Sách du hành “đọc chậm”

......................................

Chu du trong thế giới có làm người ta sống tốt hơn?



Những quyển sách đề tài “không cập thời” cũng như đòi hỏi người đọc phải có phông văn hóa tương đối sâu để tiếp cận, thực tế lại là thứ lúc nào cũng cần. Du hành của Hedorotus tập hợp những bài ký sự có từ vài chục năm nay của tác giả Ryszard Kapuscinski ghi lại những gì mắt thấy tai nghe trên con đường qua châu Phi, châu Á, đi ra khỏi biên giới Ba Lan khi ấy còn trong cuộc chiến tranh lạnh. Hành trình cũng là quá trình đọc cuốn Sử ký của sử gia Hy Lạp Hedorotus như một cẩm nang tinh thần. Nhưng cuốn Lonely Planet thời cổ đại ấy hơn một cuốn sách đọc giết thì giờ là ở chỗ những chia sẻ của một tâm hồn đồng nhịp với người đi trước hai ngàn năm.

.

Thế giới của tác giả Ba Lan cũng vẫn là những ngăn cách địa lý, ý thức hệ và văn hóa – nhưng như người xưa, ông đã cố gắng tìm cách len lỏi vào rừng rậm ý tưởng của người Trung Hoa hay châu Phi, nơi mọi suy nghĩ như nằm sâu dưới lớp cát sa mạc và cái nóng thiêu đốt. Kapuscinski tìm thấy niềm an ủi, sự mê thích xê dịch từ sử gia bị lãng quên trước những khó khăn trở ngại đầy rẫy nơi cửa khẩu biên giới, sự bất tương thích giữa tư duy của hai nền văn hóa. Trăm hoa của chủ tịch Mao là cố gắng tìm hiểu sự bí ẩn và kín bưng bề mặt của văn hóa Trung Hoa thời mới, Ấn Độ là định mệnh cho thấy sự phiêu lưu của tác giả khi đến một nơi xa lạ cũng là lúc bắt đầu làm quen với ngôn ngữ mới. Khác với truyện phiêu lưu của các nhà văn thời thuộc địa hay tâm sự kẻ lưu đày, tâm thế của Du hành cùng Hedorotus là của con người hiện đại mang khát vọng tìm kiếm chân trời giao cảm.


**


Đông Tây không bao giờ gặp nhau, đấy là câu chuyện của thế kỷ trước. Còn bây giờ, một giáo sư đại học Pháp nhưng vẫn là người Việt, viết về Phật giáo, là minh chứng vật chất cho luận điểm trên sai. Thấy Phật của Cao Huy Thuần là những câu chuyện ứng xử ở đời, những chiêm nghiệm nhìn dưới góc độ Phật pháp, nhưng cởi mở và gắn với cuộc sống hiện đại, như thể những bài thuốc nam sắc theo phương thức mới. Nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn giới thiệu với người đọc nên coi đó là một chuỗi hạt, bắt đầu từ đâu cũng được. Vì thế những nhóm chủ đề như khai bút, chuyện đầu năm, nhìn trăng, gặp nguyệt… chỉ là cách định danh tương đối, những tên bài cũng chung chung, mơ hồ như tên các bài kinh: Vẽ cây vẽ chim, Cho tôi bát nước, Trung đạo qua hai bài thơ, Con trâu và chú Tư… Muốn nhớ được các câu chuyện, buộc lòng phải lật giở lại để lĩnh hội rõ hơn.

.

Khác với tư duy tiếp cận rạch ròi của người quan sát như Hồ Anh Thái hay bảng lảng tu hành của Thích Nhất Hạnh ở cùng đề tài Phật giáo, Thấy Phật của Cao Huy Thuần là cuộc cởi giải những dây dợ vướng mắc của người quy y tìm sự cảm thông. Nhà khoa học của ý thức lọc lấy những tính nhẫn nại, bình tâm và thanh thản của Phật pháp, để khai sáng thêm phần tâm thức của mình. Ở xứ hoa lệ, ông viết về cái cây bồ đề của Phật, cái cây hồ đào của Anne Frank và cây bồ đề trước cửa chùa Từ Đàm. Mỗi cái cây là một vật chứng cho tinh thần sống của con người, tinh thần từ bi dù trước cảnh đau đớn nhất.


**



Hành trình của ngôn từ, của ký hiệu, được Roland Barthes dẫn dắt qua hai phần của Những huyền thoại. Phần đầu cùng tên là những giải mã của ông với các ví dụ văn hóa của thời những năm 1950 ở Pháp và trên thế giới. Phần hai mang tên Huyền thoại, ngày nay là những nghiên cứu phức tạp về ký hiệu học và thao tác phân tích tác phẩm văn học, thật sự không dễ nuốt với độc giả bình thường, lại chuyên về các tác phẩm của tác giả Pháp với nhiều dòng, nhiều tầng ý thức. Đọc quyển này xin bỏ phiếu cho thái độ trắng trợn gần như là láo xược của tác giả với các "đại tự sự" , gần như là "giải thiêng", nhưng giỏi cái là chuyện ba lăng nhăng nào Barthes cũng viết ra triết. Xin nhớ là Roland Barthes được xếp vào hàng tứ trụ của triết học Pháp sau thời Jean Paul Sartre, cùng với Foucalt, Derrida và Lyotard. Chẳng hạn, chỉ nói tới chuyện cưới xin của các ngôi sao thời năm 1955 mà ông Roland này gợi ra được cả cách ứng xử phải phép của tiểu tư sản, hay chỉ từ bộ phim Jules César của Mankiewicz mà ông này lôi ra được hình ảnh có tính ký hiệu học: cái diềm tóc của tất cả các nhân vật như là đặc điểm nhận dạng dân La Mã, rồi mồ hôi được hóa trang bằng vaseline nói lên rằng các nhân vật đang suy nghĩ căng thẳng - một môtip suồng sã của Hollywood...

.

Những quyển sách du hành địa lý hay tâm lý gần đây được in nhiều ở Việt Nam, có lượng độc giả nhất định, chứng tỏ nhu cầu tìm đến những nguồn trí tuệ đa phương đang nở rộ. Chúng ta là ai, chúng ta đón nhận gì ở cuộc đời và cách đón nhận ra sao, đôi khi có thể tìm thấy ở những trang sách đó.

* *

Du hành cùng Hedorotus, ký sự của Ryszard Kapuscinski, Nguyễn Thái Linh dịch, Nhã Nam và NXB Văn hóa Sài Gòn

Thấy Phật, tản văn của Cao Huy Thuần, Phương Nam và NXB Tri Thức

Những huyền thoại, tiểu luận của Roland Barthes, Phùng Văn Tửu dịch, Cao Việt Dũng giới thiệu, NXB Tri Thức



-----------------------------------------

Kỹ thuật của người An Nam, Henri Oger (Technique du peuple Annamite) - bộ sách có khổ in lạ, đóng thành ba tập dày đựng trong hộp giấy lớn, giá bìa cao (600.000 đồng) nhưng với những người yêu thích tìm hiểu truyền thống sinh hoạt của người Việt Nam đầu thế kỷ XX, đây là một sản phẩm thú vị. Đó là cách tiếp cận một nền văn hóa khác với cái nhìn khá toàn diện và ham hiểu biết. Nhịp sống Sài Gòn đã gặp ông Phillippe Le Failler, đồng chủ biên cuốn sách.



Thưa ông, để thực hiện được bản in đầy đủ cuốn sách của Henri Oger lần này, mất bao lâu?


Cuốn sách in lầu đầu năm 1909 do Oger thực hiện mất một năm, nhưng vì hồi đó in có 60 bản và thất lạc nhiều nên lần này, chúng tôi mất đến một năm rưỡi để thực hiện.


Mục đích của bộ sách là dành tặng cho các thư viện, khoảng 1000 bản, và mang sang Pháp 100 bản. Còn gần 1000 bản để bán rộng rãi.


