Cái liếc mắt ở Đồng Khởi

Hôm nay mới cầm quyển sách mới của mình đọc lại. Một số bài đọc lại không thích lắm, nhưng cũng trót cho vào rồi, có lẽ để khách quan nhận xét chuẩn hơn. Mục lục các bài như sau (bắt chước các album đăng bài lên cho người nghe download vài track :-)):

Từng cây số từ Hà Nội (thay lời đầu)


Mốc số 0

Giải nóng lâm thời

Hạnh phúc trên yên xe

Bốn bánh bay lên đỉnh

Nhấm nháp lịch sử

Hà Nội dòng chìm dòng nổi

Hà Nội có cầu Chương Dương

Có những người đi không về

Hà Nội thời Đại Số

Mười năm đồng hành

Luật Trung Thu

Bốn ngày ngập Hà Nội

Rau tươi sách sạch

Văn Bờ Hồ

Ngàn năm sẽ là vô nghĩa

Món khai vị và con cá lớn


Cây số 50

Đức tin nhìn từ Hà Nội

Điểm đến trước khi chết

Xuân nào vui hơn

Món quà xuân xứ Bắc


Cây số 100

Ở nơi nghìn đảo đá

Phượt

Quê


Nghỉ chân

Cũng một chữ Hổ

Sức mạnh của kẻ dạt vòm

Tay ta vượt đèo

Trịnh, rock: Đi tìm cái nguyên thủy


Cây số 1000

Thành phố giữa đàng

Cõi hạnh phúc của biển

Cái liếc mắt ở Đồng Khởi

Một ngàn bảy trăm cây số từ Hà Nội

Siem Reap bậc thềm Angkor


Sách có ảnh của các anh chị em: Hòa Trịnh, Đoàn Bách, Minh NN, Vàng Anh và nhiều ảnh tư liệu cũ. Tất nhiên ảnh của tác giả là nhiều nhất :-)

Về bìa của bộ sách, phải cảm ơn một loạt họa sĩ đồng nghiệp cùng cơ quan đã quân sư: anh Sinh - người đã nhiệt tình gợi ý màu và bố cục, chị Ly Hoàng Ly - đã có gợi ý rất vui: cho chữ "rất khó" nhỏ hơn hai dòng kia, kiểu nói hạ giọng cho quan trọng, và anh Nam đã tìm cho font chữ đẹp.

Trừ 1, 2 bài viết từ năm... 2004, còn thì là khoảng 2008-2009.

Sau đây là một bài chưa post lên đâu (đã đăng trên Jet Star theo đặt hàng của bạn Lâm):

Cái liếc mắt ở Đồng Khởi

Sài Gòn chắc chắn là nơi có số lượng “Tây” nhiều nhất Việt Nam, và loanh quanh thế nào, thì khu vực đường Đồng Khởi dường như là cái rốn tập trung những loại người này. Nói đến “Tây” – một danh từ của thời Pháp thuộc để lại từ một hai thế kỷ nay để nói về những người phương Tây hay rộng hơn là người nước ngoài – trong suy nghĩ của người Việt vẫn đồng nghĩa một cách hơi buồn cười với 3 chữ T: tiền, totình. Bỏ qua cái vẻ hài hước có phần tự ti của người Việt, rõ ràng họ ý thức rằng những vị khách này là cơ hội làm ăn của họ, và dĩ nhiên với sự khác biệt văn hóa Đông Tây, nhu cầu khám phá và giao lưu về tình cảm dễ nảy mầm hơn bao giờ hết ở cái thời con người dằn vặt với cô đơn một cách hiện sinh thế này. Theo chân cô bạn nhà báo, tôi ngẫu nhiên khám phá đường Đồng Khởi và khu trung tâm Sài Gòn - một lựa chọn thoạt tiên có vẻ dễ dãi. Đồng ý với cô bạn rằng, Đồng Khởi là căn cước văn hóa cho Sài Gòn cả thế kỷ qua, nhưng thái độ đề cao vai trò của con đường này làm tôi hơi bị dị ứng lúc ban đầu. Làm gì đến mức cứ đến Sài Gòn là phải “điểm danh” ở khu vực đường Đồng Khởi!


Con đường thời những năm 1970 với tòa nhà cũ của khách sạn Caravelle


Nhưng mà với con đường trót mang chức phận “đại diện văn hóa” và hơn thế, cửa ngõ với thế giới, thì lúc nào cũng có gì đó xảy ra. Một trăm năm trước, đường Catinat xưa là do người Pháp tạo ra, phục vụ nhu cầu của những người phương Tây đến định cư ở đây, và bây giờ, con đường mang tên Đồng Khởi phải là chính nó với cảnh những “ông Tây bà đầm” đang nườm nượp đi từ vỉa hè trước mặt khách sạn Caravelle băng sang café Gloria Jeans bên kia đường. Ngày xưa cụ kỵ họ là ông chủ thực dân oai vệ trên xe hơi, ngày nay họ là bạn làm ăn, và hơn nữa, là những đối tác. Chữ partner trong tiếng Anh, cũng dùng để chỉ đối tác tình cảm nữa.


Cô bạn lôi tôi đi đến Q Bar ở tầng hầm Nhà hát thành phố một tối thứ bảy. Trong một tối khuya bên ly Mojito giá 5 đôla, tất cả đều có thể bắt đầu sau cái liếc mắt. Màu hồng hồng của nội thất quán Bar khêu gợi. Tường trắng cũng pha hồng của Nhà hát. Dãy ghế sơn trắng điệu đà. Vườn hoa với những hàng cây sao thẳng đứng, bên kia là khách sạn Caravelle bóng loáng. Và trước mặt là đường Đồng Khởi với những mặt tiền thời trang thắp đèn vàng nhạt. Tất cả như những tiện nghi dọn ra cho những cuộc hẹn. Cái lãng mạn của đêm hẹn hò chen cảm giác ướt át trong khi bầu trời đêm vẫn hửng lên những quầng sáng của thành phố ngủ muộn. Khác với các con đường tắc nghẽn ban ngày và ầm ĩ ban đêm, buổi tối ở Đồng Khởi ít bị nhiễu xe máy. Không còn lỉnh kỉnh mũ bảo hiểm, những người muốn đi tìm một bạn tình trong đêm cũng quyến rũ hơn, thong dong hơn trong mùi nước hoa Pháp.


Cô bạn nhà báo ý thức sự hấp dẫn của mình, thả mái tóc dài đi qua hai dãy bàn ngoài trời. Đủ màu da. Những cái liếc mắt thăm thẳm trong bóng tối. Biết có những cặp mắt nhìn theo mình, cô nói đến đây “chỉ vì uống và thích ngồi” chứ cô dám chắc cực dễ bắt bồ. “Gạt đi không hết”, cô luồn tay vào tóc, thản nhiên nói, “ở đây nhiều người cô đơn đi tìm bồ, mình thì chán rồi”. Bàn bên, một người thanh niên Việt Nam cơ bắp lực lưỡng, mặc áo thun ngắn tay bó sát, bắt chuyện với một ông trung niên da trắng. “Gay. Nhìn là biết”, cô bạn khẳng định.


So với chỉ vài năm trước, tính quốc tế hóa của con đường tăng lên đáng kể, và lý do là sự hiện diện của tinh thần “đô thị thế giới” ở đây. Gần như tất cả các quán café và bar trên khu vực này đều mang tên tiếng Anh hoặc Pháp. Những quán được nhắc đến nhiều nhất vẫn là Gloria Jeans, Samsara (đều tại nơi có tên cũ là Brodard), Givral, Mojo, Highland Coffee… Những cái tên đầy ám ảnh nhục cảm như Lush, Heart of Darkness, Wild Horse. Ngay việc quy định tên các cơ sở kinh doanh phải có tên Việt Nam cũng không cưỡng lại được quy luật của thế giới toàn cầu hóa. Có những cái tên lại vốn là di sản tinh thần lớn nhất của nơi đó, như khách sạn Continental, Caravelle, hay café Givral. Ở đây, cái huyền thoại chen lẫn cái thời thượng. Nhưng như những gì gắn với thời trang, xu hướng nhục cảm lên ngôi. Tóc suôn, áo hai dây, kính râm tối màu, tay xách túi LV, đó là những cô nàng bước ra từ Mojo. Đồng Khởi hình như đã thành một runway quy ước.


Ở đường Đồng Khởi, chất nhục cảm không lồ lộ như các khu Silom hay Patpong của một đô thị rất hay dùng để so sánh với Sài Gòn là Bangkok. Nhưng cũng chính vì sự kín đáo ở mức độ nhất định lại khiến cho cảm giác có phần đậm đặc. Khéo léo pha trộn một lịch sử nhiều biến động, một bối cảnh Á Đông vẫn duy trì những giá trị Nho giáo với đôi nét hiện sinh của lối sống đương thời, cư dân khu vực này của Sài Gòn dường như biết cách hấp dẫn người từ xa đến. Dù ăn mặc có phần cấp tiến, lối thời trang của nơi đây vẫn mang một gout nhã nhặn. Nó chưa phải là trung tâm avant-garde của thời đại. Hãy còn chưa tới thời của một nơi “phải đến trước khi chết”. Mặc dù chưa phải là bãi đáp cho những phi cơ tìm kiếm bạn tình dễ khiến người ta lè lưỡi nghĩ xấu, nhưng Đồng Khởi đã hứa hẹn là sân bay thú vị đón khách.


Tượng Đức Mẹ trước nhà thờ Đức Bà, phía đằng xa là tòa nhà Diamond Plaza.


Trong một thời gian dài, quan niệm về văn hóa của Việt Nam có phần đóng khung ở những hoạt động cổ điển, theo đường lối chính thống, và ảnh hưởng mạnh của đạo đức Khổng Mạnh. Đường Đồng Khởi trong cấu trúc đô thị của khu vực trung tâm lõi của Sài Gòn, dường như cũng là hàng rào văn hóa cuối cùng trước khi cơn lũ lối sống phương Tây dạt vào những nền nếp truyền thống bản địa. Những mặt tiền thời Pháp còn níu kéo chút hơi hướm kiến trúc kết hợp với những nét hoa văn Á Đông đã dần ít đi so với những mảng kính lớn trưng bày hàng xa xỉ toàn cầu. Nhà hát lớn kiểu Pháp đã lép vế so với Caravelle từ 9 tầng lên đến 18 tầng ngay sát nách. Hoa văn thạch cao và vôi vữa đã kém thế so với nhôm kính sáng choang.


Đêm thứ sáu. Đã so sánh với Bangkok thì cũng nói luôn về điểm đến bí hiểm cuối cùng của Đồng Khởi – bar Samsara – nơi được coi là góc Bangkok trong lòng Sài Gòn. Tương phản với những hình ảnh nhẫn nại quen thuộc của Đức Phật trên các tranh tường và mầu xanh olive trầm là đám đông nhộn nhịp những người ăn mặc sexy đủ màu da. Các phục vụ bàn mặc áo thun không tay bó sát và quần shorts trắng khêu gợi. Trên đầu những mái tóc nhuộm là những cái mũ chóp với tai thỏ giả vờ pha tí ngây thơ. Người ta không còn e dè liếc nhau như ngoài trời, ở đây người ta nhìn thẳng nhau cười cười. “Have a friend? Singapore?” Một cậu trai cao ráo, áo sơmi hoa phanh ngực cầm chai Corona quay sang hỏi, mắt nhìn ướt át. “Không, tôi là người Việt”. Cậu trai lẩn vào đám đông đang nhảy nhót. Lát sau, đã thấy cậu ta nói chuyện rôm rả với một người đàn ông nước ngoài mặc áo ba lỗ. Dọc theo quầy, từng cặp Tây Ta ngồi như bồ câu đậu hàng rào.


Quán Gloria Jeans sáng chủ nhật nắng đẹp. Café ở đây có lẽ là có giá đắt nhất Sài Gòn. Ngồi uống tách cà phê 5 đôla ở đây mà quan sát thì mới thấy đường Đồng Khởi không phải dành cho Tây balô như các quyển sách du lịch bỏ túi vẫn dẫn dụ. Mật độ quán dày đặc xung quanh: tầng trên là Samsara, đối diện là Mojo, bên đường Nguyễn Thiệp là những café trứ danh khác: Ciao, Lemon Grass, Augustin. Gọi theo cách người Việt nói bây giờ là “đắt lòi mắt” mà quán nào cũng đông khách. Cô bạn nhà báo lại nhận ra từ bên kia đường, chàng trai đêm thứ bảy xuất hiện ở Q Bar lượn qua cửa quán. Vẫn áo thun bó sát, anh chàng bước đi mỉm cười rất tự tin và khiêu khích. Trong quán này, ai là partner của anh ta nhỉ? Ai quan tâm chứ. Nhưng bạn cũng liếc mắt đấy thôi. Hẳn nhiên rồi, đây là đường Đồng Khởi cơ mà.


Phụ chú:

Chốn uống


Q Bar: Quán bar có vị trí độc nhất vô nhị: tầng hầm Nhà hát thành phố. Quán còn có khu vực uống ngoài trời bên hông Nhà hát. Vì thế có kiểu cách của một quán café Paris hơn là một quán bar nhiệt đới. Quán chủ yếu phục vụ buổi tối.


Highlands: Nằm trong chuỗi quán mang tên thương hiệu Việt Nam nổi tiếng. Nằm ở tầng trệt tòa nhà Metropolitan, đầu đường Đồng Khởi, gần nhà thờ Đức Bà. Menu café của Highlands không có nhiều lựa chọn song chất lượng tốt và địa điểm được đánh giá cao. Chỗ ngồi lộ thiên là nơi các celebrity ưa thích.


Givral: Nhà hàng ăn uống và café nổi tiếng ở Sài Gòn, thành lập từ năm 1954. Nằm ở 169 Đồng Khởi, đối diện khách sạn Continental và Nhà hát thành phố - những địa điểm lịch sử quan trọng của Sài Gòn. Có thể phục vụ đến 500 khách, giá cả từ 30.000-70.000VND/món. Givral không phải là quán lâu năm nhất hay đạt được những tiêu chuẩn hảo hạng, song chắc chắn danh tiếng có thừa. Nhiều văn nghệ sĩ, chính khách và cả các tình báo viên thời chiến đã chọn làm nơi ngồi ưa thích.


Điểm shopping


Louis Vuitton: Nơi giới thiệu những sản phẩm cao cấp của nhãn hiệu đồ da hàng đầu thế giới. Vị trí được xem là đẹp nhất Sài Gòn: góc đường Đồng Khởi và Lê Lợi, nhìn đối diện Nhà hát thành phố và KS Caravelle. Cửa hàng chiếm trọn tầng trệt của tòa nhà mang phong cách kiến trúc tân cổ điển Pháp với tông màu vàng kem và xanh olive đậm, thích hợp với một nhãn hiệu nổi tiếng đến từ thủ đô thời trang.


Tiệm sách vỉa hè: Tại các tiệm sách vỉa hè chỉ có một sạp hàng nhỏ nhưng khách có thể mua bất cứ loại báo chí quan trọng nào của thế giới. Điểm thú vị của những tiệm sách này là phải hỏi người bán. Đừng để mắt bạn đánh lừa bạn. Người bán sẽ lấy cho bạn một quyển sách hay tờ báo hiếm hoi sau mười phút nếu như bạn thật sự cần. Hơn nữa, giá cả thì cũng rất bất ngờ.


Xuân Thu – Xunhasaba: Cửa hàng sách ngoại văn dễ tiếp cận nhất đối với người nước ngoài. Bên cạnh đó còn có các ấn phẩm tiếng Việt phổ biến. Vị trí đối diện với KS Continental là một dấu mốc dễ nhận ra đối với người qua đường. Vào thời điểm cuốn sách được in ra, khu vực này (trong đó có quán café Givral và hiệu sách Xuân Thu) đã bị phá đi để xây dựng một trung tâm thương mại mới.


9.4.2008

Nhận xét

lvu đã nói…
Để tìm ra một nơi superficial thì đơn giản nhất là đến Việt Nam.
HA đã nói…
Thoi roi, cafe GJ o VN dat hon ben nay roi :))
Nguyễn Trương Quý đã nói…
@LV: nông hay sâu là do khả năng thâm nhập của người đi khám phá chứ :-)
@HA: là bên nào đấy ạ? Thì VN bây giờ nhiều người giầu lắm.
Unknown đã nói…
review phát nhé
Nguyễn Trương Quý đã nói…
Cảm ơn anh Phú nhé :-)

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm