên giảm dần. Phương thức quản lí kinh tế tập thể Xã hội chủ nghĩa của các đồng chí biểu hiện quan điểm hết sức sai lầm là sản xuất cách nào cũng được, miễn là sản phẩm xã hội được tăng. Lập luận của các đồng chí là khoán cho hộ mới tận dụng được sức lao động, tránh được đi muộn về sớm, làm cho xã viên chủ động, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân. Khoán cho hộ là một cách khuyến khích bằng lợi ích vật chất khiến cho xã viên hăng say lao động. Tất cả chỉ là ngụy biện. Ba khoán cho hộ thực chất là trở lại cách làm ăn cá thể. Nó phá vỡ nội dung của phong trào Hợp tác xã nông nghiệp. Làm cho Hợp tác xã chỉ còn là hình thức. Nó không những sai lầm về phương pháp quản lí mà còn trái với đường lối Hợp tác hóa nông nghiệp của Đảng và Nhà nước. Các đồng chí nên nhớ rằng, Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp là một tổ chức kinh tế tập thể Xã hội chủ nghĩa cho nên việc quản lí Hợp tác xã phải theo đúng phương thức sản xuất Xã hội chủ nghĩa.


Ngừng lại một lát lấy khăn lau mặt, ông Trung Chính nói tiếp:

- Tôi thừa nhận với các đồng chí là trong mấy năm qua vấn đề quản lí lao động trong một số Hợp tác xã có nhiều thiếu sót. Trình độ các Hợp tác xã chênh lệch nhau khá nhiều. Bên cạnh số Hợp tác xã có khí thế vươn lên, số Hợp tác xã yếu và kém còn chiếm tỉ lệ khá lớn. Theo sự phân loại của 62 Hợp tác xã làm thí điểm vận động dân chủ thuộc Thanh Hóa, Hải Hưng và ngoại thành Hà Nội, số Hợp tác xã loại khá chiếm 24,1%, trung bình chiếm 48,5% và số Hợp tác xã yếu kém chiếm 27,4%. Nhiều nơi việc quản lí tư liệu sản xuất của Hợp tác xã làm chưa tốt, để hư hỏng, mất mát nhiều. Tuy trong thời gian qua công tác quản lí Hợp tác xã có nhiều tiến bộ nhưng các mặt quản lí sản xuất, quản lí lao động, quản lí tài vụ và phân phối đều yếu, thậm chí có khuyết điểm sai lầm. Trong nhiều Hợp tác xã tình hình thiếu dân chủ về mặt tài chính, sổ sách không phân minh hoặc chỉ phân minh về hình thức, nạn tham ô lãng phí khá phổ biến. Việc phân phối không được công bằng, hợp lí, không khuyến khích lao động. Những yếu kém tồn tại tôi vừa nói là tất yếu của sự phát triển. Do các đồng chí không nắm được điều này nên đã vội quy kết cho cơ chế đang hiện hành không biết bao nhiêu tội. Nào là tập trung quan liêu bao cấp, nào là hạn chế quyền tự chủ sản xuất của người nông dân và còn bao nhiêu tội khác. Từ chỗ nhận định hết sức chủ quan đã dẫn đến chủ trương sai lầm rất đáng tiếc. Tôi đề nghị các đồng chí trong Ban thường vụ phải nghiêm khắc kiểm điểm chủ trương sai trái của mình. Riêng đồng chí Kim phải viết bản tự kiểm điểm vai trò bí thư tỉnh ủy của mình với Ban bí thư. Ngoài ra phải viết một bài mang tính chất tự phê bình về chủ trương khoán hộ của mình gửi đăng trên Tạp chí Học tập của Đảng để cho các tỉnh khác rút kinh nghiệm, không lặp lại con đường sai lầm của tỉnh Phước Vĩnh.


Ông Kim định đứng lên nói nhưng bà Thường kín đáo nắm tay ông giữ lại. Bà biết rõ cơn sóng gió đang ào ạt trào dâng trong lòng ông Kim. Nếu để nó bung ra có thể dẫn đến đổ bể tất cả. Khi ông Kim chịu ngồi yên rồi, bà Thường đứng lên nói giọng cay đắng:

- Thưa anh Trung Chính. Anh có cho phép tôi nói với anh đôi lời với tư cách là người một thời đã thân quen với anh không?


Ông Trung Chính cười gượng:

- Thế cô nghĩ rằng tôi đã thành người xa lạ đối với cô rồi hay sao?

- Anh không những thành người xa lạ đối với riêng tôi mà còn xa lạ cả với mọi người. Thú thật là tôi không còn nhận ra anh nữa.


Ông Trung Chính nói một câu gượng gạo:

- Tôi có khác gì đâu, chỉ có già đi thôi.


Bà Thường nói chua chát:

- Cái già bên ngoài của anh không đáng ngại. Điều đáng ngại là anh trái tim của anh đang già cỗi và đã biến thành sắt đá mất rồi. Anh có biết ngày còn hoạt động bí mật, anh, anh Việt, anh Dũng ở trong nhà tôi ai là người nuôi các anh ăn, ai làm liên lạc, ai bảo vệ các anh? Ngoài nông dân ra chẳng có ai cả. Không sợ máy chém, không sợ tù tội khổ sai, nuôi nấng bảo vệ các anh để các anh làm cách mạng giải phóng cho họ. Sao bây giờ anh quay ra vô tình, thờ ơ với cuộc sống còn đói nghèo thiếu thốn của họ đến vậy? Sao anh không dám vứt mẹ các nguyên tắc đang ràng buộc họ để cho họ được thoải mái làm ăn, để họ còn nuôi con nuôi cái và đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. Sao vậy anh Trung Chính? Sao vậy? Anh trả lời cho tôi đi.


Mọi con mắt lo lắng đổ dồn về phía bà Thường. Ông Trung Chính cảm thấy có một luồng khí lành lạnh xuyên qua da thịt mình. Ông vô cảm với cuộc sống của người nông dân một thời nuôi nấng che giấu cho ông ư? Trái tim ông đã già cỗi rồi ư?

...

Nhận xét

Penpen đã nói…
Hiện giờ ở Vĩnh Yên có đường Kim Ngọc . Bác Nguyễn Phan Hách cũng lấy KN để xây dựng 1 phần nguyên mẫu nhân vật Nguyễn Đức Hàm trong " Cuồng phong " .
He he , nói về HTX, lại nhớ tới truyện " Ngày công đầu tiên của Cu Tý" ( Bùi Hiển) , hình như trong SGK bây giờ, bài này đã bị bỏ .
Unknown đã nói…
Ừ, vì các HTX nông nghiệp đã giải tán rồi còn đâu. Chắc nền có truyện gì đó như "Cu Tèo mở công ty" :-)
Mr Do đã nói…
Trung Chính là Trường Chinh, Long March à?
Unknown đã nói…
Theo lời bạt của tác giả thì các nhân vật có sự hư cấu nhiều.
Chu Chu đã nói…
hay chứ bộ, đầy kịch tính.
yoyo đã nói…
mình chưa đọc tac phẩm này bao giờ, nhung khi mình đựoc nghe trên chương trình đọc truỵên đêm khuya của đài phát thanh Tp.Hồ Chí Minh thì mình thấy truyện này thật là hay, nó như cuốn người nghe phải tiếp tục diễn biến của câu chuyện ra sao, cuộc đời cách mạng của bí thư rồi như thế nào? ông có còn được tiếp tục giúp đỡ bà con có cuộc sống ngày một khá hơn không theo cách mà ông cho là đúng..........

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm