Trịnh Công Sơn nhìn từ 3 châu lục
Nhạc Trịnh Công Sơn đã trở thành kinh điển ngay từ
khi ông còn trẻ. Vì vậy, không có gì lạ khi ông trở thành đối tượng nghiên cứu
về cả mặt âm nhạc lẫn xã hội và cả con người. Có thể không nói quá rằng Trịnh
Công Sơn đã từng là phần hồn của thế hệ tuổi trẻ Việt Nam trong nhiều chục năm biến động.
Đã có chừng 20 cuốn sách viết về Trịnh Công Sơn xuất
bản, và con số này chắc sẽ không dừng lại. Mỗi cuốn sách ra đời là một cố gắng
và tham vọng phân tích con người nghệ sĩ và tác phẩm của Trịnh Công Sơn, một
gương mặt âm nhạc nổi bật những năm tháng chiến tranh. Cũng như các ca sĩ thử sức
với nhạc Trịnh, mỗi người tìm cách ghi dấu ấn cá nhân với ca khúc của ông, thì
các tập sách viết về người nhạc sĩ này cũng cố gắng chứng tỏ mình là một sản phẩm
khác biệt và mới mẻ. Cuốn mới nhất, “Trịnh Công Sơn – Bob Dylan: như trăng và
nguyệt?” của John C. Schafer, vừa mới ra mắt có lẽ đem lại sự khác biệt lớn hơn
cả, bởi nhìn Trịnh Công Sơn ở góc nhìn so sánh với Bob Dylan, một thần tượng
nghệ thuật của nước Mỹ cùng thời.
Cuốn sách đáng chú ý ngay từ những người thực hiện.
Bên cạnh bài tiểu luận chính dài 150 trang của giáo sư người Mỹ John C. Schafer
do người bạn đời – dịch giả Cao Thị Như Quỳnh dịch ra tiếng Việt cùng rất nhiều
chú thích quan trọng, là lời giới thiệu của một giáo sư khác, Cao Huy Thuần,
người đã sống tuổi trẻ của mình với những giai điệu của Trịnh, đã yêu những bài
hát buồn nỗi buồn xứ Huế quê hương của mình. Cuốn sách cũng gồm bài nói về tiếng
hát Khánh Ly trong đêm nhạc nhớ Trịnh ở Paris năm 2011. GS Cao Huy Thuần là anh
của dịch giả Cao Thị Như Quỳnh, những người đồng hương với Trịnh Công Sơn. Thẩm
quyền của họ là thẩm quyền của người đã sống cùng thời với những bài ca của Trịnh,
của Dylan, những năm tháng cuộc chiến tranh trên dải đất chữ S.
John Schafer đã dạy học ở Huế vào những năm ấy, và nói
bằng chữ nhà Phật, cái “duyên” với văn hóa Việt Nam đã làm nên con đường nghiên
cứu của ông. Cho đến nay, ông đã có vài chuyên luận nghiên cứu về riêng Trịnh
Công Sơn. Ở cuốn sách mới nhất này, ông đã nhìn Trịnh Công Sơn ở góc độ ảnh hưởng
của Phật giáo. Khác với nhiều bài viết về nhạc Trịnh đầy ắp sự diễn cảm và từ
chương hóa, nghiên cứu của Schafer là cái nhìn mang một căn bản triết học và xã
hội học. Nó có cái vẻ cẩn trọng của văn bản khoa học, cái sòng phẳng của người
tách mình khỏi sự áp đặt tự nhiên từ ca từ tiếng Việt mà người Việt thường đắm
trong đó.
Có những phát hiện sâu sắc ở khía cạnh văn bản học
mà chính Schafer đã bày tỏ: “Cả Trịnh Công Sơn và Bob Dylan đều viết nhạc để
trình bày trước công chúng. Họ sáng tác cho đôi tai và con tim của người nghe,
chứ không phải cho đôi mắt và bộ óc của người đọc. Khi nghe nhạc Trịnh, Cao Huy
Thuần nói ‘người hát nghe giọng thơ nhiều hơn là nghe ý tưởng’. Những năm đầu của
thập niên 1960, các bạn tôi và tôi cũng nghe Bob Dylan như vậy. Chúng tôi không
phân tích, và hồi đó tôi cũng không bao giờ nghĩ rằng các sáng tác đầu tay của
Bob Dylan đầy rẫy những hình ảnh và tiếng vọng từ Kinh thánh. Có thể vì ngôn ngữ
Kinh thánh đã quá gần gũi đối với tôi, vì Kinh thánh được dùng nhiều trong tiếng
mẹ đẻ của tôi, nên tôi đã không để ý đến...”
Điều này cũng tương ứng với nhạc Trịnh với ca từ và
ý tưởng chứa đựng những khái niệm Phật giáo như tính không (không xa ngậm ngùi và cũng không xa nụ cười),
từ bi hỉ xả (yêu em lòng chợt từ bi bất
ngơ, miệng ngọt hạt từ tâm), vô thường (từ
đó ta là đêm, nở đóa hoa vô thường), pháp môn bất nhị (buồn vui kia là một, có chút lệ nhòa trong phút hôn nhau)… Những
khái niệm này thực tế đã xâm nhập vào ngôn ngữ tiếng Việt, đến độ chúng ta ít cảm
thấy, bởi lẽ như Schafer đã phân tích, đó là vì “tôn giáo là những cấu trúc văn
hóa và ngữ học tạo ra những kinh nghiệm cho chúng ta.” Người Việt tắm trong
quan niệm và cách ứng xử của một văn hóa mà Phật giáo đã bắt rễ từ những thế kỷ
đầu thiên niên kỷ trước, nên câu chữ chúng ta nói hàng ngày có những ngôn từ Phật
tính mà chúng ta sử dụng vô thức.
Tuy nhiên, lắng nghe âm nhạc cũng là thưởng thức bằng
cảm xúc. Cuốn sách cũng vậy, vẫn dành những trang gửi gắm niềm yêu mến đối với
tác phẩm âm nhạc của cả hai nhạc sĩ, nhưng đáng chú ý là Schafer dành tình cảm
nghiêng về Trịnh Công Sơn. Như Schafer đã đưa ra các dẫn chứng, về âm nhạc, Trịnh
Công Sơn không có những bài ca có lời lẽ thù hận phỉ báng con người hoặc một ai
trong khi Bob Dylan nhấn mạnh yếu tố này trong những ca khúc nổi tiếng nhất. Về
con người, Trịnh Công Sơn chấp nhận việc bị phụ tình và không oán hận những người
tình “bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”, những người tình vì sự sắp đặt của gia
đình đã từ chối tình cảm của người nhạc sĩ, trong khi Dylan thậm chí lên án hoặc
giễu cợt những người phụ nữ trong đời ông và chính ông cũng phụ rẫy họ. Tất
nhiên, như người Việt vẫn có câu “có tài thì lắm tật”, giá trị nhân văn mà các
nghệ sĩ này đóng góp cho cuộc đời đã vượt qua cả những khuôn khổ nhân cách cá
nhân của họ.
Cuốn sách đã vẽ nên không gian sống động của những mối
tình nghệ sĩ, chất men gây nên sự thành công của Dylan và Trịnh. Nếu như Dylan
có hai đời vợ và một dàn người tình, thậm chí cùng một quãng thời gian có vài
nàng thơ, với mối tình nghệ sĩ đặc biệt ban đầu là ca sĩ Joan Baez – người đã
góp phần đưa Dylan tới danh vọng, thì Trịnh Công Sơn cũng có rất nhiều người
con gái đi qua cuộc đời, và có một ca sĩ tri âm lừng danh là Khánh Ly. Những
trang viết về cuộc tình giữa Dylan và Baez giàu chất tiểu thuyết, sắc lạnh và đầy
cay đắng về sự khác biệt và đổi thay giữa những con người đồng chí hướng ban đầu.
Dylan đã từ chối đi tiếp cùng Baez trên con đường sáng tác âm nhạc phản chiến,
và có vẻ như bỏ rơi cô cùng những người bạn muốn có ông trong phong trào phản
chiến đang dâng cao tại Mỹ và khắp thế giới.
Sau dăm bài nhạc phản kháng (chủ yếu là phản kháng lại
tình trạng bạo lực đe dọa của thời đầu Chiến tranh Lạnh, giai đoạn sáng tác ngắn
ngủi trong những năm 1962-1963), Dylan chuyển sang xu hướng nhạc tôn giáo và những
bài “phản tình ca”, trong khi Baez theo đuổi phong trào hòa bình trong thời Chiến
tranh Lạnh và bản thân cô đã tới Hà Nội năm 1972 đúng dịp tổng thống Nixon cho
ném bom miền Bắc Việt Nam. Còn Trịnh Công Sơn, ông đã có tới 69 ca khúc phản
chiến, và mục đích rất rõ ràng: phản đối chiến tranh đang diễn ra trên đất nước
mình và kêu gọi hòa bình trở lại. Những thông tin tỉ mỉ như thế, người đọc hoàn
toàn có thể thỏa mãn trong cuốn sách công phu này.
Bổ sung cho khía cạnh cảm xúc của cuốn sách là những
trang viết của Cao Huy Thuần. Tác giả này đem lại cho người đọc hình dung về một
thế hệ đã sống bằng lời ca Trịnh Công Sơn, đã khóc với những bi kịch của đất nước
chiến tranh, và cũng biết làm giàu cho tâm hồn bằng những lời yêu đẹp đẽ nhất
mà người Việt có được trong ca khúc Trịnh Công Sơn. Bằng lối văn nhẹ nhàng thâm
trầm, cái ý nhị của một tâm hồn Huế và tình tứ của văn hóa Pháp (ông là giáo sư
tại ĐH Picardie, Paris), những trang mở đầu và lời bạt cuốn sách của Cao Huy
Thuần là những tham chiếu đầy sức nặng cho chuyên luận nghiên cứu của Schafer.
Người ta dễ viết về âm nhạc Trịnh Công Sơn hay giọng ca Khánh Ly với những lời
tán dương hoa mỹ hoặc bị quan điểm chính trị chi phối. Nhưng Cao Huy Thuần viết
về Trịnh hay Khánh Ly là viết về ảnh hưởng nghệ thuật mà họ đem lại, ảnh hưởng
đã thắp suốt nửa thế kỷ qua nơi tim mỗi người Việt, dù họ ở đâu.
Cuốn sách là cuộc gặp gỡ từ ba châu lục, ba vùng đất
(Việt, Mỹ, Pháp), vô tình mà nên một cuộc khảo sát đi sâu từ triết học, tôn
giáo cho đến ngôn ngữ. Nó khẳng định một điều, sẽ là ngớ ngẩn khi tự sướng với
những danh hiệu hão huyền hoặc xưng tụng ồn ào kiểu “Trịnh Công Sơn là Bob
Dylan của Việt Nam”, hoặc chắp nối các nhân vật một cách gượng ép theo cách
nhìn “thực dân”. Nhưng cuốn sách cũng khẳng định lại một điều đã được thừa nhận:
một trải nghiệm đi từ đời sống một dân tộc, phản chiếu những đòi hỏi nhân văn
và ra đi từ trái tim của một thế hệ, nó không vô danh bên lề thế giới rộng lớn
này. Những cuộc đấu tranh có vẻ nhỏ nhoi, thuộc về một bộ phận con người khuất
nẻo đâu đó nơi tận cùng thế giới, nhờ đó mà đã lay động cả nhân loại. Nhìn ở
khía cạnh ấy, Trịnh Công Sơn hoàn toàn có thể đứng cạnh Bob Dylan, “như trăng
và nguyệt”.
Nguyễn
Trương Quý
(TT&VH Đàn Ông 7-2012)
Nhận xét