Sách gốc năm 1909 có khổ lớn hơn. Đây là cơ sở nghiên cứu và so sánh với sinh hoạt bây giờ. Điều khó khăn là Oger không làm mục lục hoặc chú giải chính xác. Tất nhiên nếu công phu hơn, chúng ta có thể tìm những bức ảnh để đối chiếu cách thức sinh hoạt xưa và nay. Nhưng nên nhớ là khi thực hiện cuốn sách, Oger mới có 24 tuổi. Henri Oger (1885-1936?) thực tế không nhận được sự ủng hộ tài chính của các cơ quan chính quyền Pháp lúc đó, nên ta thấy rõ sự nỗ lực của chàng sinh viên trường Cao đẳng Thực hành, lúc đó là binh nhì trong biên chế nghĩa vụ quân sự.



Qua 4200 hình vẽ mà Oger cho thực hiện, có thể thấy hơn một thế kỷ trước, người Việt sống gắn bó với tự nhiên. Các nguồn vật liệu chính đều là tre, nứa hay cây cỏ, chỉ có ít đồ kim loại và không có sản phẩm cơ khí nào. Truyền thống này đang mất đi dưới sức ép công nghiệp hóa. Tính thực tiễn của bộ sách vào thời điểm này sẽ như thế nào?


So với ngày xưa thì nay một số nghề không còn nữa. Những nghề còn duy trì đến ngày nay là do con người có tinh thần bảo vệ: may mặc, dệt, làm giấy…


Làm bằng tay tuy là thủ công nhưng lại trở thành hàng xa xỉ, bán rất đắt. Ví dụ ở Nhật Bản, người ta vẫn làm sơn mài, giấy truyền thống, nhưng được xếp vào hàng cao cấp, cần có tay nghề cao. Món xì dầu mà ai cũng biết, nhưng người Nhật vẫn tín nhiệm xì dầu sản xuất theo phương pháp thủ công, có chất lượng rất cao.


Ở làng Bưởi, sản xuất giấy truyền thống bị mất đi do sự cạnh tranh của công nghiệp giấy hiện đại. Về mặt kinh tế thì hiệu quả hơn hẳn, song vào những năm 1950-60, lẽ ra Việt Nam phải cho duy trì việc sản xuất giấy thủ công chất lượng cao, hiện nay nhu cầu không nhỏ. Từ khi nhà máy giấy Bãi Bằng ra đời, giấy Bưởi biến mất.



Đa phần các hoạt động được thể hiện trong bộ sách gắn với nông thôn. Giới trẻ đô thị gần như không biết gì về những thứ “nhà quê” này. Là người nghiên cứu văn hóa ở Việt Nam đã mười năm, ông nghĩ tập sách sẽ bổ khuyết gì cho tư liệu hình ảnh Việt Nam?


Vào thời điểm VN có bộ sách này, những nghề này bị coi là “nhà quê”, do tâm lý người Việt Nam thích hiện đại. Năm 1920, Hà Nội chỉ có 120 nghìn dân, ít hơn cả Hải Phòng (130.000), nghĩa là với 4 triệu dân bây giờ, thì hơn 80% có ông bà, cha mẹ từ nông thôn. Bây giờ, người Việt Nam lại quan tâm trở lại đến chủ đề của bộ sách vì yếu tố “lạ”.


Mục đích xuất bản cũng là do Việt Nam lưu giữ quá ít tranh cổ. Có thể nhiều người biết bức chân dung Nguyễn Trãi nhưng không ai biết Gia Long trông ra sao, dù thời Nguyễn không quá xa.


Truyền thống lưu trữ của người Việt vốn không quan tâm đến việc bảo quản tranh dân gian, mà chú trọng đến tài liệu viết. Song việc bảo quản tài liệu giấy của VN kém, do khí hậu, phương tiện và cả ý thức. Ở Trung Quốc, họ lưu giữ tốt hơn nhiều. Tuy nhiên ở VN lại giữ được một nguồn rất tốt là bia đá, thậm chí còn nhiều hơn Trung Quốc, mặc dù phần lớn do may mắn là chất liệu đá bền vững chứ không hẳn do ý thức bảo quản.



Tập sách này nhấn mạnh đến hành động, quá trình, tư thế của nhân vật. Ví dụ như vẽ từ những vật dụng sản xuất, cách thức làm theo từng công đoạn và thành phẩm của nghề làm giấy, nghề khảm trai hay làm lọng. Tôi đã đi về làng Dương Ổ (Bắc Ninh) và ghi nhận được các công đoạn làm giấy thủ công y hệt như trong sách này.


Khi làm bộ sách này, Oger mới sang Việt Nam có một năm, liệu ta có thể biết ông ấy có khả năng giao tiếp tiếng Việt không?


Henri Oger không thạo tiếng Việt, ta có thể biết được là do các ghi chú nhiều chỗ không đúng dấu, hoặc nhầm lẫn. Song ta cũng nên nhớ Việt Nam khi đó chữ quốc ngữ cũng chưa hoàn chỉnh như sau này. Chẳng hạn bức tranh phố hàng đồng, Oger chỉ đề là “la rue” - tức đường phố. Có lẽ ông không biết người thợ đã tinh quái thêm dòng chữ Nôm “bậy” ở bên đầu hồi ngôi nhà trong hình – “Mẹ cha đứa nào ở trong cái nhà này”.



Trước khi có tập bản in khắc này, năm 1884, bác sĩ E. Hocquard đã có một bộ ảnh chụp khá nhiều ảnh quý về phong cảnh và sinh hoạt trong cuốn Một chiến dịch Bắc Kỳ (Une campagne du Tonkin). Vậy tại sao sau một phần tư thế kỷ, Oger không chụp mà vẫn dùng phương pháp thủ công? Liệu có phải vì tính thẩm mỹ hay là sự đồng nhất giữa nội dung nghề thủ công với phương pháp thể hiện không?


Ta chưa rõ vì sao Oger lại chọn phương án in khắc, có lẽ vì máy ảnh khá đắt đỏ khi ấy. Bộ sách hoàn toàn tập trung vào yếu tố kỹ thuật, nhưng cũng có một số hình ảnh có tính thẩm mỹ cao. Theo quan điểm của Pháp, đây mới chỉ là những hình sơ họa chứ chưa phải là những tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh.



Cuốn sách in đậm cách làm, thói quen của người Việt Nam hai lần, từ việc khắc hình cho đến in ra giấy, chưa hoàn toàn thể hiện công việc của Oger. Đóng góp của Oger ở đây là những ghi chép sinh động về hình ảnh đời sống dân thường.


Xin cảm ơn ông và hi vọng có thêm nhiều bộ sách tư liệu quý về Việt Nam tiếp theo.


* Kỹ thuật của người An Nam, bộ sách 3 thứ tiếng (Technique du peuple Annamite, Mechanics and Crafts of the Annamites), Henri Oger (1909), Olivier Tessier & Phillippe Le Failler chủ biên, Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội, Công ty Nhã Nam, NXB Thế giới, 2009.

.

Nhận xét

Goldmund đã nói…
Bác giới thiệu sách sao không giới thiệu người dịch?

Cuốn của Cao Huy Thuần mình chưa có, còn hai cuốn kia đang gặm dở dang.
Unknown đã nói…
Cảm ơn anh Goldmun, Q đã sót, dở thật. Mấy quyển đó dịch khá tốt, nhưng văn "hậu hiện đại" của Pháp vỡ đầu quá.
Linh đã nói…
Kỹ thuật của người VN đắt quá, đúng chỉ có luật sư kiêm thi sĩ như bác Goldmund với lại nhà báo kiêm kiến trúc sư như bác TQ mới mua được, chứ em thì chịu :(
Unknown đã nói…
Ấy chết, bạn Linh không thấy là Q không có hình bìa sách đưa lên à? Q được bác biên tập cho 1 cái đĩa CD-ROM, họ in song song với sách. Ở Đinh Lễ, có trừ phần trăm, cũng là rẻ đấy nếu cứ so khổ giấy và số trang ra. Đáng mua và đáng bao nhiêu đâu, nhất là người như L. :-)

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm