Giết người như loài bướm đong đưa

.
Tất nhiên là Y360 đong đưa lắm. Nhưng không phải người trong mộng. Thậm chí cũng không xuất hiện trong mộng mà có thể giết được. Tuy nhiên, không bàn về blog mà bàn về nhạc Phạm Duy chẳng hạn, cũng là một thứ để tìm hiểu vì sao lại có người mê say thế.

Sau khi đã có vài năm nghe nhạc PD, cảm nhận của mình rằng đấy là một loại nhạc không dành cho những tâm sự tươi non, ngây thơ hoặc trong trắng. Nó là loại nhạc của người đã dày dạn, dù có đóng vai trẻ con hay thoát tục vẫn đầy nhục cảm. Cho nên tự nhiên với câu hỏi, bài nào, câu nào của PD đặc trưng cho nhạc của ông ấy nhất, mình bật ra câu trên - Giết người như loài bướm đong đưa...

Và những câu nhạc (ca từ) gây ấn tượng mạnh thường có những hình ảnh thật diêm dúa, nhọn hoắt và có khi man dại, khác với cái mĩ lệ hoặc êm ái của nhạc tiền chiến hoặc nhạc lãng mạn cùng thời. Đương nhiên là nó quá cầu kỳ so với cách dùng từ trong nhạc đỏ. Về mặt cấu trúc hình tượng thì PD bắt được những cách biểu đạt ngoa dụ, phóng dật. Những vật liệu bình thường, những sự việc bình thường, được gán tính cách, được nhân cách hóa, được đẩy tới cao trào theo kiểu luôn chuyển động không ngưng nghỉ:
- Yêu người như lá đổ chiều đông, như mây hồng say gió, như con chim hót trong lồng.
- Yêu người... như con giun ngước lên nhìn trời, yêu trăng sao vời vợi...
- Yêu như loài ma quái, đi theo ai tới cuối trời, đi không thôi kêu gào, làm sao nói được tình tôi
(Phượng yêu)
- Giết người đi, giết người trong mộng đã bội thề... Giết người đi, giết người quên tình nghĩa phu thê... Sao mình trong mộng vẫn ngu si...
(Giết người trong mộng)
- Tôi mơ thành triệu phú, cứu vớt gái bơ vơ... Cho tôi lại nhà trường, bao nhiêu là người thương, không ai thù ai oán, ai cũng bảo tôi ngoan
(Kỷ niệm)
- Ôi tóc em hoe như mây chiều rơi, rơi vàng lòng đời... Sông về, sông cười ròn tiếng. Yêu mối tình bên bờ thành Viên. Đôi giang hồ quay về bờ bến, ngỡ mình vui trong ánh sáng muôn sao thiên đàng
(Dòng sông xanh, phổ lời bản The Blue Danube, Johann Strauss)
- Ôi Nha Trang ngày về, ngồi đây tôi lắng nghe, đê mê lòng tôi khóc, như oan hồn trách móc... Ôi trăng vàng le lói, ôi đời... Tôi như là con ốc, bơ vơ nằm trên cát, chui sâu vào thân xác lưu đầy
(Nha Trang ngày về)
- Quân thù đã bắt được con, đem ra giữa chợ bêu đầu... Mẹ nhìn đầu con, tóc trắng phất phơ bay
(Bà mẹ Gio Linh)

Việc luôn đẩy câu hát lên tới cao trào theo cách cuốn vào nhau, không ngưng nghỉ khiến cho ca sĩ hát phải trường giọng và nói chung khá mệt, nên hợp với loại bán cổ điển. Chưa thấy ca sĩ nào thể nghiệm phong cách khác (Thanh Lam có hát Đố ai với Phượng yêu khác đi nhưng cũng chưa thấy thỏa đáng), nói chung vẫn mấy chục năm một cung cách vậy. Thứ hai nữa là những hình tượng theo kiểu sống sít, gay cấn mêlô, gây cho những ai theo trường phái nhạc kinh viện và trau chuốt hiền hòa kiểu nhạc đỏ, nhạc trẻ 80-90, là những hình tượng ấy khá tự nhiên chủ nghĩa. Mà mĩ học một thời dài quy kết nặng nề tính chất này - việc mô tả tình yêu của Chí Phèo-Thị Nở của Nam Cao hay là O chuột của Tô Hoài từng bị đánh giá thấp. Các văn nghệ sĩ mà mô tả theo lối đó là có vẻ như tác giả áp đặt một cái nhìn thiếu thiện chí với nhân vật của mình, ai cũng là nạn nhân, ai cũng nằm trong cái bủa vây bi kịch. Năm 1986, Trần Bạch Đằng viết một bài chào mừng đêm nhạc Văn Cao trở lại, kết thúc bài viết thế này:
Nếu bỗng dưng dấy lên phong trào toàn hát "Thiên Thai", "Suối Mơ" thì quả là nguy hiểm. Nhưng, không hoảng hốt trước những bài đó - xuất hiện có liều lượng trong một tổng thể với ý định rõ rệt - chuyện nên làm, chuyện bình thường.

Mấy bài của Văn Cao trong leo lẻo thế còn được đánh giá như vậy, thì những cái như "Nhìn vào khe song trông anh ốm yếu ho hen. Một ngày công lao không cho biết đến hương đêm" (Phố buồn) thì còn khó lọt tai lắm.

Cái cách dùng tính từ (vốn nhan nhản trong lời ca bài hát Việt) thường vẫn là gọt giũa hiền lành và thuần nhất. Bài hát Trịnh Công Sơn chẳng hạn, dù nhiều tính từ lạ tai nhưng vì có nét siêu thực và bí hiểm, lại quần tụ để xây thành một màn sương dày dặn nên gây được một không khí an toàn, hát chúng là tuy leo trên những bậc chênh vênh nhưng có tay vịn chắc chắn. Nhạc Trịnh không có nhiều đột biến trong cấu trúc, nên người nghe và người hát đều cảm thấy tĩnh tại và thả lỏng được.

Trong khi đó nhạc Phạm Duy ưa kiến tạo những xung đột để tìm cách giải phóng. So với một nhạc sĩ sáng tác cũng hay theo kiểu chùm bài là Phú Quang, thì nhạc của Phú Quang cũng tạo được vấn đề và xung đột nhưng quá ngắn, nên bài hát vừa phát triển được một đoạn đã quay về đầu. Nên những bài của Phú Quang hát thành một show thì cũng được, nhưng hát lẻ thì cứ chơi vơi, hình ảnh lại quanh quẩn vài chất liệu về một đối tượng cũng tương đối mòn là Hà Nội và người tình xưa. Phạm Duy có lẽ có quan niệm nhất quán về triển khai tứ nhạc nên các bài hát đều dày dặn. Tuy nhiên ở nhiều bài lại gây cảm giác quá tham, nói hết những gì cần nói. Cho nên thực sự ấn tượng mà tôi thấy là nhạc Phạm Duy thiếu những bài có độ lơi hoặc nhẹ nhõm, hoặc thâm trầm. Cái cách mà những bài như Chiều (Dương Thiệu Tước, thơ Hồ Dzếnh), Diễm xưa (Trịnh Công Sơn) hay Hơi thở mùa xuân (Dương Thụ) đạt được, những bài nhạc Phạm Duy nổi tiếng nhất (mà tôi đã được nghe) tôi chưa cảm thấy. Nhạc Phạm Duy có cái gì đó chung với nhạc Hoàng Vân ở miền Bắc là ở chỗ hai ông thông minh quá, bài nào cũng tròn trịa, căng đầy, nói đến hết nhẽ những quân bài lật ra.

Dĩ nhiên, Phạm Duy có nói ông chú tâm làm nhạc xã hội, nên những bài hát khác không nằm trong mục ấy cũng mang sắc thái phong cách chung. Vì thế mà tôi từng phân tích trong một entry đã lâu, là nhạc Phạm Duy chia sẻ với nhạc đỏ ở việc có ít những câu trạng thái (như kiểu Chiều nay em ra phố về...), mà gần như toàn là những hoàn cảnh có điều kiện và hoạt động đi kèm: Năm xưa / Ngày đó --- anh phá núi / có em đi nhẹ vào đời. Do vậy, nghe một show nhạc PD như hôm Ngày trở về ở HN là khá mệt, như một cuộc tự sự về đời - một cuộc đời của người không ngại phô mình ra khóc cười mà test phản ứng của thế gian.
.

Nhận xét

sonata đã nói…
Bạn Quý viết hay nhỉ, mình chưa bao giờ thích nhạc PD ngoài bài Mùa Thu chết ! , giờ phải nghe thử !!!
lvu đã nói…
Thích bài viết này của Q.

Tôi nghĩ phần nhạc chính là phần quyết định cái khác của nhạc PD. Nhạc của ông rất khác người khác. Nó cũng khó hát và đòi kỹ thuật, đỉnh điểm như bài Đường chiều lá rụng. Có những bài mà mình nhại theo không nổi bởi sự chuyển biến liên tục ngay trong 1 câu. Bài Phượng Yêu, nếu hát mà không luyến láy kiểu bà Thái Thanh là nghe sẽ không cảm được bởi nó cọ sự ma quái trong đó. Tôi chưa nghe ai hát bài này bằng TT.

Phần lời, tôi cho rằng do mỗi người chọn một lối dùng từ khác nhau mà thôi, nó không thực là phần quyết định sự khác lạ của tác phẩm. Tôi thích cách dùng từ của PD vì nó khá cụ thể, củ tỉ và trần trụi. Tôi có cảm giác nhiều vị nhạc sĩ khác cố dùng từ rất thơ và lợi dụng chất thơ để che lấp phần không ổn của nhạc.

Nhảm nhí tí theo cảm nhận của người không biết nhạc.
Unknown đã nói…
@Chị So: Hôm nào chị hát em nghe nhé. :-)
@LV: Mình vẫn cảm thụ nhạc PD theo cách phổ biến thôi: hình ảnh chiếm lĩnh, rồi giai điệu bổ trợ. Có cái quan trọng là phối khí nữa, thường là của con trai ông ấy làm. Nói chung khó mà kết luận nhạc nào không ổn, một khi nó đã ra thị trường. Chỉ là thích hay không thích mà thôi.
Goldmund đã nói…
Tôi cũng không biết gì về nhạc, nên cũng không hiểu vì sao bác TQ đánh giá cao những bài Chiều, Diễm xưa, Hơi thỏ mùa xuân .v.. và cho rằng nhạc Phạm Duy chưa đạt được độ "lơi, nhẹ nhõm, thâm trầm" của những bài đó. Về Trịnh Công Sơn, tôi nghĩ rằng nhiều người bị mê hoặc bởi lời hơn là nhạc. Hơn nữa, thích Trịnh Công Sơn là thích một phong cách. Khó lòng chỉ ra bài nào nổi trội trong số cả ngàn bài của TCS.

Tôi không hẳn thích nhạc Phạm Duy, nhưng tôi thấy bài nào của Phạm Duy đã hay là đứng tách biệt ra, trọn vẹn, nổi trội: chẳng hạn Thuyền viễn xứ, Viễn du, Bây giờ biết tương tư, Trả lại em yêu, Tiếng sáo Thiên Thai (ý thơ Thế Lữ), Bà mẹ quê, Khối tình Trương Chi, Ngày xưa Hoàng thị, Màu tím hoa sim.v.v.

Tất nhiên, nhận xét của tôi hoàn toàn chủ quan và cảm tính!:)
Goldmund đã nói…
À, mà bài này thiên về phân tích lời hơn là nhạc, nhỉ! :)
sau rieng đã nói…
Cái giết người trong mộng hình như là phổ thơ Hàn Mạc Tử đó, bạn ui.

Tui thích "tui yêu tiếng nước tui, từ khi mới ra đời, người ơi..." của ông này lắm.
Goldmund đã nói…
HMT: "Làm sao giết được người trong mộng/ Để trả thù duyên kiếp phũ phàng"

Phạm Duy chắc chỉ mượn cái tứ thôi, chị Tư ơi!:)
Unknown đã nói…
Cảm ơn các góp ý của mọi người ạ. Nhiều người nổi tiếng... bất ngờ quá! :-)
Điều hay mà có lẽ cũng khiến tôi còn phải suy nghĩ tiếp là liệu có phải vấn đề không - ở ca khúc PD - là sự khai thác đến đâu là vừa. Tranh Cổ điển có cái đẹp trau chuốt, vẽ tỉ mỉ, nhưng tranh hậu Ấn tượng kiểu Biểu hiện lại có cái đẹp ở sự ngẫu hứng, bất chợt, cũng như thủy mặc có chấm phá. Đối với tôi, nhạc PD có lẽ là kiểu cổ điển kia, đầy ăm ắp - nghe nhạc PD xong như ăn một bữa no! :-)
sonata đã nói…
Không đồng ý với bạn Goldmund "khó lòng chỉ ra bài nổi trội..." trong nhạc Trịnh Công Sơn, vẫn có top 10 nhạc TCS của rất nhiều bình chọn thống nhất với nhau: Hạ trắng, Diễm xưa, Biển nhớ, Ướt mi...
Mình thấy bạn Quý nhận xét "nhạc PD và Hoàng Vân giống nhau ở điểm thông minh, tròn trịa, căng đầy, hết nhẽ ..." đúng thật, thành ra nghe thì hay ho mà không quyến rũ muốn nghe mãi như nhạc Trịnh !
Unknown đã nói…
chịu khó viết đấy, Q đang PR cho PD đấy ah :D ( đùa thôi) Cv dạo này sao rồi. Hôm nào qua chỗ mình cafe tâm sự tý.
Unknown đã nói…
Vâng, sẵn sàng cà phê, thế bác là ai ạ mà cần em làm Tầm Thư? :-)
Chu Chu đã nói…
Mình nhất trí một điều:” nhạc PD đầy nhục cảm”
TRẦN KHẢI XUYÊN đã nói…
+ "nhạc Phạm Duy thiếu những bài có độ lơi hoặc nhẹ nhõm, hoặc thâm trầm"

+ "Nhạc Trịnh không có nhiều đột biến trong cấu trúc, nên người nghe và người hát đều cảm thấy tĩnh tại và thả lỏng được"

Theo tôi đây là những nhận định mang tính chủ quan, mà đã là chủ quan thì khó... phê phán. Ví dụ như sẽ có người nói ngược lại: "nhẹ nhõm" hay "tĩnh tại" với tôi đồng nghĩa với nghèo nàn, tôi muốn thứ nhạc thật sự phong phú và gây xúc động lòng người? Một thời gian nữa nhìn lại tôi e sẽ có người nói nhạc (nhạc=music, not lyric) TCS khá nghèo nàn. Đánh giá chung các nhạc sĩ đâu có thể dùng 1 vài nhận định cá nhân riêng lẽ được? Nếu có ai hiểu đầy đủ để đem toàn bộ gia tài âm nhạc PD so sánh với Dương Thụ xem?

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm