Ỷ lan câu view

Một hình thức hoạt động đa chức năng dịp Tết mà hầu như người Việt nào cũng từng tham dự ít nhất vài lần trong đời: đi lễ hội.

Nói đa chức năng là vì kết hợp tham quan với yếu tố tâm linh, thờ cúng, ngưỡng vọng tổ tiên và cầu may. Có thể thấy là hiếm có dịp nào lại gói ghém được nhiều dấu vết cổ truyền (hoặc có vẻ thừa kế cổ truyền) vào như các lễ hội đầu năm. Lại cả già lẫn trẻ mới ghê! Trong khi các nhà nghiên cứu kêu ca lễ hội mất đi cái hồn (là cách chơi hội hay cách cúng lễ đã lai căng hoặc buôn thần bán thánh), kiến trúc sư phàn nàn lễ hội hỏng rồi cái xác (là nơi diễn ra lễ hội, như đình, chùa, các di tích đã bị tân trang) thì mặc, dân chúng người ta cứ đi như... trẩy hội.

Ngày xưa vua Lý Thánh Tông mở hội, gặp được cô Ỷ Lan đứng hái dâu hát (khúc Hậu Đình chăng? Tôi đùa đấy, ai có nhu cầu tra cứu xin Google) mang về làm vợ. Cô này đúng là bậc thầy ngành câu view hay câu like, hơn thế biến cái view, cái like đó thành hiện thực, dẫu không thành Đệ Nhất nhưng cũng huy hoàng trời Nam. Đúng là học Nhạc viện có thể hát rất hay, nhưng hát đúng lúc và hợp cảnh mới ăn đậm. Nghe nói Ỷ Lan là hình mẫu của cô Tấm (đền thờ bà ở Dương Xá cạnh đường 5 ngày nay bên Gia Lâm, trước thuộc Bắc Ninh, được gọi là đền Bà Tấm), được dân gian cụ thể hóa hơn, đánh rơi giày để vô tình câu view/like. Mà cũng có khi cố tình. Hoặc tích này nhập từ Tàu về, và Tàu thì lại nhập từ tích Lọ Lem rơi giày pha lê cũng nên. Nhưng không hề gì, loằng ngoằng thế để thấy lễ hội là nơi từ xưa đến giờ người ta đua chen nhau cầu may, may về danh lẫn lợi. 

Lễ hội thường hay bị nghĩ là chỗ dành cho mấy ông bà già âm lịch đến hương khói đồng bóng ầm ĩ, ấy thế nhưng trẻ con đi học cũng hay được cho đi tham quan di tích, rồi cứ đến đâu cũng thấy chi chít những hàng chữ khắc nguệch ngoạc hoặc viết bằng bút phủ trên các vách đá hoặc cột gỗ đình chùa: Long yêu Lan, Thủy 10K trường Hoàn Kiếm đã đến đây, thậm chí có cả những hàng chửi tục hận đời. Một vài nơi không hiểu sao hàng chục năm rồi vẫn là địa điểm yêu thích của các thầy cô khi tổ chức cho học sinh tham quan: chùa Thầy, chùa Trăm Gian, chùa Trầm... Những chỗ này toàn thấy cảnh các Thúy Kiều Kim Trọng tân thời "vạch da cây vịnh bốn câu ba vần". Thì vua chúa xưa khắc được bài thơ bằng chữ Hán để có núi Bài Thơ, sao học sinh hệ Cải cách giáo dục lại không thể rạch được đôi câu chữ Quốc ngữ, dẫu thiếu chủ ngữ khéo cũng được thành núi Bài Văn thì sao? Một trong những câu thiếu chủ ngữ mà học trò láo lếu ưa dùng là "ĐCM thằng XYZ" chẳng hạn. 

Đấy là bọn trẻ con mất dạy, không nói làm gì. Người lớn đi lễ hội mục đích sẽ nghiêm túc hơn, có vẻ biết thưởng thức tinh hoa dân gian hơn thì phải.

Cửa đình hồ bán nguyệt
Chị Cả tựa mạn thuyền 
Anh Hai ngồi bẻ lái 
Quan họ về trao duyên

Nhưng thắc mắc mãi, trao duyên mà không được lấy nhau thì vô lý. Người ta nói tục lệ của các liền anh liền chị quan họ là không được lấy nhau mà. Ông Nguyễn Phan Hách viết bài thơ không rõ ý lắm nên gây khó hiểu, rồi lại được Nguyễn Trọng Tạo dân Nghệ phổ nhạc lan xa khắp nơi, làm bọn trẻ con cứ tưởng đi hát Quan họ là để câu view/like như vụ tựa gốc lan mà hát. Tuy nhiên cái chữ "ngủ bọn" mới làm thế hệ sau tò mò: "Cả ngày lao động, nhưng đêm đến, họ thường rủ nhau ngủ bọn ở nhà một anh nhớn, chị nhớn nào đấy để học câu luyện giọng" (Phong tục trong giao du trong sinh hoạt văn hoá Quan họ - website Sở VHTT&DL Bắc Ninh). Đã có tục lệ không bao giờ lấy nhau, giữ đường đi lối lại trọn đời... khác nào hai chàng cao bồi trong truyện/phim Brokeback Mountain, cứ đến mùa chăn bò là gặp nhau. Nói chung tục lệ là vậy, giải thích phức tạp. Thế hệ sau dẫu có nghĩ xuyên tạc méo mó từ nguyên, đi nghe hát quan họ cũng thấy hay hay. Có điều lễ hội diễn ra trên ngọn đồi Lim mà quán hàng ăn uống vui chơi có thưởng nhiều hơn số chiếu hát, các chiếu mở loa hết công suất, đâu quan họ đoàn đâu quan họ làng, các anh Hai chị Cả son phấn mớ xanh mớ đỏ nhễ nhại giữa thanh thiên bạch nhật, hết cả ý vị.

Quan họ có những địa điểm mang những cái tên nôm gây tò mò: Diềm, Bịu. Diềm tức làng Viêm Xá, nơi có đền thờ bà Thủy tổ Quan họ, cạnh sông Cầu. Bịu tức làng Liên Bão, ở gần ngay thị trấn Lim, nơi có sân khấu chính của loại hình lễ hội diễn xướng Quan họ. Mấy nơi này cũng nổi tiếng lắm người đỗ đạt rồi làm quan to cả nghìn năm. Dễ hiểu là có thể cho rằng những bài hát lời lẽ đầy văn hoa này do các ông ấy đặt ra. Có mỗi việc mời trầu hay giã bạn mà hát giằng qua kéo lại đến mấy hiệp, đúng cái tính giữ kẽ vành vẻ của Nho phong, vừa cái thói uốn lượn vòng vo trên hai vỉa hè của dân Bắc. Các chị nhắn nhủ "là anh rằng Hai ơi, đương vui như thế này chúng em trở ra về, liệu có nhớ đến chúng em chăng", các anh cũng đáp lại "là chị rằng Ba ơi, đương vui như thế này chúng tôi trở ra về, liệu có nhớ đến chúng tôi chăng"... Cứ thế đến anh Tư, chị Năm, hết đêm vẫn chưa về. Có lẽ nói như ngôn ngữ FB, phải có người comment sau cùng để kết thúc. Có khi tưởng về rồi, một chị/anh bỗng đâu lại "người ơi người ở đừng về"... Quả thực là bậc thầy câu view, câu like.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm