Bốn bánh bay lên đỉnh (2)

.

.

Khi ai cũng đi xe đạp rồi đến xe máy, cấu trúc “phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ” vụn vặt chẳng thành vấn đề, con đường rộng nhất Hà Nội thời trước đổi mới là đường Giải Phóng có chiều rộng 35m với hàng chục đường cắt ngang không làm ai khó chịu. Nhưng có gì bức xúc bằng ngồi trong chiếc Mercedez S65, đã bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đắt tới mấy trăm nghìn đôla, lại còn phải bò từng trăm mét một để tránh luồng giao cắt. Nói vậy, đã đẳng cấp xe xịn thì không ai mang ra đường Giải Phóng (không lẽ để xuống nghĩa trang Văn Điển), mà phải nhè những chỗ dập dìu tài tử giai nhân như Nhà Thờ, Vincom, Lý Thường Kiệt hay đường Thanh Niên. Và đã ra dáng xe khủng thì phải rất kềnh càng, ra cái điều đường phố Hà Nội sao mà bé toen hoẻn cho con Lincoln dài gần 6 mét của chúng mình quay đầu. Phố Lý Thường Kiệt, thời Pháp là “Đại lộ” Carreau, rộng có 12m, cứ hai trăm mét lại một ngã tư, nhưng lại hóa ra có lý để diễu xe. Con phố này nhiều quán cà phê của giới văn phòng, trung tâm gossip của thành phố, lại có mấy cơ quan cấp đăng ký xe, thành sàn diễn thời trang cho xe cộ. Đây đích thực là phông cảnh cho bộ mặt phồn vinh của Hà Nội, như là việc đã thuê xe Rolls Royce làm đám cưới thì phải chạy một vòng quanh Bờ Hồ ra Tràng Thi, hướng lên Ba Đình soi bóng nước Hồ Tây rồi quặt về Phan Đình Phùng, len lỏi quanh phố cổ để kết thúc nơi bậc thềm Nhà hát Lớn. Cốt để dân Hà Nội hôm sau đọc báo mạng hay vào diễn đàn ôtô mà lác mắt.


Thỏa mãn tâm lý đổi đời, cộng thêm việc cự ly đi lại ngắn ngủn, người ta dùng ôtô với công năng không hơn gì xe máy, nghĩa là chở con đến trường, vào siêu thị, ăn sáng hoặc đón vợ trên những khoảng cách vài cây số. Nói đến đây dễ đụng phải cái gọi là “quyền dân chủ” – tài sản hợp pháp thì phải được sử dụng chứ, ai cấm người ta đi ôtô chỉ 500m từ nhà ra làm tách cà phê Highland 49.000 đồng! Cố gắng rũ bỏ tâm lý ghen tỵ nhưng nói thực, tôi cũng phải lấy làm “thỏa mãn” khi đọc những tin như là xe tiền tỷ bị ngập trong bùn ở hầm chung cư dịp lụt cả tháng trời hồi năm ngoái. Chẳng lẽ xe Audi không thể chia hoạn nạn với xe máy trong cơn lụt thế kỷ ư? Mà tâm lý kẻ thua kém là cứ đòi xe tiền tỷ đã thiệt hại thì phải bẹp rúm, mới sướng con mắt và đã cái miệng sặc mùi trà đá phảng phất ý đồ lập lại công bằng xã hội.


Nhưng có đi xe ôtô trên những con đường nút cổ chai ở Hà Nội mới biết, niềm hãnh diện hoành tráng bao nhiêu thì nỗi nhọc nhằn cũng chẳng bé. Tắc đường xe xịn cũng như xe trâu, trong khi xe máy thi nhau vượt lề, len lỏi theo lối du kích để về nhà kịp bữa tối thì dù có bạc tỷ cũng đành phải chết đứng như Từ Hải. Cái máy kềnh càng do ông Ford sáng chế tương hợp với hệ thống xa lộ mênh mông của nước Mỹ, ắt là không đề huề với lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, hoặc phố Pháp một thời thong dong xe điện. Mai kia Hà Nội có biến thành đại đô thị với nhiều tầng đường bê tông trên cao thì cái thời này, xe trăm ngàn đôla nhích từng mét một, mãi là một thời để nhớ. Quần chúng cứ dè bỉu nhà giàu hãnh tiến, nhưng có kẻ nào mong thụt lùi lại cảnh chẳng ai sắm nổi cái xe đạp. Đọc truyện hay xem phim Mỹ thì cũng thấy, dân họ đã hết cơn sốt xe hơi đâu! Các tạp chí ăn chơi vẫn cứ đăng đầy ảnh các sao bước ra từ cửa xe ba buồng đen bóng để ra thảm đỏ. Mấy hãng GM hay Ford suýt phá sản cũng làm cho sàn chứng khoán New York điên đảo, sứt mẻ cả bộ mặt kinh tế siêu cường.


Vào thời buổi các nhà khoa học ra sức báo động trái đất nóng lên, câu chuyện tiết kiệm nhiên liệu với khí thải vẫn không làm giảm được nhiệt tình mua xe hơi. Bức tranh thị trường xe hơi Việt Nam như đại diện cho chủ nghĩa phi lý: mang tiếng toàn cầu hóa nhưng giá xe đắt gấp hai, ba lần vì thuế chồng thuế, ngành thuế coi xe hơi là một thứ hàng tiêu thụ đặc biệt, tiếng là có sản xuất nhưng tỉ lệ nội địa hóa của các liên doanh xe hơi vẫn không vượt quá 10%. Tất cả mọi sự cho thấy tâm lý xã hội vẫn xem xe hơi là thứ xa xỉ. Vì thế, lẽ tự nhiên là ai cũng cực kỳ nhạy cảm với mọi chuyện quanh cái xe ôtô. Người đẹp đi thi hoa hậu bỗng gây chú ý chỉ vì từng lái xe Porsche Cayenne trị giá 5 tỷ đồng gây tai nạn liên hoàn hai năm trước. Rõ là việc nào đi việc nấy, nhưng cái nhãn hiệu choang choang kia cùng con số tiền tỷ kia khiến người đọc báo xốn xang hơn cả nhan sắc chủ nhân. Đám đông tọc mạch xem xe hơi là biểu tượng cho một cuộc sống đáng thèm muốn, nhưng cũng là tội đồ có trách nhiệm trong việc ghi đậm hố ngăn cách giàu nghèo.


Trong một thành phố đầy rẫy sự cộc lệch thì dẫu có nghịch mắt, xe hơi là cơn mê điên cuồng mà tất yếu của một thế hệ người Việt đang lên. Qua rồi thời ngọc trong đá, anh tài gàn dở bất cần thị phi, giờ đây đại trượng phu phải lạnh lùng độ nhau qua vôlăng mới khiến người khác nể sợ. Ngôn ngữ của đời sống xe hơi còn chưa phổ biến trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, nhưng vấn đề chỉ là thời gian. Xe ôtô với lợi thế như một cái vỏ bọc di động, thực chất làm đậm hơn khát vọng cá thể hóa phương tiện đi lại mà xe máy chưa đủ thỏa mãn. Nó như một không gian riêng của ta di chuyển trong thành phố, nên mua xe sang là khẳng định giá trị của không gian ấy. Ngồi trong xe hơi là ta được che chắn, được cố thủ trong những tấm kính lọc ta khỏi đường phố Hà Nội đang tuôn ra những dòng xe máy như kiến cỏ vây quanh ta. Bồng bềnh trong cái hộp nội thất bọc da, máy lạnh thổi mát rượi và nhạc khoan thai thánh thót, bạn mỉm cười nhắc lại câu khẩu hiệu tranh cử của Obama: Yes, we can.


Nguyễn Trương Quý
(TTVH cuối tuần 11.9.2009)

Minh họa: Chiếc xe Lincoln trên ở đầu đường Lê Duẩn, ngang qua Bách hóa 5 Nam Bộ.
.

Nhận xét

Khuê Việt đã nói…
Sao đọc "bốn bánh" em cứ nghĩ tới "chỏng vó" với "chỏng gọng" là sao anh Q. nhỉ? ;)
Nguyễn Trương Quý đã nói…
Chắc ám thị phân tâm học. Bốn bánh vững chãi nhưng khi đã lật ngửa cũng như con rùa, mai nặng quá, bốn chân huơ huơ lên trời. Chắc KV nhìn rùa lật ngửa và/hoặc nhìn người chân dài nằm ngửa nhiều quá nên tiềm thức dội lại sang "chỏng vó" chăng? :-)))
Chu Chu đã nói…
phần 2 ha hơn phần 1 ạ, btw, cho em hỏi có phần 3 kg?:D
Chu Chu đã nói…
hay hơn phần 1, dọc đường rơi mất chữ rờ, :-P
Nguyễn Trương Quý đã nói…
Cảm ơn Mỵ Nương :-) Phần 3 nên viết về cái gì của ôtô nhỉ?

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm