"Phai bạc áo hào hoa"

.
Có thể nói cùng với sự leo thang của chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân Mỹ, ca khúc nhạc đỏ càng ngày càng tăng cường chất hùng tráng và hình thành một cảm hứng trữ tình cách mạng. Việc đáp ứng tuyên truyền được phản ánh đậm nét qua các "địa phương ca", "ngành ca", "hiện tượng ca", mà ở mỗi chủ đề, các nhạc sĩ đều khai thác triệt để các đặc điểm riêng. Chỉ đạo là một chuyện, thành công lại là chuyện khác. Vì sao khi đất nước đã hết chiến tranh, kinh tế khá hơn, những bài hát đặt hàng lại hiếm có thành quả như trước? Có thể lý giải là vào thời điểm của chúng, những ca khúc tuyên truyền thành công còn do cộng hưởng của tâm lý cộng đồng. Cái sức mạnh của David hàm chứa sự lãng mạn và vượt khuôn khổ, của một dân tộc thức tỉnh bản ngã đối mặt với gã khổng lồ Goliath gây nên men say kích thích sự sáng tạo nơi nhạc sĩ và hưởng ứng nơi người nghe. Có thể sự thức tỉnh ấy lại hóa ra là phản ánh một xu hướng sẽ còn gây tranh cãi, một điều đã phải trả giá đắt, nhưng về mặt ý thức, nó phản ánh chân thực tình cảm con người.

Tuyên truyền không cứ phải là nói mãi cũng thấm hay là áp đặt mà thành được ngay, ở đây yếu tố thẩm mỹ được các nhạc sĩ tuân thủ để "tấn công" vào nhận thức đã có của công chúng. Ví dụ, người lính ra đi đánh giặc tiếp nối hình tượng tráng sĩ xưa giết thù, anh trai làng đi bộ đội, bỏ lại "đồng thơm rạ lúa" và người con gái ở nhà đóng vai Châu Long, ắt là dễ chia sẻ với số đông người nông dân. Hoặc những phép tu từ văn chương được dùng trong lời hát tiếp nối những thẩm mỹ dân gian cũng như cả tiền chiến (dù bị che mờ đi), tạo nên những vẻ đẹp gần gũi.

Chẳng hạn, câu "ta đi nhằm phương Nam gió ngàn đưa chân ta về quê hương" thực tế rất tương đồng với lời ca tiền chiến, về những chủ đề tha phương, dấn thân, quê hương, rồi những hình tượng lãng mạn như gió ngàn, chân ta. Thực tế đó là gu thẩm mỹ đã có từ lâu của người Việt. Cho nên dù các nhà phê bình hồi trước có phủ nhận hoặc đánh giá thấp nhạc lãng mạn, thì dấu vết của nó luôn có ở thời sau, chỉ là bằng phương pháp thể hiện khác như tiết tấu, giai điệu và mật độ thấp hơn.

Mặc dù rộng khắp nhiều lĩnh vực và địa điểm, nhưng nổi lên là các địa danh Hà Nội, Trường Sơn, các vùng sản xuất trọng điểm như vùng than, khu công nghiệp, các ngành kinh tế lớn lúc ấy, cũng như các ngành phối hợp quan trọng như giao thông, vận tải.

Bài hát nổi bật về địa phương sau Quảng Bình quê ta ơi có lẽ là Bài ca Hà Nội (1966) của Vũ Thanh. Bài hát khai thác được những cặp hình tượng đầy tính thần thoại, nhưng bằng các nét mô tả chi tiết, giản dị:
- Ơi cô gái ơi! Súng trên vai sao vuông đầu mũ
Em đi về đâu mà mắt em tươi sáng
Em đi về đâu mà chân bước hiên ngang
Những hôm miệt mài trên bãi tập

Chiến công này hẳn có tay em
- Ơi cô gái ơi! Lúa lên xanh tươi trên đồng lúa

Khi bom vừa rơi và khói bay trong nắng
Anh công nhân điện vẫn sáng trong đêm

CÔ GÁI LÁI XE, CÔ GÁI MỞ ĐƯỜNG

Công thức "cô gái chiến đấu và lao động công nghiệp" được các nhạc sĩ khai thác khá dày như là một biểu tượng kép: người phụ nữ ba đảm đang, truyền thống mà hiện đại, hàm ý bình đẳng giới cũng như phản ánh tính chất phi giới tính của chiến tranh, vốn hút đàn ông ra tiền tuyến và người phụ nữ hậu phương phải đảm nhiệm vai trò của nam giới. Nhạc vàng có bài "Anh tiền tuyến, em hậu phương" (Minh Kỳ, 1967), nhưng người phụ nữ ở đấy mềm yếu, không hành động gì ngoài chờ đợi "em mong anh về bao rộn ràng... hòa theo cung đàn có lời ca nhịp nhàng". Còn ở miền Bắc, hình tượng người phụ nữ như thể bước ra từ những bức tranh cổ động rắn rỏi:
- Ơi cô gái lái xe trên cảng!
Xe em bon nhanh và tóc em bay trên sóng biển quê hương

(Bến cảng quê hương tôi, 1967, Hồ Bắc)
- Xanh vàng xanh trắng xanh
Tay đưa chổi nhanh nhanh
...
Đây người thợ kiến trúc

Đi xây đẹp cuộc đời

Em người thợ quét vôi
Làm đẹp cho thành phố

(Em là thợ quét vôi, 1966, Đỗ Nhuận)
- Ôi!... Cô giáo Tày chăm quá Đảng đưa lên đây giúp người nghèo
Từ bàn tay cô dựng lên ngôi trường mới đấy

Tay đóng bàn tay đóng ghế

Tay cầm sỏi tay cầm đàn

(Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi, 1962, Văn Ký)
- Một cô gái như em, từ một xóm nghèo Hà Nội
Đã vươn lên, đã vươn lên
Thành người giáo viên trong thời đại mới
(Em đứng giữa giảng đường hôm nay, 1966, Tân Huyền)
- Thay trai nay gái đua tài
Ruộng đồng quê ta mương máng dọc ngang

Nước đủ phân gio nhiều bón chăm sớm chiều
bội thu
chiêm mùa chắc bông mảy đều

(Đường cày đảm đang, 1966, An Chung)
- Cây súng thép khoác bên mình ta xốc tới
Vẫn không có quên tình yêu ngô lúa sắn khoai
Vui biết mấy mỗi khi giành năng suất mới
Thức qua suốt đêm dài nhìn thay máy cùng vui
(Bài ca phụ nữ Việt Nam, 1966, Nguyễn Văn Tý)
- Hỡi ai đã đi năm châu bốn biển
bạn hỏi có gì đẹp trong người con gái Việt Nam
Đẹp lắm chứ anh hùng lắm chứ
thời đại chúng tôi thật là vẻ vang
từng cây lúa từng cây súng dâng tự hào cùng cô gái Việt Nam
(Hai chị em, 1965, Hoàng Vân)
Tôi có hỏi cảm hứng khi viết bài Hai chị em như thế nào, Hoàng Vân có trả lời đó là lần ông đi thực tế ở Thái Bình cùng với Chế Lan Viên, Văn Cao. Ở nhà người chủ mà các ông ngủ nhờ, có tấm ảnh lịch chụp dũng sĩ Kan Lịch và một cô nữa (tôi quên mất). Chỉ từ câu nhận xét của Văn Cao: "trông ảnh cũng đẹp nhỉ" mà Hoàng Vân có ngay cái tứ để làm nên ý "có gì đẹp trong người con gái VN". Thật siêu!

Rồi chị em cũng tham gia chiến trường, tạo nên công thức anh lái xe - em mở đường, anh sườn tây - em sườn đông:
- Tiếng hát ai vang vọng cây rừng
Phải chăng em cô gái mở đường

Em đi san rừng, em đi bạt núi

Em như con suối nước chảy không ngừng

(Cô gái mở đường, 1967, Xuân Giao)
- Rút sợi thương ấy mấy chằm mái lợp
Rút sợi nhớ ấy mấy đan vòm xanh

Nghiêng sườn tây mà che mưa anh
Nghiêng sườn đông mà xòe bóng mát

(Sợi nhớ, sợi thương, Phan Huỳnh Điểu, thơ Thúy Bắc)
- Hòa tình em từ nhiều viên đá nhỏ
Đêm đêm lát trên đường quê nhà
Tình nghĩa quê em sáng tỏ

Như ánh trăng đêm rằm

Tiền phương! Tay lái mang tình em đảm đang

(Chào em cô gái Lam Hồng, 1968, Ánh Dương)
- Đường Trường Sơn bao đêm em đi mở đường Cho từng chuyến xe anh qua
(Đường Trường Sơn xe anh qua, Văn Dung)
- Trường Sơn Tây anh đi
Thương em bên ấy mưa nhiều, con đường gánh gạo
Muỗi bay rừng già cho dài tay áo

Hết rau rồi em có lấy măng không

...Biết lòng anh say miền đất lạ

Là chắc em lo đường chắn bom thù
Em xuốn núi nắng về rực rỡ

Cái nhành cây gạt mối riêng tư

(Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, 1968, Hoàng Hiệp, thơ Phạm Tiến Duật)

TRƯỜNG SƠN - TRỮ TÌNH

Trường Sơn thành đề tài thu hút gần như mọi nhạc sĩ miền Bắc. Tâm thức David ở đây là cách tiếp cận với cái nguy hiểm mang màu sắc cổ động. Có người sau này hoặc ở phía khác cho rằng đó là nhồi sọ, nhưng thực tế nhiều ví dụ đã cho thấy, việc trang bị một loại vũ khí tinh thần như thế cũng quan trọng ngang với có đủ đạn dược. Thành công của người chiến thắng là họ đã sử dụng đúng. Các nhạc sĩ cũng như người ra chiến trường chia sẻ với nhau cái lòng tin khá là giản đơn của những David, ta có chính nghĩa là ta thắng. Xem những phim hành động người hùng của Hollywood thì cũng thấy, mỗi anh chàng cơ bắp đó sức mạnh cũng chẳng thể là vô địch bất khả chiến bại, mà nhiều scene toàn lợi dụng tinh thần, kiểu gần chết rồi, bom hẹn giờ tính bằng giây, thì chàng có một nhân tố tinh thần nào đó, vùng dậy và lật ngược thế cờ. Nước Đức của Hitler gây chiến khuynh đảo châu Âu phần lớn cũng nhờ phép thắng lợi tinh thần có tính toán mà thôi (trong khi phe đồng minh đông hơn, giàu có hơn, lại rệu rã và không đoàn kết).

Tôi thấy nhiều bài hát về Trường Sơn đạt tới mẫu mực của nó, nhưng nêu ra ở đây ví dụ hai ca khúc có vẻ cũng sẽ sớm bị lỗi thời, là bài "Bài ca đường 9 chiến thắng" (1968, Văn Dung) và "Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn" (Hoàng Hà).

Bài ca đường 9 chiến thắng thực tế lời lẽ khá gân cốt, nhưng lần tôi vào Quảng Trị, đi thăm mấy nghĩa trang và vào thành cổ, nghe một bác cựu chiến binh hát bài này, tự nhiên thấy rất thương:
- Em nghe tin vui / bên Đông Trường Sơn
Em nghe tin vui / bên Tây Trường Sơn
Nghe sấm dội / cả non ngàn
Nghe bão nổi / cả đôi miền
Anh giải phóng quân / hôm nay ra đi
Mang lửa hờn căm / bao năm nấu nung...
Cứ đi qua hàng vạn ngôi mộ thì lời hát nghe mới thấy hết cái bi tráng. Ở đây, giai điệu vui vẻ, nhanh hoạt, được chấm phá bằng những câu nhạc có độ dài ngắn khác nhau nối tiếp (4-4, 3-3), nghe như một thứ nhạc hành khúc không ngừng nghỉ, nhất là câu Anh giải phóng ơi hôm nay vui sao / hôm nay ra đi, cả năm chữ cuối có cùng nốt Fa (?) nối tiếp nhau, nghe rất thăm thẳm.

Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn là một bài tôi rất thích, nội dung ca ngợi tình hữu nghị Việt Lào. Bài hát này thể hiện được cả trạng thái hùng tráng lẫn trữ tình đan xen, thông qua cách diễn tả khá công phu.
- Trên đỉnh Trường Sơn, ta gặp nhau giữa đường đi chiến đấu
Anh giải phóng Lào, biên giới đẹp sao!
Cây lá lao xao, rộn ràng lẫn trong màu áo
Những người chiến sĩ yêu nước Lào!
Đoạn này để ý rằng những âm "ao" được sử dụng nhiều, trong một giai điệu chậm rãi, nhấn nhá, tạo nên cảm giác như đan quyện vào nhau, quấn quýt và đầy tình cảm.
Chủ đề nhạc được triển khai ngay sang cấp độ mới, cao hơn và mạnh hơn:
- Trường Sơn bao la! Lối quân đi bước mòn sỏi đá
Trường Sơn! Việt Lào hai nước chúng ta
Đã ghi tạc nghĩa tình từ xưa
Ôi thân thương bước chân vượt rừng
Ta đi điệp trùng đồng chí
Đường dài chiến đấu ta đánh Mỹ
Cất cao tiếng ca
Chú ý là các âm "a" được khai mở bằng cao độ và trường độ, có luyến láy như ở chữ "đá" được hát thành "bước mòn sỏi đá... à... Trường Sơn!" và nhấn ở đó, như là nhịp chuyển động lúc mau lúc trầm. Kết thúc đoạn là tăng cao độ để chuyển sang cao trào:
- Trường Sơn bao la! Cao như quyết tâm ta diệt thù
Việt Lào một lòng như sắt đá!
Chủ đề lên tới đỉnh ở đó (có lẽ là nốt Mí, là rất cao) rồi buông nhẹ về đoạn hai:
Quê hương vẫy gọi từ hai miền vách núi
Việt Lào chung đường tiến tới
Thắm lửa đoàn kết càng yêu đời
và kết:
Muôn dặm Trường Sơn
Ta lại chia tuyến đường đi đánh Mỹ
Đi giải phóng quê nhà, nơi chiến trường xa
Mỗi bước tôi đi lòng càng nhớ bao đồng chí
Những người chiến sĩ yêu nước Lào
Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn...

Thực tế lời ca không có gì mới, cũng như nặng tính khẩu hiệu. Nhưng vì sao tôi thấy thích? Một phần vì tài nghệ trình bày của nghệ sĩ Quốc Hương trong băng nhạc tư liệu, ông diễn tả rất xuất sắc những nhấn nháy và cao độ để gây cảm xúc mãnh liệt, mà không nặng kỹ thuật thính phòng. Sự đan quyện của những cao trào kiểu nhạc bán cổ điển với những đoạn luyến láy, buông nhả chữ làm cho mạch cảm xúc tăng cường độ dào dạt, cảm giác như ca sĩ có một bầu tình cảm để dốc ra, nhưng không kể lể dông dài nhờ những câu nhạc dài ngắn đan xen, chuyển động liên tục.

Phong cách trữ tình hùng tráng này được một nhạc sĩ vận dụng thành công là Huy Du, với những ca khúc đỉnh cao như Đường chúng ta đi (1968, thơ Xuân Sách), Cùng anh tiến quân trên đường dài (thơ Xuân Sách), Đường ra mặt trận (1968, thơ Chính Hữu), Nổi lửa lên em (thơ Lam Giang), Tình em (thơ Ngọc Sơn), Trên đỉnh Trường Sơn ta hát. Chú ý rằng ca khúc dạng này đòi hỏi giọng hát tốt nhưng phải diễn tả được sắc thái tình cảm thông qua nhấn nhá, tương phản đoạn nhạc, chuyển từ mạch trữ tình sang hùng tráng.

Năm 1978, ban nhạc Kim Cương ở Sài Gòn có thực hiện một băng nhạc gồm các ca sĩ miền Nam cũ hát các ca khúc nhạc đỏ. Trong đó, họ khá ý thức về phân loại bài hát cho các ca sĩ có cùng màu giọng với loại ca khúc. Lệ Thu hát 2 bài là Hà Nội niềm tin và hy vọngTrên đỉnh Trường Sơn ta hát. Mặc dù bài hát đầu được xem như hit của Lệ Thu, nhưng có thể thấy bà hát theo một phong cách nhạc kịch, miết chữ nhiều, nên có gì đó bi tráng chứ không kiểu hào hùng như Trần Khánh (là ca sĩ thành công nhất với bài này ở miền Bắc). Còn bài sau thì có thể thấy Lệ Thu không thành công bởi bà hát từ đầu đến đuôi đều một nhịp như nhau. Bài hát này của Huy Du là một điển hình cho cấu trúc chậm - nhanh - chậm, bởi lẽ cái mạch trữ tình chính là nét quyến rũ và hấp dẫn của ca khúc, chứ không phải hát hùng hổ kiểu quân hành.

Mở bài, ta có thể thấy vì sao Huy Du đề "Trong sáng, tự hào", bởi đoạn này có mấy nốt luyến (bôi đậm) và hình ảnh cần diễn tả là bối cảnh của chủ đề - không gian đất nước dọn đường cho cuộc hành quân vượt Trường Sơn. Luyến và hát tãi ra là một cách thức nhập đề kinh điển, để chuẩn bị tâm lý cho người nghe đón đợi cao trào ở phần sau:
- Trên đỉnh Trường Sơn, ta hát bài ca.
Gửi tới quê nhà bao la, biển xanh sóng vỗ hiền hòa
Đường Trường Sơn ta ca, trái tim sao rộn rã
Hành quân đi lớp lớp, như nước sông chảy dạt dào...
Vào đoạn nhanh, mặc dù theo kiểu hành khúc, nhưng cái đòi hỏi của bài hát là có những chỗ nhấn nhá, có hát được những chỗ này thì bài hát mới hay:
- Này Trường Sơn ơi! Ta đi trong gió, ta đi trong mưa
Từng ngày từng tháng, là từng bài ca
Tiếng hát cùng ta vượt qua gian khổ
...
Lửa Trường Sơn chiếu sáng cho tình ta trên đường dài.
Những chữ cuối của các câu nhạc 4 chữ là đan xen phối hợp giữa dấu sắc, không dấu, rồi lại có dấu, như một nhịp hành quân trập trùng, gian lao, cái gian khổ đan xen cái lãng mạn: gió - mưa - tháng - ca; ta - khổ; suối - khe - núi - thơ... Kết bài là đoạn lên tông cực khó hát, đương nhiên phải hát giãn nhịp để diễn tả đến cùng cao trào "tiếng hát từ trái tim, chắp cánh cùng ánh sao, nhìn về tương lai đang bừng sáng".

Những bài hát của Huy Du vì thế được nhiều người yêu thích vì vẻ đẹp mượt mà sóng đôi nét hùng tráng lồng lộng, điển hình là bài Đường chúng ta đi:
- Việt Nam! Trên đường chúng ta đi
Nghe gió thổi, đồng xanh quê ta đó
Nghe sóng biển ầm vang xa tận tới chân trời
Nghe ấm lòng mỗi khi đang dồn bước
Mà vui sao ta chẳng nói nên lời...
Tất nhiên vẻ đẹp ca từ là nhờ lời của Xuân Sách, nhưng cách triển khai chủ đề âm nhạc của Huy Du là phần quan trọng. Những chỗ đẩy nốt lên cao cực đắt như:
... đường ta đi ánh lửa soi đêm dài (xuống thấp)
Đường ta về trong nắng ấm ban mai (lên rất cao)
Tiếp theo là chủ đề được nhắc lại và đẩy tới cao trào:
Việt Nam! Việt Nam! Qua từng bước gian nan, lớn lên rồi, đẹp những mùa xuân...
Đoạn điệp khúc hát nhanh cũng dùng bút pháp như bài Trên đỉnh Trường Sơn ta hát. Hoặc sau đoạn hùng tráng dồn đuổi là những đoạn buông xuống thang rất trữ tình như:
Ôi những dòng sông soi bóng dừa xanh...

Chắc chắn là bài hát này không dễ mà chỉ đứng ở loại "Tiếng hát át tiếng bom" đơn thuần. Tuy vậy, nó lại đòi hỏi một cách hát tương đối đã khuôn khổ, phần dụng công của các ca sĩ nhiều khi phải nhờ vào màu giọng. Cho đến giờ, tam ca Đăng Dương-Trọng Tấn-Việt Hoàn hay AC&M có hát thành công là nhờ khả năng hòa giọng và hát bè, chứ đơn ca có lẽ vẫn chưa ai gây được ấn tượng hơn Doãn Tần nhờ chất giọng tenor rất cao. Có người nói Quốc Hương hát rất hay, nhưng tôi chưa có được nghe.

HÀ NỘI

Trở lại với các địa danh. Hà Nội trở thành đối tượng ca ngợi vì lẽ đây là điểm đánh phá ác liệt của Mỹ, cũng như là nơi tập trung sự kháng cự để bảo vệ các cơ quan đầu não. Lúc này những phẩm chất của người Hà Nội hình như được định hình bằng thơ, nhạc: "vẫn còn nguyên phong thái hào hoa" (Bằng Việt). Nhưng phải lùi lại về quá khứ để thấy Hà Nội đã sẵn có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần người VN, tuy vậy trong ca khúc, mọi mô tả vẫn tản mát. Hà Nội năm 1944 trong nhạc Văn Cao là tiếng gươm khuya hoài niệm một quá khứ tự chủ:
- Ôi Thăng Long thành xưa, cờ khoe sắc phấp phới
Loa vang xa chiêng thu không, tiếng bát ngát trong trống thành
Bao năm qua đã mất hết tinh anh
Ôi Thăng Long ngày mai, xây đắp dưới vinh quang bằng chí khí anh hùng
Gần xa hò hét: Thăng Long, Thăng Long, Thăng Long thành!
(Thăng Long hành khúc ca)
Hà Nội của những ngày đầu toàn quốc kháng chiến là Hà Nội ngây ngất ảo giác lãng mạn hào khí, đúng như câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ viết năm 1947: Từ độ mang gươm đi mở cõi, trời Nam thương nhớ đất Thăng Long. Hà Nội lúc này được mô tả sống động:
- Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa
Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng
Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm
Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa
Mái đầu xanh thề mãi đến khi già
Phơi nắng gió. Và hoa ngàn cỏ dại
Nghe tiếng gọi của những người Hà Nội
Trở về, trở về, chiếm lại quê hương
(Ngày về - thơ Chính Hữu, 1947 - chưa đối chiếu lời bản nhạc của Lương Ngọc Trác)
Chính Hữu thì chối bỏ Ngày về, Nguyễn Đình Thi cũng sửa lại phần đầu bài Đất nước (Tôi nhớ những ngày thu đã xa, Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội, Những phố dài xao xác hơi may...), tuy vậy bài Người Hà Nội thì được hát rất nhiều. Có lẽ vì bài này ít có những tính từ bay bướm hoặc mô tả tình cảm kiểu "hào hoa" như Ngày về. Dù vậy, đoạn mở đầu trữ tình:
Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây
Đây lắng hồn núi sông ngàn năm
Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội
Hà Nội mến yêu!
gần như chỉ toàn địa danh lại thể hiện sự nhạy cảm về từ ngữ - bởi lúc này những địa danh gắn với lịch sử Hà Nội đại diện cho nét hào khí vốn được ưa chuộng trong tâm lý người nghệ sĩ, vốn xuất thân tiểu tư sản. Sau này, cách dùng các địa danh đại diện cho HN này còn trở lại trong ca khúc "Hà Nội niềm tin và hy vọng" (1972) của Phan Nhân, có nhiều nét tương đồng với bài hát trên:
- Ơi Đông Đô hùng thiêng dấu xưa còn in nơi đây
Ơi Thăng Long ngày nay chiến công rạng danh non sông
Hà Nội mến yêu của ta!
Thủ đô mến yêu của ta!
Là ngôi sao mai rạng rỡ!
Đoạn allegro của Người Hà Nội kiểu nhạc hội chợ vui tươi, cũng như đoạn rondo kiểu nhạc valse ở kết, là dấu vết của Hà Nội trí thức, tiểu tư sản, những mẫu người sau này vẫn cứ là hình ảnh chính trong các tác phẩm về HN, từ những anh trí thức theo kháng chiến trong Sống mãi với Thủ đô (1960, Nguyễn Huy Tưởng) hay các vở chính kịch suốt tận những năm 1980. Hà Nội thời kháng chiến chống Pháp là một cơ hội định vị người Hà Nội - thực chất là anh trí thức lấy sự yêu mình trong cái thay đổi ngùn ngụt khí thế làm căn bản. Dù bị phê phán này nọ, người ta vẫn không có cách nào định vị khác đi. Thậm chí có viết khác, có phá bỏ, người ta vẫn thấy thì ra vì anh trí thức HN yêu mình, nên anh ta có khả năng hát cho hay và ca ngợi cho đẹp những thứ khác. Có thể còn thấy rõ nét này qua mấy phim của Đặng Nhật Minh như Hà Nội mùa đông năm 46 hay Mùa ổi. Sau này, các nhạc sĩ trẻ những năm 90 và phim Trần Anh Hùng, cái Hà Nội được dịch chuyển đi một chút, có lẽ là do người sáng tác và nhân vật hình mẫu của lớp trước đã già, được thay thế bằng một thế hệ mới - nhưng Hà Nội vẫn là cái đẹp thanh bình của nước hồ xanh lững lờ, má em hồng hoa đào tươi thắm, chiều buông góc phố em, so ra chẳng khác gì những Hà Nội "mơ hoa" hay "mái trường phượng vĩ dâng hoa" thời 40-50.
Một vài bài về HN khác lúc đó cũng góp phần củng cố thêm cái ảnh hưởng "yên sĩ phi lý thuần" của tình yêu HN:
- Ai về Thủ đô tôi gửi vài lời
Tây Hồ mờ xa là nhà tôi đó
Đây chợ Đồng Xuân bên dòng Nhị Hà
Đi học về qua luôn hát vui ca
Đây Hồ Hoàn Gươm bên nhịp cầu hồng
Khi chiều dần buông tôi hay qua đó
Hoa phượng hè vui in đỏ đường dài
Tô đậm lòng tôi năm tháng khôn nguôi
(Sẽ về Thủ đô, 1948, Huy Du)
- Chúng ta ươm lại hoa, sắc hương phai ngày xa
Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu
(Tiến về Hà Nội, 1947, Văn Cao)
Còn có những bài như Hà Nội 1947 của Trần Văn Nhơn, hay Hướng về Hà Nội (1954, Hoàng Dương). Nhưng tôi chỉ xét tới những bài có khía cạnh trữ tình hào sảng, là thứ sẽ được khai thác như một tính chất âm nhạc cho Hà Nội suốt gần nửa thế kỷ tiếp theo, mà nhạc đỏ là phần đậm nhất.

Giữa Bài ca Hà NộiHà Nội niềm tin và hy vọng, những bài hát khác về thành phố này có Khi thành phố lên đèn (Thái Cơ), Hà Nội trên tầm cao chiến thắng (Tân Huyền), Hà Nội có ta đi trong tiếng hát (Vĩnh An), Hà Nội - Điện Biên Phủ (Phạm Tuyên). Sau này, còn có những bài cùng mạch cảm xúc như Tình yêu Hà Nội (Hoàng Vân), Khúc hát người Hà Nội (Trần Hoàn), Trời Hà Nội xanh, Hà Nội mùa xuân (Văn Ký), Hà Nội trái tim hồng (Nguyễn Đức Toàn). Những gì sâu đậm nhất mà những bài hát này đem lại là cái vẻ tương phản giữa nhỏ bé bị bom đạn và niềm tin vào ngày mai to lớn, giữa cái "nghìn năm chói chang rực rỡ" và cái "niềm vui mới". Cái đẹp của HN đối với các nhạc sĩ lớp này là "trang sách khuya thức với sao đêm" hay "trí tuệ xanh và con tim bốc cháy". Một phẩm chất được gieo trồng cấy hái như vậy, ăn sâu vào đến cả những người không sống ở HN và không ở thời gian đó, duy trì được qua hai thập niên gian khổ hậu chiến nhưng lại vỡ tung trong vài mươi năm cuối thế kỷ XX và đầu XXI, kéo theo là sự thất vọng đến vỡ mộng.

Hà Nội thời chiến vì vậy nhìn lại, có lẽ đã mang một ý niệm nhiều hơn thực thể, bởi thành phố của chiến tranh là nghèo nàn và đói kém, chứ không phải là một hậu phương dồi dào. Tuy nhiên, Hà Nội lửa cháy ngút trời có cái mẫu số chung với Matxcơva của Lev Tolstoy hay Paris của Erenburg, của London thời thế chiến II. Những ca khúc ngợi ca HN là sự nảy sinh có những đặc điểm tự nhiên của những tâm hồn yêu Hà Nội.
.

Nhận xét

lvu đã nói…
Theo bạn Quý thì ai hát hay nhất bài: Bến cảng quê hương tôi? (chỉ là thăm dò ý kiến thôi nha, và vì tôi thích bài này).
Nguyễn Trương Quý đã nói…
Mình thấy Tuyết Thanh hát hay nhất. Thúy Hà với Vũ Dậu hát cũng hay, nhưng không duyên dáng bằng.
Khuê Việt đã nói…
Không để ra sách à anh Q (y dài) - có thay đổi phục thiện rồi đó nha. Cho hết lên blog thì bán sao được. ;))
Nguyễn Trương Quý đã nói…
Thay đổi phục thiện là sao nhỉ? Đây là hàng mồi thôi, chiến thuật cả đấy :-)

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm