Tàu anh qua núi, tàu tôi qua đâu

Hồi bé tôi hâm mộ nhất bài "Tàu anh qua núi". Tôi được nghe hát trực tiếp dễ đến 3 lần qua các giọng ca Thanh Hoa, Bích Việt và một nữ ca sĩ quân đội nào đó nữa mà tôi quên tên rồi, các cô đều biểu diễn ở hội trường xí nghiệp mẹ tôi. Tôi cũng nghe nhiều nhạc vàng lắm, cái đài nhà hàng xóm nếu đã mất điện thì thôi, cứ mở là có những bài mà lúc ấy chỉ nhớ những cái điệp khúc mùi mẫn như "trời dành cho anh một con dốc lớn, để lăn hết cuộc đời" (mà tôi nghe thành "để ngàn năm hết đợi chờ"?), "Bao nhiêu chàng trai tay xiết mạnh, thầm hẹn ngày về quê Bắc ơi" (mà tôi cứ thắc mắc sao nhạc vàng lại có "về quê bác ơi"?).

Nhưng rõ ràng là tôi thích "Tàu anh qua núi" và nhớ đến bài ấy, là vì tôi rất chú ý đến câu "qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi". Ồ, đèo Hải Vân, một địa danh đột nhiên đập vào óc, nó gây tò mò, cái gì đó xa xôi, cái gì vẫy gọi. Đến mức cứ lần nào có văn nghệ ở xí nghiệp là tôi thắc mắc, sao lần này không hát bài "qua đèo Hải Vân"?

Đèo Hải Vân khi ấy đã là cái gì đó gợi cảm vậy với một đứa bé 4, 5 tuổi nhỉ. Sau này tôi vẫn chưa đi qua đỉnh đèo, vì đâu như 2, 3 lần đi qua hầm đường bộ, nhưng cũng cảm nhận cái độ dài dằng dặc quanh co, và biết rằng trong nghệ thuật ngôn từ, có những vùng tiềm thức làm bật lên sự cộng hưởng của những âm tiết nhất định.

"Người đi qua đời tôi
Hồn lưng miền rét mướt
Vàng xưa đầy dấu chân
Đen tối vùng lãng quên"

Dĩ nhiên "hồn lưng" nghe khó hiểu nhưng khó quên. Nếu hát thành "hồn lưu" thì cũng như "nắng khuya" thành "nắng mưa", "yêu em tấm áo thô sơ" thành "tấm áo đơn sơ"... là xong phim rồi. Đèo Hải Vân dĩ nhiên tôi lúc ấy cũng biết là một nơi ở miền Nam, nơi có lẽ có một thế giới khác với Hà Nội, với xí nghiệp và với các tiết mục văn nghệ ở đây.

Quay lại với "Tàu anh qua núi". Lần nào nghe Thanh Hoa hát tôi cũng chỉ quan tâm đến việc cô ấy chinh phục những nốt cao và sự biến hóa của cô ở đoạn kết (Là yêu nhau mấy sông em cũng lội, là yêu nhau mấy núiiiii em cũng trèoooo...). Hôm rồi xem một chương trình ca nhạc với chủ đề cover lại các ca khúc nhạc đỏ một thời, và thay vì Thanh Hoa là Thu Minh trong một bản được phối theo kiểu nhạc sàn. Thu Minh hát hay, sinh động, và rất biết mình đang hát gì, thế là rất thành công rồi, có lẽ là tiết mục khá nhất hôm đó, nếu so sánh với các tiết mục như cơm nguội thiu của 2 diva khác.

Màn đấu khẩu của hai phe - ủng hộ đường sắt VN và phê phán nó - cũng khá thú vị. Tuy nhiên ở đây tôi không bàn đến chuyện cái tệ hại của ngành đường sắt, mãi trì trệ, tôi đã từng vô cùng tuyệt vọng đứng ở cửa tò vò quầy vé khi đi mua vé tàu vài lần, và thôi thì đúng như biệt ngữ "ĐSVN = Đừng Sờ Vào Nó", đất nước mình bao giờ có đường sắt cao tốc hay khổ rộng 1,435m, v.v... mà tôi muốn nghĩ xem, tại sao những chuyến tàu luôn đầy tính biểu tượng. Những chuyến xe cũng thế, chuyến bay thì ít hơn.

Nhiều phim ảnh từ thời "kinh điển" của Hollywood đã phát triển hẳn một motif gọi là "bến cảng sương khói" - có lẽ là lấy từ cái tên bộ phim Pháp năm 1938 "Le Quai des brumes" - mà Umberto Eco đã phân tích từ bộ phim kinh điển Casablanca (1942), chính là cảnh Rick (Humphrey Bogart) đợi Ilsa (Ingrid Bergman) mà bị leo cây, đoàn tàu tu tu xình xịch rời ga nào đó Paris (ga Lyon đèn vàng, cầm tay em muốn khóc - Cung Trầm Tưởng?) nhả khói mù mịt vô tình xóa nhòa mặt người thương. Những người thương về với người thương cũng có khi trong cảnh bẽ bàng như trong Cầu Waterloo (1940), nữ nhân vật Myra do Vivien Leigh thủ vai vì chiến tranh, người yêu danh gia vọng tộc chết trận, mà sa cơ làm gái điếm, ong qua bướm lại đã thừa xấu xa. Nào ngờ gặp người yêu ngỡ trong mộng mê ở sân ga cũng mịt sương mù thành Luân Đôn ngươi có nhớ, nàng xấu hổ vì thực tại ê chề, gieo mình xuống dòng Thames quyên sinh. Quả thực "tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời" mới biết lòng thục nữ. Nếu tôi làm phim Kiều, tôi sẽ học đòi Romeo & Juliet của Leonardo di Caprio, cho Kiều sống ở đầu thế kỷ 20, mặc đồ tân thời, đi tàu hỏa xa Đông Dương, khói tan rồi, hiện lên khuôn mặt nàng năm 31 tuổi đầy quyến rũ. Với điều kiện ga Hàng Cỏ phục dựng nguyên bản thời xưa. Và Kim Trọng nhất thiết đánh Citroel tiến từ từ đến. "Anh!" ... Ôm ấp nghẹn ngào xong rồi, lên xe. "Vân đâu anh?" "Ở nhà, đang trông nồi yến em ạ. Cô ấy nhất định tự tay nấu đãi em." Chiếc xe đi xa dần trong làn sương trời thu đất Bắc. Tiếng còi tàu bâng quơ dọc đường Hàng Lọng.

Dĩ nhiên tôi chỉ tạo ra một cảnh sến kinh hoàng thế thôi. Còn thì những chuyến tàu đã đi vào ký ức tập thể người Việt như những cuộc hành trình đầy tâm trạng. "Ôi còi tàu như xé đôi lòng" - vừa là còi tàu thủy, cũng lại là còi hỏa xa trong Biệt ly (1937) của Doãn Mẫn. "Những cuộc chia lìa khởi từ đây. Cây đàn sum họp đứt từng dây" trong Những bóng người trên sân ga (1937) của Nguyễn Bính. Rồi con tàu "như đã đem một chút thế giới khác đi qua" cho hai chị em Liên và An ở một cái ga xép trong Hai đứa trẻ (1938). Tôi đã đi về thăm nhà lưu niệm Thạch Lam ở cạnh ga Cẩm Giàng, căn nhà nằm sát sạt ngay bên đường tàu. Công nhận là vào cái thời triền miên buồn chán, thì tàu hỏa là cái gì đó náo nhiệt hơn hẳn xung quanh đối với trẻ con. 50 năm sau, cái thời tôi còn bé, đường tàu vẫn thú vị. Buổi đêm nghe tiếng còi tàu vẳng lại thực bình yên. Đặt một viên đá dăm ở taluy đường tàu lên ray, chờ tàu lao qua, xem bánh xe nghiền nát vụn viên đá ra sao. Đi học trên đường tàu, bước theo các thanh tà vẹt cho nhanh - vì khoảng cách các thanh dài hơn bước chân trẻ con cấp 1. Cũng có lần hút chết vì tàu đi gần đến nơi rồi mà bọn trẻ chúng tôi vẫn cắm cúi bước. Bà già đạp xe đi qua trông thấy, gào thét ầm ĩ, lôi cổ về mắng cho một trận.

Đấy là thời Việt Nam đã đi vào quá vãng. Còn bọn Tây nhé, Harry Potter vẫn hoài cổ, vẫn vân vi lâu đài với phép thuật, và nhất là phải đi tàu từ ga King's Cross ở sân ga 9 3/4. Chuyến tàu vẫn nhả khói mù mịt trong truyện lẫn phim, như một nguồn cảm hứng đến ám ảnh. Nước Anh làm công tác bảo tàng như thể để dành đó, năm nào Hollywood cũng có nhu cầu mang ra mượn để khai thác, cầm chắc ăn giải Oscar phục trang và làm tóc. Bằng chứng mấy mùa Oscar rồi giải này về tay phim của đạo diễn Anh và đề tài cổ trang Anh quốc. Nhắm mắt cũng hình dung ra cảnh đoàn tàu đen xì chạy băng qua núi đồi thảo nguyên xanh xanh, xa xa đàn cừu có chú Shaun the Sheep chẳng buồn nghển cổ ngó.

Những chuyến tàu thực sự chỉ ý nghĩa khi đi đường dài, khi nối liền hai địa điểm thật xa, như xuyên Việt chẳng hạn. Thời đánh nhau, ở miền Bắc có những bài hát sôi nổi như:
- "Cô lái thong dong ngước trông nhịp cầu mến yêu đoàn tàu cô hằng chờ mong" (Ánh đèn sáng trên cầu Việt Trì - Hoàng Hà, 1958),
- "Về đây với đường tàu, xiết tay ta hẹn nhau, khi Bắc - Nam chưa một nhà ta quyết chưa về làng quê" (Về đây với đường tàu - Lưu Cầu, 1966),
- "Ngọn khói con tàu, như tay vẫy gọi" (Đường ra mặt trận - Huy Du, thơ Xuân Sách, 1966)...
- "Dòng sông Mã soi bóng nhịp cầu có những đoàn tàu hối hả về Nam" (Cây lúa Hàm Rồng- Đôn Truyền, 1972)

Còn ở miền Nam có bài nỉ non "Anh ơi đây đô thành ở đây em sống không quen, đưa nhau lên tàu về quê ta sống vui hơn" (Tàu về quê hương - Lam Phương). Cũng có bài như Tàu đêm năm cũ (một bác Phương khác - Trúc Phương), tàu này cũng hơi chậm vì nỗi bolero đánh võng hơi bị chóng mặt, "đưa tiễn người trai về ngàn" hơi bị dùng dằng, đúng tâm lý đau lòng kẻ ở người đi. Trịnh Công Sơn cho tàu đi nhanh hơn, "Mẹ già cười xanh như lá mới trong khu vườn, ruộng đồng Việt Nam lên những búp non đầu tiên. Một đoàn tàu đi nhả khói ấm hai bên rừng, một đàn gà cao tiếng gáy đánh thức bình minh" (Ta thấy gì trong đêm nay - 1968). 

Khi đất nước thống nhất, đường sắt lãnh ngay vinh dự nối liền, nào là từ Đường tàu mùa xuân (Phạm Minh Tuấn, 1976) "người thương về với người thương", đến Tàu anh qua núiqua đèo Hải Vân đã kể, rồi Bài ca đường sắt (Lê Xuân Thọ), Gửi anh công nhân đường sắt(Tân Huyền)... Nói chung ai mà chẳng muốn leo lên con tàu Thống Nhất "tàu sức trẻ mùa xuân" mà đi vào Nam. Thế rồi để mãi là một chuyện cũ, như cái tàu cũ trên khổ đường ray rộng 1m oằn mình suốt 78 năm khi bắt đầu xuyên Việt.

Những người lính Đồng Minh tù binh của Nhật đã chết vì xây tuyến đường sắt có cây cầu qua sông Kwai. Thành truyện và phim Cầu qua sông Kwai trứ danh. Những người nô lệ Congo phục dịch xây đường sắt dưới sự cai trị của vua Leopold, Bỉ cuối thế kỷ 19. Được kể trong Tâm bóng tối của Joseph Conrad. Tuyến đường sắt răng cưa từ Tháp Chàm lên Đà Lạt đã bị bỏ không, những cái đầu tàu còn lại đã bán nốt cho Thụy Sĩ, khiến nước này thành nước duy nhất còn có đường sắt răng cưa, loại đường sắt leo núi đặc biệt. Kể sơ sơ thì nhiều vụ án mạng trên các chuyến tàu tốc hành trong tiểu thuyết hay phim ảnh giải trí, nào là chuyến tàu tốc hành phương Đông từ Istanbul về Calais của bà Agatha Christie, nào là Midnight Express... Những vụ án trên các toa tàu hạng nhất luôn hấp dẫn, li kì, lướt qua những đô thành tráng lệ, những nhà ga đầy dấu ấn Nouveau Art, thời kim khí bắt tay hữu hảo với mỹ thuật, khiến mỗi nhà ga là một bài ca của dầm sắt uốn, khung vòm và đinh tán. Vị trí của những nhà ga ở ngay trung tâm thành phố cũng nói lên sự quan trọng của phương tiện này vào thời đầu thế kỷ trước. 

Tôi đã hoàn toàn ngạc nhiên và lúc đầu còn thất vọng khi nhà ga của thành Firenze (Florence) hay Venezia (Venice) vuông chằn chặn, cũng đá rửa và cửa gỗ không hoa văn. Nói chung cũ kỹ buồn tẻ tựa như ga Hà Nội. Sau đấy mới biết ga ở Firenze còn là tiêu biểu của kiến trúc công năng hiện đại Ý nữa cơ đấy. Nhưng nghĩ lại thì hình như ít người để ý đến tính mỹ thuật của nhà ga xe lửa. Sân bay thì còn đáng nói. Chứ khách đi tàu vừa đến ga để khởi hành là chạy hớt hải xem ke nào, xem giờ nào... khách xuống tàu là ba chân bốn cẳng dò tìm bản đồ hay bãi taxi, ga metro ở đâu để về chỗ nghỉ hoặc chuyển tiếp sang tuyến khác. Chẳng thấy cảnh tiễn biệt lãng mạn "bến cảng sương khói" nào. Tàu diezel ở ta rồi tàu chạy điện nước ngoài làm cho các chuyến tàu bình thường như các chuyến ô tô khách đường dài. Hình như người ta cũng ít vẫy tay. Tàu chuyển bánh rồi, chỉ nhắn cái tin "Đã bắt đầu đi" là xong. Con tàu đi lòng không phân vân.

Nếu không phải tàu thì là cái gì nhỉ, cái gì có thể gây nên ám ảnh toàn cầu như thế. Đến nỗi mà chẳng có tàu lên Tây Bắc nhưng cụ Chế cũng phải viết về một "Tiếng hát con tàu" - "nơi nào qua lòng lại chẳng yêu thương". Đến nỗi Nguyễn Minh Châu viết hẳn một truyện tên "Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành" năm 1983 - sau này có bộ phim làm theo đổi tên thành "Người đàn bà mộng du", cái tên kém xa về tính biểu tượng. Cái cô Quỳ nhân vật chính, cả đời cứ xê dịch để đi tìm hạnh phúc đích thực, nên đi tàu là rất gợi hình. Có điều Nguyễn Minh Châu hẳn quá hiểu một nền văn học minh họa, đến nỗi chẳng ngại bịa là Việt Nam có tàu tốc hành. Hihi, mãi đến năm chín mấy, tàu S1 mới lên được 34 tiếng, nghĩa là 50km/h, thì gọi là tốc hành sao được hả cụ Châu ơi!

N.T.Q

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm