Người ta vẽ tranh về Nam Cao
Bài viết cách đây đúng 4 năm.
Nam Cao đối với người đọc những năm đầu thế kỷ 21 có một vẻ gì đó đã trở nên cổ điển. Vì lẽ ngoài những giá trị đã được đông đảo bạn đọc thừa nhận từ rất lâu qua những trang văn xuôi xuất sắc, năm ông mất lại xa hẳn khỏi những năm tháng nhiều xung đột trong văn học nước nhà. Dường như suy nghĩ của mọi người về ông khá thuận chiều. Ông là giáo Thứ, là văn sĩ Hộ, mang một cái mặt không chơi được kiểu tự trào của trí thức tỉnh lẻ, tốt mà nghèo. Truyện của ông thì đã rõ, dẫu có đa thanh, dẫu mang yếu tố carnival như cách phân tích của GS Đỗ Đức Hiểu, dẫu có những ý kiến không thích cái nét tự nhiên chủ nghĩa trong đó, nhưng tựu trung, được mọi người đề cao.
Tranh này không biết tác giả, đề là TOÀN nhưng cách vẽ hệt Hoàng Hồng Cẩm.
Ngoài vài tấm ảnh cũ kỹ ít được công bố, ngoài vài dòng hồi ức của bạn văn cùng thời, Nam Cao giữa đời sống người đọc ít bộc lộ hơn so với nhân vật của ông. Chung quy là tác phẩm nghệ thuật khai thác cuộc đời sự nghiệp và văn chương của Nam Cao ít quá. Dường như chỉ có mỗi bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy của đạo diễn Phạm Văn Khoa là đủ sức sống bên cạnh trước tác của nhà văn, cũng là nguyên mẫu cho nhân vật ông giáo trong phim. Và ấn tượng quá đậm nét về bộ phim đã thành ra một thứ tài liệu non-fiction cho hậu thế khi nghĩ đến Chí Phèo, Thị Nở, lão Hạc, giáo Thứ… Không nói quá, nghĩ đến Chí Phèo thì lại tưởng tượng ra Bùi Cường, Thị Nở thì cứ là Đức Lưu, lão Hạc thì như là dành cho Kim Lân, và giáo Thứ lại là một vai giáo nghèo cho Hữu Mười bên cạnh vai giáo Khang trong bộ phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” của Đặng Nhật Minh. Thế là Nam Cao thì giống Hữu Mười?
Tranh Lê Thiết Cương.
Mấy ý nghĩ ngô nghê đó, không trách người xem được. Bởi vì trong cuộc vận động sáng tác mỹ thuật về đề tài Nam Cao và tác phẩm của ông, những biểu hiện đó vẫn là một sự thật. Cũng chẳng sớm sủa gì khi bây giờ mới có một cuộc vận động này, sau bộ phim nổi tiếng kia, đây là lần kỷ niệm Nam Cao thiết thực nhất. Dĩ nhiên bằng chất liệu phi thời gian, tác phẩm hội hoạ chỉ thể hiện được những lát cắt của các câu chuyện. Nhưng hội hoạ có ưu thế cô đọng, và cái ấn tượng mà hoạ sĩ tóm được từ tinh thần tác phẩm của Nam Cao, phải là một nét gì không chỉ phản ánh chính xác tính cách nhân vật, mà còn giải mã được những ý tưởng nhân văn của tác giả. Nó là cái gì, từ câu chuyện tình của Chí Phèo - Thị Nở, từ những nỗi đời cơ cực mà bi thương của những kiếp người bé mọn như lão Hạc, cái Dần, Trạch Văn Đoành, những trí thức lớp dưới nhìn thấy mọi cảnh nghèo bày ra đấy mà chỉ biết thở dài, mơ mộng chốc lát trong những đêm trăng sáng vốn có tác dụng che bớt những cái xấu xí của đời. Thế nên có thể thấy, các hoạ sĩ đã nhanh chóng bắt được tần số này của nhà văn, những khía cạnh phóng túng đậm chất Baroque rất thích hợp với ngôn ngữ mỹ thuật.
Trên bình diện đó, tinh thần thấm đượm là lòng trắc ẩn của nhà văn. Mà đời méo mó như cái mặt Thị Nở thật, sứt sẹo như mặt Chí Phèo đấy, dở dang như đời giáo Thứ, quanh hiu như đời lão Hạc, nhưng trăng thì vẫn sáng, người vẫn sinh ra, lò gạch cũ lúc nào mà chả hoang. Vượt lên đó là cả một sự chấp nhận. Thế nên Nam Cao mới có được nụ cười, cái vui đùa tuy cay đắng lắm nhưng vẫn là cái tâm thế bình thản, nhẫn nại của người xứ đồng chiêm, làng xóm chật hẹp, ra thành phố cũng vậy.
Tranh Lê Quảng Hà.
Phong cách viết hoạt ngôn hóm hỉnh mà rơi nước mắt đó dường như là mảnh đất màu mỡ cho những hình tượng hội hoạ, những phong cách từ hiện thực cho đến biểu hiện và trừu tượng. Dường như phong cách hiện thực không dễ mà thành công ở đây, vừa dễ bị cái quán tính so sánh với bộ phim, vừa khó xa khỏi lối minh hoạ bối cảnh truyện, cho nên những tác phẩm khoáng hoạt nhất dường như là thuộc phong cách trừu tượng. Thì đó, những dòng chữ hoạt kê trào lộng đan cài với những miên man tự vấn của những vai kể chuyện ngồn ngộn trên mặt giấy, ngỡ như chỉ cần gắp ra mà trải lên mặt toan là ra được chất Nam Cao. Nhưng hoạ sĩ thì mỗi người một khác. Nhà văn Hoàng Minh Tường vẽ khác nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Lại càng khác hoạ sĩ Thành Chương, khác cả Quách Đông Phương. Cái màu sống sít, rờ rợ của tranh Hoàng Minh Tường có thể bị chê là quá nghiệp dư, quá Bờ Hồ nhưng mà… lại có vẻ cũng khá bén với motif Đôi lứa xứng đôi. Hay bức tranh sơn mài của Thành Chương có thể về mặt nghề thì khỏi bàn, nhưng mà lại có vẻ quá lãng mạn cho câu chuyện tình oái oăm sực mùi cháo hành này. Có đặt là Kim-Kiều cũng được. Tranh Lê Thiết Cương cũng thế, quá đẹp để mà bảo đấy là hai kẻ dở người nhất làng Vũ Đại, trông có khác gì “khi chén rượu khi cuộc cờ” đâu? Rõ là tranh của anh vẽ một đôi nam nữ kề vai áp má, ngực non đùi tơ, chén quỳnh giọt tương mới vơi nửa chai sáu lăm.
Tranh Nguyễn Huy Thiệp.
Cái vòng tròn tranh luận khi chai rượu khi bát cháo (hành) này, khi xem Nở ngủ, khi chờ trăng lên… có lẽ không đến hồi kết. Chính vì thế, ban tổ chức cũng khôn ngoan khi đổi tên cuộc thi thành cuộc vận động sáng tác. Nói tranh nào nhất, tranh nào nhì cũng bằng bảo lão Hạc với lang Rận ai nghèo hơn ai! Nhưng không phải tranh nào cũng đẹp cả. Nhiều tranh nặng tính minh hoạ, hoặc dụng công quá mức khiến thiếu cái độ bạo liệt dữ dội, chỉ là những hình vẽ như bối cảnh phim trường, nghĩa là dừng ở mức Chí Phèo thì có sẹo, Thị Nở thì vẩu răng. Hoặc lãng mạn quá đà, tình yêu của Nam Cao không thể lãng mạnh như của Khái Hưng Nhất Linh được, nó khổ sở lắm, những “chuyện tình xú-vơ-nia” thôi…
Trang Hoàng Minh Tường.
Thế còn hình tượng nhà văn? Không có nhiều tranh về tác giả lắm, nhưng cũng cho thấy những điều khó khăn khi hình dung về Nam Cao. Dĩ nhiên là ai cũng biết Nam Cao không thể béo tốt được, nhưng Nam Cao “sống” ra sao, hình như cũng rất khó nắm bắt, điều này đã nói ở trên, và những bức tranh ở đây cũng cho thấy vậy. Nam Cao trong một bức có tính truyền thần trong số này lại có vẻ không ra Nam Cao bằng một số tranh khác. Ông tự nhận mình có “cái mặt không chơi được” đó thôi, chứ thực ra có lẽ ông quá ưu thời đến mức không biết diễn đạt cảm xúc thế nào cho phải lối, trước vô số những ngổn ngang hiện thực. Tôi nhìn bức tranh của Lê Huy và hơi giật mình, hình như cái người trong tranh trông quen lắm. Cái dáng người hơi xiên vẹo, cái cổ ngẳng, má hóp, mái tóc có chải nhưng gọi là cho có, ánh mắt thì đầy nỗi ưu tư, là của một chàng trai cả nghĩ, nhìn ra đời thấy vô số cái buồn cười nhưng mà chả cười được mấy. Một anh chàng nhà quê, gắn với cảnh quê, có ra Hà Nội cũng ngao ngán với cảnh ngoại ô máy nước xếp hàng, khéo ăn kem Bờ Hồ cũng chẳng thấy ngon vì nghĩ đến bữa cơm độn khoai của vợ con ở dưới quê.
Tranh Lê Huy.
Nam Cao như thế là một anh đàn ông Việt Nam chính hiệu. Những anh đàn ông khổ khổ, tất bật, nay có thể đứng ở đầu ngã tư, hay đi lại trong các công sở, giầy đen đế chân trái hơi vẹt nhiều hơn vì chống chân dừng xe máy, áo sơ mi sáng màu cắm trong quần âu… Biết nói đùa nhưng mà cũng làm khổ vợ con đủ đường. Cũng biết yêu nhưng mà luôn cho là ở mình cái gì cũng có ngữ.
Tranh Thành Chương.
Vì thế, tự nhiên tôi nghĩ, hoạ sĩ nếu mà thử vẽ về chính mình, biết đâu lại thấy Nam Cao ở đấy? Nam Cao viết toàn về cuộc sống của ông, xung quanh ông, mà cũng như là về chính chúng ta vậy. Những kiếp người cười cợt, mà lại rớm nước mắt, chẳng phải là chính chúng ta đấy sao?
Nguyễn Trương Quý
12.5.2006
Tranh Lý Trực Dũng.
Trên là một số tranh vẽ trong cuộc thi vận động sáng tác về Nam Cao và nhân vật văn học của ông do báo TTVH tổ chức hồi năm 2006.
.
Nhận xét
@NL: Tưởng tên HHC thì bán chạy, chứ đề Toàn thì bợm quá nhỉ. Nói chung ăn theo NC là chính chứ chưa thấy tranh nào xứng tầm Chí Phèo :-)
mà bác Cẩm lâu nay lưu lạc giang hồ đâu rồi ấy nhỉ, trước thỉnh thoảng còn gặp, chửi bậy thôi rồi Lượm ơi
"Cũng biết yêu nhưng mà luôn cho là ở mình cái gì cũng có ngữ." hì, nhận xét đúng quá .