Hoán vị nghiện

Tôi biết là có không ít người xem bóng đá là vì suy nghĩ người nhà mình đều xem, cơ quan cùng xem, chẳng lẽ mình không xem, nhất là trong mùa World Cup, thì thành kẻ lập dị lạc loài. Nhưng cũng có vô khối người xem bóng đá thâu đêm suốt sáng, bảnh mắt ra là vơ lấy tờ tin bóng đá, rảnh là lướt mạng đọc bình luận, thua thì vò đầu bứt tai, thắng thì nổ vung trời. Tác động của bóng đá lên thần kinh và hành vi nhanh chóng và trực tiếp không khác gì một loại ma túy tổng hợp.


Cách đây một tháng, báo đưa tin, gần 600 học viên cai nghiện ma túy của Trung tâm giáo dục – lao động số 2 Hải Phòng bỏ trốn. Họ cởi trần trùng trục, đi bộ từ huyện ngoại thành về trung tâm, làm cả thành phố náo loạn. Một lý do được xác minh như sau: “Trực tiếp chỉ huy lực lượng cảnh sát tối 16/5, đại tá Trọng cho biết, đám đông gần 600 học viên không có hành vi đập phá, hò hét gây mất trật tự mà hô ‘Hải Phòng vô địch’ để cổ vũ cho trận thắng của đội bóng đá đất Cảng vào chiều hôm đó”.


À, lại là vì bóng đá. Bóng đá tự bao giờ đã thành đại diện hẳn của quốc gia cho đến địa phương. Người ta đã phân tích nhiều, cắt nghĩa trạng thái tâm lý dở hơi của những người cuồng vì quả bóng da. 600 học viên trên đang trên con đường từ bỏ một thói nghiện nguy hiểm là ma túy để chia sẻ những thú vui khác lành mạnh hơn (giả dụ thế), trong đó là bóng đá, thì tác dụng quá đáng mừng chứ sao! Tưởng họ vượt rào để làm loạn hay khủng bố xã hội chứ họ yêu bóng đá thế, đất Cảng không lạ. Hè năm ngoái, khi nhiệt độ nóng như đổ lửa, 5000 cổ động viên của đội Xi măng Hải Phòng đổ đến sân Hàng Đẫy dự khán trận đấu với Thể Công. Cái nóng ngoài trời cộng với cái đau thua trận khiến cho số này ức chế, gây lộn, đánh nhau… đến mức bị cấm bén mảng đến sân khách vô thời hạn. Vì thế lý do trại viên cai nghiện có bỏ về cổ động cho đội bóng quê hương mà chẳng làm rối loạn trị an tự nhiên làm cho câu chuyện qua lời đại tá cảnh sát được châm chước đi hẳn!


Nhưng tại sao lại cứ phải nhè bóng đá để làm những việc quá khích, hay vì bóng đá là phép tiên giúp xả stress? Hồi Việt Nam vô địch cúp bóng đá Đông Nam Á, chắc mọi người còn nhớ Hà Nội hay TP.Hồ Chí Minh gần như tê liệt giao thông, cả xã hội sung sướng vì có được nguồn động viên tinh thần như ma túy liều cao. Bóng đá rút cục được gửi gắm khát vọng của quần chúng, khát vọng về tính đồng đội, 11 cầu thủ lúc này thành ra người nhà, thành máu mủ, thành tay thành chân của mình đang chạy trên sân cỏ hay nhìn qua tivi. “Nó” ngã dúi dụi trên sân, cả tập thể khán giả nhà rên lên xót như xót con em mình, hay là bị đối phương cản ngã hay trọng tài xử ép, cả địa phương, thậm chí cả dân tộc tức giận trút cơn thịnh nộ. Còn khi “nó” sút vào phát là cả triệu người như được tiêm thuốc sung sướng đồng loạt.


Cái sự hân hoan cùng một lúc nhân lên cho hàng tỷ người, thành ra một liệu pháp tâm lý diện rộng không gì sánh nổi (có lẽ trừ ngày kết thúc Thế chiến!) Có những người dửng dưng gọi đó là “tâm lý bầy đàn”, nhưng họ cũng chẳng thể làm gì trước cơn sóng thần hưng phấn hoặc đau khổ. Không chỉ một tỉnh, một nước mà còn kéo theo cả đông đảo người hâm mộ toàn cầu, chẳng hạn đến giờ hàng triệu người yêu Ronaldo răng thỏ vẫn chưa thôi nghi ngờ có bàn tay sắp đặt của FIFA trong trận chung kết Brazil thua Pháp ở sân Stade de France năm 1998.


Người ta sinh ra nghiện một thứ nào đó là vì thứ ấy có khả năng giải tỏa tâm lý cho họ, chuyển vị họ khỏi thực tại buồn chán đến một cõi hoan lạc nhờ tác dụng của nó. Nhưng chả biết bao nhiêu phần trăm là thuần túy nghiện vẻ đẹp của bóng đá, và bao nhiêu là chăm mua báo bóng đá xem tỉ lệ cá cược?


N.T.Q

Nhận xét

Thuy Dam Minh đã nói…
Hì, hay thật! Bạn nói người ta sinh ra là để nghiện một thứ nào đó. Ngẫm ra, thật là chí lý. Một ngày nào đó, ta lại chẳng thích thú được một cái gì đến mức nghiện thì cuộc sống sẽ như thế nào nhỉ?
Chưa chắc đã phải là hay, đúng không bạn?
Unknown đã nói…
Ồ, em chỉ nói người ta sinh ra nghiện là vì có nhu cầu... chứ đâu dám nói sinh ra là để nghiện, mà cũng đúng cả! :-) Có điều nhiều người không thừa nhận vì lý do đạo đức hoặc gì đó.

Nói chung đằng nào cũng chết, thôi thì sống có ham mê gì đấy còn hơn ngần ấy thời gian ngồi ỳ ra. Nên em đồng ý!
Nhị Linh đã nói…
nghiện sống thì có được không bác :d
Unknown đã nói…
Không vi phạm điều khoản luật nào thì vô tư đi! Nhưng sống tự thân chẳng có cái gì so sánh nhỉ, sống mà cứ ngày nào cũng đều như vắt chanh thì chả biết nghiện cái "sống" ấy bằng cách nào?
Nhị Linh đã nói…
bác bi quan quá, thỉnh thoảng có ngày mất điện là coi như có biến cố rồi, cuộc đời nó cũng lềnh đềnh như con bồ nông ấy, phải thưởng thức đi chứ haha
Unknown đã nói…
Thế là mình đấu tranh sinh tồn, dành cho hành vi ấy động từ "thưởng thức" là đã sang trọng lắm rồi. Chứ cái gì nghiện cũng chỉ được trong chốc lát, lỡ hết cơn rồi thì mất thăng bằng, tốn năng lượng tái tạo lắm :-)

Bây giờ mà dịch "The Pelican Brief" thành "Hồ sơ Lềnh đềnh" lại ăn khách hơn ấy nhỉ.
Titi đã nói…
khát vọng về tính đồng đội - mình thích câu nài quá. Hi hi...
Chu Chu đã nói…
ngày xưa mình cũng mê bóng đá, xem bóng đá để có cái bàn với trai (chồng), bây giờ thờ ơ lắm, hehehe
Unknown đã nói…
@Titi: có mỗi vụ đá bóng thì người mình mới phát huy tinh thần đồng đội nhỉ :-)
@Mỵ: (comment từ FB) Đấy là điển hình của sự phù phiếm đỏng đảnh của phụ nữ :-) Ngày trước có một chị bạn định viết bài chê thói ăn nhậu bê bối của đàn ông, bị một chị khác chửi um lên là thiển cận :-)) Bóng đá cũng thế nhỉ.
VMC đã nói…
Thích cái tít. Rất sáng tạo.
Nước chè quê đã nói…
Tôi tưởng cá cược thì xem internet chứ mua báo làm gì nhỉ?
Unknown đã nói…
Bác chắc chưa mua báo hay là cùng ngồi quán cafe hay nước chè HN buổi sáng rồi. Các anh tiểu thương bán hàng hay là người lao động thời gian đâu ra mà online, họ không cá triệu đô nhưng hơi bị nhộn nhịp đấy.
Vịt đã nói…
mình đã thua 100 ngàn trận khai mạc và mình mở TV kênh bóng đá thì ngủ rất ngon bạn Quý ạ. WC hay bóng đá ngày thường cũng thế.
Unknown đã nói…
Bạn CK xem bóng đá 1 mình mới thế. Chứ có người xem cùng, cũng khác, ngủ cũng khó ngon đấy :-)

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm