Một tuần thì làm được gì (cho đời)

.
Tuần vừa qua là một tuần đắt hàng của báo chí và truyền thông: đánh nhau ở Thái, TQ lại gây chuyện ở Biển Đông, giết người chặt xác ở Hà Nội, tàu cao tốc xuyên Việt chiếm 50% GDP, vỉa hè Hà Nội ngừng (bỏ dở) lát đá chờ nhân dân đóng góp ý kiến, sinh nhật Bác, thóc 3000 tuổi nảy mầm, chắc là còn rất nhiều thứ khác nữa, mở web là chỉ có chết lút trong bể tin nóng.

Ấn tượng lớn nhất để lại là: hình như có một sự biến chuyển về cách thích nghi với tin tức của quần chúng. Cách đây 5 năm thôi, những mục như Tản văn thứ Sáu trên TTVH hay talawas chẳng hạn, mỗi tuần một hai bài là vừa với tốc độ bình luận và nghiền ngẫm, thậm chí kéo dài đến cả tháng trời. Nhưng giờ một bài nóng, vừa ra phát là comment phản hồi lia lịa, nhiều đến tưởng lụt cả server, nhưng chỉ cần hai ngày sau, nó đã im re kèn, tra archive mỏi mắt mới thấy. Những báo có trang điện tử vẫn cố gắng bám trụ với sự điều tiết như Tuổi Trẻ thì đang có vẻ bắt đầu chung chiêng trước sự thay đổi dữ dội của dòng tin trong ngày, mà các trang như Vietnamnet là một cực khác. VnExpress có vẻ vẫn trung dung, tốc độ vẫn không đột biến (có lẽ vì lúc mới ra, trang này đã được xem như cập nhật nhanh nhất), bài vở có cắt cúp gọn gàng. Còn Vietnamnet thì cứ như một kiểu portal, gì cũng có, và hình thức cho đến nội dung thực tế phản ánh "trung thực" bức tranh xã hội VN.

Các tờ giữ lấy "lề" như TT, đang có những thách thức dành cho báo giấy. Ví dụ tin phim "Bi, đừng sợ" của bạn Phan Đăng Di được 2 giải trong Tuần lễ các nhà phê bình ở Cannes, chỉ cần remove xuống 1 lúc (có thể để sửa lại cho chuẩn, có thể là cân nhắc) thì đã bị fbooker và blogger nghi vấn là "bạn Di bị cấm". Tất nhiên, nửa tiếng sau thì bài đã lên lại thì nghĩa là chuyện không có gì ầm ĩ. Nhưng qua đấy có thể thấy là nhu cầu gossip và đọc thật nhanh, thật nóng, thật xôm tụ, đang làm lung lay cách đưa tin truyền thống. Giờ có lẽ chỉ còn VTV ung dung, buổi sáng đọc báo mạng và báo giấy xem có gì gay cấn, gọi điện liên hệ, trưa vác máy đi quay, chiều dựng, 7h tối đã có bản tin phát nóng hôi hổi vừa thổi vừa xem.

***

***
Trong khi đó cả tuần mình phải đọc tơi bời cả chục bản thảo. Không đọc thì làm nốt bản dịch, mà định mức 10 trang mỗi ngày xem ra thật khó! Nghĩ thì thông lắm, cầm đọc tranh thủ lúc nghỉ hay vào toalét thì cũng gọi là ra vấn đề, nhưng bắt đầu soi bản gốc, gõ bàn phím lựa câu, xưng hô, ối mẹ ơi sao nó triệt tiêu mất tốc độ và lòng hăm hở.

Nói chuyện với chị bạn đã thôi làm sách, chị bảo "nói thật là chán làm sách lắm rồi. Sách bây giờ có lẽ chẳng thích hợp với đời nữa. Mình làm chăm chút, ve vuốt với lại tỉ mẩn như thế, mà người ta cũng chẳng thể háo hức vồ lấy đọc ngay. Người ta cần một hình thức đọc khác."

Thế thì mình đang làm cái gì? Đọc những cái thấy cũng hay, cũng được, nhưng mà nó cũng chỉ ở mức hoặc khoái trá, hoặc gật gù, hoặc đường được. Đã thế lại là thứ việc lúc nào cũng tít mịt tậm tịt. Trong khi ai cũng làm những việc nhanh nhanh, dự án vèo vèo ra sản phẩm. Dịch một quyển sách mất gần nửa năm trời, rồi biên tập và in ấn cũng 1-2 tháng... bán được thì còn đỡ, không thì quả là một cái gì đó quá ư xa xỉ và phí phạm. Hôm nay đọc báo TTVH, có bài viết về phim Ingluorious Basterds của Tarantino bán được 320 triệu đô tiền vé trên toàn cầu, nhưng ở VN phải cuốn xéo khỏi rạp sớm. Chẳng biết kết luận thế nào, vì một bộ phim có lẽ là hay nhất mùa Oscar vừa rồi, lại có vẻ chẳng liên quan gì đến nhu cầu của xã hội VN hiện tại. Tất nhiên nếu xem phim ấy thì sẽ thấy có rất nhiều cái liên quan, có điều nhận ra thế nào thôi.

Trong mấy bản thảo, thế nào mà cuốn đầu tiên đọc lại khá ấn tượng. Không cầu kỳ, viết khá chắc tay, làm mình phải chăm chú đọc hết, nhân vật có suy nghĩ và những khao khát, buồn chán rất sát với những gì mình đang có hoặc gặp ở đời. Đợi mãi mà chẳng thấy có cái nào hài hước cả. Phải có quyển nào khiến mình tức tối, ghen ghét với tác giả vì nó đã viết ra mất rồi! Giống như Darwin tức điên lên khi có cái tay Huxley gì đó đã đăng bài luận có luận điểm y chang cái ông đã viết mà chẳng dám công bố.

Chú thích bức ảnh: Là bức ảnh post trên FB tuần rồi, hút được kha khá chị em vào bình phẩm Madeleine Riffaud và anh đẹp trai đứng cạnh. Từ trái qua: Chế Lan Viên, Tú Mỡ, M.R và Nguyễn Đình Thi. Ảnh trong cuốn Au Nord Viet-Nam, écrit sous les bombes (Ở Bắc VN, viết dưới bom đạn, 1967). Nhưng ảnh chỉ nóng được 2 ngày là không còn ai mó đến!
.

Nhận xét

Sinh Tử Lệnh đã nói…
Kha, TQ đã ngấm đòn thời gian hả?
01 tuần, tớ chỉ phải chọn 03 cái ảnh thôi mà nhiều tuần đưa đại rồi tự thưởng phiếu bé ngoan.
Nhanh lên chứ, vội vàng lên với chứ !
Lana đã nói…
Tớ không biết sách ấy làm là sách gì. Nhưng cá nhân tớ vẫn đi hiệu sách mỗi tuần và thường chọn sách dịch. Trước kia hay mua truyện. Giờ hay mua sách dạy kỹ năng...
Unknown đã nói…
Cảm ơn anh Kiên đã động viên ạ :-).
Chị Lana, chuyển từ văn học sang kỹ năng sống là xu hướng của người đang muốn tái sắp xếp trí tuệ đấy :-)

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm