Đừng tưởng thời xưa đã tốt lành hơn về đạo đức. Nhưng…


Đây là bài trò chuyện giữa tôi và anh Jason Gibbs trong tuần trước, đăng tại đây: http://soi.com.vn/?p=76054. Mọi người vào SOI đọc để xem các ý kiến phản hồi.

Trương QuýLần này anh trở lại Việt Nam đúng lúc truyền thông đang nóng lên với chuyện báo “lá cải”. Mặc dù chủ đề rộng ra cả các vấn đề xã hội như tiêu dùng, mại dâm… nhưng cái đinh của sự tranh cãi nằm ở chuyện những nhân vật của nó thuộc giới showbiz, mà ở Việt Nam thì lâu nay được xếp vào mục “Văn hóa-giải trí” của các báo. Showbiz Việt Nam đến giờ chủ yếu vẫn chỉ sôi động ở khu vực ca nhạc biểu diễn và các chương trình giải trí truyền hình. Anh có hình dung ra một khung cảnh Việt Nam như thế trước khi quay lại không? Nó có phải là hiện tượng đột biến gì so với lịch sử nền giải trí thế kỷ 20 của Việt Nam mà anh vẫn nghiên cứu bấy lâu nay không?
Jason Gibbs: Không có gì mới trên trái đất này – từ khi con người biết đọc đã có những văn phẩm với chất “lá cải.” Đọc các báo Việt Nam thời thập niên 1930-1940 có những người phàn nàn về “tiểu thuyết năm xu.” Sau 1954 thì có những độc gửi thư lên báo muốn xã hội cấm các tiểu thuyết “cao bồi” đối với trẻ em. Nhà chức trách càng cấm thì độc giả càng ham tìm và đọc. Vậy cho bán công khai là liều thuốc tốt chứ? Quan niệm của tôi là đọc cái gì cũng được miễn là đọc. Văn chương lá cải vẫn hay hơn nhiều trang web và trò chơi điện tử.
Trương QuýTrong một cuộc nói chuyện hôm qua, anh có nói ở Mỹ thì văn hóa đại chúng có sự biến đổi từ khi Britney Spears xuất hiện, và có vẻ cũng hơi… lá cải hơn trong thông tin đã được trực tuyến hóa toàn cầu. Chẳng lẽ Britney lại có “tầm vóc” đến thế? Hay cô ấy là gương mặt tất yếu của trào lưu?
Jason Gibbs: Từ khi có kỹ nghệ quảng cáo thì có khuynh hướng tìm kiếm phát hiện thứ có thể gây ấn tượng cho các đối tượng tiêu thụ. Trước trường hợp của Britney Spears thì 20 năm trước ở Mỹ đã có trường hợp của Madonna. Với điện ảnh Pháp thì đã có Brigitte Bardot, hay nói xưa hơn thì Hedy Lamarr. Có lẽ Britney Spears hơi khác vì cô ấy như một sản phẩm được tạo ra từ một xưởng kỹ nghệ, nhưng xưởng ấy sử dụng kỹ thuật quá công phu, hiện đại và có chất lượng tốt. Vì có hẳn một ê-kíp rất đẳng cấp đứng đằng sau thì tôi nghĩ rằng Britney Spears cũng có cái gì đó đáng để tìm hiểu.
Trương QuýĐiều này thì chắc không chỉ ở Việt Nam mà mọi nơi, đời sống giải trí với đời sống kinh tế xã hội và cả đời sống chính trị có hiệu ứng bình thông nhau. Ở Pháp, việc phu nhân Tổng thống là ca sĩ, người mẫu Carla Bruni cũng tốn giấy mực cho báo chí, còn ở Mỹ thì mỗi mùa bầu cử là từ giới truyền thông cho đến Hollywood lại bận rộn với việc ủng hộ ai và ra sản phẩm bày tỏ thái độ thế nào. Nhưng sự bùng phát của các tờ báo với những tin bài về “cướp, giết, hiếp” hay sao “lộ hàng” đến độ chóng mặt ở Việt Nam thì tôi liên tưởng đến hồi mới có món lẩu ở Hà Nội. Lúc ấy dường như mở cửa ra là thấy lẩu, từ lẩu Tứ Xuyên, lầu gầu bò, lẩu gà ngải cứu, lẩu ếch, lẩu riêu cá chép, lẩu lòng, lẩu nấm… Nếu tôi không nhầm thì trước những năm 1990, không mấy ai ở Hà Nội biết lẩu là gì. Mọi người quen với các món căn bản, rõ ràng, phở ra phở, cơm tám giò lụa hay các thức quà thức nhậu đơn giản, phức tạp nhất có lẽ là vài đĩa xào. Tôi nói hơi dài vậy để tự trấn an rằng, sự “bát nháo” hiện giờ chẳng qua như một món lẩu, rồi mọi sự sẽ lành mạnh trở lại, người ta sẽ tôn vinh những đêm nhạc giao hưởng vì chất lượng nghệ thuật thực sự chứ không vì có chân dài nào đi xem chẳng hạn. Liệu tôi có lạc quan quá không?
Jason Gibbs: Người tiêu thụ có nhiều chọn lựa – như thế chắc là tốt chứ? Tất nhiên vì có nhiều công ty và cá nhân đang cạnh tranh để lấy tiền của người tiêu dùng thì họ sử dụng đến nhiều cách (hay mánh khóe) để được lấy tiền ấy. Nếu họ quảng cáo theo cách chuyên nghiệp nhất, họ tìm cách để đi sâu vào tiềm thức của người tiêu thụ. Một lẽ dĩ nhiên, thành phần tiêu thụ quan trọng nhất hiện nay là lứa thanh thiếu niên. Với lứa tuổi mới lớn thì khám phá các đề tài về tình yêu và tình dục là một nhu cầu cao (dù nhu cầu ấy chỉ hiện lên trong tiềm thức). Vì vậy các cô “chân dài” có một sức quyến rũ khó tránh.
Còn đi sâu hơn nữa trong tiềm thức thì nhân loại vốn có gốc từ một xã hội đi săn (hay có thể “bị săn”) thì trí não của con người luôn luôn phải cảnh giác, suy xét đến hoàn cảnh của mình khi cảm thấy bị lâm vào cảnh nguy hiểm (quá trình đó sản xuất adrenaline, hormone cho tuyến thượng thận, có tác dụng kích thích – T.Q). Như vậy khó tránh khỏi việc mắt bị thu hút trước các chuyện đâm chém, đánh nhau, tai nạn, v.v… Điều tôi chưa hiểu là tại sao nhiều người cứ thích bị làm giật gân liên tục – tại sao không tẩy chay các tờ báo nhấn mạnh những điều kinh khủng trong xã hội?
Mặt khác là về các món ăn thì cũng thế – mọi món ăn thường là “biết rồi” – con người luôn hướng tới cái mới, dù cái mới không có gì mới mấy.
Trương QuýNếu nhìn vào chu kỳ phát triển của lịch sử văn hóa phổ thông, thì giai đoạn này của Việt Nam có thể học hỏi được gì từ quá khứ của các nước phát triển như Mỹ chẳng hạn?
Jason Gibbs: Đương nhiên là như vậy. Nhưng chính người Mỹ biết ít về lịch sử của mình. Đọc những tờ báo cũ là một cách rất hữu ích nếu đánh giá đúng cái thời của mình. Nếu các tờ báo đưa tin đúng thì xã hội nào cũng có rất nhiều chuyện không đẹp xảy ra – nhân loại vốn là như thế. Cũng có người phê phán mong muốn cải tiến xã hội sẽ thành tiến bộ hơn. Việc cải tiến ấy thì lại đến quá chậm (nếu như có đến).
Trương QuýĐiều đáng lo ngại trong tình trạng tràn lan của tin tức “phía dưới thắt lưng” là không có sự kiểm soát hay trông chừng nào đối với trẻ em. Theo Tổng Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm – Bộ Công an, trong 5 năm từ 2006-2010, có 7.861 vụ xâm hại trẻ em, trong đó, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em chiếm 58,8% số vụ xâm hại trẻ em. Có 2.709 vụ là tội hiếp dâm trẻ em và 2.718 trẻ em trong cả nước bị cưỡng bức bị phát giác. Tính bình quân, một năm có gần 1.000 trẻ em bị xâm hại tình dục.
Năm ngoái, vụ Lê Văn Luyện giết cả gia đình chủ hiệu vàng ở Bắc Giang khi mới 17 tuổi nên chưa bị khép tử hình đã gây dư luận nhiều chiều. Chưa có kết luận đúng sai nhưng ta đã có thể kiểm chứng ảnh hưởng của truyền thông. Năm nay, khi bị bắt vì một vụ giết người để cướp vòng bạc ở Hưng Yên, can pham là một thiếu niên mới 15 tuổi đã trả lời: “Anh Luyện cướp vàng, còn cháu chỉ cướp bạc.” Mức độ đậm đặc đến độ li kì của thông tin trên các trang báo giấy và mạng đã đem lại “kiến thức” cho các tội phạm trẻ mà không cần tham khảo đâu xa. Liệu có thể kết án chính truyền thông đã nhào nặn nên bối cảnh này không?
Jason Gibbs: Xin lỗi – tôi nghĩ rằng câu hỏi nằm ngoài phạm vi nghiên cứu của tôi. Nhưng cái gì thuộc về nguy cơ trong tổ ấm của gia đình sẽ luôn gây sự chú ý của độc giả / khán giả. Nhất là vì đạo đức trong gia đình là nguồn gốc của nhiều lo âu hiện nay. Nhưng đừng tưởng rằng thời xưa đã tốt lành hơn về đạo đức.
Trương QuýHiện tại đang có cuộc tranh cãi đổ lỗi giữa các báo “bảo vệ pháp luật” chuyên đưa tin sốc, nóng về các vụ việc phạm pháp và giới showbiz gây xì căng đan (tạm gọi là báo gây sốc) và các báo còn lại lên tiếng chỉ trích. Các báo gây sốc thậm chí còn nói rằng các báo chỉ trích hãy xem lại mình đã phục vụ được độc giả như mong muốn chưa, hay chỉ là sự vu khống và ghen ăn tức ở. Bởi vì báo bán chạy theo họ là phản ánh nhu cầu của độc giả trung thực, gây sốc cũng là để gây chú ý và nhiều khi là “cảnh tỉnh” dư luận. Trong khi đó, tôi biết rằng để đặt một nhà báo nào viết bài điểm sách rất khó. Đa phần là lấy nguyên thông cáo báo chí do nhà xuất bản hoặc công ty in sách phát ra, xào xáo lại rồi đăng. Đến mức giám đốc một công ty sách tư nhân rất uy tín đã nói với tôi, bây giờ những kênh quảng bá sách cổ điển như trên báo không còn hiệu quả nữa, và chính công ty anh cũng phải làm cả những dòng sách “rẻ tiền hơn” để nuôi những cuốn sách nặng ký, khó bán mặc dù chất lượng văn học thuộc dạng kinh điển. Tôi nghĩ không phải vòng vo, thực sự Việt Nam đang có cuộc khủng hoảng sâu sắc về tinh thần. Nó có thể là hệ quả của khủng hoảng kinh tế, nhưng chắc chắn nó là hệ quả từ một khủng hoảng đã lâu, khủng hoảng tri thức cộng đồng, mà sách vở hay báo chí là bề nổi dễ thấy nhất. Tôi rất muốn anh chia sẻ đôi điều về chuyện này ở góc độ một nhà nghiên cứu nhìn từ bên ngoài.
Jason Gibbs: Vai trò của một tờ báo (hay bất cứ văn hóa phẩm nào – hay nói sâu hơn, bất cứ sinh hoạt kinh doanh nào) trong một thời “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” là như thế nào? Có vẻ như câu trả lời ở Việt Nam (và nhiều nước khác) là làm giàu – kiếm tiền càng nhiều, càng nhanh thì càng tốt. Vì hoàn cảnh ở Việt Nam chỉ mới đây tạo điều kiện để làm giàu thì có lẽ người Việt vẫn “khát” tiền một cách gây tai hại cho mình và gây tai hại cho xã hội xung quanh. Nếu tiền bạc là nhất thì “chân thiện mỹ” ra sao? Chân thiện mỹ cũng là một nhu cầu của con người. Các ấn phẩm mà anh gọi là “rẻ tiền” rất dễ gần với độc giả, nhất là với độc giả trong một xã hội sống nhanh như Việt Nam hiện nay. Trong khi đó, đọc văn chương kinh điển thì lại đòi hỏi nhiều thứ ở người đọc.
Làm thế nào để tạo ý thức đọc sách trong một cộng đồng? Tôi nghĩ là phải cho đọc, đọc nhiều từ trẻ – và đọc cái gì cũng được. Có ai viết điểm sách cho loại văn chương bị coi rẻ? Không biết có văn chương rẻ tiền nào có những nét nên khuyến khích để thành “đắt tiền” hơn (về nội dung thôi – về giá cả thì cứ nên rẻ để đáp ứng nhu cầu của người bình dân đọc). Nếu có các trang báo điểm sách viết về cả văn chương rẻ và văn chương vừa (chưa phải là đắt) thì có lẽ độc giả của báo sẽ tìm đến các tác phẩm. Về văn hóa showbiz – thì các nghệ sĩ và khán giả thì không thể nào trẻ mãi – tất nhiên các nghệ sĩ và khán giả sẽ trưởng thành. Nhưng hành động “gây sốc” có thể thành mồi để rủ người bình dân đến với nhiều cấp độ văn hóa khác nhau.
 *
Jason Gibbs, sinh năm 1960, là nhà soạn nhạc, nghệ sĩ trình tấu kèn basson, tiến sĩ khoa Lý thuyết âm nhạc và sáng tác của Đại học Pittsburgh, hiện làm công tác thư viện ở Thư viện Công cộng San Francisco. Jason theo đuổi đề tài âm nhạc Việt Nam từ khi đến Việt Nam lần đầu năm 1993. Anh từng xuất bản những bài nghiên cứu về nhạc Việt trên nhiều tạp chí văn hóa nghệ thuật. Cuốn sách tập hợp các bài nghiên cứu của anh đã được in ở Việt Nam năm 2008 với tên gọi Rock Hà Nội và Rumba Cửu Long (Nguyễn Trương Quý dịch, NXB Tri Thức). Anh vẫn đang tiếp tục với các đề tài âm nhạc phổ thông Việt Nam và cộng tác viết cho một số báo của Việt Nam.

Nhận xét

TD đã nói…
Chao anh Quy. Cam on bai viet cua anh rat nhieu. Chi co mot gop y nho: neu bai phong van xay ra tuan truoc thi phu nhan tong thong Phap khong con la Carla Bruni nua roi :)) Co le anh nen them chu 'cuu' cho ro rang hon (xin loi vi khong go duoc dau tieng Viet).
Tran trong,
Thao
Unknown đã nói…
Cảm ơn bạn. Có lẽ có chữ cựu thì rõ ràng hơn thật :-)
Unknown đã nói…
Nhưng mà ở đây muốn nói cái việc phu nhân TT là Carla - chuyện đã xảy ra rồi - chứ không nói về việc lúc nào... Hì hì :-)
Titi đã nói…
Theo chị, Việt nam cứ trở thành 1 xã hội văn minh đi thì văn hóa cũng như kinh tế, phân chia rõ ràng tầng bậc hạ, trung, cao. Khi ấy, người ta không lăn tăn gì nữa về các loại báo, sách. Báo nào, sách nào sẽ có độc giả của báo ấy, sách ấy . Không thể bắt một anh lao công đọc sách đoạt Nobel nếu anh không thích , cũng như không nên sợ báo lá cải sẽ làm băng hoại giới Elite ...he he...
Unknown đã nói…
Nhưng Titi ơi, bây giờ hình như báo lá cải tôn vinh ai thì người đó vào giới elite liền à :-)
An Thảo đã nói…
Em Ti làm như xã hội là... tôm nõn, chỉ cần sàng sảy là ra hạng :))
Unknown đã nói…
Lúc đó chúng ta có biết mình được xếp vào hạng gì không, các chị :-)
Titi đã nói…
hé hé... AT bìn tĩn nào, nước mình thì khó sàng sảy lắm, thế nên em mới giả định "nếu"


@TQ: ở VN hiện nay, đầy Elite dởm em ạ :-P
Titi đã nói…
À , còn câu hỏi hạng gì nếu được xếp hạng thì chị nói chị là ngoại hạng ...hú hú...
Unknown đã nói…
Em biết mình hạng gì, hạng ruồi :-)
Titi đã nói…
vô địch hạng ruồi đích thị là rất VN đoá hihi...

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm