Một tinh thần Baroque trong kiến trúc Việt Nam?
Bài viết đã đăng tạp chí Tia Sáng năm 2006. Bản này có sửa chữa và bổ sung ngày 21. 3. 2014.
***
Tinh thần Baroque trong kiến trúc: phải chăng là nét đặc trưng nhất của kiến trúc Việt Nam?
Sự cầu kỳ, rườm rà và hỗn hợp là một nét khá phổ biến trong các công trình kiến trúc hiện nay. Xu hướng chạy theo những hình thức mang ảnh hưởng cổ điển châu Âu, với những chi tiết phô trương, mà nhiều người đánh giá là một vấn đề kinh niên của kiến trúc hiện đại Việt Nam, xét cho cùng có một sự tiếp nối. Đó là truyền thống phóng túng và hình thức chủ nghĩa của kiến trúc Việt Nam. Trong phạm vi bài viết, từ baroque ở đây được nhắc đến với ý nghĩa về tính sáng tạo, sự phóng túng, sự giàu có về ý tưởng và tính cách tân mạnh mẽ mà nó hàm chứa.
Ta hãy thử bàn xem, những đặc tính về mặt tổ chức không gian và thẩm mỹ kiến trúc cổ truyền vốn được các nhà chuyên môn đánh giá cao có phải thực sự có những hiệu quả xuất sắc như thế không?
Chúng ta cũng hãy thử so sánh xem khả năng phóng túng của những sản phẩm kiến trúc hiện nay so với những thời trước ra sao? Trước đây, khi với vật liệu và công nghệ hạn chế, những người xây dựng của một xã hội nông nghiệp cổ truyền đã có những kết quả nhất định, đem lại một mô hình ít biến đổi suốt nhiều thế kỷ. Vậy thời nay, với tất cả điều kiện cần thiết để thay đổi cách thức xây dựng, nhất là trong một thế giới thông tin không giới hạn thế này, sự phóng túng của kiến trúc Việt Nam đã đi được đến đâu?
Baroque của kiến trúc dân gian
Phần để lại tương đối nhiều nhặn hơn cả trong các công trình kiến trúc truyền thống là các chạm khắc đình làng, được xác định là có mặt vào thế kỷ 16, gần như tương đồng thời điểm với kiến trúc Baroque châu Âu. Nếu các kiến trúc thờ tự Phật giáo thiên về tính trau chuốt, kinh điển thì ở rất nhiều ngôi đình làng, mặc dù nhang nhác giống nhau, nhưng mỗi nơi những người thợ thủ công đã tạo tác những sản phẩm điêu khắc độc đáo, trên bức ván cốn, đầu bảy, đầu kèo, cho đến những đầu đao được chạm trổ kỳ khu với tất cả tâm tình. Nét phóng túng không chỉ nằm ở đề tài: cảnh sinh hoạt như hứng dừa, trai ghẹo gái tắm, cảnh hội hè phồn thực, cảnh thần tiên, mà còn ở lối thể hiện dân dã, giản dị và nhất là hài hoà với tổng thể. Tiếng nói phồn thực hay hóm hỉnh nào cũng có mẫu số chung với tâm thức folklore của cộng đồng làng xã. Nó có dáng vẻ baroque khi tương phản với những chủ đề mực thước, nghiêm cẩn, khuôn sáo của các phạm trù “tứ quý, tứ bình, tứ linh” cho đến đề tài “ngũ thường, ngũ hành” của Nho giáo.
Trong ký ức tập thể người Việt, những kiến trúc cổ nằm trọn trong không gian văn hóa cổ truyền, các công trình phục vụ thực dụng cho mục đích sinh hoạt làng xã. Vì thế, khái niệm đó là những bảo tàng, những hình ảnh vật thể cho không gian làng xã khá mờ nhạt nơi cư dân, nó chỉ được đề ra sau những cuộc khảo sát của trường Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) hay các ghi chép điền dã của L. Bezacier. Tuy nhiên, với những gì còn lại cho đến ngày nay, tính phóng túng của kiến trúc cổ truyền của người Việt vẫn chỉ dừng lại ở một số cấu kiện chạm khắc. Các khối nhà đều dàn trải từ mô hình 3 gian 2 chái, phát triển thành mặt bằng hình chữ đinh đến nội công ngoại quốc, thậm chí đặc điểm nổi bật là mái đao cong không phải lúc nào cũng làm được mà có khi bít đốc đầu hồi. Tới lui cũng chỉ hai hình thức đó, và họa hoằn mới có đột biến chiều cao như gác chuông chùa Keo (Thái Bình) hay một số tháp đá như ở chùa Bút Tháp. Nhất là khi so sánh với hệ thống di sản của các đất nước khác, hay như di sản kiến trúc Chăm ở Nam Trung Bộ, lấy trọng tâm là các bảo tháp, rõ ràng hình ảnh của kiến trúc Việt cổ truyền là sự thích nghi, sự dung hòa và gắn với thiên nhiên như một cách tồn tại. Sự so sánh có thể được dẫn qua một nguồn đánh giá gián tiếp trong vở kịch có đề tài liên quan kiến trúc – Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng – viết năm 1943.
Trong vở kịch, Nguyễn Huy Tưởng thông qua nhân vật Vũ Như Tô – kiến trúc sư cung đình của vua Lê Tương Dực và Đan Thiềm – cung nữ quá thời, tri kỷ, nàng thơ của ông, phát biểu về ước vọng xây dựng những công trình sánh với Chiêm Thành. Sản phẩm nghệ thuật được đem ra bàn ở đây là Cửu Trùng Đài, xét về mô tả thì trăm nóc, cao 9 tầng: “Ở Cẩm Giàng có người thợ là Vũ Như Tô ở nhà lấy cây nứa dựng thành kiểu điện lớn trăm nóc, đến đây đem kiểu nhà ấy dâng lên, khuyên vua xây dựng… (Đại Việt sử ký toàn thư), “Dựng hơn trăm nóc cung điện lớn có gác, lại khởi công làm Cửu Trùng Đài” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên), có thể là một ví dụ thích hợp cho tinh thần Baroque phóng chiếu từ dân gian vào cung đình. Từ chỗ chỉ là người thợ ở quê, nhưng khi thành dự án ở cung đình, Vũ Như Tô đã có dáng dấp công trình sư, tất nhiên là một kiến trúc sư.
Nhưng dưới mắt sử gia thời phong kiến thì thao tác nghệ thuật của ông là “đem kỹ xảo mê hoặc vua, được lạm bổ làm đô đốc kiêm coi các sở ở Công bộ… dùng hết tiền của và sức dân trong nước. Bấy giờ, đương làm điện lớn trăm nóc chưa xong, dân gian ai cũng nghiến răng tức giận.” Thái độ của dân gian không có chỗ cho sản phẩm ngoại cỡ này, và kết cục của kẻ tham vọng được ghi lại: “Lúc ấy Như Tô đương coi làm mấy nóc nhà đại điện chưa xong thì bị giết, Tô cũng bị quăng xác ra ngoài chợ, quan dân ai cũng chỉ trỏ xác hắn mà chê cười, có người còn nhổ nước bọt.” Và dĩ nhiên Cửu Trùng Đài – một sản phẩm baroque Việt – cũng tiêu tan. Rõ ràng, người Việt chỉ chấp nhận baroque khi nó cáng đáng ý niệm tôn giáo hoặc thực dụng. Tinh thần baroque dân gian núp sau các nghi lễ thờ phụng hoặc sản phẩm tín ngưỡng.
“Kinh kỳ lộng lẫy nhất trần gian”
Như chúng ta đều thấy, thành Hà Nội – hậu thân thành Thăng Long khi người Pháp chiếm, đã chẳng còn gì ngoài vài cái nền cũ cùng vài ba gian điện bé nhỏ trong những bức ảnh chụp năm 1884 của bác sĩ Charles-Édouard Hocquard. Vũ Như Tô theo điểm nhìn của Nguyễn Huy Tưởng, mang một quan niệm chỉ xuất hiện vào thế kỷ 19 ở châu Âu và đến tận lúc chế độ thuộc địa được áp đặt ở Đông Dương, người Pháp vẫn còn đang định nghĩa: khái niệm “quốc gia dân tộc”/nation-state, sinh ra từ sự lớn lên của ý thức về nhà nước dân tộc. Quốc gia dân tộc không chỉ là một thực thể chính trị và địa lý; nó còn là một thực thể về văn hóa và sắc tộc (Eric Hobsbawn, dẫn theo Jason Gibbs). Ở Việt Nam, nó mang khao khát tách biệt bản sắc riêng, tách khỏi vòng ảnh hưởng đồng dạng của mô hình phong kiến Trung Hoa. Với kiến trúc, có thể thấy qua quá trình tiếp biến kiến thức thiết kế của các KTS trường Mỹ thuật Đông Dương hay các quy hoạch gia người Pháp áp dụng cho Hà Nội, Đà Lạt, Sài Gòn – vừa là những bản sao của Paris, Dauville, nhấn nhá bằng các công trình có màu sắc hoa mỹ và biểu tượng (Nhà hát Lớn, Viện Đại học, Bảo tàng trường Viễn Đông Bác Cổ, Nhà Godard…), vừa có chú ý khai thác màu sắc bản địa và cảnh quan, vượt lên tư duy quy hoạch chức năng tầm thường. Trong không khí đô thị đó, Vũ Như Tô và Đan Thiềm phát ngôn bằng tư duy của trí thức tân học Nguyễn Huy Tưởng:
“Vũ Như Tô: …Không ai dám vượt ra khuôn sáo nghìn xưa, nghề kiến trúc đọng lại như một vũng ao tù. Người có tài không được thi thố đành phải tiến về mặt tiểu xảo. Mà nói ngay đến những bọn này nào họ có được yên thân. Họ phải lẩn lút, giấu giếm…”
“Đan Thiềm: Thảo nào mà nước ta không có lấy một lâu đài nào ra hồn, khả dĩ sánh với những lâu đài Trung Quốc. Ngay cả Chiêm Thành cũng hơn ta nhiều lắm… Ông cứ xây lấy một tòa đài cao cả. Vua Hồng Thuận và lũ cung nữ kia rồi mất đi nhưng sự nghiệp của ông còn lại về muôn đời. Dân ta nghìn thu được hãnh diện, không phải thẹn với những cung điện đẹp nước ngoài, thế là đủ. Hậu thế sẽ xét công cho ông, và nhớ ơn ông mãi mãi. Ông hãy nghe tôi làm cho đất Thăng Long này thành nơi kinh kỳ lộng lẫy nhất trần gian”.
Đáng chú ý là cung nữ Đan Thiềm và ngay cả Vũ Như Tô vào đầu thế kỷ 16 cũng rất khó có khả năng đã tận mắt nhìn thấy kiến trúc Chiêm Thành để so sánh “hơn ta nhiều lắm”, ngoại trừ các ảnh hưởng phái sinh của điêu khắc Chàm lên các di sản đời Lý-Trần trước đó. Đây hẳn thực tế là trải nghiệm của chính Nguyễn Huy Tưởng, vào thời đã có thể thăm các tháp Chàm, và khi này các khảo sát di tích Chàm của người Pháp đã được hoàn thành đầy đủ, với bảo tàng Chàm ở Đà Nẵng và ngay tại bảo tàng của trường EFEO tại Hà Nội (nay là bảo tàng Lịch sử) cũng trưng bày quy mô cùng các ấn bản đồ sộ của Bezacier.
Tinh thần “lộng lẫy nhất trần gian” nói trên có thể là kết quả từ ý thức “quốc gia dân tộc” của phương Tây truyền qua kênh “Khai sáng” của nền văn minh Pháp, chứ không phải vì ý niệm thần thánh nào. Nó xuất xứ từ ý niệm thực thể văn hóa và sắc tộc. Nó hướng đến việc triển lãm, phô bày qua các hệ thống truyền thông đại chúng. Điều này khác với cách sử dụng nghệ thuật ở các công trình tôn giáo phương Đông. Tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi đền Angkor và Bayon có thể chạm khắc cả những cái ngách tối tăm, hai diện tường đá cách nhau 20cm cũng chạm khắc tỉ mỉ như các khu vực khác.
Ngay ở các công trình đình chùa Việt Nam, có thể thấy các yếu tố trang trí kỳ công ở những vị trí khó nhìn, tít trên cao hoặc trong chỗ thiếu ánh sáng trực tiếp của công trình như bộ vì nóc, đầu dư, cốn, gian thờ cung cấm. Nó khác với cách phô trương của Baroque châu Âu, vốn đề cao khoái cảm trực diện, tôn vinh sự dư dật. Nó mang tâm thế của nghi lễ thần thánh. Vì thế những bản phục chế của thời “duy vật” lại không thể đạt tới độ hoàn mỹ của nguyên bản.
Nó cũng lại chưa từng được đề ra như một hoạt động nghệ thuật để làm được điều mà Nguyễn Huy Tưởng khao khát: kiến trúc không phục vụ riêng hôn quân mà phụng sự cái Đẹp. Ý niệm nhập cảng từ Tây phương này được viết năm 1943, là kết quả của một giai đoạn cưỡng bức lẫn giao thoa văn hóa Đông-Tây. Nó có vẻ như nghiêng về quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật, đối ngược với phái nghệ thuật vị nhân sinh, là nội dung cuộc tranh luận văn nghệ vài năm trước. Cùng năm 1943, Đề cương văn hóa do Trường Chinh soạn thảo đã xác định sự lựa chọn thứ hai. Và như chúng ta đã biết, cuộc chiến tranh Đông Dương diễn ra sau đó 2 năm gần như đặt ngành kiến thiết xây dựng vào tình trạng tầm nhìn ngắn và trung hạn, thậm chí là phát huy giá trị tạm thời, dã chiến. Vì vậy, để có một ý niệm gì về baroque quả thực xa vời.
Mặt nạ Baroque đương đại
Như chúng ta đều biết, kiến trúc là một ngành sáng tạo, và luôn luôn tìm cách đổi mới để thích nghi với những nhu cầu sinh hoạt của con người. Hơn nữa, với tư cách một ngành nghệ thuật, kiến trúc cũng cần có những khu vực ngẫu hứng và phóng túng của mình để làm động lực phát triển. Đặc tính phóng túng Baroque này nếu ở văn chương, mỹ thuật dễ nhận ra, những dòng nghệ thuật mang tính đa thanh này chứa những yếu tố có tính cách tân. Nhìn vào sự cầu kỳ, bồng bột và lan tràn của những hình thức kiến trúc “đặc dị” khẳp nơi trên nước Việt Nam, liệu ta có thể xem đó như là một biểu hiện đẹp đẽ cho tinh thần Baroque kiểu Tân Phục Hưng không?
Câu trả lời là không. Sự phóng túng mang ngôn ngữ cách tân không thấy có, mà chỉ là những tiểu xảo trang trí rẻ tiền. Nếu các nghệ sĩ của các ngành nghệ thuật khác của VN đang thiếu khả năng tưởng tượng và phóng túng, thì kiến trúc sư cũng đồng cảnh ngộ. Sau nhiều năm gò mình trong những khuôn khổ và định chế cứng nhắc, lực lượng sáng tác bung ra trong cơn lốc xây dựng thời đầu tư mới. Như một cái vườn thiếu cày xới cẩn thận, những gì xâm nhập để mọc lên là những cỏ giả lắt nhắt, có hoa nhưng là hoa dại sinh sôi nảy nở trên mảnh vườn cằn cỗi. Điều đó có thể nói về cách thức tiếp nhận những nét kiến trúc bên ngoài, nhất là tâm lý và truyền thống nặng về dập khuôn, song lại dành nhiều công sức vào những cách chơi nho nhỏ, vụn vặt.
Nhìn vào kiến trúc cổ được xếp là đẹp như kiến trúc đình làng, những gì thú vị nhất là những nét thừa hưởng từ kết cấu có từ vùng bán sơn địa như nhà sàn, mái dốc lớn. Và mọi đình làng đẹp cũng không ra khỏi khuôn khổ vài gian nhà gỗ, mái đao cong nhẹ. Những phóng túng nếu có chỉ ở những trang trí điêu khắc nằm bên trong. Nhưng đó là câu chuyện của một nền kinh tế nông nghiệp và kỹ thuật xây dựng hạn hẹp. Còn bây giờ, sự phóng túng mà ta nói với ý nghĩa tích cực là mang yếu tố lãng mạn dường như đang thiếu ở kiến trúc Việt Nam ngày nay.
Chưa khi nào tinh thần phóng túng được thể hiện nhiều nhưng lại nửa vời như hiện nay. Hãy thử phân tích một ngôi nhà điển hình hiện nay. Một ngôi nhà ống lô phố kích thước 4x15m, xây bằng hệ khung cột, với 6 đến 8 cột xây hết đất, ba bề tường kín như bưng, có thể có một cái giếng trời ở giữa và như thế chồng lên 3-4 tầng giống một cái hộp diêm. Dường như chỉ còn phải tốn công cho mặt trước nên kết quả là mặt tiền này hội tụ những gì khéo léo và diêm dúa như một đồ án trang trí. Phóng túng ở đây nghĩa là gờ phào kiểu gì, hoa lá orot, cantouch, trán tường tam giác, cột Hi Lạp giả, có thể có thêm sư tử hí cầu, đại bàng đậu trái đất, nữ thần tự do cho đến mái đao đình làng. Mô hình “lâu đài Baroque” đang phổ biến mang dáng vẻ hỗn dung. Những hình ảnh ở đây là những nét thu nhặt từ những nguồn ảnh hưởng bên ngoài, mang những yếu tố “mẫu” lặp đi lặp lại đến mức sáo rỗng. Gạt bỏ đi lớp mặt nạ trang trí đó, công trình kiến trúc của người Việt đầu thế kỷ 21 thiếu hẳn những cảm xúc lãng mạn và tinh tế. Con người Việt Nam những năm này thiếu một khả năng bay bổng cũng như vẫn chưa đủ nghiêm túc để thực hiện một nền kiến trúc vừa chứa đựng nền tảng công nghệ cho đến những đột phá về hình thức thể hiện.
Chúng ta đều thấy những kiến trúc đẹp ở các thành phố như Hà Nội, Huế hay Hội An là do những thế hệ trước đã sắp đặt chúng trong không gian văn hoá đô thị. Chúng ta cũng thấy những ngôi chùa cổ đẹp là vì lý do gì. Những bài thơ đô thị như người ta nói đến ở đây là cái gì nếu không là vẻ lãng mạn, chất thơ và sự sáng tạo chứa đựng những nét phóng túng nhất định, dù có lặp lại nhưng trên hết, thấm một tinh thần và thái độ cảm xúc với cảnh quan. Chùa Thầy đẹp là nhờ bối cảnh non nước mà người xưa đã dày công nắn chỉnh, nhà thờ đá Phát Diệm đẹp là bởi người thực hiện, cha Sáu đã bỏ cả tâm huyết để tìm ra tiếng nói chung giữa loại hình tôn giáo ngoại lai với kết cấu và hình thức bản địa. Còn nhìn vào những kiến trúc mới, chúng ta thấy sao?
Sẽ có ai trong số chúng ta đi tìm chất thơ và lãng mạn của những thành phố thị xã mới mở, những khu đô thị mới?
Sự thật là một tâm trạng xơ cứng, một công việc hành chính hoá thiết kế không thể giấu vào đâu được. Sự phóng túng và lãng mạn dường như gặp phải một rào cản mà bản thân người thiết kế không hoá giải được.
Ở mức cơ bản nhất, hệ thống duyệt đồ án và năng lực của chủ đầu tư là một giới hạn. Họ sẽ chấp nhận những phương án nào an toàn và có lãi nhất. Chủ đầu tư của ta chưa phải là những Mạnh Thường Quân đúng nghĩa để theo đuổi những ý tưởng baroque nhất. Những sự phóng túng bề ngoài hiện thời vẫn nặng tính trưởng giả.
Mức hai, những người thiết kế của ta nằm trong môi trường xã hội chưa có sức sống văn hoá đủ cao để đọc được những tinh thần thời đại. Những trào lưu hiện đại du nhập vào VN không gặp được tần số của số đông. KTS mới chỉ làm được một cái vỏ bao bọc lấy một khuôn dạng cũ để thích nghi với nhu cầu của xã hội. Về mặt nghề nghiệp sáng tác, KTS VN có tài song không có nhiều điều kiện để mô hình hoá ý tưởng của mình lên mức lý luận. Xa hơn nữa, họ chưa dùng được những ý tưởng đó thuyết phục được cộng đồng. Le Corbusier hay Kenzo Tange làm được những ý tưởng khổng lồ và phóng túng nhất cũng là nhờ khả năng tiếp nhận của những nơi đặt hàng các KTS này. Những chủ đầu tư có học, nhìn nhận công việc của các KTS lớn như những nhà lý luận xã hội, họ xác định được ngay khả năng hai bên đồng hành được đến đâu. Lúc đó bài toán xây dựng đã giải được một nửa.
Cuối cùng, những xã hội cởi mở, táo bạo và ủng hộ sáng tạo là những mảnh đất màu mỡ cho các ý tưởng baroque nhất. Xã hội như thế tất sinh ra những nhà sáng tạo của mình. Đúng là xã hội VN càng ngày càng cởi mở, song những gì mọc lên như cỏ dại lại cho thấy, xã hội đang có những giới hạn về cách sử dụng năng lực kiến trúc của mình. Năng lực kiến trúc là một tiêu chí để đánh giá mức độ văn minh, bao gồm từ cách ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội đến thẩm mỹ trang trí. Những nét Baroque nửa mùa của ta là những nhộn nhịp vỏ bọc, bên trong là những khối tích nặng nề. Nghĩa là kiến trúc của ta chạy theo tinh thần Baroque nhưng ở khía cạnh hời hợt, bề nổi và phù phiếm, như một người non tay không chỉ huy được dàn nhạc với tầng tầng lớp lớp cấu trúc và tư tưởng bên dưới.
Dĩ nhiên kiến trúc không chỉ có Baroque thì mới phóng túng, mới sáng tạo, mới cách tân. Nhưng nhìn ở khía cạnh nhộn nhịp và phong phú bên ngoài của bộ mặt kiến trúc hiện nay, tinh thần Baroque dường như cần được hiểu cho đến nơi. Nếu không, sẽ chỉ là những suy thoái về mặt năng lực kiến trúc, không chỉ ở phương diện hình thức mà còn ở trong tận nội dung. Thiếu một cách sáng tạo phóng túng, có thể chỉ khiến cho công trình quá công năng thuần túy, nhưng thiếu một cách nghĩ mang tinh thần Baroque, là thiếu hẳn một sức bật để ra được những công trình vượt lên khuôn mẫu tầm thường.
*
Nguyễn Trương Quý
(http://soi.com.vn/?p=142596)
(http://soi.com.vn/?p=142596)
Nhận xét