Sự quyết liệt có “mác” Vàng Anh
TT - Hồi tản văn Thảo Hảo ra mắt, mọi người ngay lập tức xếp tác giả của chúng vào hàng cây bút xuất sắc nhất của thể loại này.
Khi ấy chưa có các trang mạng xã hội và blog rầm rộ, nên hằng tuần những bài tản văn ngắn như Ai cho mày chê con tao xấu, Gửi Đoàn của tôi, Nhân trường hợp chị Thỏ Bông, Nhật ký (gã) đào đường... thành một thức ăn nuôi độc giả đặng tiêu hóa những vấn đề thời sự.
Những vấn đề có khi cũng nhỏ thôi, nhưng người viết đã mở ra vô số cánh cửa, cánh nào cũng hứng gió ào ạt về.
Sách do NXB Trẻ ấn hành - Ảnh: Thuận Thắng |
Sau mười năm, đọc lại những tản văn ấy giữa bối cảnh ai cũng có thể viết tản văn và tự xuất bản trên trang mạng cá nhân, vẫn dễ thấy chúng có một vị trí riêng biệt. Có điều đọc lại có khi thấy đau lòng hơn xưa, cái lúc đây đó vẫn phập phồng nghĩ: viết sắc sảo vậy, phản hồi dư luận nồng nhiệt thế, hẳn những tiêu cực ấy chắc sẽ được giải quyết.
Bây giờ thì dễ nhất là... thở dài! Điều ấy càng chứng tỏ viết được những bài như Thảo Hảo cần một khả năng nhìn xa hơn giới hạn của thể loại. Tản văn phải càn lướt được tính thời sự, mà nhiều người hay nương vào những trải nghiệm cá nhân có tính tự sự trữ tình để gánh đỡ cho cái khô khan thông tấn kia.
Nhưng Phan Thị Vàng Anh - tức Thảo Hảo, tức An Bàng - không thèm nhờ hay nương cái gì hết (thậm chí mổ xẻ chính cảm xúc của mình, như người vừa tỉnh bơ nói năng vừa tự phẫu thuật tim ruột mình, ví dụ Thắc mắc thời bình). Chỉ bảy tám trăm chữ, quá lắm là một ngàn chữ, với một sự kiện đinh, không gì ngoài chuyện thời cuộc, mà Vàng Anh trần mình ra chế biến.
Khi đọc những tản văn đình đám ấy vào khoảng gần chục năm trước, người ta có thể vập ngay vào được như món nóng sốt và khoái trá kinh khủng, ồ lên, xuýt xoa lên. Bây giờ thì khó mà thế, nhưng đọng lại nơi người đọc một giá trị thâm sâu hơn, truyền thống hơn: giá trị văn chương của chúng.
Người ta có thể nói Vàng Anh không khoan nhượng, Vàng Anh khe khắt, Vàng Anh đanh đá, nhưng vấn đề mấu chốt là Vàng Anh ý thức cao độ về ngôn từ. Khi đã lùi xa khỏi sự kiện, tản văn của Phan Thị Vàng Anh là những bài học về phép ứng xử với cuộc sống, với chữ nghĩa, những thứ xem ra giới viết đã bàn nát nước nhưng làm được như thế lại là một chuyện khác, đòi hỏi không được buông tha sự quyết liệt của chính mình. Sự quyết liệt mà đa số chúng ta, sểnh ra là xẹp.
NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ
Nhận xét
Với cả giọng văn làm mình rất nhớ tới thầy giáo mình :))
Tóm lại là sẽ đi mua sách. Điều đáng ngại nhất là mình sẽ nhận ra rằng, cùng đọc một cuốn sách, nhưng mình có khi chả cảm nhận được cái hay của nó như người khác :(