Con mèo đực

“Con mèo này đực mình ạ!” Thủy lật ngửa con vật ra, cười rinh rích. Con mèo trắng ngoạp vào tay cô, Thủy đau điếng đến phát khóc, phải buông ra. Thoát khỏi Thủy, nó chạy vọt lên gác. Thủy săm soi vết cắn, lầu bầu rủa, vội lao vào bếp lấy lọ nước rửa tay sát trùng.

Mạnh - chồng Thủy bắt con mèo về đã hai tháng nay để trị nạn chuột. Nhà vốn ở cuối ngõ, nơi nhà nào cũng tích trữ chồng chất những đồ cũ trên sân thượng, nửa đêm chuột chạy rầm rập ngoài ngõ, đi xe máy về thấy mắt chuột đỏ loe lóe phản chiếu ánh đèn. Từ ngày có mèo, cảm giác như yên tâm hơn hẳn. Đã vài bận Thủy phơi quần áo buổi sáng ở sân thượng reo lên hoan hỉ vì thấy xác chuột nằm tênh hênh. Con mèo lượn lờ quanh kêu ầm ĩ như thể đòi ghi công. Nhưng con này dữ quá. Yên xe máy của Thủy đã bị cào xước lung tung rồi. Những ngày mùa rét khi đi ngủ, hai vợ chồng phải đóng cửa buồng. Con mèo đứng ngoài hết cào cửa rồi gào inh ỏi đòi vào. Thủy sốt ruột, Mạnh bảo: “Kệ, kêu chán thì im.”

Sau mấy ngày để dành cơm cho mèo thì sự bất tiện xảy ra: không thể cho nó ăn buổi trưa khi nhà Thủy chỉ nấu cơm tối. Con mèo không chịu ăn cơm nguội. Thủy đi ra hàng bán đồ ăn cho mèo. Có loại bao bì màu vàng và màu tím. Thủy hỏi tại sao màu tím đắt hơn ba nghìn. Cô bán hàng liến thoắng: “Màu vàng chỉ có cá, còn màu tím có cả bơ, kem, rau, hải sản…” Thủy không kìm nổi cơn cười, có mà mèo vua Lê, mình ăn còn chẳng đủ chất được như thế. Suy tính một lúc, cô chọn màu vàng. Hơn vài nghìn mà được lắm thứ thế, khó tin lắm.

Vài tuần sau, Thủy để ý con mèo mỗi lần mở cửa là chạy vọt về đằng nhà hàng xóm. Xem ra con mèo đã lớn, đã lượn lờ với vài bóng mèo khác. “Nó hay đi quá mình ạ. Gọi cứ lờ đi. Thiến không nhỉ?” Mạnh lầm bầm: “Thiến là nó ngu đi đấy. Đang chạy nhảy khắp nơi, bỗng thành cái bị thịt, lờ đờ chán lắm.” Thủy cười sằng sặc, rồi cô đăm chiêu: “Nhưng cứ thả rông dễ bị bắt lắm. Mai em đi mua cái xích. Đằng nào cũng không để nó chạy lung tung, nhảy cả lên giường. Quần áo chăn chiếu nhà mình toàn dính lông mèo.”

Hôm sau Thủy ra chợ mua cái xích về. Cô đi găng tay, đổ cám ra bát, dứ dứ trước mặt con mèo rồi thận trọng bế nó lên, buộc xích vào cổ con vật. Như trêu ngươi, con mèo nấc lên mấy tiếng như bị hóc. Thủy vội tháo xích ra, nó vẫn khục khục đầy bất ổn. Cô hơi nghi, liệu con này có chơi chiêu khổ nhục kế không. Nhưng nó vẫn ngồi trên hai chân sau, rướn cổ về trước đến tội nghiệp. Cái xích lại được cất đi.

Tối hôm ấy, khi Thủy kể chuyện con mèo, Mạnh nhìn con vật chạy tung tăng, mặt anh đầy nghi hoặc. Như thường lệ, Mạnh đóng cửa buồng lại. Nhưng không thấy con mèo cào cửa hay kêu gào gì, Thủy dỏng tai để ý. Hai vợ chồng nhìn nhau như cố mong đợi người kia có phán đoán gì chuẩn xác. Một tiếng “meo” vẳng từ xa lại. Cả hai thở phào. Mạnh nhảy xuống giường, mở cửa rồi cứ để thế, leo lên giường. “Mình mà không tình cảm với nó, nó đi mất.” Thủy đồng tình, thấy chồng đáng yêu quá đi mất.

Sáng hôm sau, Thủy thấy cái gì mềm mềm ở dưới chân. Thì ra con mèo đã rúc vào dưới chăn ở cuối giường. Mạnh vẫn nằm yên. Thủy thấy thật dễ chịu, cô mỉm cười mơ màng.

Lúc bước đến cái xe máy dựng ở phòng khách để dắt đi làm, Thủy bỗng trượt chân ngã đánh rầm. Cô chỉ kịp kêu oái một cái. Mạnh đang tắm trên gác, lại còn hát gì đó. Thủy tức giận, gào lên: “Anh Mạnh!” Phải đến ba lần, mới thấy Mạnh chạy xuống, tay cầm cái khăn lau tóc. Con mèo chạy quẩn quanh chân anh, vẻ vô sự.

“Sao lâu thế! Em khéo trật khớp rồi đây này!”

“Hậu đậu cho lắm vào! Xem nào… Không sao đâu!”

“Con mèo nhà anh ý! Nó tha miếng giò nhà ai về đây này.”

Lúc này Mạnh mới thấy một khoanh giò lụa bị gặm nham nhở ngay chỗ vết trượt của Thủy. Anh vội lấy cái bao ni lông, túm lấy miếng giò rồi bỏ tọt vào thùng rác. Con mèo đang lơ vơ trên cầu thang bị Mạnh chộp cổ rồi bị xách lên gác. “Xích mày lại! Có phải đói kém gì đâu hả! Cơm nhà không ăn...” Dù vẫn đau nhưng Thủy cũng phải bật cười.

Khu nhà Thủy ở thật đa dạng về thành phần. Nhưng Thủy ấn tượng nhất về bà béo ở cách đó mấy nhà. Bà ta người to, giọng nói oang oang, có mặt ở bất cứ sự kiện gì của khu. Từ hồi Thủy về đây ở sau khi cưới, bà ta đã nhanh chóng tới bắt chuyện. “Mày cứ để xe đấy. Đéo đứa nào dám lấy. Khu này toàn dân số má, kiềng nhau cả. Cô cũng đứng mãi bến Nứa với Lương Yên ngày xưa đấy.” Thủy thấy bà ta cứ giông giống những bà chuyên xem tướng. Đôi mắt cứ dài dại mà đảo rất nhanh. Như thể bà ta nói câu nào điểm huyệt người ta được câu đấy. Thủy toàn kiếm cớ bận để rút lui nhanh.

Lần duy nhất Thủy nói chuyện nhiều với bà ta là hôm cô đi xin xỉ than về làm ổ cho mèo. Bà ta vẫy cô lại, bảo: “Mày lấy xỉ nhà cô ấy, tao đỡ phải đổ.” Nói là làm. Hôm nào ở cửa nhà Thủy cũng có một hai viên xỉ than tổ ong. Lắm hôm không kịp đập xỉ vào chậu thay cho mèo, hoặc đi công tác vài hôm là vạt tường trước cửa thành bãi xỉ. Ai đó còn tiện tay vứt túi ni lông với vỏ chuối vào. Thủy toan sang bảo bà béo là thôi không lấy xỉ nữa, nhưng Mạnh bảo thôi cứ chịu khó dọn vậy, rồi độ hai ba tháng vãn chuột thì giải tán mèo.

Có lần Thủy tình cờ gặp bà béo đi ăn cưới đâu về. Hôm đấy là lần đầu tiên Thủy nhìn thấy bà ta trang điểm. Cái mặt to bự tô son đỏ chót, hai lông mày được kẻ đậm như hai con sâu róm. Đã vậy lại mặc một cái áo dài tím vằn vện, cái vai u lên như muốn làm toạc những đường may. Thủy chỉ dám lí nhí chào rồi đi mau để khỏi bật cười. Đúng hơn là Thủy thấy căng thẳng, như thể sợ bà túm lại để báo một sự cố nào đấy.

Hôm nay, thế nào mà Thủy lại chạm trán bà béo. Bà ta cười cười khiến cô chột dạ. Y như rằng. “Mèo nhà mày ăn vụng nhà tao nhé. Tao bắt được nữa là đập chết đấy.” Thủy đỏ mặt, vội xin lỗi rồi nói nhà cháu đã xích lại rồi.

***
Con mèo bị xích một ngày, có vẻ khó chịu ghê gớm. Cảnh hai vợ chồng phải nựng rồi nói chuyện với nó khiến Thủy thấy thật kỳ cục. Sau khi ăn tối xong, hai vợ chồng bật tivi xem phim. Bỗng có một tiếng choang. Cả Mạnh và Thủy chạy vội lên gác, thấy cái đĩa đựng cám lăn sang một bên, những hạt cám nâu vung vãi. Chậu xỉ tung tóe, mùi khẳn sực lên. Cái xích đã bị đứt. Con mèo đang lấy đà nhảy qua lỗ thông hơi. Mạnh vồ lấy nó nhưng con mèo đã kịp chui tọt ra ngoài. Hai vợ chồng hì hục thu dọn, bật quạt thông gió cho hết mùi.

Lúc đã về giường, Thủy rúc vào người Mạnh, rủ rỉ: “Mình nhớ truyện Bố Già không. Khéo sáng mai ra thấy cái đầu con mèo vứt trước cửa thì khiếp nhỉ.” Mạnh lầm bầm: “Đến là hay tưởng tượng. Bà béo ấy dọa thế thôi. Thôi ngủ đi. Mất thì chịu chứ làm sao bây giờ.”

Hóa ra con mèo vẫn về bình thường. Nó ngồi trên cái ghế, ngoe nguẩy cái đuôi nhìn Thủy đang đứng trên cầu thang nhòm xuống lúc sáng hôm sau. Tiếng kêu meo nghe thật vô tội.

Hôm đấy là thứ Bảy, cả hai đều ở nhà. Mạnh đã thửa cái xích khác to hơn, loại dành cho chó phốc. Các lỗ thông hơi cũng bị chèn lại. Hai người thử nghiệm cứ vài tiếng xích lại thả con mèo ra. Có vẻ như cách này khá hiệu quả. Con mèo đã chịu nằm yên, không lồng lộn như trước.

Buổi trưa Chủ nhật, hai vợ chồng về nhà bố mẹ Thủy ăn cơm. Mạnh thắc mắc xem thiến mèo ở đâu. Mẹ Thủy đang xỉa răng, nói: “Ngày trước có ông Minh ở ngõ ngoài kia cứ một tay tóm gáy mèo, tay kia tóm hai chân sau, dí vào khe cửa rồi sập một phát…” Mạnh cười ngặt nghẽo. Thủy lườm mẹ: “Khiếp! Mẹ ơi, vừa ăn xong…” Mạnh được thể, vừa nói vừa nháy mắt với Thủy: “Ôi tiện quá mẹ nhỉ!” rồi làm mặt kinh sợ trêu vợ. Thủy huých tay chồng: “Hay gớm! Đau có há mồm được không.” Bà già vẫn thản nhiên cắm cắm cái tăm vào kẽ răng đã thưa: “Thế mà lão ấy cũng đắt khách phết.”

Từ lúc về nhà, Thủy không kiềm chế được việc nhìn con mèo. Con vật có cái mặt ngây thơ với cái mũi hồng hồng, mắt xanh như hai cục thủy tinh giữa lớp lông trắng, nhưng cái đuôi cứ cong vổng lên, để phơi ra hạ bộ thật tục tĩu. Nó lại còn nằm ngửa ra liếm láp nữa. Lúc đóng cửa lại, bất giác Thủy sờ tay lên cạnh cửa. Cô rùng mình.

Tối hôm ấy, lúc Mạnh ấp lên người Thủy, cô cố thả lỏng đầu óc nhưng hình ảnh cái cửa cứ lởn vởn trong đầu. Tiếng ngoao ngoao của con mèo không hiểu có thật hay không mà cứ ong ong. Cô bật cười.
Mạnh cáu kỉnh, nằm vật ra. “Bị sao thế?”

“Hí hí. Không, chả sao cả.” Thủy ấp mặt xuống gối, cắn môi để nén trận cười.

***

Liên hệ mãi, cuối cùng vợ chồng Thủy cũng gọi được bác sĩ thú y đến nhà. Mặc cho Mạnh càu nhàu, Thủy nhất quyết đi ra khỏi nhà để khỏi phải nhìn thấy cảnh xử lý con mèo. Cô dặn chồng khi nào xong việc nhắn tin thì cô về. Bác sĩ bảo chỉ mất độ nửa tiếng là xong.

Thủy tranh thủ đi siêu thị. Một tiếng sau, cô đã chất các thứ vào cốp xe máy, nhưng vẫn chưa thấy Mạnh nhắn tin. Cô hơi sốt ruột, gọi điện ngay. Không thấy Mạnh trả lời. Cô nhắn tin, rồi đi chầm chậm chờ đáp lại. Đi qua hai ngã tư, vẫn không thấy gì, Thủy sinh nghi. Cô quyết định phóng xe về nhà.

Càng về gần đến nhà, Thủy càng thấy hồi hộp. Tự nhiên tim cô đập thình thịch. Thủy ngây ra khi dừng xe trước cửa. Lần cửa gỗ bên trong mở toang, chỉ có cánh cửa sắt có khóa. Hẳn Mạnh đã chạy đi đâu đấy rồi. Những vết máu nhỏ còn dây trên nền xi măng ở bậu cửa. Thủy bỗng thấy buồn nôn.

“Mạnh nó đi tìm mèo rồi.”

Cái giọng quen của bà béo cất lên. “Con mèo nhà mày kêu điếc lỗ nhĩ hàng xóm, cào xước hết tay bác sĩ. Xong phát là nó chạy phắt.”

“Nhà cháu có xích cơ mà nhỉ.” Thủy cố kìm cơn buồn nôn.

“Chắc nó giật đứt cũng nên.”

Thủy mở cửa sắt. Bà béo định quay về, bỗng nhìn nhìn Thủy.

“Mày làm sao thế hả cháu?”

Thủy không trả lời, mím môi cười để khỏi ộc ra, tụt dép, vội vàng chạy vào toa lét.

Nôn xong, Thủy đi lấy nước súc miệng, cô chợt thấy điện thoại của Mạnh. Thì ra anh để quên ở nhà. Cô dắt xe, cất thức ăn vào tủ lạnh rồi lôi cái chậu nhựa ra lấy nước. Cô mím môi lấy đôi găng cao su xỏ vào tay, cầm bàn chải cọ vết máu ở bậu cửa rồi dội nước cho sạch. May mà bà béo đã về, không thì màn hỏi han chắc lại dài. Xong việc, Thủy thở dốc, vẫn để cửa mở rồi ra sofa ngồi. Thủy mở điện thoại của Mạnh ra xem có gì “hay hay” không. Chẳng mấy khi có cơ hội kiểm tra. Nhỡ đâu có chuyện. Nhưng chẳng có tin nhắn nào đặc biệt hay số lạ gọi đến ngoài mấy cuộc gọi nhỡ của cô.

“Đang làm gì đấy?”

Thủy giật bắn mình, đánh rơi cái điện thoại xuống sàn nhà. Mạnh mặc quần đùi áo may ô, tay xách hai chai bia, đứng ở cửa tròn mắt nhìn cô.

Thủy cười chống chế. “Em gọi mãi mà không được, tưởng ở nhà làm sao. Thế mèo đâu?”

“Chắc đau quá, chạy mất rồi. Tìm suốt chẳng được. Thôi chờ vậy.”

***

Đã gần một tuần, con mèo vẫn chưa về. Thủy đã đi khám và xác định có bầu. Mạnh dẹp đám bát thức ăn, chậu cát của mèo vào một góc sân thượng để dành chỗ cho cái máy sấy quần áo mới, như Mạnh nói là “để sấy tã cho em bé.” Đột nhiên mối quan tâm của mọi người xung quanh Thủy chuyển từ con mèo sang đứa bé tương lai. Nhà cửa tự nhiên sạch sẽ hơn, không còn cảnh xỉ than chất đống ở cửa, cũng không còn cái mùi chua chua khăn khẳn của mèo. Sự biến mất của con mèo vô tình giải quyết tất thảy sự rắc rối bấy lâu nay. Thủy bỗng ăn ngon miệng và khỏe lên, đến mức bà béo cũng phải nhận xét “cái Thủy béo trắng ra như con muồm muỗm”.

Hà Nội vào đợt nóng như thiêu, Thủy nghỉ ở nhà, định tranh thủ dọn dẹp và giặt giũ chăn màn trước khi bụng to hơn. Khi cô mở cửa ra sân thượng, bỗng một mùi thối sực ập đến làm cô xây xẩm, khuỵu xuống. Cô vội đóng cửa lại, trấn tĩnh rồi đi xuống nhà lấy khẩu trang bịt vào mũi và miệng. Cô cẩn thận lấy nước hoa xịt vào để át cảm giác ghê ghê đi. Cô thủ sẵn bình xịt thơm toa lét rồi thận trọng trở lại sân thượng. Không có dấu hiệu gì khả nghi. Cô nhìn lên mái tôn đang nóng giãy vì nắng hun hầm hập. Cô không muốn leo lên mở nắp mái ra kiểm tra, nhưng trí tò mò trỗi lên làm cô không yên. Cô ngần ngừ rồi quyết định chờ Mạnh về.
Nhưng cái mùi khó chịu cứ quanh quẩn. Còn nửa ngày nữa thế này chắc Thủy phát điên mất. Cô lại quyết tâm lần nữa. Để chắc chắn an toàn, cô kéo cái đệm xuống dưới chỗ cái thang rồi phủ tất cả chỗ chăn bông lên. Rồi mặc áo chống nắng, đeo thêm kính râm, cô leo lên cái thang sắt, mở nắp tôn ra.

Thủy rụng rời khi thấy xác con mèo nằm dưới ánh nắng chói chang và trong hơi nóng ngùn ngụt bốc lên từ mái tôn. Xung quanh nó là mấy phần còn lại có lẽ của một con chuột. Thủy run bần bật nhưng cố tự nhủ “bình tĩnh, bình tĩnh” khi leo xuống. Cô không kìm được, ồng ộc nôn ra đống chăn đệm bên dưới. Cô bật khóc, vội lấy điện thoại gọi Mạnh về.

***

“Anh chả thấy gì cả. Thề!”

“Chẳng nhẽ mắt em trông gà hóa cuốc!”

“Có cái để hóa cuốc đã hay, đây chẳng có cái gì hết. Mái tôn sạch trơn!”

Thủy thút thít khóc. Mạnh vội ôm lấy cô.

“Mình có bầu, ốm đấy mà. Đã bảo ở nhà thì nghỉ thôi chứ ai bắt làm cô Tấm thế.”

“Thế con mèo nó đi đâu nhỉ? Hay hồn nó về ám em?”

“Tưởng tượng nhiều quá đấy. Mai người ta đưa mình đi khám.”

“Em sợ lắm.”



Mấy tuần liền sau đó, Thủy không dám lên sân thượng. Thậm chí cô còn sợ về nhà một mình. Cho đến một hôm khi hai vợ chồng đi làm về, bà béo hàng xóm thông báo phát hiện ra con mèo bị một nhà đầu ngõ bắt bán cho bọn mua mèo. Sự tình được phát hiện là nhờ bà ta nhân một hôm hỏi xem mua mèo ở đâu, mấy người đầu ngõ mới nhắc đến chuyện “con mèo trắng hôm trước đẹp quá vừa bán.”

“Bọn mày phải đi báo tổ dân phố với công an khu vực đi chứ.”

Hai vợ chồng nhìn nhau.

“Thôi cô ạ, chuyện cũng đã xảy ra rồi. Có mỗi con mèo cũng chẳng phải làm to tát. Chắc người ta không biết là mèo nhà cháu.”

Bà béo vẫn khăng khăng nói phải đi tố cáo, nói “bọn mày không nói thì để cô nói. Nhất định họp tổ dân phố phải làm cho ra nhẽ. Nay ăn trộm mèo, mai ăn trộm cái khác thì sao.” Thủy lấy hết sức xoa dịu bà ta. Cô nghĩ, giờ còn hơi sức đâu làm tường trình với lại kiện tụng gì chứ.

Đêm hôm ấy, Thủy lại mơ thấy mèo./.


(c) Nguyễn Trương Quý

Nhận xét

Chu Chu đã nói…
hihi, hay đó ạn Quý, đọc một mạch hết luôn.:)
Unknown đã nói…
Mỵ đã ăn món tiểu hổ bao giờ chưa :-)

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm