Ba cái phim

.
Nhân lúc vô (tích) sự, mở TV thấy chiếu Người đua diều, mới nhớ là mình đã có đĩa rồi mà mãi chưa xem. Truyện thì đã từng mua và đọc hai chương nhưng rồi tặng lại ai đó.

Rõ ràng là phim làm tử tế, nhưng xem không thấy thích lắm, mặc dù nổi tiếng (đề cử Qủa cầu vàng 2007, đề cử nhạc nền Oscar). Ngoài việc tiết tấu không ra chậm cũng không nhanh, cứ tà tà kể kể, thì hình như là mình không thấy thích vì nó cứ gợi lại một tứ phim số phận đâu đó, cách kể cứ bắt khán giả phải cảm động, hơi cố tình giản dị và cố tình đau đớn. Chẳng rõ có phải vì mình sinh ra và lớn lên ở một cái nước cũng phức tạp về lịch sử, nên xem hay bị so sánh. Biết vậy là dớ dẩn nhưng không tránh được, xem không thoải mái lắm. Tuy tránh được những cái sến nhưng phim vẫn cứ bị nhấn nhá quá. Cái đạt nhất có lẽ là lấy bối cảnh thăng trầm của đất nước bỏ lại và hành trình tìm về Afghanistan, nhưng nhân vật có đời sống riêng, không minh họa lê lết ám tả chính trị lộ liễu. Câu chuyện của trẻ con ghét nhau rồi hại nhau muôn thuở, nhưng trăm lần như một, người may mắn hơn sẽ lại phải trả giá về tinh thần, dằn vặt đau đớn... Nói chung là có người bảo đấy toát lên chất thơ, nhưng mình thì thấy hành hạ tâm lý người xem vì đoán trước cả rồi.

Nhớ lại một phim cũng cùng dòng phim chính trị có chất sử thi (tạm đặt tên thế), là The Last King of Scotland, với Forest Whitaker và James McAvoy đóng. Một anh chàng sinh viên da trắng Scotland thời những năm 1970 vô phương hướng đến xứ mù cang chải Trung Phi, nhân lúc có vị lãnh tụ cách mạng mới nổi bản địa thu nạp về làm sang cho triều đình ông ta, anh này thỏa sức vui chơi với tư cách bác sĩ da trắng phục vụ cho lãnh tụ dân tộc da đen. Đương nhiên là anh này sẽ tỉnh ngộ khi thấy cái tàn bạo của chế độ, mà quay ra chống đối. Rồi chàng ta bị tra tấn tàn bạo... nhưng cũng may mắn thoát về nhà. Những cảnh tra tấn thì máu me kinh khủng, cũng như nhân vật "lãnh tụ" được đóng rất hay - tàn bạo mà thông minh có cờ. Xem thì lôi cuốn, nhưng cứ nhoi nhói cảm giác rằng đang được xem một lối quan sát của một người sẽ "từ cõi chết trở về" trước một thực tại đau thương rồi sẽ thành quá khứ bỏ lại.

Hôm vừa rồi ở Đà Nẵng, vào Megastar xem phim giết thì giờ nhân tránh mưa, đắn đo giữa The Proposal của Sandra Bullock với State of Play của Russell Crowe. Sợ đau đầu nên xem phim nhí nhố của chị gái già Sandra với phi công Ryan Reynolds. Cũng vui vui, tuy đầu voi đuôi chuột nhưng được cái có nhiều chi tiết biết xử lý để dù tổng thể đoán được nhưng vẫn khiến người ta phải theo dõi. Sandra Bullock đúng là sở trường phim hài tình cảm nhưng kịch bản phim này nhạt quá, phí hoài, mặc dù chị này hơn 40 nhưng phom người vẫn ngon lành. Chắc phim cố gắng show hàng diễn viên nên dàn cảnh chị 40 cậu 25 nude đâm sầm vào nhau, hơi phô.

Cũng không ai review như mình, từ phim nghiêm túc giải này nọ tụt dần về phim cởi quần áo, thật đầu voi đuôi chuột!
.

Nhận xét

Goldmund đã nói…
Không sao đâu bác, không cần phải băn khoăn vì tất cả những người "nghiêm túc" đều "cởi quần áo" mà:)
Unknown đã nói…
Lâu rồi đi xem phim ở rạp chẳng thấy hay, không hiểu là do mình chọn phim không chuẩn chăng?
Chu Chu đã nói…
bác review rất chi là hiệu quả, đúng dzồi, đọc xong em không có muốn tìm coi nữa, hihi
Unknown đã nói…
Nói chung là cũng nên nghĩ, người ta bỏ ra mấy chục triệu đô để làm phim thì mình cũng chỉ tốn có vài chục nghìn để xem họ tiêu tiền ra sao. Đáng chứ phải không? Giờ ai cho mình vài triệu đô, bảo mình phá nhà hát lớn, mình phá ngay! :-)))
lvu đã nói…
Q cảm nhận cái phim proposal hơi khác tớ. Theo tớ thì phim hài cần gì phải nội dung sâu sắc, cười được là được. Mà phim này còn cười cả ra nước mắt nữa chớ nhỉ?

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm