Phàm là phim dở thì ai chịu?

Do Phan Xi Nê viết một bài nói rằng "Làm sai lịch sử mà hay thì vẫn hay, mà làm đúng lịch sử mà dở thì vẫn dở" (Ừa, thì đành chịu vậy!), có nhắc đến những bài viết phê bình phim Tây Sơn hào kiệt thời gian qua, dĩ nhiên là có 2 bài của tôi trên báo Tuổi Trẻ và trên blog (sau đăng đầy đủ trên SOI), tôi có viết bài hồi đáp trên SOI như dưới đây.
-----------

Phàm là phim dở thì ai chịu?

NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ

1

Nhân việc Phan Xi Nê viết bài “Ừa, thì đành chịu vậy!” như một ý kiến hồi đáp cho những bài nhận xét về phim Tây Sơn Hào Kiệt (TSHK), tôi nghĩ chúng ta nên sòng phẳng về tiêu chí phim lịch sử hay. Tôi thấy mình cần lên tiếng vì mình là người đã viết bài nhận xét đầu tiên sau khi phim bắt đầu công chiếu.

Dù thì gì bạn hãy xem phim TSHK đi đã. Lúc ấy tôi không hi vọng bạn vớt vát cho một bộ phim như rất nhiều người cho đến giờ vẫn ủng hộ vì những lý do: làm phim lịch sử lúc này là “yêu nước”, có cái để xem là quý hóa lắm rồi.

Nhưng phim thì chỉ có hay hoặc dở. Vì nó dở quá (tôi đã gần như thuật lại trong bài trên SOI rồi) để tim tôi rung động được nên cái lịch sử trong đó không tìm được đường thuyết phục mà đi vào não tôi.

Bạn nói “chê làm sao cho người ta tỉnh ngộ ra, chớ chê những chuyện kiểu ‘phim không làm đúng lịch sử’ thì hoang mang quá độ cho người ta”, thì chúng tôi, những người đi xem, hoàn toàn có quyền yêu cầu một sản phẩm đúng lịch sử trên tinh thần và tham vọng nó muốn tái hiện. Vì sao thế? Bởi vì thưa bạn, bộ phim này có cả năm phút vĩ thanh quay cảnh thời hiện đại, có hình nhà bảo tàng Quang Trung, cảnh dâng hương tưởng niệm và lời thuyết minh rất đúng tinh thần “giải mã lịch sử có tính khoa học”, với những lời có cánh rằng muốn cho thế hệ con cháu hiểu về lịch sử nước nhà. Giá mà họ chạy một dòng chữ rằng: bộ phim bảy phần thực ba phần hư, thì có khi lại được thông cảm tí tẹo. Nói tí tẹo ấy là còn rất nhân nhượng, bởi vì cái phần hư cũng như một loại nhại tiếng, quá lệ thuộc vào hình mẫu lịch sử để rồi thành những chuyện “dã sử” không làm sao tiêu hóa nổi.

Vấn đề lại nằm ở phong cách thể hiện, khi chọn phong cách hiện thực “bò sát mặt đất” như đã làm, thì tôi biết lấy điểm tựa nào mà bay bổng phiêu lưu cùng Lý Hùng. Không dám phóng tác mà lại chăm chăm chắp nối các sự kiện như sách sử sao cho đầy đủ, cả bộ phim là một chuỗi slide tơi tả, chỉ khiến người ta phát điên với những điều đã học rà rã trên ghế nhà trường mà không đặt ra được vấn đề gì về “tại sao lại là Tây Sơn mà không phải một phong trào khác”? Khi phim chăm chăm thuật lại lịch sử trường ốc như thế, mặc lòng tôi phải theo luật chơi của nhà làm phim, chăm chăm theo dõi cái lịch sử ấy, vì còn biết xem cái gì giờ? Những màn tấu hài không cười nổi của Tấn Beo? Cái nốt ruồi trên mép của Ngọc Hân-Thùy Lâm? Hay cái cột điện cao thế ở dãy núi đằng hậu cảnh Quang Trung chia tay Ngọc Hân?

ly-hung-cot-dien

Lý Hùng và Thùy Lâm: Nếu bỏ qua chi tiết cột điện (mũi tên) thì người xem nên nhìn cái gì: vòng 2 của diễn viên?

Nếu các nhà làm phim ý thức được họ làm phim để giải trí thì họ hãy làm một phim thực sự lôi cuốn bằng những pha hành động thật đẹp mắt đi, thay vì ngớ ngẩn vụng về. Họ hãy khiến người ta choáng ngợp bởi cảnh trí đất nước trải dài từ Nam ra Bắc theo chân người anh hùng áo vải, thay vì cả Việt Nam thế kỷ 18 chỉ khoanh vùng trong cảnh quay đầy bêtông ở Bình Định và Bình Dương đi. Điện ảnh cũng như sản phẩm nghệ thuật nào cũng là tổng hợp của chi tiết, chi tiết và chi tiết. Cái tư duy đại khái tôi tưởng chỉ tồn tại ở “sản phẩm nghệ thuật Nhà nước”, hóa ra cũng nặng căn ở đây đến thế cơ mà! Đừng đổ tại hoàn cảnh, người xem phim chỉ biết có bộ phim dở hiện ra. Tại sao đã mất tiền mua vé lại cứ phải véo mình rằng “bỏ qua, bỏ qua”?

Tiếp đó, bạn nói: “Phim dở đâu phải tại làm không đúng lịch sử. Phim dở vì nó dở, vì người kể chuyện dở. Bọn Hollywood chúng làm phim có đúng lịch sử đâu mà dân chúng ta chết mê chết mệt. Bọn Tàu chúng có làm phim đúng lịch sử đâu mà dân chúng cũng chết mệt chết mê. Làm sai lịch sử mà hay thì vẫn hay, mà làm đúng lịch sử mà dở thì vẫn dở.

Chính bạn đã nói đúng cái điều tôi muốn nói rồi, và đã nói ở trên. Để có tính công bằng, ta lấy ví dụ bộ phim khai thác đề tài lịch sử mới đây của Quentin Tarantino – “Inglourious Basterds”. Bộ phim rất hay, gần như là bộ phim đáng xem nhất mùa giải Oscar năm vừa rồi. Chúng ta chết mê chết mệt là bởi vì, cái thủ pháp và ngôn ngữ điện ảnh được nhà làm phim Hollywood đã lựa chọn nhất quán từ đầu.

Khi tác giả phim theo đuổi phong cách cường điệu và hài hước, thì người xem đã được dự báo rằng đây là một loại “siêu hiện thực” để chấp nhận cuộc chơi. Cái thông điệp đem lại từ sự hư cấu lịch sử là khiến người xem bật cười mà đau lòng trước hiện thực quá khứ lẽ ra đã có thể khác, thấy kinh sợ cái chế độ tàn bạo vẫn tiềm tàng trong thời nay, thấy cái ác có mặt dễ dàng và giản đơn. Nó khác với cách diễn tả bằng phong cách quay đen trắng kiểu docu-fiction như Schindler’s List.

Những nhân vật trong phim lịch sử của Mỹ hay Trung Quốc mà bạn nói, họ đi lại, cười khóc và có đời sống khiến người ta xúc động, căm ghét hay tò mò dõi theo, làm cho bộ phim không phải là mớ hình minh họa truyện tranh lịch sử. Sở dĩ TSHK mất điểm trầm trọng là vì các nhân vật trong đó chỉ xuất hiện để đọc thoại. Mà thoại thì sáo rỗng và vô duyên như tôi đã dẫn ra trong bài trước, thốt ra từ những cái mồm và ánh mắt đờ đẫn như chờ được nhắc tuồng sau cánh gà.

Đoàn làm phim TSHK ra mắt: Trên phông đã đề chữ rất to “phim Tây  Sơn hào kiệt – Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ”, người xem có được hiểu  đây là phim chân dung nhân vật hiện thực 100%?

Đoàn làm phim TSHK ra mắt: Trên phông đã đề chữ rất to “phim Tây Sơn hào kiệt – Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ”, người xem có thể hiểu đây là phim chân dung nhân vật hiện thực 100%?


Cuối cùng, bạn nói “Tui mong chờ anh Thỏ Trắng và bạn bè hôm nào chê các phim Nhà Nước đặt hàng rồi mong chờ bạn của anh có dũng khí lấy bài anh viết đăng lại trên các báo mainstream”. Thưa bạn, việc tôi bỏ tiền đi xem phim TSHK mà không đi xem phim Nhà nước đặt hàng đã là một lợi thế của phim này rồi ạ. Tôi chưa xem Đừng Đốt, vì thế tôi cũng không thể nhận định được gì cũng như không vì ảnh hưởng của các bài báo mà quyết định xem hay không.

Còn việc bạn cho rằng báo chí chưa từng viết bài nào chê phim Nhà nước thì có lẽ bạn đã hơi chủ quan. Ở đây tôi chỉ có quen biết thông thường với anh Thỏ Trắng (tức Minh Đức) nên không nghĩ là mình nằm trong số những người bạn nói ở trên. Nhưng bạn có dám chắc là đã đọc hết các báo ở Việt Nam khi một bộ phim như Giải phóng Sài Gòn ra chưa? Tôi đã từng viết bài phê bình phim đó tên là “Kể khoán cho xong chiến công” trên báo Thể thao & Văn hóa mà không cần phải viện tới “dũng khí” nào. Phản ứng tự nhiên của tôi là phản đối một bộ phim tốn tiền dân mà dở không phương cứu vãn. Tiếc rằng hoặc bài viết của tôi không có cơ hội gây ầm ĩ như những bài về phim TSHK, hoặc không đến được tay bạn, nhưng tôi không nghĩ rằng bạn cần phải đặt mình ra tư thế “phân luồng” cho phim Việt Nam. Với người xem, chỉ có phim Việt Nam hay và dở mà thôi. Tôi cũng không phân loại bài viết của nhà báo chuyên nghiệp, nhà phê bình phim hay của độc giả thì cái nào đáng ưu tiên hơn, chỉ có cái phản ứng của chúng ta, những người xem phim, phải chịu đựng những sản phẩm cẩu thả và vô trách nhiệm, mới là đáng kể.

N.T.Q

+ Đã có bài phản hồi của Phan Xi Nê trên SOI. Một số bạn có nói về bài của tôi trên Tuổi Trẻ (Quá khứ oai hùng để đâu?) là không đạt bằng bài trên blog (Giải mã Tây Sơn hào kiệt): "bài được gọt dũa lại trên Tuổi Trẻ chỉ còn cái phần khô khốc huỵch toẹt". Tôi có nói thế này:

- À, mình cần nói thêm là về bài trên TT, là mình viết lại theo hướng tập trung vào những chi tiết lịch sử, tất nhiên là có sự biên tập của báo. Dù sao, trách nhiệm cũng là của người viết, giá có thời gian và đủ chỗ thì tốt hơn. Thế nhưng những điều mình nói là sự thật cả, và sự thật thì dù nói bằng cách nào, "ướt" hay "khô" cũng không "giảm" hay "tránh" được.

Nhận xét

Goldmund đã nói…
fair enough!

tớ khoái cái cột điện mê hồn:)
Thuy Dam Minh đã nói…
Trời đất! Bạn giỏi thật! Và rất là tinh tế! Tôi nghĩ, bạn phê bình công bằng và khách quan đấy chứ! Chỉ có điều, làm phim vất vả và cơ cực lắm! Bị phê bình thì buồn rồi.

Tôi nghĩ, có lẽ nên làm phim lịch sử theo kiểu không phải chính sử. Như thế, đạo diễn có đất phát huy sáng tạo hơn.

Để tránh những vụ như cái cột điện, nên bỏ vốn đầu tư làm trường quay cẩn thận. Dựng lại toàn bộ bối cảnh của phim trên một vùng đất tầm vài chục ha, thậm chí một vài trăm ha.

Ôi ôi! Nhưng với vốn liếng như hiện nay, ai mà bỏ tiền làm phim trường lớn thế được chứ. Vả lại, xin đất làm khu đô thị, xây chung cư để bán thì dễ, chứ làm phim, chắc khó lắm đấy bạn ạ!
Unknown đã nói…
@Goldmun: Nhiều cái nữa, nhưng mình cũng chỉ nhặt sạn đến thế thôi :-)
@anh Thụy: Em nghĩ là người ta nên giảm bớt cái tham vọng ầm ĩ xuống để tập trung vào việc xây dựng một chuyện phim có chiều sâu, khi ấy tự khắc những gì có nguy cơ gây hỏng sẽ khiến họ cân nhắc. Bệnh tham lam và làm vống lên có khác gì bệnh thành tích của giáo dục đâu.
lvu đã nói…
Phim gì thì phim nhưng để có những sạn rất vớ vẩn như thế thì cái đoàn làm phim và bậu xậu của nó chả ra cái qué gì. Chửi như Q là hiền đó.
VMC đã nói…
A đồng ý với quan điểm của Quý.
Unknown đã nói…
@LV + anh Cường: Em có phản hồi lại ý kiến hồi đáp (trên Facebook) rằng dù sao sự thật cũng mất lòng, có điều thường viết lối tếu táo cho nó đỡ khô khan, nhưng kiểu nào cũng chẳng giấu được.
Thuy Dam Minh đã nói…
TQ: Đồng ý với bạn! Nói vui như hiện nay mọi người vẫn hay nói, đấy là bệnh hoành tráng bạn ạ!

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm