Câu chuyện bắt đầu từ tầng 10
Năm nay kỳ nghỉ kéo dài bốn ngày, nhờ hai ngày cuối tuần vắt vào. Như người khác thì đã hớn hở đặt vé máy bay đi chơi từ cả vài tháng trước, nhưng Huân thì cứ trù trừ mãi, để gần ngày nghỉ thì tặc lưỡi: “Ờ, tại mình không kịp mua vé.”
Ngày nghỉ đầu tiên, Huân cũng làm những việc như người ta làm như dọn dẹp bớt đồ đạc (thực ra là nhét các thứ lỏng chỏng trên mặt bàn hay sàn nhà vào ngăn kéo), đổ rác hay giặt vỏ chăn. Thậm chí Huân còn tập thể dục gấp đôi thời gian bình thường. Buổi tối, Huân không xem tivi với những chương trình kỷ niệm tẻ ngắt mà ngồi vào bàn, mở máy tính ra để viết lách gì đấy. Trong đầu anh đã nảy ra vài tình huống hay hay, hoàn toàn có thể viết thành câu chuyện ngon lành. Thậm chí lúc đẩy tạ trong phòng tập, Huân còn cười hình hịch vì khoái chí. Huân muốn kết thúc ngày bằng một việc ra thành quả. Huân nhất định không tụ tập bạn bè, vì bao nhiêu ngày đi chơi đã nuốt hết thời gian trống của anh, vậy nên những ngày này nhất định phải “có chất lượng”.
Nhưng anh cứ ngồi đấy hai tiếng rồi mà chỉ lướt mạng, xem đủ thứ tin, ngắm các loại ảnh. Mà những ý tưởng nảy sinh trong cả ngày giờ cứ loãng ra như cháo. Cứ viết ra một đoạn dẫn nhập là Huân không biết đẩy đi tiếp thế nào. Căn nhà không có tiếng người vì cả nhà đã đi nghỉ mát hết, giờ bỗng rộng thênh. Huân cầm lấy cái điều khiển bật tivi lên. Bỏ qua những kênh tiếng Việt, anh dừng lại ở kênh phim HBO. Một bộ phim anh đã xem một lần. Huân tự dưng thấy chán ở nhà.
Hôm sau, ông bảo vệ ngạc nhiên thấy Huân bấm thang máy đi lên. “Mẫn cán nhỉ, người yêu đâu mà không đi chơi thế.” Huân cố không bực mình trước cái cười nham nhở của ông bảo vệ, anh hít hơi sâu, rồi bước vào văn phòng. Việc đầu tiên là làm quang cái mặt bàn. Rồi đặt laptop lên. Lấy túi trà lọc cho vào cốc nước sôi. Bình thường thì không đường, nhưng hôm nay Huân nghĩ, tẹo ngọt cũng chả hại gì.
Rồi Huân mở file viết dở hôm qua, nhíu mày viết và cố không đọc gì đến chỗ đã viết. Cứ viết đi rồi sắp xếp lại, anh tự nhủ. Huân hối hả viết, chỉ kịp gật đầu chào hai đồng nghiệp rách giời rơi xuống cũng đi làm ngày nghỉ. Bình thường thì cả hội có thể ố, à một lúc rồi tán phét vênh váo về việc tư tưởng lớn gặp nhau. Nhưng thấy vẻ mặt Huân tập trung ghê quá nên hai vị kia thôi không làm phiền. Bốn lăm phút sau, Huân đã kéo được hơn một trang A4. Lúc ý thức được mình đã viết được chừng ấy cũng là lúc Huân bực dọc vì mạch tư duy bỗng cụt lại. Y như chơi bài đang vận đỏ tự nhiên đảo chiều. Huân đành buông tay ra khỏi bàn phím, uống trà. Anh lơ đãng nhìn ra cửa sổ.
Trời xanh ngắt. “Mây nhởn nhơ bay. Hôm nay ngày đẹp lắm,” Huân lẩm nhẩm rồi cười nhệch khi nhớ ra mình đang đọc câu thơ vẩn vơ lạc trong đầu. Từ trên tầng 10 tòa nhà, Huân có thể thấy những mái nhà Hà Nội lợp tôn đỏ nhấp nhô xen kẽ những bình nước inox phản chiếu ánh nắng lấp lóa. Ở hai góc văn phòng, khuất sau những dãy màn hình máy tính và kệ tài liệu là hai cái đầu nhấp nhô đang đeo tai nghe. Làm việc gì, đến cơ quan trốn việc nhà là chính. Cũng có khi họ chán nhà như anh thôi. Tiếng họ lạch xạch gõ phím làm Huân đứt hẳn sự tập trung.
Trong phòng khá bí. Huân mở cửa sổ ra. Cầm cốc nước, Huân ngắm nghía Hà Nội. Những tòa nhà văn phòng mới ở Hà Nội xây khá cẩu thả, bậu cửa chỉ cách mặt sàn chưa đến tám chục phân. Những mái tôn và sân thượng tòa nhà bên cạnh la liệt những mảnh giấy, bao ni lông, đồ văn phòng rớt xuống. Từ trên cửa sổ tầng cao nhìn xuống, Huân giờ mới ngắm kỹ sự rối rắm của cấu trúc đô thị. Giữa những ngôi nhà năm tầng mái tôn là những cái giếng trời hun hút, rồi đến sân thượng đầy đồ đạc cũ hỏng, rồi mặt tiền treo lênh khênh những bảng hiệu, và len lỏi giữa những hàng cây xanh là đám dây điện hay dây viễn thông chằng chịt bó vào nhau như một con trăn màu đen khổng lồ.
Đột nhiên trong đầu Huân lóe lên một tứ. Anh lao đến máy tính, vội đến nỗi làm sánh nước ra khỏi cốc. “Khỉ thật,” giày của anh dẫm phải chỗ nước trên sàn rồi làm anh trượt vèo một cái đến cửa sổ. Cái bậu cửa quá thấp không cản nổi cú lao của Huân. Anh mất đà, cả tấm thân bay ra khỏi cửa sổ. Tiếng kêu “ối” của anh chìm nghỉm trong tiếng ồn của xe cộ. Ở góc phòng, hai cái đầu vẫn gật gù lắc lư nhấp nhô. Ở dưới sàn, vài con kiến đã hành quân đến quanh chỗ vũng nước trà pha đường.
***
Nhưng Huân không chết. Sự việc xảy ra quá nhanh đến mức Huân không kịp phản ứng gì ngoài tiếng kêu “ối” yếu ớt. Anh cũng quẫy đạp nhưng không gây ra được tác động nào đáng kể. Những màn rơi điệu nghệ chỉ có trên màn ảnh Hollywood. Huân không chết là vì rơi trúng vào giữa một đám dây điện khổng lồ. Huân đã nhắm mắt tưởng mình sẽ bị giật điện mà chết. Nhưng không, anh chỉ như một con mồi bị sa vào mạng nhện. Với lại đám dây có thể là cáp viễn thông, dây internet đủ loại chứ không chỉ dây điện hạ thế. Chân tay anh không có cảm giác gì, tim đập thịch thịch, Huân mong không gãy cái gì. Anh mắc vào đám dây ở tư thế nằm sấp, mặt nhìn xuống đường, cả tứ chi kẹt vào giữa những sợi dây, chúng xiết vào tay anh đau nhức. Huân giãy giụa nhưng đám dây quá chắc, chỉ đung đưa rất khẽ như thể một cơn gió hẩy qua. Chỗ này chỉ cách vỉa hè chừng bốn mét, nhưng khuất sau vòm lá, nên người ta đứng ngay dưới cũng khó mà nhìn thấy Huân. Vả lại, người ta đi ngoài đường, không mấy ai bận tâm ngắm cái mớ dây điện xấu xí. Trên đường phố và vỉa hè đã đủ thứ bề bộn phải quan sát rồi. Huân coi như bị bỏ rơi.
Ngay bên dưới Huân là mấy bộ bàn ghế nhựa màu xanh của một quán bún ngan. Có hai người đàn bà đang xì xụp ăn. Huân thử hét lên. Vô hiệu. Tiếng nhạc xập xình karaoke từ trong ngõ vẳng ra, tiếng còi xe ngoài đường và tiếng người nói chuyện hòa thành một cái bè âm thanh huyên náo mà ở bên trên này, Huân có cảm tưởng cái bè ấy bốc hơi lên theo hơi nóng hầm hập của không khí. Âm thanh trên cao dường như không rót xuống được. Thế này thì dễ hiểu vì sao có con chim nào hót cũng không thể lọt đến tai người dưới phố.
Một thứ gì bò bò trên người Huân làm anh nhột nhột. Ối mẹ ơi, hai con chuột. Hai con này cứ thoăn thoắt bám theo nhau, bò trên lưng rồi chuyển lên tay Huân. Huân nhăn mặt ghì xuống đám dây để tránh bị chúng bò lên mặt. Huân chỉ sợ bọn nó chui vào ống quần… Hai con chuột chừng như cũng không thấy gì thú vị trên này nên chạy tiếp rồi chuyền lên cây. Huân rùng mình, thở phào. Trên người Huân có cái ví. Điện thoại thì đã để trên bàn làm việc mất rồi. Giá mà thò tay lấy ví ra ném xuống hai bà kia để họ ngẩng lên nhỉ. Chân đã kẹt rồi nên cũng không thể tụt giày ra cho rơi xuống. Mà cứ cho là có đồ vật rơi xuống, thì chắc gì người ta đã nghĩ có người kẹt bên trên. Nhưng đấy là giá mà còn có cái gì. Huân chợt nảy ra một ý tưởng rồi bật cười. Thế thì khốn nạn quá. Tởm quá. Hai bà kia trông bộ dạng ngồi ăn khó coi thật đấy, nhưng họ không đáng bị thế. Ở chỗ nhìn từ trên cao này, thấy cả ngực họ phô ra. Dĩ nhiên là với Huân lúc này, anh chẳng còn lòng dạ nào hứng khởi với một bộ ngực đẹp nữa là hai bộ ngực buồn thảm của hai bà già. Thực ra ý tưởng của Huân khi nãy không liên quan gì đến ngực mà đến thứ hai bà đang ăn. Huân tặc lưỡi, đến nước này thì làm sao để được đưa xuống, còn gì mà thể diện. Với lại người ta cũng phải có sự thông cảm với người bị nạn chứ.
Huân dồn hết sức, nhổ phẹt một cục nước bọt trong mồm xuống, cố gắng sao cho rơi trúng một trong hai đối tượng. Đúng lúc ấy, một người đàn bà nhỏm dậy, vươn tay sang bàn bên lấy lọ tương ớt. Đám nước bọt rơi tõm vào bát bún, trong khi người đàn bà còn lại đang cúi xuống ăn bát của mình. Người đàn bà kia lấy lọ tương ớt, bình thản múc một thìa đổ vào bát lên trên chỗ nước bọt vừa rơi xuống. Cả hai người hoàn toàn không biết gì cả. Huân gào lên: “Đừng ăn! Tôi ở đây! Trên này!!!!” Đáp trả là hành động cắm cúi ăn, đầy hào hứng và ngon miệng.
Huân nghiêng đầu, vừa thấy ngượng vừa buồn nản, nhìn xuống đường. Dòng người đi nườm nượp, xe cộ chen chúc nhau, đi như một trận đồ hỗn loạn rất tức cười. Vậy mà lúc đi xe máy trên đường, Huân thấy mọi người vẫn đi như không có vấn đề gì xảy ra. Trật tự ở ngang tầm mắt khác xa với toàn cảnh nhìn từ trên cao. Một cái xe con tạt vào cạnh vỉa hè, làm cho đám xe máy đằng sau phanh gấp, quệt vào nhau dúi dụi. Mặt mũi ai nấy hầm hầm giận dữ. Một gã đàn ông quẳng xe máy đổ rạp xuống, khuỳnh khuỳnh tay bước đến đạp cái rầm vào nắp capô xe con. Cửa xe con mở ra, một gã mặc com lê lao ra. Như được tiếp sức, cả đám người đi xe máy xúm vào quây lấy gã ta. Hai người đàn bà ăn bún cũng buông bát chạy ra xỉa xói. Huân đang chờ một cuộc xô xát quy mô lớn thì trời rào rào đổ mưa. Thế là mạnh ai nấy chạy. Gã đàn ông gây sự vớt vát lại bằng một cú giật mạnh cổ áo gã com lê rồi bỏ đi. Trước khi dựng xe lên, gã còn dứ dứ ngón tay chỉ vào mặt chủ cái xe con hăm dọa. Trong giây lát, vụ lộn xộn biến mất. Trên vỉa hè, mấy bộ bàn ghế nhựa của quán bún ngan bốc hơi. Hai người đàn bà đã đi từ lúc nào.
Người Huân ướt sũng, nhưng anh toát mồ hôi. Mưa thế này, nhỡ vô phúc dây điện chập thì rồi đời. Anh thấy mình người hầm hập nóng, có lẽ bị sốt. Một ánh chớp sáng lòa, rồi một tiếng nổ và một tia lửa điện xoẹt lóe lên trên đường dây. Một mùi khét bốc lên, ẩm sực.
Một con gián chạy đến, rung rung hai sợi râu. Hình ảnh con gián đột ngột làm Huân nhớ mang mang đâu đó chuyện về một kẻ một sớm tỉnh dậy biến thành một con gián. Huân sợ sợ, thử ngúc ngoắc tứ chi xem liệu có thành ba cặp chân không. Hay mình sẽ thành một con rắn bò ngoằn ngoèo trên đường dây điện này, như những con quái vật ký sinh trong các khoang vật chất trong phim viễn tưởng. Hay mình thử nhắm mắt lại, thử xem mình có biến hình không. Không, mình không được nhắm mắt, nhỡ thành thứ gì đó ghê tởm thì sao. Hoặc không bao giờ tỉnh lại.
Huân căng mắt ra, nhẩm đếm số chân (hay số tay). Một, hai, ba, bốn... Mình không giống con vật kia. Thật kỳ lạ, anh có thể bò trườn quanh bó dây như thể một con chuột. Như thể năm đầu ngón tay, đầu gối và bàn chân anh nữa, có khả năng bám dính. Anh không bị trọng lực trái đất tác động thì phải. Nhưng anh thấy rất thoải mái khi bò trên dây, và còn lấy làm ngạc nhiên khi không có ý niệm gì về việc xuống mặt đất sẽ như thế nào. Mưa làm anh khoan khoái. Anh lơ mơ nghĩ, ơ thế mình biến hình thật à. Để chắc không mơ, anh nhe răng cắn vào tay. Đau điếng.
Huân cố nhớ ra mình từng là gì trước đây, nhưng không có gì trong đầu gợn lên. Tán cây vẫn xanh, nhà vẫn thấy mái tôn, như thể đã thấy từ trước. Nhưng trước là trước cái gì, Huân không nhớ nổi.
Huân bò được mấy chục mét thì mưa tạnh. Dưới đường xe cộ lại dần đông như nêm cối. Bỗng một đám đông ùn lại ở chỗ bên dưới đoạn dây điện Huân bị kẹt lúc nãy. Tiếng ầm ĩ vọng đến khiến Huân nghển cổ ngoái lại. Anh bò về chỗ cũ thì thấy một bộ quần áo vắt vẻo trên dây điện. Huân thấy quen quen nhưng không hiểu tại sao lại quen. Hai gã thanh niên đứng bên dưới, nhảy nhảy lên tìm cách giật bộ quần áo xuống. Xung quanh hai gã, một đám đông dừng xe máy nghển cổ lên nhìn. Một gã thanh niên lăm lăm cầm cục gạch, khoát tay ra xung quanh, hét: “Lui ra!” Đám đông dúi dụi xô nhau nghiêng người né. Hắn liệng cục gạch lên bộ quần áo. Một cái ví tụt ra. Đám đông ồ lên. Rồi tất cả xúm vào hỗn loạn vồ lấy những tờ tiền lả tả rơi xuống. Huân vội bò đến chỗ bộ quần áo. Vài kẻ nhìn lên nhưng không có vẻ gì nhận ra có Huân trên ấy. Huân bỗng nhớ ra cái cảm giác này đã thấy ở đâu, cảm giác bị bỏ rơi. Ký ức ập đến như một đoạn phim bị tua nhanh hết tốc lực, Huân vụt nhớ ra mình là ai. Đúng lúc ấy, một cục gạch nữa ném lên trúng vào đầu Huân. Huân hét lên đau đớn rồi ngất đi.
Trong cơn mê, Huân mơ thấy mình được gỡ khỏi mớ dây điện, được một chiếc xe cứu thương chở đến bệnh viện, rồi một cô gái cúi xuống, nói nhỏ: “Anh cố lên nhé, đừng ngủ, ngủ là mất ký ức đấy!” Huân cảm động, cố mở mắt ra. Mất ký ức? Cảm giác như tình huống này giống một bộ phim nào đấy, mà anh không đủ sức nhớ xa hơn nữa.
***
“Anh là Mạc Vũ Huân phải không?” Anh công an nhìn vào chứng minh thư của Huân rồi nhìn lên anh. Huân ú ớ gật đầu rồi cầm lấy giấy tờ. Anh nhận ra ở góc phòng là cô gái đã nói với anh bên xe cứu thương. Cô đang cao giọng kể vụ việc đã xảy ra: “Em đang chạy dọn bàn thì sét đánh rầm một cái. Anh kia rơi bụp vào đúng chỗ em nuôn.” Huân sững lại trước cái giọng the thé. Anh bước đến cô gái, lập bập nói cảm ơn. Cô gái vừa lấy cái khăn mặt lau tóc vừa cười ầm ĩ: “Thôi bố trẻ ơi, bố về đi, bố nàm em sợ vãi đái ra. Tự tử như bố nà nhất đấy!” Huân vừa sượng sùng, vừa nghi hoặc. Mình tự tử?
Huân thất thểu đi bộ về văn phòng. Một ngày với sự biến vừa qua hẳn phải là một cái tứ đắt giá cho câu chuyện anh đang bí. Nhưng phải về nhà tắm rửa, thay quần áo đã. Cảm hứng và tính thời sự vẫn phải chào thua những nhu cầu tầm thường quen thuộc.
Tắm rửa và ăn qua quýt bát mì xong, Huân ngồi vào máy tính. Nhưng Huân khựng lại, nhân vật ở ngôi thứ mấy bây giờ? Ngôi thứ nhất thì khó thuyết phục, sẽ chỉ có giọng ngùi ngùi mà thôi. Ngôi thứ ba thì giống Kafka hay Marquez quá. Huân không thể tạo nhân vật là bản sao của gã K. nào đấy. Huân bỗng ngãng ra, chán thật, thể nào cũng bị xem là bắt chước Kafka. Huân ngồi thừ, chán nản kiểm tra mail, rồi mở trang tin ra đọc. Giữa đám tin mới là tin về anh. Tự tử bất thành vì… vướng dây điện. Nó đầy đủ và có lớp lang ly kỳ đến mức như thể chính anh viết ra. Huân cảm tưởng như mình đã bị thuổng văn. Bị đạo ý./.
(c) Nguyễn Trương Quý 2011
Nhận xét