Offline bộ sách truyện và kịch bản phim

Bộ sách tái hiện những tác phẩm điện ảnh kinh điển

Dương Tử Thành
.
eVăn - Bộ sách loạt đầu gồm 5 cuốn truyện gốc hoặc kịch bản của những bộ phim tình cảm nổi tiếng thế giới cùng những câu chuyện bên lề vừa được Nhà xuất bản Trẻ ra mắt bạn đọc. Một buổi tọa đàm nhỏ về chủ đề này cũng vừa được tổ chức tại chi nhánh NXB Trẻ ở Hà Nội.
.
Cảnh trong bộ phim Khi Harry gặp Sally...

Phân cảnh nhân vật nữ Sally giả vờ diễn cảnh cực khoái trong một quán ăn đã mang lại hiệu ứng thế nào, và nó đã được tìm tòi để đưa vào kịch bản ra sao; hoặc câu thoại đi liền sau phân cảnh “Cho tôi món mà cô ấy đang ăn” (để trở nên… cực khoái như thế), 1 trong 100 câu thoại đáng nhớ nhất của điện ảnh thế giới, thực ra là sáng kiến của nhân vật nam chính của phim chứ không phải của tác giả kịch bản hay đạo diễn; hoặc thông tin về nhân vật diễn câu thoại đó trong phim chính là mẹ của đạo diễn… là những điều không phải khán giả nào yêu thích và đã từng xem bộ phim hài tình cảm nổi tiếng Khi Harry gặp Sally… của điện ảnh Mỹ (Kịch bản Nora Ephron, Đạo diễn Rob Reiner) suốt từ những năm cuối thế kỷ trước cho đến nay đều biết. Đó chính là một trong những lý do mà nhóm biên soạn bộ sách chủ đề Truyện và kịch bản phim nổi tiếng thế giới (Nhà xuất bản Trẻ) quyết định thực hiện bộ sách để giới thiệu đến công chúng.
Bìa cuốn sách kịch bản phim Khi Harry gặp Sally...

Độc giả sẽ được cung cấp nhiều thông tin bền lề, chuyện hậu trường trong quá trình xây dựng kịch bản và tổ chức sản xuất những bộ phim kinh điển của điện ảnh thế giới đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ khán giả Việt Nam. Tham dự buổi tọa đàm sáng ngày 29/10/2011 có nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Đặng Thiều Quang, Nguyễn Xuân Thủy, Mai Anh Tuấn; 2 nữ dịch giả trẻ Huyền Trang, Ngọc Trà; nhà báo Anh Ngọc, Lê Quang Vũ… và một số độc giả quan tâm.

Dịch giả trẻ Bùi Huyền Trang, hiện đang làm việc tại Công ty văn hóa và truyền thông Nhã Nam, người dịch 1 trong 5 đầu sách phát hành đợt này chia sẻ: khi nhận dịch kịch bản của phim When Harry Met Sally… (Khi Harry gặp Sally…), dù rất yêu thích và đã xem phim này nhiều lần chị vẫn quyết định cùng bạn trai đi xem lại để nắm bắt tinh thần của phim tốt hơn. Huyền Trang cho biết, lần xem nào cũng cho chị những điều mới mẻ, bởi “xem khi còn nhỏ khác, xem khi đã lớn khác, xem khi chưa yêu khác, xem khi đã có người yêu lại khác hơn”. Đó cũng là lý do chị đã dùng bút danh Trang Hải - ghép với tên bạn trai - cho cuốn sách dịch thuộc thể loại “người lớn” đầu tiên này của mình (những cuốn trước đó Huyền Trang dịch đều là sách thiếu nhi).

 Ngược lại với Huyền Trang, dịch giả trẻ Ngọc Trà lại cho biết, khi nhận dịch truyện gốc của phim Forrest Gump (siêu phẩm phim một nhân vật) chị đã quyết định… không xem lại phim, bởi Ngọc Trà cho rằng nhân vật chính trong truyện thú vị hơn trong phim, xấu trai và down hơn trong phim, tuy nhiên, lý do chính là chị nghĩ “tác phẩm văn học có giá trị riêng vì thế cần có sự độc lập nhất định khi dịch, không nên quá lệ thuộc vào bộ phim cũng như sự thành công của nó”. Cuốn sách mà Ngọc Trà nhận dịch đang trong quá trình hoàn thành và sẽ nằm trong loạt sau của bộ sách cùng chủ đề.

Dịch giả trẻ Bùi Huyền Trang ký tặng nhà văn Đặng Thiều Quang cuốn sách do chị dịch.

Ngoài những độc giả yêu văn học và điện ảnh, một đối tượng quan tâm khác mà những người thực hiện bộ sách kỳ vọng, đó là những người yêu thích công việc liên quan đến môn nghệ thuật thứ bảy, đam mê công việc viết kịch bản điện ảnh thì với họ bộ sách như một mẫu mực để tham khảo. Việc xuất bản bộ sách cũng cho bạn đọc một cái nhìn hệ thống về các bộ phim nổi tiếng thế giới và con đường đến với công chúng, hiểu hơn về việc xây dựng bộ phim. “Bạn đọc sẽ thấy lại không khí màn bạc của một thời hoàng kim với nhiều hình ảnh đẹp và thông tin về bộ phim, những vẻ đẹp hoa lệ của các minh tinh cùng những biến hóa kỳ tài của các đạo diễn bậc thầy” (trích lời giới thiệu loạt sách).

 Có mặt tại buổi tọa đàm, nhà văn Đặng Thiều Quang, một người am hiểu và mê mẩn những bộ phim kinh điển đã chia sẻ những cảm xúc của anh khi xem những bộ phim này cũng như mối quan tâm của anh với những tác phẩm văn học được chuyển thể thành phim. Chính từ những tác phẩm ấy, bộ phim ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn, bổ sung những kiến thức đáng quý để anh đến với nghề viết. Còn nhà báo, bình luận viên bóng đá Anh Ngọc, người có thời gian 4 năm sống tại nước Ý thì chia sẻ về ảnh hưởng của bộ phim Roman Holiday (Kỳ nghỉ hè ở Roma) tại nước này và những tác động lên đời sống xã hội của bộ phim, ngay cả hình ảnh chiếc xe Vespa đại diện cho hình ảnh nước Ý cũng được thế giới biết đến từ bộ phim nói trên. Vì thế việc xuất bản bộ sách cùng với việc cung cấp thêm những thông tin hậu kỳ của mỗi bộ phim là cần thiết.

Nhà báo, BLV bóng đá Anh Ngọc nói về tác động của bộ phim Roma Holiday và hình ảnh chiếc xe Vespa trên bìa sách.

Trong khi đó, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên thì nêu ý kiến băn khoăn liệu có nên xuất bản bộ sách cùng chủ đề nhưng đối tượng là các bộ phim Việt Nam, bởi nếu không “bạn đọc chỉ thuộc phim thế giới mà không biết đến những bộ phim có giá trị trong nước”. Trước ý kiến này, bạn Mỹ Trang đến từ Trung tâm điện ảnh trẻ lại cho rằng phim Việt rất khó làm vì chưa phải là chuẩn mực để học hỏi và thưởng thức, vì thế sách sẽ… khó bán.
.
Thông tin thêm:
Series sách chủ đề Truyện và kịch bản phim nổi tiếng thế giới được Nhà xuất bản Trẻ ra mắt lần này gồm: Kỳ nghỉ hè ở Roma, Casablanca, Bức thư của người đàn bà không quen, Khi Harry gặp Sally…Chuyến tàu mang tên Dục vọng.
Trong thời gian tới Nhà xuất bản Trẻ sẽ tiếp tục cho ra mắt các ấn phẩm: Bữa sáng ở Tiffany’s, Và Chúa đã tạo ra đàn bà, Dạo bước trên mâyForrest Gump.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm

Lưu trữ

Hiện thêm