Dõi theo dòng Đa-nuýp chảy về đâu

Tôi lấy tên bài theo câu thơ của Khổng Văn Đương trong bài “Em đi tìm anh trên bán đảo Ban-căng”, một loại thơ Hai sắc hoa ti-gôn thời Xô-viết. Đến sông Đa-nuýp, Danube, Dunai hay Donau rồi, tôi không thấy hoa ti-gôn nhưng mà thấy nao nao các sự tích mối tình tim vỡ như thế.

Hỡi trái đất rộng làm chi bát ngát
Cho loài người chia biên giới thế gian
Cho sa mạc thổi bùng cơn bão cát
Cho tình anh chưa bén đã lụi tàn?

Sến, nhưng mà vùng Trung Đông Âu ấy quả là hằn lên trong tôi cảm giác rất dramatic. Đi ở một giao lộ lớn nào ở Viên cũng thấy đề: Praha 250km, Bratislava 64km, Budapest 250km… Dãy Carpat thì chắc còn xa xa nữa. Ngoại dãy ấy là những nước cận Nga. Chỉ trăm cây số, và hai mươi mấy năm trước, bên kia là “biên giới thế gian” rồi.

Năm 1918, Đại chiến thế giới lần thứ nhất kết thúc. Một loạt nước mới ra đời ở Trung và Đông Âu. Những vương triều lừng lẫy hàng trăm năm sụp đổ tan tành. Đế quốc Áo-Hung với cốt lõi là vương triều Habsburg vốn nằm trong phe Liên Minh bại chiến, cũng phải rời khỏi sân khấu chính trị. Châu Âu đến là kỳ lạ, những vùng đất thực khác biệt nhau về ngôn ngữ, chủng tộc, nhưng tách nhập liên hồi kỳ trận. Một trăm năm sau, những mảnh vỡ tứ tán của những đế chế Phổ, Lỗ, Áo Hung… khét tiếng một thuở lại cố gắng xóa nhòa biên giới mức sống bên cạnh biên giới địa lý đã được dỡ bỏ trong khối EU.

Bài học châu Âu tưởng cũ mòn lắm rồi nhưng cứ như một thứ vi trùng ngủ đông, vẫn tiếp tục sống dậy ở góc này xó kia thế giới. Những năm 1990, ngay sát nách nước Áo và Hungary, nước Nam Tư vốn ra đời từ sau Thế chiến thứ nhất lại rơi vào cảnh tan đàn sẻ nghé thành nhiều nước như trước khi nhập, tận diệt lẫn nhau giữa những kẻ dị chủng.

Giữa những nhao nhác như thế, thành Viên hoa lệ nằm ở vị trí ngã tư đường Trung Âu vẫn giữ được cái vẻ lạnh lùng “bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng” như thời một đế quốc hai kinh đô (đế quốc “kép”) cùng Budapest xưa kia. Tượng đài của hoàng hậu Sisi có ở khắp các đô thành thuộc đế quốc kép, có vẻ là biểu tượng thiện cảm hơn vô vàn những pho tượng chồng bà này – Franz Joseph I và vô số những ông vua ria mép xoắn ngược khác. Nói về sự có mặt của những bà hoàng nổi danh châu Âu, trên trang wikipedia tiếng Việt viết về nữ hoàng Victoria nước Anh, một chỗ ghi bà ta là “bà nội của châu Âu”, chỗ khác lại đề là “bà ngoại của châu Âu”. Mà thế cũng không sai, con trai con gái những ông hoàng bà chúa này lấy chằng chéo nhau, làm nên một kiểu hôn nhân chính trị tưởng đảm bảo cho (những) nền hòa bình bền vững mà rút cục cũng như chỉ mành treo chuông. Đế quốc Áo-Hung rộng thứ hai và đông dân thứ ba châu Âu chỉ tồn tại được có 51 năm, thực chất là một thể chế vãn hồi cho vương triều Habsburg đã suy yếu sau thất bại trong chiến tranh Áo-Phổ năm 1866.

Vậy mà những gì còn lại của vương triều ấy vẫn xa hoa không thể tưởng tượng được. Chiến tranh rồi những cuộc cách mạng vẫn chừa lại những di sản, không đến nỗi “nhổ tận gốc, trốc tận rễ”. Nền quân chủ sụp đổ, những ông hoàng bà chúa một thuở lang bạt khắp các đô thành châu Âu. Những Anastasia, Karl Franz này nọ chết từ đời nào nhưng vẫn dư sức khuấy tò mò những kẻ tầng lớp bình dân. Nguyên một thành Viên có cả chục lâu đài, ba bốn chục bảo tàng mà phần nhiều đặt trong các cung điện cũ. Dư âm của cuộc cải tổ quy hoạch Paris của Nam tước Haussmann bên Pháp những năm 1850-1860 đã tạo ra sức hấp dẫn cho một loạt kinh thành châu Âu, rút cục từ Viên cho đến Budapest cũng lao vào cuộc trưng bày những sản phẩm mỹ lệ của mình dù chẳng hề thiếu cái để khoe trước đó. Viên, Budapest đều từng là những thành phố tráng lệ nhất châu Âu, như những câu trả lời ở phía Đông đối với sự hoành tráng của Paris đương thời hay La Mã thuở trước.

Viên nằm ở ngã tư đường của châu Âu từ những thế kỷ trước, trở thành một thủ đô nghệ thuật hàn lâm của lục địa. Không cần nói thì ai cũng biết đây là đất của những Mozart, Beethoven, Brahms, Strauss. Một thành phố mà góc nào nhìn ra cũng thấy sự diêm dúa được phô bày, thì ắt là nơi đẹp đẽ tương xứng để tồn tại một trường phái cổ điển Viên trong âm nhạc. Một thành phố gần như chưa bao giờ có số dân vượt quá 2 triệu người (duy nhất năm 1910 có 2,1 triệu) nhưng số danh nhân đủ đặt tượng cho mỗi quảng trường và công viên. Năm 1908, một trong số hai triệu người chen chúc ở thành phố này cũng mơ làm nghệ sĩ ở nơi tưởng như không thành nghệ sĩ thì phí cả đời bị từ chối lần hai khi xin vào Học viện Mỹ thuật. Hắn cũng thành danh nhân theo nghĩa khác, một thứ nghệ sĩ cuồng loạn mà tác phẩm là chiến tranh. Trớ trêu làm sao, Học viện Mỹ thuật Viên cũng đào tạo ra nhiều họa sĩ, kiến trúc sư, nhưng cái kẻ trượt có tên Adolf Hitler kia mới đi vào lịch sử nhân loại.

Trí nhớ đen trắng

Buổi sáng tháng Hai ở Viên rét căm căm, không có tuyết rơi nhưng băng đóng trên các thảm cỏ và những đoạn vỉa hè chưa kịp dọn. Hoàng cung Hofburg nổi lên màu đá xám xịt. May mà vẫn có nắng làm cho con đường dọc bờ kênh Wien dẫn nước từ kênh Donau (tức Danube) sáng sủa. Sản phẩm của kiến trúc Nouveau Art diêm dúa những năm đầu thế kỷ 20 có mặt ở những bức tượng lan can thành cầu, những hoa sắt uốn tràn ngập những môtip hình dải khăn cuốn vòng nguyệt quế. Nhiều nhất là hình những cây đàn lire, những bình hoa hình chiếc cúp chiến thắng, những thân hình phụ nữ vẫn còn ảnh hưởng điêu khắc cổ điển nhưng đã có nét tân kỳ ở dáng vẻ thon mảnh hơn, thay vì đẫy đà kiểu thời trước.

Trung tâm lịch sử của thành phố ngập tràn những họa tiết trang trí, trên mặt tiền và các vòm sảnh, từ những kiểu cách Baroque rườm rà đến Art Deco điệu đà chiết trung, gây nên cảm giác cho người đời sau không còn có thể chen vào được gì vào đó nữa. Bản thân Hitler là một kẻ tạo dựng nên đế chế mới, nhưng rồi hắn lấy ngay những mô thức cổ điển áp dụng cho đế chế thứ Ba của mình, từ tên gọi, quy mô cho đến kiến trúc, mỹ thuật. Nền kiến trúc phát xít thực tế là một kiểu tân cổ điển nặng nề, với những hàng cột hoành tráng và những điêu khắc kiểu khải hoàn đầy sáo mòn. Albert Speer và Arno Breker, kiến trúc sư và điêu khắc gia “cung đình” của Hitler thực tế đã tiếp nối truyền thống kiến trúc cũ một cách trung thành, có khác chăng là cao lớn hơn một cách dị thường. Những gì được mang ra từ nước Áo, nơi Hitler đã từ bỏ quốc tịch năm 1925, thực cũng dễ thấy ở những khát vọng thần thánh tràn ngập thành Viên. Có đi tới lui ở một thành phố đầy ắp ký ức về các vĩ nhân như nơi đây, mới cảm thấy đôi khi di sản cũng là một gánh nặng. Tay thợ sơn Hitler đến Viên tìm kiếm chỗ đứng, rồi bỏ đi khi không được thừa nhận. Đến thời điểm ấy, Viên chắc chỉ kém Paris về số vĩ nhân hội tụ về.

Trong ngập tràn hình bóng quá khứ được miệt mài tô đi vẽ lại trong các bảo tàng, cung điện và phòng khiêu vũ lả lơi điệu valse, mới thấy làm được điều gì đó mới vừa khó vô cùng, lại vừa như một tất yếu của lịch sử. Wittgensteid, Sigmund Freud, Stefan Zweig... đã bắt đầu những tác phẩm quan trọng nhất của mình từ những cật vấn sự trịnh trọng công thức của đời sống tư sản. Trong những năm điên rồ của hai thập niên giữa hai cuộc đại chiến, mọi sự quay cuồng như những bức ảnh các nữ minh tinh thời bắt đầu phim nói. Bây giờ tôi vẫn mang cảm giác là thời ấy chỉ có hai màu đen trắng, những hình diễn viên mặt trắng phớ, môi tô sậm nhỏ xíu, mắt đánh có quầng như những con búp bê kỳ quái.

Đến thăm những cung điện lâu đài, những bộ sưu tập rực rỡ của các ông hoàng bà chúa một thời, tôi vẫn không xóa được ấn tượng hình ảnh chỉ có hai màu đen trắng về một thời. Những trang trí lộng lẫy quá nghiêm cẩn, vần luật quá chỉn chu đâm làm hòa các sắc lại thành một khối. Có gì đó buồn thảm trong những khung cảnh quạnh quẽ ấy như thành phố ai cũng mặc áo ấm màu đen và xám, đi dọc những dãy phố toàn những tòa nhà cổ điển mặt tiền ốp đá bị đen xạm vì mưa tuyết.

Nguyễn Trương Quý

(đang viết dở thì phải đi viết cái khác ^^)

Nhận xét

Nặc danh đã nói…
bài viết về Vienna của bạn đọc rất thú vị. có lẽ, mình cũng phải dành thời giờ lúc nào đó (tĩnh tâm) viết thử về Vienna. Với mình Vienna không có quá nhiều kỷ niệm, nhưng vài lần qua đó cũng khá ấn tượng, và nhất là qua tác phẩm kinh điển Thư của người đàn bà không quen biết của Stefan Zweig... mình cũng có viết về câu chuyện đó và phần nào về cả bộ phim đó nữa (dù bộ phim mang lại cảm xúc hơi khác so với truyện), chia sẻ với bạn tại đây:
http://klfosb.wordpress.com/2011/01/11/letter-to-those-adore-love/
Nguyễn Trương Quý đã nói…
Cảm ơn bạn. Bài viết của bạn rất công phu, kỹ lưỡng đáng nể.

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm

Lưu trữ

Hiện thêm