Người mắc chứng tiền đình (P.2)
Sếp rất hài lòng với sự thu xếp của Lãm. Sau hơn một tuần làm ngày làm đêm muốn sụn lưng, bản thảo cuối cùng cũng khá tươm tất. Việc đầu tiên là nhờ giáo sư Võ Trinh viết lời giới thiệu. Năm nay đã hơn chín mươi tuổi, gặp được ông đã khó, nhờ ông viết cái gì đó còn khó hơn. Nhưng bằng sự thần kỳ luôn luôn có ở Việt Nam, thông qua bạn học cũ, sếp đã móc nối với con trai giáo sư và rồi có bản lời giới thiệu sau hai tuần, vừa kịp ngày in. Đọc qua thì Lãm cũng thấy không có gì đặc sắc, như thể tác giả viết một bài cảm xúc về những kỷ niệm xưa đã đăng đâu đó, không liên quan mấy đến nội dung cuốn sách. Nhưng đã ở tình thế nước đến chân rồi thì anh cũng giao file để bộ phận dàn trang cho vào. Xong xuôi rồi là có thể tự cho phép mình một kỳ nghỉ.
Một tối nọ, Lãm thấy mỏi mắt khi đọc bản thảo trên máy tính, anh đóng laptop lại rồi lên giường nằm. Gáy anh căng lên vì ngồi suốt lúc nãy. Vừa đặt đầu xuống gối, bỗng óc anh quay cuồng, mắt nảy đom đóm như vừa bị ai giáng một cú vào thái dương. Cả người anh như trong một cơn nhào lộn không làm sao dừng được. Lãm cố kìm để không gào thét, trong khi cơn buồn nôn ứa lên tận họng.
Bác sĩ nhanh chóng kết luận là Lãm bị tiền đình do thoái hóa đốt sống cổ. “Có triệu chứng tiền tai biến”. Căn bệnh không có gì lạ nhưng Lãm đã không ngờ nó đến sớm. Anh suy nghĩ, không biết có phải do căng thẳng của đợt làm sách vừa rồi không. Kỳ nghỉ của anh rút cục thành kỳ dưỡng bệnh. Lãm bị cách ly khỏi máy tính và điện thoại di động. Sách đương nhiên cũng bị cấm. Được hai ngày, Lãm ngứa tay, lén lục tìm điện thoại. Vợ anh bắt gặp, đay nghiến: “Còn muốn sống để làm người không hả?” Lãm bực, nhưng nghĩ cũng chẳng có gì gửi mình ngoài vài cái email hay tin nhắn vớ vẩn, nên thôi.
Minh họa của Đặng Hồng Quân
|
Thuốc của bác sĩ kê cho Lãm khá công hiệu. Một mặt, nó ức chế các xung động thần kinh, làm cho anh trầm tĩnh hơn. Mặt khác, Lãm cũng cảm giác như mình chậm hơn trước.
Ba ngày sau khi Lãm gửi sách biếu Võ Trinh, anh nhận được điện thoại. Thông tin như sét đánh ngang tai. Cuốn sách hóa ra rất nhiều chỗ sai về thời điểm và nhân vật. Giáo sư kiên quyết không chấp nhận cho ra cuốn sách này. Sếp chửi tục. Rõ ràng là con của giáo sư đã nhận lời chuyển bản thảo cho ông đọc. Vậy thì cái lời giới thiệu kia là viết cho cái gì? “Hay không phải ông ấy viết?” Lãm thắc mắc. Sếp giận dữ, giơ chân đá cái ghế đổ rầm. Lãm nghĩ, may mà chính sếp làm nhiệm vụ này chứ không thì anh chịu hậu quả mệt. Trái với sự nhạy cảm thông thường, lúc này Lãm chỉ thấy bình thản. Anh cũng ngạc nhiên trước sự điềm tĩnh lạ lùng ấy, có lẽ là nhờ thuốc.
Ba ngày sau khi Lãm gửi sách biếu Võ Trinh, anh nhận được điện thoại. Thông tin như sét đánh ngang tai. Cuốn sách hóa ra rất nhiều chỗ sai về thời điểm và nhân vật. Giáo sư kiên quyết không chấp nhận cho ra cuốn sách này. Sếp chửi tục. Rõ ràng là con của giáo sư đã nhận lời chuyển bản thảo cho ông đọc. Vậy thì cái lời giới thiệu kia là viết cho cái gì? “Hay không phải ông ấy viết?” Lãm thắc mắc. Sếp giận dữ, giơ chân đá cái ghế đổ rầm. Lãm nghĩ, may mà chính sếp làm nhiệm vụ này chứ không thì anh chịu hậu quả mệt. Trái với sự nhạy cảm thông thường, lúc này Lãm chỉ thấy bình thản. Anh cũng ngạc nhiên trước sự điềm tĩnh lạ lùng ấy, có lẽ là nhờ thuốc.
Lãm như trút được gánh nặng khi sếp nhận trách nhiệm thu xếp “hậu sự” của cuốn sách. Phương pháp lâu nay vẫn là tình cảm và chu đáo, đặt yếu tố “con người” lên trên hết như thông điệp của sếp vẫn đem đi ngoại giao tại các buổi gặp gỡ đối tác và tác giả cộng tác.
Tuy đã biết tài ăn nói đến rắn cũng phải bò ra nghe của sếp nhưng Lãm cũng không lấy làm bất ngờ khi sếp gọi điện kể lại phản ứng của Trần Lũy. Ông ta nhất quyết đổ lỗi cho Lãm và nhà xuất bản đã can thiệp vào bản thảo. Lãm nghe giọng sếp có phần uất ức, “Cậu chuẩn bị sẵn bản thảo biên tập có chữ của lão Lũy xác nhận để đối chất. Lãm ơi, anh không ngờ lão ấy có thể đối xử với mình như thế. Không có mình thì còn lâu bản thảo của lão mới được đàng hoàng thế”. Tiếng sếp có phần hơi lạc đi. Lãm nghĩ, sếp bây giờ còn nói không ngờ, sao từ lúc mình gàn thì không nghe. Chẳng qua sếp cũng ham thành tích.
Vậy là một cuộc họp ba bên được triển khai tại nhà riêng Võ Trinh. Đây là lần đầu tiên Lãm gặp trực tiếp Võ Trinh.
Ông có khuôn mặt nhiều túi mỡ chảy xệ, đôi mắt nhỏ tí không rõ cảm xúc. Duy có mái tóc trắng như cước dài bồng bềnh là sống động, như Lãm vẫn thấy trên những bức ảnh hoặc tivi. Bên cạnh ông là chị con gái, chị này khuôn mặt mỏng, đôi môi khô khan. Chị nâng cặp kính như một thói quen, đặt cuốn sách lên đùi, tay cầm sẵn bút như chờ súng khai hỏa. Năm người ngồi quanh bàn, dưới ánh đèn vàng vọt và giữa những giá sách cũ kỹ, hệt như cảnh một bức tranh Phục hưng Hà Lan bí hiểm. Trần Lũy không nhìn Lãm lần nào, ngồi khúm núm hơi lùi xa bàn về phía Võ Trinh. Lãm chăm chú quan sát Trần Lũy, thấy sếp mình có khi vẫn có cái lý khi chọn bản thảo của ông ta. Bỗng nhiên Lãm thấy chán ngán.
Sau lời mào đầu đầy ắp sự lễ độ của sếp, Võ Trinh nhận thấy Trần Lũy nhấp nhổm. Ông chớp mắt, khẽ nói. “Anh Lũy nói đi”. Khác với vẻ lề mề nói lặp như mọi lần, Trần Lũy rành rọt nói không vấp tí nào như đã chuẩn bị sẵn. Đến câu “nhà xuất bản phải có trách nhiệm sửa chữa và in lại cuốn sách” thì Lãm cắt lời: “Nhưng chính bác…” Sếp vội giật tay Lãm rồi nói chen vào. “Dạ, cháu rất hiểu vấn đề của cuốn sách là còn nhiều tồn tại. Nhưng cháu muốn xin ý kiến của giáo sư ạ”.
Giọng Võ Trinh nhỏ nhưng khá rõ, âm sắc lạnh. Sau khi đánh giá khích lệ sự công phu của tác giả thì ông nói: “Tôi nói không phải là để bắt bí các anh. Nhưng vì sự an toàn, xin lỗi, chu toàn của cuốn sách, và cũng là để không ai có quyền bắt bẻ gì, các anh cần in lại”.
“Dạ, đúng thế ạ”. Giọng Trần Lũy phụ họa đầy lố bịch.
Lên taxi, sếp thở dài. “Mất toi cả mấy trăm triệu. Cậu là biên tập viên, phải có trách nhiệm tìm cách bán sao cho thu hồi lại vốn đấy”. Lãm coi như không nghe thấy, nhắm mắt lại.
**
Hai tháng sau khi cuốn sách đã được in ra, số sách tồn vẫn còn đến hai phần ba. Tín hiệu từ các nhà sách không khả quan. Trong khi đó, phản hồi của các báo về cuốn sách chân dung danh nhân mang phong cách mới phần nhiều không khác với thông cáo báo chí mà Lãm đã tỉ mẩn chấp bút cho sếp duyệt kỹ lưỡng, nghĩa là chẳng chệch hướng tí nào. Coi như một cuốn sách cúng cụ vốn dĩ khó bán như mọi cuốn thể loại ấy nên chẳng ai quá đỗi bi quan.
Chứng tiền đình của Lãm cũng không còn, chỉ có phản xạ của anh vẫn chưa nhanh. Đôi lúc anh như người trong phim quay chậm.
Mọi buổi tối, Lãm đều bị vợ bắt đi ngủ sớm. Cô tịch thu điện thoại của anh, chỉ cho dùng đúng tám tiếng ban ngày.
Nửa đêm hôm đó, chuông điện thoại cố định nhà Lãm kêu ầm ĩ. Tiếng vợ anh trả lời, rồi cô lay anh dậy. Cô lấy tay bịt ống nghe. “Sếp gọi đấy. Có cái thứ cơ quan nào vô lý thế này không, nửa đêm gọi điện”. Lãm bỏ ngoài tai lời cằn nhằn của vợ, cầm ống nghe lên.
“Anh phải đi, sếp gọi có việc”.
“Mình có thần kinh không. Kệ ông ấy, ai chết cũng để đến mai. Mình còn cái thân mình kia kìa”.
Mặc cho vợ chì chiết, Lãm dắt xe đi.
Lãm không dám nói với vợ là gặp sếp ở đâu. Thoạt tiên anh cũng không hiểu tại sao sếp lại gọi mình đến quán karaoke, dù có biết sếp thích hát hò văn nghệ. Trong tình trạng sách ế thì ăn mừng thế này xem ra hơi khác thường.
Lãm sửng sốt thấy sếp ngồi gục gặc bên chai rượu. Ngồi một mình trong căn phòng hát. Màn hình chạy chữ một bài hát não nề. Họa hình người tình trên bờ cát… “Ngồi đi. Hát đi. Uống đi. Lãm”.
Lãm cũng không biết nên hỏi gì, mà nhạc quá to. Sếp ấn nút bài tiếp. “Hát đi”. Sếp dúi cái micro vào tay Lãm. Anh đành miễn cưỡng hát.
“Mày hát được đấy. Nhưng mà hát hết mình đi. Đứng dậy mà hát”.
Sau nửa chai rượu, sếp hỏi. “Mày thấy vụ ấy thế nào?”
Thấy Lãm mặt ngây độn, sếp cáu. “Thế mày ở nhà làm cái gì?”
Thì ra lúc cuối buổi chiều, có một bài báo mạng nêu lên một số cuốn sách có dấu hiệu vi phạm. Theo đó thì cuốn về Trương Hoàng Phong của Trần Lũy mặc dù không sai lệch nội dung nhưng lại có dùng những nguồn trích dẫn không chính thống. Kết luận của bài báo thòng một câu phát biểu của một ông quản lý nào đó: “Nếu các cuốn sách có dấu hiệu vi phạm thì phải thu hồi”.
Lãm đọc xong bài báo trên cái điện thoại của sếp, anh ngẩn ra. Mấy cốc rượu làm anh không suy nghĩ mạch lạc nổi. “Có… sao không anh?”
Sếp nở nụ cười bí hiểm, nhét điện thoại vào túi. “Thôi, kệ nó. Uống rồi về, mày”.
Bỗng nhiên, khắp nơi nói đến cuốn sách về Trương Hoàng Phong. Một tờ báo mạng công bố những lời của Trần Lũy đổ lỗi cho lối làm ăn tắc trách của nhà xuất bản và biên tập viên. Dường như một chiến dịch hạ bệ nhà xuất bản dậy lên, song song với một làn sóng ủng hộ nó như một đơn vị dũng cảm, hoặc là một nạn nhân của lối nghiên cứu chộp giật, xào xáo sưu tầm hàng chục năm nay. Dù thế nào thì cuốn sách cũng bán chạy đến nỗi có cả sách in lậu.
Cuốn sách hóa ra chứng minh lời của sếp là đúng. Mặc dù như Lãm thấy nó nhạt nhẽo đến mức anh xấu hổ không bao giờ quảng cáo cho bạn bè, nó nhận được giải thưởng của một hội nghiên cứu, một giải cuốn sách của năm. Trần Lũy cũng kịp được nhắc đến như một người có công phu khảo cứu, thậm chí có tờ báo còn phong ông ta là “nhà Hoàng Phong học”. Tuy nhiên gần đây người ta thường gặp ông ta đi dò dẫm dọc vỉa hè thư viện, hai tay bấu lấy song sắt hàng rào, mắt trợn trừng.
Cuốn sách cũng chấm dứt sự nghiệp biên tập của Lãm. Người ta không còn thấy anh ngồi đăm chiêu bên những chồng bản thảo nữa. Anh hay lang thang phượt các vùng núi hoặc du lịch khắp nơi. Mới tuần trước, nhân dịp một ngày năm mới trong một quán cà phê, tôi đã gặp anh, và được anh kể lại câu chuyện trên. Những ngón tay từng lật giở không biết bao nhiêu trang bản thảo, giờ thành thạo giơ máy ảnh lên bấm. “Thì mấy trò gây xì căng đan đó bây giờ bọn ngôi sao nó làm như cơm bữa mà. Mày suy diễn thế chứ tao không tin sếp tao dám. Thằng cha ấy nhát bỏ mẹ”. Trông anh không có vẻ gì là người từng bị tiền tai biến, anh nở nụ cười ám khói thuốc, hấp háy cặp mắt nhanh hoạt: “Thời của tao qua rồi. Mày mới xứng đáng danh hiệu người biên tập viên nhân dân. Mày viết tản văn đều, ra sách mới cho anh mấy cuốn nhé”.
(Đăng trên báo Đại biểu nhân dân: http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=80&NewsId=307860)
Nhận xét