"Người mà anh yêu quý vô cùng"

.
Nhạc đỏ vẫn được rất đông đảo người yêu thích, nhất là cánh lái xe đường dài miền Bắc. Những đĩa nhạc được nghe nhiều có thể thấy đĩa song ca Anh Thơ-Việt Hoàn, Trọng Tấn-Thanh Hoa, Thu Hiền-Trung Đức. Không ai làm survey và vì đĩa lậu, nhưng đĩa Bài ca Trường Sơn của Hãng phim Trẻ mấy năm trước chắn chắn là một hit đáng nể. Mặc dù khó đoán được tương lai của dòng nhạc này, nhưng cũng như loại nhạc lính miền Nam, sẽ có những bài được yêu thích vì kỷ niệm của các thế hệ gắn bó với chúng. Còn với tư cách những tác phẩm nghệ thuật, có nhiều bài đáp ứng được những tiêu chí thẩm mỹ của hệ thống mỹ học một giai đoạn. Một khi đã đạt được tới đỉnh cao của một hệ thống, giá trị tác phẩm ắt không phải loại minh họa dễ dãi.

Về mặt ngôn từ, các ca khúc nhạc đỏ có hẳn một hệ thống quy ước bất thành văn về hình tượng, về cách diễn đạt, về tính từ (cái này cực quan trọng đối với ca khúc VN), hệ thống này buộc các lời ca được gọt giũa tới mức thuần nhất một cách điêu luyện - lời ca chỉ có một nghĩa, và nghĩa đó phải tích cực. Vậy mà thật lạ, hàng nghìn bài xoay vần quanh những chủ đề quen thuộc, từ ngữ khuôn khổ, mà có rất nhiều bài đa dạng và không lặp lại.

Về mặt cấu trúc giai điệu, các nhạc sĩ sáng tác phải nói là xuất sắc trong việc xử lý thanh dấu tiếng Việt ứng với ký âm. So sánh với một nhạc sĩ nổi tiếng vì lời ca hay là Trịnh Công Sơn, có những chỗ thanh dấu bị phô, ví như bài Gọi tên bốn mùa - "mưa thì thầm dưới chân ngà", hoặc "từng ngón sương mù" - chữ ngà và mù để ở nốt Sol, ca sĩ nào cũng hát thành "nga" và "mu". Hay bài Biển nhớ, gọi hồn liễu rũ hay rủ đây? Những ca khúc hát giọng miền Bắc có nhiều từ "cứng", khẩu hiệu, nhưng các ca sĩ đã hát một cách khéo léo - có lẽ vì cách hát bel canto và giọng gió lách qua được. Các nhạc sĩ nhạc đỏ vượt qua được rào cản lời Việt hát trên nền nhạc tiết tấu nhanh, chẳng hạn bài "Chào em cô gái Lam Hồng" (Ánh Dương) hay "Tôi, người lái xe" (An Chung, đáng ngạc nhiên là bản nhạc đề là Hơi chậm, Tự hào - nhưng ca sĩ nào hát cũng nhanh liến thoắng, có lẽ vì để nhịp 2/4 và 2/8 - thể hành khúc, chẳng lẽ qua gian nguy xe vẫn băng băng vượt lên lại hát từ từ như duyệt binh một hai mốt).

Đầu những năm 1960, tức là sau khi lứa nhạc sĩ được chuyên gia Liên Xô và Triều Tiên hay các nước XHCN đào tạo trở về, các ca khúc bắt đầu có một phong cách nhất quán, chú trọng đậm nét đến nhạc tính và vòng hòa thanh. Các bài hát có giai điệu rõ ràng, cấu trúc rất chặt chẽ. Ví dụ bài Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó (Nguyễn Tài Tuệ, 1962), xử lý cực kỳ trau chuốt các đoạn chuyển gam và luyến láy, câu nhạc đủ dài để diễn tả việc khai thác âm nhạc dân tộc Tày Nùng nhưng không lê thê. Về lời, các hình ảnh sóng đôi đặt rất khéo và cài cắm tiền hô hậu ủng để tôn lên chủ thể:
- Mở bài theo lối kể chuyện, từ xa đến gần, từ xưa đến thực tại, từ cảnh đến nhân vật:
Trông vời lưng núi, Khuổi Nậm rì rào, núi cao tầng mây
Chiều nay tiếng ai đang lượn về trên đèo
Kể rằng Người về đây
Nhà in lưng đá, Người về quê ta, tấm ào chàm tình thương quê nhà...
Các câu vắt vào nhau, luyến ở nốt cuối, tạo ra khung cảnh dân gian hơi cổ tích, để làm nên cho nhân vật chính.
- Đoạn 2 (cao trào) giọng trưởng, nhiều ca sĩ khoe giọng ở đây vì vừa diễn tả vẻ mạnh mẽ, vừa có nét đằm thắm láy lại từ đoạn mở qua những chỗ luyến giãn nhịp ở giữa câu:
Ơ... ớ rừng Pắc Bó quê ta, nhớ rừng xưa ôm bóng Người
Nhớ bước chân Người đi, đất chuyển dời theo Người
Người về rừng núi, bóng người vì sao trong sáng...
Rồi chuyển ngay sang đoạn mở rộng, đoạn này nẩy các chữ cuối, tăng cường độ ngân của từ "sáng", cố định cảm xúc của người nghe ở hình tượng được triển khai vừa rồi:
Bóng đa Tân Trào vọng lời thiết tha
Nắng in Ba Đình còn nghẹn lòng ta
Suối reo dưới chân người qua
Đất rung tiếng ca nở hoa tháng Tám
Khuổi Nậm còn reo nhịp theo mong nhớ... Người...
Tất cả những âm "a", "ơ" ở cuối các câu trên như thành một bè hợp ca hòa giọng cho giọng trưởng ở đoạn cao trào. Đây là một thủ pháp cao tay, bài bản, theo đúng lối hình thức vừa khít nội dung. Thủ pháp nẩy chữ và luyến láy, thêm nốt hoa mỹ vừa mô phỏng nét nhạc "lượn" của người Tày, vừa làm cho ca sĩ có cơ hội thử sức.
Lời hai của bài cũng khá đặc sắc, với những hình ảnh sau khi "Người về chỉ lối, theo người ngày mai tươi sáng":
Bát cơm mong chờ, người già ước mơ
Líu lo i tờ, môi đọng trẻ thơ
Những câu này cũng không có gì đặc biệt so với thơ Tố Hữu chẳng hạn, nhưng bằng cách dùng âm nhạc mềm mại, hình ảnh trở nên đặc biệt duyên dáng. Cùng giai đoạn, Nguyễn Tài Tuệ có bài Xa khơi (1962) cũng là một ca khúc phức tạp về cấu trúc và cũng là hiếm thấy.

So với những bài hát của những năm trước đó như Câu hò bên bờ Hiền Lương (Hoàng Hiệp, lời Hoàng Hiệp- Đằng Giao, 1957), Bài ca hy vọng (Văn Ký, 1958), Ánh đèn sáng trên cầu Việt Trì (Hoàng Hà, 1958), Tiến bước dưới quân kỳ (Doãn Nho, 1958), thì những bài thời kỳ này hoàn thiện hơn nhiều. Mặc dù Bài ca hy vọng được rất nhiều người hâm mộ, nhưng là một bài rất khó hát, giai điệu lại hơi thiếu mạch lạc. Dường như đây vẫn là một thành quả chín sớm của Văn Ký vốn xuất thân là một người làm văn nghệ tuyên truyền ở Khu Bốn những năm kháng chiến chống Pháp. Và cũng là một thành tựu hơi lạ, so với những ca khúc sau này cũng của Văn Ký thì Bài ca hy vọng hơi đột biến hơn, có màu sắc ca khúc thính phòng cổ điển. Ca từ lại hơi lãng mạn, mông lung, mượn những hình ảnh khá trừu tượng: đôi chim bay đi, tiếng ca rộn ràng, cánh chim xao xuyến, gió mùa xuân, tương lai, màu xanh áo mới, xanh thắm mộng đời... cứ bảng lảng mơ hồ. Câu hò bên bờ Hiền Lương lại mang nét trữ tình khá gần gũi với nhạc lãng mạn, hơi kể lể tự sự, với những câu như:
Ơi câu hò chiều nay, sao nghe nặng tình ai
Hay là em bên ấy, trong phút giây nhớ nhung trào sôi
không thấy nhiều ở ca khúc nhạc đỏ những năm chiến tranh leo thang.

Bài Mẹ yêu con (Nguyễn Văn Tý, 1956) là một bài hát tầm cỡ, không rõ là lúc mới ra đời thì các ca sĩ hát thế nào, nhưng nghe Thanh Huyền và sau này các ca sĩ khác hát thì hàn lâm quá. Bài này cũng có một dạng thức xử lý luyến láy như Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó, với những hình ảnh quá đẹp:
- thương từ khi thai nghén trong lòng
- ôm con ra mái hiên, nhìn đàn chim rộn ràng hót giữa mùa xuân.
Mừng con sẽ góp phần, tương lai con đẹp lắm, mẹ hát muôn lần, à ru hời ớ hời ru.
Những đoạn à ru hời ơ hời ru... láy đi láy lại, dọn chỗ cho các cao trào làm cho bài hát rất siêu thoát mà rừng rực chứ lại ít chất ru.

Tình ca (Hoàng Việt, 1957) thì cũng như Bài ca hy vọng, nhiều hình ảnh tương đối trừu tượng, nhưng ở đây lại dữ dội và căng thẳng. Tương tự là bài Những ánh sao đêm (Phan Huỳnh Điểu, 1962):
- át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba
- vượt băng băng qua đêm tối tìm hương hoa
- giữ lấy trái tim đòi sống yêu đời
- ngước mắt lên vui nhìn trời xanh quê ta
- chim giăng giăng bay ngoài nắng xuân đẹp thay, tan cơn phong ba lòng đất yên rồi đây
- dập tắt chiến tranh đẫm máu, đập tan ngay bao đau khổ và chia ly
- anh càng yêu em càng hăng say, xây cho nhà cao cao mãi
Ôi xinh đẹp Tổ quốc của ta
Anh lắng nghe bao lời ân ái, những bản tình ca...

Sau này những tính từ và cách diễn tả như thế gần như không còn mấy. Chẳng hạn, người phụ nữ của Nguyễn Văn Tý đanh thép:
- Dòng dõi Bà Trưng vốn xưa nay anh hùng
Giáp mặt kẻ thù chẳng một giây nao núng
(Bài ca phụ nữ VN, 1966)
Hay của An Chung:
- Từ ngày anh đi, việc đồng em đảm đang
Ruộng lúa chăng dây, cấy lúa thẳng hàng
Đào mương dẫn nước quanh làng
Tiếng hát ba đảm đang
(Đường cày đảm đang, 1966)

Những ca khúc những năm chiến tranh thường gọn gàng, sáng sủa và dễ hát. Có thể thấy như Hoàng Vân, từ bài Quảng Bình quê ta ơi (1962), Nổi trống lên rừng núi ơi (1964) tương đối phức tạp và dài, thì những bài giai đoạn sau như Hai chị em, Bài ca người giáo viên nhân dân, Bài ca xây dựng... đều là bài ngắn và cấu trúc hai đoạn nhạc rành mạch. Cái giỏi của Hoàng Vân là bắt được những hình tượng cô đọng và đặc thù, theo đúng mẫu cổ động mà không bị phô vì gia giảm vừa vặn:
- Chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình
Cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh
- Tâm hồn em tươi mát xanh như bóng lá bàng
Trái tim em đỏ nhiệt tình như hoa phượng vĩ
- Bạn đời ơi, bạn có nghe chăng niềm vui
của những người dọn đến ngôi nhà mới
mà chúng tôi vừa xây xong
...Cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau
Hoàng Vân đi rất khéo trên sợi dây giữa cái nhuần nhị mềm mại của hình tượng bay bổng và tính tuyên truyền. Tuy nhiên có những lúc cũng không thật thành công lắm:
Mùi xăng dầu gợi nhớ ước mơ xa.
Câu này hơi gượng gạo, có lẽ vì ngày xưa xăng dầu là văn minh, là tiên tiến chăng?

Khi Hoàng Vân gắn bó với chất trữ tình, ông thành công hơn là với những loại khẩu hiệu ồn ào. Ví dụ như bài Huế-Sài Gòn-Hà Nội rất ngon lành, nhưng bài Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng thì mặc dù hoành tráng, nhưng nghe rất mệt. Những bài hát của Hoàng Vân ít nhiều đều nhấp nháy những chi tiết đắt. Ví dụ như bài Tình ca người thợ mỏ (khác với bài Tôi là người thợ lò, 1964 - cũng là một bài hát hơi vượt ra cấu trúc phổ thông), Hoàng Vân tạo ra được một không khí mênh mang, đầy hào hứng nhờ sự tương phản của hai đoạn nhạc: đoạn mở chậm rãi, nhấn nhá và kể lể, đoạn hai cao trào có những đoạn nốt leo thang rất đắt - phụ họa bằng lời ca bay bổng dù chỉ toàn những câu chữ khá giản dị:
Vùng than thân yêu ơi!
Trong tình quê hương có một tấm lòng
Dành cho em
Người mà anh yêu quý vô cùng
Sức nặng của những chữ giản dị này xem ra không kém những tính từ mỹ lệ ở thời trước. Nó như lời thủ thỉ, lời yêu chân thật của người lao động - nên hợp gu thẩm mỹ theo tiêu chí thời xây dựng XHCN. Nhưng nó mang một chất khá hiện đại, nhờ lối diễn đạt tình cảm trực tiếp qua những kênh, những "cầu" đơn giản nhưng lúc nào cũng có tính nhân loại - vùng quê, tình quê hương, tấm lòng.

Sau này, cho đến thành công gần như cuối cùng là Tình ca Tây Nguyên (1982), các bài của Hoàng Vân tựa như có một mạch nhất quán của người thợ may đo giàu kinh nghiệm. Điều này có thể so sánh với Phạm Duy (tôi đã đề cập ở entry về PD). Đó là: một chủ đề nội dung triển khai trên một nền hòa thanh cân đối và cổ điển, pha chế màu sắc của đề tài: Tây Nguyên, núi rừng, Hà Nội, thủy lợi, giao thông vận tải, tình hữu nghị Việt Xô... thông qua hệ thống từ ngữ quy ước và khi khai thác ngũ cung, khi xử lý tiết tấu, khi là dân ca...

Hai nhạc sĩ cũng nhiều thành công nổi bật là Huy Du và Nguyễn Văn Tý. Ngoài ra còn có Hồ Bắc, Tân Huyền, Phan Huỳnh Điểu, Nguyễn Đức Toàn, Vũ Thanh, Phạm Tuyên, Hoàng Hiệp, Phạm Minh Tuấn... Chắc chắn là những ca khúc thời này không đến nỗi mặc đồng phục, bởi người ta nhớ được bài này với bài kia. Ảnh hưởng thẩm mỹ của chúng đối với công chúng là thống nhất và không nhiều dao động - vì cái đẹp của chúng là cái đẹp khẳng định cho đối tượng thẩm mỹ đang lên, nghĩa là phù thịnh.

Phần sau tôi sẽ nói tiếp về những bài hát khác của các nhạc sĩ trên.
.

Nhận xét

Linh đã nói…
Bài Tình ca người thợ Mỏ này tớ cũng thích. Buồn cười bài này có một câu " xin nguyện vì người mà chiến đấu đến cùng", không hiểu sao mình hay liên hệ thành "Xin nguyện vì Người mà chiến đấu điên cuồng", hehe.
VMC đã nói…
Các bài nhạc đỏ thực sự là những tác phẩm âm nhạc có giá trị.
La Gàn đã nói…
Bài này nhiều thông tin hay. Cảm ơn bạn

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm