Người mắc chứng tiền đình (P.1)

(Truyện đã đăng tập Dưới cột đèn rót một ấm trà)

Trong giới biên tập, nếu ai còn nhớ thời hoàng kim của sách in ở Hà Nội, thì hẳn biết Lãm. Anh là biên tập viên nổi tiếng mát tay với các đề tài văn chương nghiêm túc. Duy có một lần, như Lãm kể, không hiểu vận hạn thế nào, anh cũng gặp bản thảo khó xơi. Mọi sự bắt đầu từ khi sếp giao tập bản thảo về Hoàng Phong để ra sách nhân năm mươi năm mất của vị danh nhân này. Lãm không thích đề tài lịch sử, nhưng sếp nhất quyết làm, “đây là nhiệm vụ chính trị của cơ quan, cậu phải làm. Cậu đã từng làm mấy cuốn ngày trước rồi, giao bọn tre trẻ làm, tôi không tin tưởng”.
Sếp trấn an Lãm rằng bản thảo này sẽ làm theo kiểu hỏi đáp, có năm trăm câu ngắn gọn, “sẽ dễ làm thôi. Cậu không phải nhọc công gì, chỉ đối chiếu lại thông tin và sửa chính tả. Tác giả có thâm niên nghiên cứu rồi, không phải lo”.
Việc đầu tiên Lãm phải làm là đến gặp tác giả để lấy bản thảo viết tay mang về, đánh máy lại thành file văn bản rồi dàn trang. Sếp nhắn: “Tớ đã gọi điện cho ông Lũy rồi. Đến vào buổi tối nhé, ban ngày ông ấy hay lên thư viện tra cứu”.


Minh họa của Đặng Hồng Quân

Địa chỉ cần đến ở trong một khu tập thể sắp chờ giải tỏa của một cơ quan Bộ ngày trước. Anh đã quen đến những nơi cũ kỹ như thế này để nhận bản thảo. Vậy mà anh vẫn không hiểu, những tác giả hàng ngày nhìn ra cửa sổ với dăng dăng dây phơi quần áo, xô chậu và đường ống nước, họ lấy cảm hứng từ đâu?
Lãm dò dẫm bước dọc cái hành lang tôi tối, rồi tới căn hộ ở cuối cùng. Anh thò tay qua cánh cửa sắt đầy bụi, gõ vào lần cửa gỗ màu xanh lá cây đã bợt. “Ai đấy?” Một ông già nét mặt xương xẩu cau có hiện ra sau cánh cửa. Lãm xưng tên và lý do đến. Ông già vụt đổi thái độ, cười rạng rỡ, giọng hào hứng: “A anh Lãm, anh Lãm. Vào đi, vào đi. Mời anh, mời anh”.
Căn hộ cũ kỹ, đồ đạc phủ đầy bụi. Lãm hắt xì hơi. Lãm không có khăn mùi xoa, anh lén quệt mũi vào ngón trỏ rồi định chùi vào hông quần nhưng ông Lũy đã giơ tay nắm lấy để bắt. Bàn tay khô lạnh của ông nắn nắn lấy bắp tay anh. “Quý hóa quá. Quý hóa quá. Trẻ quá. Trẻ quá”. Anh không biết ông này có định nói lặp hai cụm từ một trong mọi lời phát ra không. Lãm thu tay về, tay vẫn còn dinh dính. Ông Lũy có khuôn mặt nhầu, mặc áo sơ mi cắm thùng hơi quá mức cẩn thận cho một bộ đồ mặc ở nhà. Ông có một hơi thở nặng mùi.
Ông già chỉ vào tập giấy A4 xếp ngay ngắn trên bàn. “Đấy, đấy. Tôi đã xếp sẵn rồi. Xếp sẵn rồi”.
“Vâng, để cháu mang về đọc rồi trình sếp cháu đã bác nhé. Bác ký giấy xác nhận cho cháu”.
“Không cần đâu, không cần đâu”.
“Bác cứ ký giúp ạ, vì đây là thủ tục”.
Ông già nắn nót đặt bút ký vào tờ biên nhận mà Lãm đã in sẵn. Lãm chào ông ra về, và lời chào anh nghe thấy vẫn là một tràng hai cụm từ lặp lại. “Thế anh về nhé. Thế. Anh về nhé”. Lãm chợt nghĩ, rõ ràng không thể là nói lắp vì ông ta ngắt câu rất rõ ràng.
**
Tập bản thảo mà Lãm hình dung là mỗi câu chỉ độ nửa trang A4 nhưng rút cục dài đến hai trang. Thảo nào nó dầy ự đến thế. Nghìn tờ giấy. Hai ram nguyên. Nội dung của nó hệt như những bài giảng chính trị mà câu hỏi thực ra là những câu mớm nội dung, đọc lên đã thấy câu trả lời đương nhiên là đồng tình và diễn giải mà thôi. “Chú bé Phong sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước tự ngàn đời…” Lãm bật cười, gạch mấy chữ có truyền thống và tự ngàn đời đi. Chỗ nào cũng múa bút thế này thì chết. Lãm tặc lưỡi, ôi thôi kệ, sếp đã muốn làm nhanh thì mình cứ thế mà gọt cho gọn.
Dĩ nhiên Lãm không hơi đâu đọc bản chép tay. Anh thuê người đánh máy nhập liệu, tranh thủ đặt họa sĩ vẽ bìa rồi bắt tay vào biên tập dữ liệu. Những chỗ như tự ngàn đời hóa ra đầy rẫy trong bản thảo nhưng làm mãi Lãm cũng hết buồn cười, anh thậm chí còn lấy làm thích thú như người nhặt rau, mong gặp cọng nào sâu cọng nào úa để công việc đỡ tẻ và đỡ phải nghĩ. Lãm khá hài lòng với chính mình khi gọt xuống được còn gần bảy trăm trang, vị chi mỗi câu một trang rưỡi. Rồi sẽ gọt nữa, mà cũng phải dành đất cho sếp gọt chứ, anh nhủ thầm khi chuyển bản sửa cho trưởng ban biên tập.
Lãm cho phép mình xả hơi ba ngày bằng cách đi cùng một nhóm bạn chụp ảnh hoa cải ở Mộc Châu. Giữa cuộc nhậu vui vẻ ở chỗ đi chơi, cú điện thoại của sếp đã làm hỏng tất cả. “Cậu làm ăn thế à? Về ngay, về ngay. Tệ quá. Tệ quá”. Lãm không hiểu sếp có lây bệnh nói đúp hai câu một của ông Lũy không nữa.
Tập bản thảo đã sửa chi chít những chỗ khoanh tròn rất tháu của sếp: “Giống hệt trang 72 cuốn Danh nhân xứ Thanh”; “Không khác một dấu phẩy bài về Trương Hoàng Phong trong cuốn Hợp tuyển văn thơ Bắc Trung Bộ”… Lãm không nói được câu nào, ngạc nhiên vì nghĩ mình đã cắt ghép đến nát ra rồi, vậy mà sếp vẫn nhận ra được văn bản gốc thì hãi quá.
“Cậu biên tập phải biết những cuốn kia chứ? Cuốn này đến hai phần ba cóp nhặt hết. Quá tệ”.
“Em có đọc nhưng lâu rồi, cũng không phải mảng của em. Với cả thấy sếp nói chỉ cần sửa chữa qua…”
Sếp nhìn Lãm một cái rồi đưa mắt nhìn xuống bản thảo. “Tôi nói vậy là trên tinh thần chung thôi. Biên tập viên vẫn cần phải biên tập tỉnh và phiêu hơn nữa”. Tỉnh? Phiêu? Lãm đã định vặc lại nhưng rồi thôi. Dù sao anh ta cũng ở cái ghế chỉ huy, chịu trách nhiệm cho nội dung, không thể để anh làm bừa được.
“Nếu nó dở quá thì thôi sếp ạ”. Lãm dấn thêm một bước. “Ảnh hưởng đến uy tín cơ quan mình còn nguy nữa”.
“Không! Vẫn làm chứ. Nó có cái dở như đã nói rồi, nhưng cái được là công sưu tập tư liệu. Người ta rất quan tâm đến cuốn này, vì đợt này chưa thấy nhà xuất bản nào có sách về Trương Hoàng Phong cả. Mình phải làm sách có chiến thuật, cậu hiểu chứ”.
Người ta là ai, Lãm cũng hiểu hiểu sếp định nói gì nhưng nghĩ đến việc sửa lại bản thảo thế nào, anh chỉ thấy ngao ngán. Như thấy được nỗi do dự của Lãm, sếp bồi thêm mấy câu. “Cậu hiểu ý tớ phiêu là sao chưa? Cậu phải vận dụng cái tài của cậu ở những cuốn trước ấy, cậu thêm vào đồ họa, các số liệu thống kê, các trích lục ngắn gọn, giật lại các tít phụ, trình bày sao cho nó sinh động hẳn lên. Tớ tin là cậu thừa sức làm được. Thôi về làm đi, nhanh nhẹn lên, nhé”.
Bây giờ, nói thế nào với ông Lũy là một điều mệt mỏi hơn nhiều. Một người đáng tuổi ông cha mình, yêu cầu đụng chạm đến sự toàn vẹn của tác phẩm đã là điều không dễ, nữa là giải thích tại sao lại phải cắt bỏ nhiều như thế. Lãm đã sẵn sàng chuẩn bị cho tình huống tệ hại nhất.
Việc đầu tiên là làm sao gọi điện thoại được cho ông Lũy. Lãm không làm sao gọi được cũng như gặp được, căn hộ của ông Lũy khóa cửa suốt một tuần nay.
**
Lãm nín thở bước vào sảnh phòng đọc thư viện. Những cây cột cao đỡ vòm trần làm tăng thêm vẻ căng thẳng của không khí. Cô thủ thư mặt lầm lì, cầm cái thẻ của Lãm dí vào máy soi rồi trả anh. Đúng lúc chuông điện thoại của anh kêu. Cô thủ thư quắc mắt. Lãm vội mở cửa đi ra ngoài, anh nhanh chóng khép cái cửa lại nhẹ nhàng nhất có thể nhưng nó vẫn phát ra tiếng két từ cái bản lề khô dầu. Lãm rút điện thoại ra, mặt nóng bừng, cảm tưởng như cặp mắt dữ tợn của cô thủ thư đang khoan vào gáy. Sếp lại gọi, dặn trao đổi với ông Lũy cẩn thận, sao cho chỉ lưu lại những bằng cớ có lợi.
Lãm cẩn thận tắt tiếng điện thoại, khẽ đẩy cánh cửa, lần này nín thở hơn lần trước. Nhưng cô thủ thư không có vẻ còn nhớ sự ồn ào bất lịch sự khi nãy, đang thờ ơ đọc gì đó trên máy tính.
Sự căng thẳng của Lãm hóa ra thừa. Hóa ra mấy ngày nay nhà ông Lũy mất nước, ông đến ở nhà người em. Và thư viện gần như là chỗ ông ở cả ngày. Lãm mời ông ra quán cà phê ở đằng sau thư viện. Ông không gọi gì, rút trong túi ra cái bình tông nước, khẽ khàng đặt lên bàn trước sự ngỡ ngàng của cả Lãm lẫn cô phục vụ. Cô ta quay ngoắt người đi, ve vẩy tập phiếu ghi, cười nụ.
Ông Lũy gật gù nghe lời rào đón của anh rằng quá dài, cần gọt bớt, rồi vẫn nói bằng kiểu đúp hai câu một. “Vâng, anh cứ sửa. Sao cho gọn nhất. Sao cho gọn nhất. Là được”.
Lần này có ngắt ra một hai câu lẻ như nỗ lực biến đổi thông tin. Thái độ hợp tác dễ chịu đáng ngờ của ông già làm Lãm hơi đề phòng. “Thế này bác ạ, bên cháu định thêm vào phần đồ họa vẽ lại hành trình cuộc đời của ông Hoàng Phong. Như thế sẽ giúp cho độc giả trẻ tiếp cận nội dung của bác dễ dàng hơn. Cháu sẽ gửi bác xem bản nháp trước khi đưa vào”.
“Hay lắm. Hay lắm”.
Không lẽ ông này dễ tính vậy. Tiện đà, Lãm dấn thêm. “Bên cháu muốn bác làm danh mục sách tham khảo. Vì hẳn là bác cũng đã tham chiếu nhiều tài liệu lịch sử. Nhiều đoạn tương đồng với các sách đã có”.
“Không! Tôi không cần tham khảo gì cả. Tất cả trong đầu tôi rồi. Tích lũy mấy chục năm cả đấy”. Ông Lũy đổi sang giọng gay gắt như lên lớp.
À, thì ra chỉ nói đúp khi đồng tình thôi. Lãm cười thầm, “Dễ xử thôi”.
“Sách nghiên cứu có phần tham khảo thì cũng tốt bác ạ. Mình có những nguồn bằng cứ xác đáng uy tín, chỉ có lợi cho mình thôi. Ý kiến về biên tập của cháu là như vậy. Bác cứ suy nghĩ”. Lãm nói bằng cái giọng lạnh lẽo, cố gắng bắn tín hiệu cho ông già hiểu.
“Tôi, tôi là tôi không đồng ý với việc quy chụp của các anh…”
Quái thai đây. Lãm bồi cú chót. “Bên cháu có mời giáo sư Võ Trinh thẩm định và viết lời giới thiệu đấy bác ạ”.
Võ Trinh là học trò của Hoàng Phong, được xem như người kế tục sự nghiệp của danh nhân này. Câu nói của Lãm dường như có tác dụng. Mặt ông Lũy có vẻ giãn ra, môi dưới rung rung. Quả là không phải người bảo thủ kiểu dễ đoán. Ông ta có lẽ khá hiểu tình thế của mình nên lại mềm mỏng trả lời ngay: “À, anh Trinh à. Hay quá, hay quá. Vâng thế thì về sách là tôi nói trước thế. Nói trước thế. Còn thì tôi cũng biết là phải có sự biên tập. Biên tập là cần thiết. Cần thiết. Bà đỡ. Bà đỡ”.
Vậy là coi như hai bên thỏa thuận rằng tác giả sẽ tự sửa lại theo những chỗ đã biên tập rồi Lãm sẽ tiếp nhận sau. Khi ra về, Trần Lũy giơ tay nắm lấy tay Lãm, lắc lắc. Cái cảm giác lạnh như tử thi. Lãm thu tay về, ước mình đã bỏ cuộc.
(Hết phần 1)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm