Liệu mà cầu toàn ở Hà Nội
Mười ngày nghỉ Tết, các trang mạng khỏi cần câu view, nườm nượp người bình luận. Tất tật chủ đề: tắc nghẽn mua vé tàu xe, vé đường sắt ế, đường phố vắng, đào nở sớm, đánh nhau với Trung Quốc, nhân quyền, Táo quân, Hà Nội nắng Hà Nội trở lạnh... Người trầm trồ ngợi khen, kẻ chua chát chê bai. Đến như hôm qua, khai mạc Olympic mùa đông Sochi hoành tráng lộng lẫy là thế cũng bị chê vì một bông hoa tuyết không xếp thành hình vòng tròn của 5 vòng tròn biểu tượng Thế vận hội. "51 tỷ đô mà để thế à?" Rồi Putin không cho vận động viên đồng tính luyến ái đến thi đấu, rồi toa lét có hai cái bệ xí cùng 1 buồng, rồi các VĐV tư bản chủ nghĩa (ô, nước nào thi đấu TVH mùa đông cũng TBCN hết mà, Nga cũng tư bản chứ) gặp sự cố vì khách sạn thiếu tiện nghi. Chuyện, toàn môn thể thao quý tộc, đắt tiền, VĐV Vương quốc Anh nghe đâu nhiều người có tước hiệu của Hoàng gia...
Mới tuần qua thôi, người Việt hân hoan với trò chơi Flappy Bird do một kỹ sư phần mềm Việt thiết kế đang gây sốt toàn cầu, nhưng rồi cũng nghi hoặc, có đúng 50 nghìn đô một ngày thu về không, rồi nộp thuế chưa? Có nhái ý tưởng của Mario cứu công chúa, của Angry Bird, của cái gì không? Người lại bảo ý nghĩa của việc trò này được để ý toàn cầu đối với giới trẻ đại chúng VN ý nghĩa hơn chuyện GS Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields.
Tết trên mạng, tất nhiên phải có mắng nhau về lễ hội. Lễ hội phản ánh cách người Việt chơi, đã chơi thì lắm trò lắm luật. Đã trên mạng thì mỗi người là một nhà làm luật kiêm biện lý. Thì mở trang tin ra đọc là thấy người Việt hám lợi, mê tín, bê tha, hôi của ngoài đường chưa xong, lại đến làm uế tạp cửa Thiền. "Kinh hãi cảnh hàng nghìn người chen lấn xin dâng sao giải hạn chùa Phúc Khánh"... Nói đến lễ hội thì nhiều người ở xa, không đến dự lễ hội, đọc tin báo mạng (báo mạng, chú ý nhé), cảm thấy xót xa cho một sự băng hoại ruỗng mọt của đời sống tâm linh người miền Bắc ("Tôi chẳng kỳ thị gì người Bắc, bố mẹ tôi dân gốc Bắc, nhưng tôi...", vâng có thẩm quyền ạ). Công nhận là lễ hội bây giờ lắm cái nhố nhăng, chả có cái gì mà ai cũng đổ xô đi cầu tài cầu lộc, tin thì xin, xin thì phải được, được thì phải phát huy...
Các bình luận trên mạng rất nhiều, dễ thấy là bên cạnh một vài lời đồng tình thì lại có 1 dãy lời phản bác. Người Việt thật sự cầu tiến và muốn các vấn đề được hoàn thiện, ngay và luôn. Như thể dân tộc mình là một dân tộc cực kỳ cầu toàn. Cầu toàn từ trong máu, chắc cũng không thua kém độ tinh tế với VĐV Anh bạn bè của các hoàng tử điện Buckingham. Từ cầu toàn đến cầu tiến cũng không xa, như thế cũng có ích.
Sắp hết những ngày Tết, có khách. Những người khách khá lớn tuổi, cũng đã đến HN nhiều lần, vì thế ngoài chuyện ăn uống ra thì cần một số hoạt động thưởng thức gì đấy. Kế hoạch là xem một vở diễn và đi thăm một ngôi chùa. Thăm chùa để tắm không khí hội hè đình đám Giêng Hai miền Bắc, quá lý tưởng rồi, nhưng báo mạng đã làm chúng tôi (đúng hơn là tôi, vì mấy người khách có vẻ cũng không đọc) hơi lo lắng. Tôi lại chọn mấy cái chùa đã từng bị lên thớt vì "phá hoại di tích cổ" - chùa Trăm Gian, chùa Trầm... Lý do là tiện đường, gần HN, tôi lại mượn được cái xe, cũng phải luyện tay lái chứ, hì hì. Đi để thử độ thất vọng của mình đến đâu, cho cái sự cầu toàn có chỗ thi thố. Hai chùa này ở phía Tây Hà Nội, từng thuộc Hà Tây, cũng từng thuộc Hà Nội, nay lại về Hà Nội, nguyên việc giải thích cho khách cũng đã được một câu chuyện li kì. Có người bảo, sao không sang Bắc Ninh? Ừ thì quê hương mình, tỉnh Bắc hay tỉnh Đoài cũng được cả, chắc hôm đó mắt tôi buồn chăng, phía Đoài mây trắng nhiều chăng :-)
Thế là đi, hai mươi lăm cây số. Các ngôi làng ven sông Đáy vào mùa lễ hội, vẫn xanh và hanh, văng vắng. Đã định là thẳng tiến chùa Trăm Gian rồi quay ra vào chùa Trầm sau, vậy mà tôi vẫn nhầm đường rẽ vào lối chùa Trầm rồi phải quay lại. Thôi thì mình có duyên, vào luôn cho được việc. Mấy người này là người nước ngoài hả? Không, đây chỉ có một Tây thôi. Vậy thì có sao không? Không, trả tiền vé xe, 30 nghìn đồng. Rẻ hơn vé đỗ ở Hà Nội. Không có tiền thắng cảnh nhỉ. Mọi người đi lễ cũng không đến nỗi chen nhau, các bà già mời chào cũng nhẹ nhàng. "Các bác thuê đèn pin nhà cháu mà vào động đi ạ." Động Long Tiên. Khách kể chuyện, sáng nay ở KS, nhân viên hỏi "hôm nay nhà mình có đi đâu không ạ?" Gọi "nhà mình" nghĩa là sao hả Q? À, một kiểu nói gần gũi của người miền Bắc, để người phát ngôn như được gần gũi, như có quan hệ gia đình... Còn ở đây bà già ấy bảo các bác mua cho nhà cháu, là kiểu xưng hô thay đứa con hay cháu của bà, một cách nhún mình với khách.
Trong động Long Tiên, mọi người thong thả khấn vái, nam thanh nữ tú nô đùa trong cái hốc kiểu hang Cắc Cớ. Trên chùa đã có hẳn khu nhà vệ sinh ốp gạch men kính chia từng buồng, dù là xí xổm cũng không đến nỗi hai bệ xí một buồng như Sochi, bệt giật nước mà ngồi tập thể cũng kinh. Kể ra chùa hơi bị mới vì sửa lại, nhưng đấy là việc khác nhỉ.
Chùa Trăm Gian năm nay có bãi để xe bên cạnh trông cũng be bét như bãi để vật liệu mới dọn. Các bà già bán đồ mây tre đan vẫn giãi thẻ dọc đường đồi lên chùa. Chùa vẫn trong tình trạng sửa chữa, nhưng đã xác định tinh thần nên cũng chẳng cầu toàn nữa. Các gian thờ chính vẫn tỏa ra không khí huyền hoặc. Pho Tuyết Sơn màu đen vẫn bí hiểm ngự giữa tòa Tam Bảo. Giá trông xe cũng 30 nghìn, giá xem bói tay 20 nghìn tùy tâm. Mấy ông già xem bói mắt rất tinh, miệng nói dẻo như bánh chè lam: "Người này có số làm ăn xa, phát về hậu vận..."
Tranh vẽ gác chuông chùa Trăm Gian 2001 |
Cũng mấy hôm trước, đi chùa Bổ Đà ở Việt Yên, Bắc Giang, lúc đi theo đường đê, lúc về muốn đi đường khác đỡ xóc hơn. Hỏi người trông xe, đi thế nào, bảo cứ ra cổng rẽ trái đi ra Lếnh. May mà đã xem bản đồ trước, biết là Nếnh. Chứ tra Google Map làm sao ra được cái chỗ kia. Có cái biển chỉ ngã ba, một là Thị trấn Nếnh, một là Nội Ninh, nghĩ "lếu" dân địa phương nói là "l" hết thì mấy địa danh này có ý nghĩa gì với họ? Mỗi khi hỏi đường thì cứ phải chạy một cái từ điển trong đầu, quy đổi các từ. Phố Lối, Lam Trực, Lúi Đèo. Chuyện kể rằng, Bà Lê Chân đánh giặc Hán, thế giặc mạnh, quân sĩ nao núng, bà hét lớn: "Có nùi không?" Ba quân tướng sĩ đồng thanh: "Đéo nùi!" Rồi xông lên phá tan quân địch. Xác giặc chất cao như núi. Chỗ đó về sau được gọi là Núi Đèo, nay là địa danh ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phồng. Tượng Bà ở vườn hoa trung tâm thành phố, chắc lấy theo nguyên mẫu cô gái lái xe trên cảng, xe em bon nhanh và ngực em rất phồng...
Sau du lịch tâm linh là du lịch giải trí diễn xướng đô thị. Nói không với múa rối nước, gần khách sạn phố cổ là rạp Chuông Vàng, tức Cải Lương Hí Viện thuở trước, rạp Tố Như hào hùng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, xem cải lương thời nay ra sao.
Cái rạp bé đến ngạc nhiên, có lẽ độ hơn 100 chỗ. Nội thất không còn dấu hiệu gì của nguyên bản, trừ cửa sân khấu có vành nguyệt quế quấn ruy băng lấp ló sau cái hình tháp rùa bằng bìa. Nhưng nội thất cũng không đến nỗi nào, cũng tương đối sạch sẽ, toa lét có chia nam nữ cẩn thận, không phải loại nhà xí cầm đèn pin soi lối như các nhà phố cổ. Buổi diễn hóa ra là tạp kĩ với phần ca nhạc từ nhạc đỏ Tình ta biển bạc đồng xanh, nhạc tre trẻ Thì thầm mùa xuân, nhạc bolero Quê hương ba miền, tân cổ Hoa cau vườn trầu đến hài kịch có ca cải lương của Doãn Hoàng Giang. Các ca sĩ hát cũng có giọng, thường cố tình nhấn nhá kiểu cải lương cả những bài tân nhạc. Hài kịch xoay quanh chuyện ông bố mê lô đề, tưởng trúng 60 tỷ nhưng rồi sai ngày, vợ con cũng ăn bám hụt. Kể ra nếu diễn viên ca hay, hoặc dí dỏm kiểu Hồng Vân, Xuân Hinh chắc cũng xem được, đằng này trừ nam diễn viên có ca hai khúc đầu đuôi, các nữ diễn viên như đang bán hàng dở ở chợ Hàng Bè vừa rửa tay cho hết nhớt cá tanh, chạy lên chửi nhau cho sẵn chất liệu.
Biểu diễn ca nhạc mừng Xuân ở rạp Chuông Vàng, 2014 |
Liếc thấy xung quanh có vẻ ngao ngán, đã tính đi thôi. Vừa lúc khách thì thào, liệu mình có đến nhầm chỗ không? Thế thì đi bộ sang đình Kim Ngân xem ca trù. Hi vọng là còn kịp. Cửa đóng rồi, nhưng hai bác dân phòng bảo nếu khách muốn thì cứ vào cháu ạ. Gặp chị Bạch Vân. Mười năm trước đã nghe chị ở nhà người bạn phố Hàng Đồng. Chị và cô Ngọc Hân đã xong buổi diễn rồi, nhưng duyên số thế nào lại đồng ý hát tiếp. Người bạn nhanh nhẹn vào làm công tác tài chính. Không có đàn đáy vì nhạc công đã nghỉ, hai ca nương hát với phách và cầm chầu luôn. Tất nhiên cũng không hoàn hảo, cầu toàn sao bây giờ. Dù sao giữa cái đình thâm nghiêm, khung cảnh tương đối tịch mịch, hai người đàn bà mặc áo dài đỏ ngoài phủ the đen, ngồi trước gian thờ che tấm nhiễu hồng, được nghe "Tỳ bà hành" cũng là xuân, là duyên. Cũng xem như mình dự vào hàng tao nhân mặc khách, Tết Bắc Tết Hà Nội không đến nỗi ô uế xôi thịt, rặt phường xí xổm với phở chửi. (Hừm hừm, có một Thăng Long - Hà Nội như thế...)
Hát ca trù ở đình Kim Ngân, phố Hàng Bạc, 2014 |
Ra về, gặp cơn mưa xuân lất phất. Khách hân hoan bảo đi mấy hôm nay có duyên quá, vào đâu cửa nào cũng mở. Tặng sách cho khách, bỗng phát hiện cuốn "Hà Nội là Hà Nội" bản in đầu mình đã chữa vào đấy. Thôi để mai em đền trước khi mọi người lên đường. Đôi khi không muốn cầu toàn cũng phải cầu toàn. Buổi sáng cả phố Đinh Lễ - Nguyễn Xí không còn cuốn nào, chạy sang hiệu sách Thăng Long còn duy nhất một cuốn (bán chạy thế mà không thấy tái bản nhỉ ^^), vừa leo lên xe máy để tới KS thì thấy khách đi trên vỉa hè. Cứ như kịp last call ở sân bay.
Nhận xét