Review my book on HNM and SOI

Quảng bá cho sách của mình đến khi nào bà con mua hết mới thôi :-) Dưới đây là bài giới thiệu trên báo Hà Nội Mới số chủ nhật 27/6/2010. Sao tác giả này biết rõ tông tích mình thế. Cảm ơn tác giả!

Người trẻ Hà Nội tìm về Hà Nội
27/06/2010 07:22

(HNM) - Khép lại 247 trang của cuốn sách Hà Nội là Hà Nội (NXB Trẻ - 2010) là tâm trạng ngổn ngang. Dường như người trẻ trong cuốn sách này cũng bâng khuâng trước những nẻo đường Hà Nội hay từ Hà Nội đến với những vùng đất khác. Để luôn nhớ thương, ngẫm ngợi về Hà Nội của hôm nay và ngàn xưa...

Tác giả Nguyễn Trương Quý chia cuốn sách thành hành trình “từng cây số từ Hà Nội”, từ mốc cây số 0, cho đến cây số 50, 100 rồi nghỉ chân và đi tiếp đến cây số 1.000. Từ mốc cây số 0, anh viết “Văn Bờ Hồ”, mà thực ra là về tranh Bờ Hồ. Liên tưởng ở cuối bài viết này dễ làm các nhà văn đàn anh cười khẩy hay nổi đóa khi khuyên họ đem văn ra Bờ Hồ... bán cho đắt khách. Anh viết về phố sách giảm giá Đinh Lễ - Nguyễn Xí cách Bờ Hồ mấy bước chân hay xa hơn là cây cầu Chương Dương như thể ngày nào anh cũng đi trên những địa chỉ ấy, tẩn mẩn đếm từng nhịp cầu hay thuộc tên, nhớ mặt và tính cách cùng cách bán mua của từng chủ hiệu sách. Trăn trở nhiều hơn cả là những trang viết về Hà Nội những ngày trong cơn ngập úng lịch sử hay khi nắng nóng kinh người, về Hà Nội thời đại số, về Hà Nội dòng chìm dòng nổi... Mỗi câu chữ ở đó chất chứa “niềm vui giản dị của một thành phố không có dáng vẻ hoa lệ tí nào, và cả những nỗi buồn của đô thị nham nhở”, như anh tâm sự.



Minh họa cho bìa sách Hà Nội là Hà Nội

Ở cự ly 50 cây số, những chuyến đi lang thang qua những miền quê Bắc bộ càng khiến chàng trai Hà Nội tiếc ngẩn ngơ cho những gì đã mất từ biết bao cảnh tượng đền chùa miếu mạo bị tô vẽ, làm mới hay những không gian thờ cúng linh thiêng trở nên chật chội, bức bối và pha tạp vì sự xô bồ của nhà cửa xung quanh hay ồn ào phố thị ập đến... Có những trang viết nặng lòng với lễ hội xứ Bắc hay những ngày Tết cổ truyền dân tộc. Trong hương vị quen thuộc ấy, anh có những phát hiện khá thú vị, rằng đi xem lễ hội miền Bắc là đi xem người, là xem nhau chưng diện, quần là áo lượt, tán tỉnh và tình tự nhau... Hay những cái Tết xứ Bắc “vẫn như ngưng đọng lại vẻ đẹp của mùa xuân cổ điển, là dịp hồi cố lý tưởng cho thời gian khó đã qua, vì thế Tết cũng là dịp quan trọng của người già”.

Từ cây số 100, “đi xa khỏi vùng ảnh hưởng trực tiếp của Hà Nội”, đến vịnh Hạ Long. Ngoài vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên khiến người viết say mê đếm từng đảo đá, anh không quên khám phá một Hạ Long lịch sử. Đưa ra luận điểm, “Với người Việt, Hạ Long là lịch sử”, anh đi tìm vết tích chiến trận chống quân xâm lược Nguyên Mông trên hang Đầu Gỗ hay những bài thơ của vua chúa khắc trên núi bài thơ... Rồi anh theo chân dân “phượt” trên các nẻo đường chinh phục cái mới, cái lạ và cả những trang viết đầy suy tư, ngẫm ngợi rất đỗi con người về quê hương, về nguyên quán...

Trước khi đến với chặng đường dài hơn 1.000 cây số, chàng trai Hà Nội ấy “Nghỉ chân” và tản mạn về một chữ “hổ”, về sức mạnh của “kẻ dạt vòm”, về nhạc Trịnh, về rock... Từ cây số 1.000, anh ghé về Quy Nhơn, về Sài Gòn ngồi nhấm nháp cà phê ở Đồng Khởi bất thình lình liên tưởng đến Pattaya của Thái Lan và đi xa hơn cả là đến với “Siem Reap bậc thềm Angkor”... Có lẽ phải là người của những ngày bé thơ đạp xe lòng vòng các phố phường Hà Nội để đi học vẽ ở Cung Thiếu nhi Hà Nội hay đứng chen chúc trong đám trẻ xếp hàng gõ trống “tùng dinh dinh” của những đêm Trung thu Hà Nội yên bình gần ba chục năm trước… mới có thể miên man trong những dòng suy tưởng về những địa danh ồn ào xa xôi nhưng gợi nhớ quê hương nhiều đến thế.



Hà Nội là Hà Nội là tập sách thứ ba trong bộ sách của Quý về Hà Nội, cùng với Tự nhiên như người Hà Nội và Ăn phở rất khó thấy ngon. Viết về những điều quen thuộc, những chuyện không còn xa lạ hay những địa chỉ rất thân quen nhưng người viết có nhiều phát hiện khá tinh tế, dù đôi khi anh hơi ngoa ngôn và câu chữ dẫn dụ dễ khiến người đọc lạc lối. Nhưng ở đó có sức hút của những quan sát kỹ lưỡng dưới góc nhìn của một kiến trúc sư, nhưng hơn hết là nghĩa tình của một người trẻ với thành phố đang chuyển động. Tìm hiểu và yêu mến thành phố này với tinh thần của một công dân và trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống đích thực. Với Quý, “cuộc tìm kiếm những giá trị văn hóa ở một thành phố tưởng như đã định hình nét văn hóa mà vẫn liên tục phải gọt giũa” này, cũng là chặng đường của một người Hà Nội tìm về với Hà Nội, với những kỷ niệm không dễ nguôi quên, những mảng ký ức sáng tối, đậm nhạt và hơn cả là nỗi niềm của một người trẻ trước những thay đổi của Hà Nội hôm nay. Người đọc sẽ chia sẻ với anh, dù đôi lúc có những bài viết lộ vẻ lạc điệu với tổng thể hay sự hẫng hụt đáng tiếc về giọng điệu...

...Phần lớn những bức ảnh trong sách do Quý chụp. Anh vẽ những hình minh họa nho nhỏ như bao diêm cùng với phần vẽ bìa với hình ảnh khu vực hồ Gươm (bìa trước) và hồ Tây (bìa sau). Ấy là Hà Nội nhìn từ trên cao xuống với nhà cao tầng nghễu nghện bên đền chùa và những cây cổ thụ. Vẫn những hình ảnh quen thuộc với nét vẽ đơn giản nhưng rất gợi. Hà Nội của Quý, nhìn xa hay gần đều ngổn ngang và trong mắt anh, những gì của xưa cũ dường như đều đẹp. Vẻ đẹp ấy khiến người Hà Nội trẻ đã tìm về Hà Nội trong yêu thương và trách nhiệm qua những trang sách vừa quen, vừa lạ.

Trần Linh

***
Còn đây là giới thiệu của trang SOI:

SOI: Nguyễn Trung Quý, hay Nguyễn Trương Quý, theo Soi là một người viết 3 trong 1, nghĩa là vừa vui, vừa hay, vừa nghiêm túc . Chọn Hà Nội đương đại làm đề tài theo đuổi như một dự án dài hơi, những cuốn sách ngày hôm nay của Nguyễn Trương Quý rồi sau này nhiều khả năng thành tư liệu cho sinh viên làm đề tài về Hà Nội phải tìm mà tra cứu. Xin trân trọng giới thiệu bộ sách này cùng bài tựa của anh – một cộng tác viên thân thiết với trang SOI.

Nhận xét

Lana đã nói…
Chiều nay thế nào lại có tờ Hà Nội Mới rơi vào tay (mấy khi đọc báo giấy đâu!). Lướt thấy có hình bìa Hà Nội là Hà Nội nên đọc hết bài review này.
Bài viết rất hay, rất gợi người ta chạy ra hiệu sách :)
Unknown đã nói…
Chứng tỏ hình bìa bắt mắt nhỉ :-) Cảm ơn chị Lana nhé. ^^
Goldmund đã nói…
Tông tích bác Quý khắp internet ai mà không biết còn phải hỏi!:)
Unknown đã nói…
Ta nói: "nổi như cồn" là đây, kỳ nầy định tái bản bao nhiêu đấy Quý?
Unknown đã nói…
@a.Mun và a.Phú: thế đã chuyển sang kinh doanh thương hiệu được rồi nhỉ :-) Kiểu lên báo mạng với tựa đề: "Qúy: yêu HN như một định mệnh" :-)))
Titi đã nói…
Bùn cừi, khi mới nhìn thấy tên Trung Quí trên SOI, mình sít la lên : có cái tên tác giả mà cũng oánh sai :-P
Unknown đã nói…
@Chị Titi: đấy là một cái "bí ẩn" của em làm vốn, sau còn có cái để các nhà nghiên cứu tiểu sử em có cớ tranh cãi (khi chả biết cãi về cái gì nữa) :-))
Moon đã nói…
Này anh,"Hà Nội là Hà Nội" cách viết thấm hơn gấp bội lần "Ăn phở rất khó thấy ngon" đó nha!
Unknown đã nói…
Mooncakesg làm cho tờ Nội Thất phải không nhỉ, hồi trước có lần gặp nhau ở HN :-) Cảm ơn Vi nhé.
Moon đã nói…
Đúng là có gặp nhau ở HN, nhưng em không làm báo,em làm fashihon mà, nhầm với cô nào rồi Bác ơi!
Unknown đã nói…
Không lẽ lại nhầm, xinh như avatar cơ mà :-) Hồi đó còn uống cà phê khá muộn ở ngoài phố Lý Thường Kiệt, mà hình như trước đó bọn em còn hẹn anh ở Toilet Bar thì phải. Rồi bọn em còn bàn về việc chụp ảnh nội thất của Aline Hồ Ly Nương...
Moon đã nói…
cũng đúng là có nhắc đến Chuồn Chuồn Co của chị Aline, nhưng mà vẫn râu ông nọ cắm cằm bà kia Bác ơi, nhầm vẫn nhầm, ha ha
Unknown đã nói…
Muợn được của chị bạn Hà nội là Hà nội đem về cho bà già đọc trước. Tối về bà già bảo "cuốn này đọc được, mua về cho bọn trẻ con sau này nó đọc. Ông này có phải người Hà nội gốc không?"
Hôm nay đi muợn nốt 2 cuốn đầu xem có nên đầu tư trọn bộ không :-)

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm