Đặt tên (Phở gia truyền)

.
Nhân vụ Phở Gia truyền, chợt nhớ từng viết một cái tiểu phẩm liên quan, đã lên sóng, giờ post lên cho đậm chủ đề:

ĐẶT TÊN

1. NỘI – QUÁN PHỞ - NGÀY:

Hai vợ chồng ngồi thành kính quanh một ông thầy bói.

CHỒNG

Nhờ thày chọn giúp cái tên cho quán. Quán bán phở bò đấy ạ.

VỢ (xen vào)

Chồng em định đặt tên là Phở Bò cười, được không thày?

THÀY

Có mà bò điên mới nhe răng ra cười! Phở chứ có phải pho mát đâu.

VỢ

Thế chúng em định lấy tên ghép vợ chồng đặt cho quán có được không ạ?

THẦY

Chị tên gì?

VỢ

Vân ạ.

THẦY

Súy Vân thì giả dại. Thúy Vân thì lấy chằng người yêu của chị. Ái Vân thì bỏ nước mà đi. Sao lại dại dột mà lấy cái tên đó thế chứ!

VỢ

Ơ… Nhưng ông xã nhà em tên Phi. Phi Vân là không phải Vân, có được không ạ?

THẦY

Không được. Phi là không. Không phải Vân thì là bà hàng xóm à? Phi Vân lại tưởng tên người mẫu mở quán phở, không được.

CHỒNG

Thế Phi Thường được không ạ?

THẦY

Nghe thế người ta bảo phở anh chị bất bình thường. Ăn vào không bình thường thì chết. Không, không được. Thôi, làm gì cũng phải có nguyên tắc cho cẩn thận. Anh chị viết tên hai người với năm sinh vào giấy cho tôi. Tên hiệu là cái thứ như danh thiếp hay số điện thoại, lộc lá ở đấy, sự nghiệp ở đấy, không phải chuyện chơi.

Anh chồng hí hoáy viết tên vào giấy rồi đưa thầy.

VỢ

Có cần ghi cả chữ THỊ không ạ?

THẦY

Ghi đủ như tên khai sinh ấy. Thiếu một chữ cái là đi cả đời.

Thầy cầm tờ giấy, rút cái máy tính từ túi bên trái ra đặt cộp xuống bàn, rồi rút quyển sổ từ túi bên phải ra. Thầy bấm máy tính rồi tra sổ.

Hai vợ chồng chăm chú theo dõi cử chỉ của thầy, vươn cổ ngó vào xem nhưng không hiểu gì. Thầy ngẩng lên, gật gù.

THẦY

Tên hai người đều có tổng chữ cái hơn 14 chữ, là tốt. Số của anh là 17, nhưng năm sinh lại lùi 4 nước thành ra có 13. Tên chị là 14, năm sinh thêm 2 nước được 16. Giờ tra bảng của tôi, thì ra chữ Lộc. Lộc hợp với cả mệnh Thổ của anh lẫn mệnh Mộc của chị. Nên lấy tên Vạn Lộc.

CHỒNG

Nghe có vẻ hơi cổ thầy ạ?

VỢ

Cổ hay chứ! Nhà mình bán phở bao đời, nghe thế càng thấy có tín nhiệm.

THẦY

Đúng đúng! Anh chị có thấy ngày xưa các nhà đại tư sản Hà Nội phải đặt tên chữ Hán không? Mà toàn phát đạt hết cả. Đấy, bàn nhau mà làm.

2. NỘI – QUÁN PHỞ - NGÀY:

Quán đề biển: “Phở VẠN LỘC”. Trong quán có khoảng chục người khách ngồi ăn sì sụp. Người ra vào nhộn nhịp. Một khách gọi từ trong với ra.

KHÁCH 1 (OFF)

Cho một tái nạm gầu gân.

KHÁCH 2 (off)

Ba bát đặc biệt. Thêm ba trứng trần nhá!

Vợ tay chan tay bốc, mặt mũi hớn hở nhìn chồng.

VỢ

Vạn Lộc có khác nhỉ... Kìa, sao đứng đờ ra đấy?

Anh chồng bưng xong bát phở cho khách, mặt đờ ra nhìn quán bên kia đường. Chị vợ nhìn lên, giật mình đứng phắt dậy.

VỢ

Nó lại giở trò gì à?

Anh chồng giơ tay chỉ sang bên kia. QUán đối diện: Một tấm vải đỏ che cái biển trên nóc cửa hiệu. Một người thắp hương rồi cậu thanh niên kéo tấm vải xuống. Cái biển có chữ: “Phở TRIỆU LỘC”.

3. NGOẠI – QUÁN PHỞ - NGÀY:

Hình nhanh: Chị vợ đứng dưới đất điều khiển anh chồng đang đứng trên thang nhôm dán chữ đè lên biển.

Anh chồng bỏ tay ra. Cái biển bây giờ có tên PHỞ TỶ LỘC.

Anh chồng hoan hỉ ngắm công trình của mình rồi xách thang đi vào nhà. Cắt cảnh.

Hình nhanh: anh thanh niên quán đối diện vác biển khác treo lên trên quán mình. Biển là “PHỞ TY TỶ LỘC.”

4. NỘI – QUÁN PHỞ - ĐÊM:

Hai vợ chồng ngồi đếm tiền, mặt buồn thiu. Chồng đấm tay xuống bàn.

CHỒNG

Mẹ, được cái tên hay nó lại cứ nhái thế!

VỢ

Động não đi chứ! Đàn ông đàn ang gì có khó khăn đã kêu mệt! Nó là Ty Tỷ Lộc, mình phải có cái gì to hơn cả ty tỷ chứ…

CHỒNG

Mẹ ơi! Trên đời này còn số đếm nào to hơn không? Thôi, cứ lấy cái tên nào giản dị đúng bản chất quán nhà mình ý. Phở gia truyền thì bảo là gia truyền.

VỢ

Ờ! Đúng rồi! Cứ chân phương mà phang. Nhà nó mới tập tọng bán phở, treo biển gia truyền người ta đập vào mặt. Nó muốn nhái cũng bó tay. Làm ngay đi!

Anh chồng cun cút chạy đi.

5. NỘI – QUÁN PHỞ - NGÀY:

HÌnh nhanh: anh chồng thoăn thoắt trèo thang treo biển “Phở Gia truyền”. Chị vợ đứng dưới cổ vũ. Cắt cảnh.

Hình nhanh: chủ quán đối diện cũng trèo lên treo biển. Biển đề “Trên cả Phở gia truyền”

6. NGOẠI - ĐƯỜNG PHỐ - NGÀY:

Chị vợ tức giận, phủi tay vào cái tạp dề, cong đít đi ra vỉa hè, xỉa xói. Người thanh niên bên quán kia chạy ra. Khách dừng xe nhưng quay đầu đi hết cả vì thấy cãi nhau.

VỢ

Nhà mày hết trò rồi hay sao mà phải ăn theo nhà bà! Bố mày trước hãy còn phải xếp hàng ăn phở nhà tao, nấu phở còn chả biết phân biệt thịt trâu với thịt bò thì đừng có đề biển gia truyền cho hổ thẹn cái tinh túy ẩm thực Hà Thành đi nhá!

THANH NIÊN

Ờ hơ! Bà xem lại biển nhà tôi đi. Ai thèm tranh cái chức gia truyền nhà bà. Nhà tôi trên dốc, trên đầu nhà bà. Ờ, trên cả gia truyền đấy…

Chị vợ tức giận, nhưng không nói gì được. Một chiếc xe hơi dừng lại ở giữa phố. Cửa kính xe mở ra. Một người ngồi lái xe chỉ vào quán phở bên này.

NGƯỜI LÁI XE

Có phải quán gia truyền này không?

Một người khác trên xe thò cổ ra. Không nói không rằng, cả chị vợ lẫn đối thủ bên kia nhào tới xe, mỗi người bám 1 bên, co kéo.

VỢ

Nhà em gia truyền đây.

THANH NIÊN

Vào quán nhà em bên này!

NGƯỜI TRÊN XE

(ra hiệu cho người lái)

Không phải! Quán không biển dưới kia kìa. Mới mở nhưng ngon hơn nhiều, nằm ngay dưới hai quán đề biển gia truyền này!

Chiếc xe lăn tiếp đến một quán phở cách đó vài dãy nhà. Quán không treo biển nhưng xe máy xe hơi đỗ đông nườm nượp.

Hai đối thủ đứng sững sờ hai bên đường nhìn sang nhau.


2008
N.T.Q.
.

Nhận xét

Hellos đã nói…
có 1 điều phi lý là cái hàng phở ko treo biển đó khách ra vào tấp nập, chỉ cách vài dãy nhà mà 2 hàng Tỷ Lộc -Vạn Lộc ko chịu cạnh tranh với hàng đó mà cứ phải cạnh tranh nhau? Thường thì phải cạnh tranh với hàng đắt khách hơn chứ nhỉ?
Nguyễn Trương Quý đã nói…
Vì cốt truyện có tính ngụ ngôn nên sự phi lý đó cũng chính là vấn đề: mải cạnh tranh nhau mà không hay biết xung quanh đã tiến đến đâu rồi. Với lại, vấn đề tiểu phẩm đưa ra nằm ở khía cạnh khác.

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm