Chân trời đã mất

(tiếp theo bài Ỷ lan câu view)

Mười ngày nghỉ Tết thì trừ vài ngày dọn dẹp chuẩn bị và chúc Tết ông bà bố mẹ, ai cũng muốn có cơ hội đi chơi xuân. Hà Nội đã vắng lại hiện nguyên hình một thành phố ngắm hoa đào mãi cũng chán, nhìn đèn giăng Bờ Hồ muôn năm cũng nhạt, ngồi cà phê lướt FB thấy sôi tiết ghen tỵ với những đứa nhâng nháo khoe khoang trời Tây. Đi đâu bây giờ? Đừng nói là về quê nhé, chúc Tết ngần ấy họ hàng đã đủ hãi, mừng tuổi ngần ấy đứa cháu cũng tốn, chủ nhà nào cũng hiếu khách mời rượu với gà - ý chừng họ cũng buồn cái buồn Tết quê mà không dám có ý nghĩ đóng cửa đi du lịch.

May quá, đã có quê người khác. 

Người Việt xưa xưa nói chung quanh năm không có bao nhiêu cớ để ăn chơi, dồn gần hết cả vào ba tháng mùa Xuân. Ban đầu người Việt có mỗi vụ lúa mùa, gieo vào mùa Hè, thu hoạch cuối tháng mười âm lịch (Bao giờ cho đến tháng mười, lúa chín trên cánh đồng giông bão... mấy câu thơ của Đặng Nhật Minh đặt trong kịch bản phim có tính thời điểm thực tế là như vậy). Sau này mới nhập thêm vụ chiêm từ người Chăm (Chiêm Thành), cấy từ cuối năm và khi hết mùa lễ hội là thu hoạch. Tháng ăn chơi rơi đúng vào giữa kỳ nông nhàn ấy. Thế là người ở một vùng tụ nhau lại, làm nên một lễ hội địa phương, nhỏ thì vài giáp đấu vật với nhau, to thì vài huyện múa hát tôn vinh một bà chúa hay ông đại vương nào đấy. Dân Hà Nội đi về đấy, có cái thú du ngoạn nửa kiểu Tú Uyên thị thành tìm Giáng Kiều, nửa kiểu bà đầm thực dân xem phong cảnh Việt. Thì cứ nhận luôn là mình khác gì bọn thực dân, mở mồm ra là chê đồ nhà quê. Mãi mãi chỉ biết bãi nước đái con chó phốc bậy ra ở phòng khách chứ không thể hiểu vũng trâu đầm nông sâu ra sao.

Nhưng dù sao mặc lòng, Tết là cái cớ hoàn hảo để đi trẩy hội trong một hai ngày ngắn ngủi trong cự ly gần. Đủ để cảm thấy hương vị cổ truyền ở quê mà cũng không quá xa Hà Nội. Đủ để có cảm giác tha hương - thứ cảm giác độ này trỗi dậy mạnh trong giới sồn sồn thành thị. Ta đi nhưng biết về đâu chứ, đã dấy phong yên lộng bốn trời. Cứ đi thôi, chả ai biết mình là ai. Và vô cùng mong đừng gặp người quen. Đã mất công đào thoát khỏi Hà Nội, lại gặp mấy cái điệu môi quấn lô hay điệu rơi ô mai thì chán lắm. Nhìn biển số xe Hà Nội ở bến Đục thì nhiều, nhưng đường lên chùa Hương giờ ít người hơn trước vì dân Hà Nội chân nhão đã đi cáp treo cả. Bọn Hà Nội chun mũi bước qua la liệt hàng thịt cầy hương fake và la liệt các loại sạp sách cúng bái, xem tướng, những điều cần biết về chuyện ấy, kỹ năng làm dâu, thuật làm lâu (đùa đấy), kiên quyết như Đường Tăng phớt lờ cám dỗ mà lên miền Tây Trúc. Thì chùa Hương cũng tựa như Tây Trúc của người Việt mà! 

Vui xem hát
 Nhạt xem bơi
 Tả tơi xem hội 

Xem hát thì đã nói ví dụ Quan họ rồi. Bơi giữa trời giá rét thì chắc chỉ có nói tới hội bơi Đăm (Tây Tựu, Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội), là bơi thuyền. Ngôn ngữ hiện đại phố thị có câutắm nhiều nhạt thịt, chẳng biết liên quan mức độ nào, nhưng câu này cũng có ý gì đó về chuyện sex xiếc gì đấy chăng. Không nói đến sex, chuyện các tích trò lễ hội cũng như chương trình Táo quân vào giao thừa hàng năm trên VTV, hot thế, được mong chờ thế, rating cao thế, mà vẫn bị chê là nhạt như thường. Dân mình hay ăn mặn thế, thảo nào phải có chương trình chống tiểu đường toàn dân.

Về độ tả tơi thì cứ nhìn vào những lễ hội cỡ chùa Hương hay chợ Viềng là thấy. Tả tơi mà vẫn cứ ùn ùn tới. Nói dân mình vô đạo thì có ngay dẫn chứng những lễ hội hàng vạn người đổ về một ngày để phản bác được. Nói thứ hạng hạnh phúc của dân mình năm bờ oăn thế giới là điêu thì cắt nghĩa sao ai nấy ra về hớn hở hỉ hả viên mãn phủ phê đến thế. Nếu cả miền Bắc có mỗi một nhà lánh nạn ở trong bệnh viện Đức Giang cho chị em phụ nữ bị bạo hành thì bù lại, có hàng trăm cái đền-miếu-phủ-quán-điện làm nơi họ xin chứng giám cho sự hạnh phúc của họ. Họ đi ào ào như thác đổ, họ tải đồ lễ như dân công tải đạn trong những thước phim tài liệu. Câu vè trên chắc đổi được rồi:

Vui xem hát
Nhạt xem Táo
Ào ào xem hội

Mô hình công nghệ lễ hội bây giờ quả thực đã vô cùng hoàn chỉnh: tiền Phật hậu Thánh, Phật tử cũng kiêm con nhang đồng cốt, đạo Phật đạo Mẫu được các Tân Nho gia của Tân Nho giáo đóng dấu bện lại thành Tam giáo đồng nguyên đóng góp vào sự phát triển của xã hội. Ngành văn hóa gắn với Tân Nho cũng thơm lây, có được quyền sở hữu công nghệ về mặt văn bản, lâu lâu lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là mô hình đạt tới chuẩn toàn cầu. Cứ nhìn vào tiến độ Việt Nam được UNESCO công nhận các di sản văn hóa phi vật thể mà sốc. Ngành du lịch địa phương thu bộn tiền công đức lẫn tiền ngân sách. Giàu về than về xi măng về cảng về biên mậu như Quảng Ninh, có Hạ Long là di sản UNESCO mà rồi cũng phải hì hục với Yên Tử và Cửa Ông. Đừng tưởng được danh hiệu di sản 2 lần mà đã ghê! Tóm lại, ngành gì cũng phải kiếm tiền, kiếm nữa, kiếm mãi.

Nói vậy chắc cũng hồ đồ khi không xét tới sự thành tâm của nhiều người sùng đạo, họ tham gia lễ hội và bảo vệ lễ hội với niềm tin nhiều khi mơ hồ mà chắc nịch vào một giá trị tinh thần nào đấy. Chúng ta, những người đã bị đô thị và sự trần trụi của thế giới mạng nhiễm virus hoài nghi, khó mà bị thuyết phục. Cũng như chúng ta đi về quê mình thì chán, quê người thì dò xét. Cái ám ảnh làm khách tha hương chẳng hiểu vì sao cứ trở đi trở lại trong nhiều thế hệ. Chẳng cứ mấy ông di cư vào Nam ngày xưa "lòng khách tha hương vương sầu thương", mà cái lũ từng đi tham quan chùa Thầy, chùa Hương thời thơ ấu, giờ trở lại cứ tưởng đấy là quê hương mình, đấy là "Lost Horizon". 

Một group rất hay trên FB mà tôi được tham gia chuyên về Mỹ thuật cổ VN - các thành viên vô cùng chăm chỉ đi thực địa và post ảnh chụp di tích cũng như chi tiết kỹ lưỡng rất nhiều. Họ thường có khao khát tìm lại cái nguyên bản, cũng là một loại "Lost Horizon", chân trời đã mất.

Hồ Dzếnh có tập truyện rất hay là "Chân trời cũ", viết về thời nhỏ ở một làng quê bên sông Ghép, Thanh Hóa, nơi bố ông là một chú Khách lấy một cô lái đò. Tập toàn truyện buồn bã, ngậm ngùi, và lúc nào cũng có hơi lành lạnh của gió bấc xuyên qua lần vải mỏng. Và dĩ nhiên, lúc nào cũng nhớ nhung cái gì đấy, âm âm u u kiểu "nhớ nhà châm điếu thuốc, khói huyền bay lên cây".

Hồi còn đi học vẽ ở Cung Thiếu nhi, tôi có quen một cậu bạn hơn mấy tuổi, cũng thích vẽ di tích trong những lần đi tham quan láo nháo. Hơn cả hội mấy tuổi, ấn tượng là cậu này vẽ trau chuốt kiểu tranh Bờ Hồ, nhưng rất người lớn, cái chùa ra cái chùa, mái đao ra mái đao. Bức tranh có vẻ hoàn chỉnh theo lối postcard: mái đình tỉa từng viên ngói, cây đa vờn từng chùm rễ, con trâu đống rạ... Ấy thế mà hồi vào đại học, tôi có nghe một bạn cũ cùng học vẽ kể cậu ta bây giờ đi truyền giáo Tin Lành. Không biết bên hệ thống tôn giáo đó, chân trời của họ là gì nhỉ.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm