Đằng sau những câu hát về Hà Nội
PL. TPHCM - Một cách nói chuyện sâu sắc về Hà Nội qua những bài hát, cuốn sách kể về những người đẹp với những mối tình đã trở thành tình khúc, về thời tiết, thiên nhiên và cả những biến đổi thời cuộc của Hà Nội trong các nhạc phẩm quen thuộc.
Sau bốn cuốn tản văn về Hà Nội, tác giả Nguyễn Trương Quý lại tiếp tục suy ngẫm về Hà Nội bằng góc nhìn âm nhạc với cuốn sách Còn ai hát về Hà Nội.
Một Hà Nội diễm lệ và kỳ ảo
. Phóng viên: Hà Nội trong các ca khúc có gì thú vị và mới mẻ so với Hà Nội hiện thực, thưa anh?
+ Tác giả Nguyễn Trương Quý: Hà Nội hiện lên diễm lệ và kỳ ảo hơn trong ca khúc. Cũng có thể nói là ca khúc đã “make up” kỹ lưỡng cho hình ảnh Hà Nội. Dù thực tế, Hà Nội có bụi bặm, thời tiết khắc nghiệt: mùa hè thì nóng nực nhưng khi vào bài hát thì: Áo màu tung gió chơi vơi… Nước hồ là ánh gương soi, nắng hè tô thắm lên môi… (Hướng về Hà Nội - Hoàng Dương). Hoặc ta cũng thấy hình ảnh một dãy phố nghèo nhưng nên thơ với các hình ảnh đẹp: mái ngói buồn nâu, nhà ga cũ, cà phê đắng trong Phố nghèo (Trần Tiến). Những bài hát với một hệ thống tính từ hoa mỹ đã làm nên một Hà Nội đẹp hơn, lung linh hơn.
Tuy nhiên, vẫn có thể thấy được những phản ánh hiện thực của đời sống Hà Nội suốt trăm năm qua, từ khi những bài hát đầu tiên ra đời ở thể hát nói, dân ca, cho đến tân nhạc. Ví dụ: Phản ánh việc đánh bạc: Tiếng hô tiếng nhắng um tùm. Lên lầu xem điếm, tổ tôm đánh bài… (Chầu văn Hà Thành 36 phố phường).
Đến thời chủ nghĩa hiện thực XHCN chi phối nghệ thuật thì ca khúc vẫn khoác lên mình tà áo đẹp của văn chương, của biểu tượng thẩm mỹ. Ví dụ: Đèn đỏ đèn xanh với ánh nắng nhảy múa như ngàn hoa… Chào cuộc sống mới từ nơi ngã tư này. Hình ảnh của quê hương vươn mình đấu tranh dựng xây … (Từ một ngã tư đường phố - Phạm Tuyên).
Bìa bản nhạc Cô hàng hoa, một trong những phụ bản màu của cuốn sách Còn ai hát về Hà Nội. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Tô đậm vẻ lịch lãm, duyên dáng của người Hà Nội
. Cuốn sách giải thích các ca khúc theo thời gian của từng thời. Và không khí của Hà Nội từng thời đó trong âm nhạc thì như thế nào?
+ Chẳng hạn thời Thăng Long, Kẻ Chợ thì chúng ta chỉ biết qua những ca khúc sau này, như một sự tái hiện những câu chuyện lịch sử (trừ một số bài chầu văn hay ca trù của thời cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 viết về hiện thực đương thời). Tuy nhiên, có thể thấy sự đa dạng của một đô thị hiện đại trong các ca khúc ngay từ thời đầu tân nhạc. Nghe ca khúc, có thể hình dung về cách ăn mặc của phụ nữ thời đó: Với Văn Cao là: “Tà áo em rung theo gió nhẹ thẹn thùng ngoài bến xuân”; với Tô Vũ: “Tà áo hương nồng, mắt huyền trìu mến sưởi ấm lòng anh”; với Hoàng Dương là: “Áo màu tung gió chơi vơi”… Qua ca khúc ta cũng có thể thấy thời tiết, tình ái, sự biến động thời cuộc… Đặc biệt là vẻ lịch lãm, duyên dáng trong ứng xử, tình cảm và thái độ sống của người Hà Nội được tô đậm trong các thời đã qua. Những điều đó thể hiện qua nhiều nhạc phẩm như Cô láng giềng, Tà áo xanh, Dư âm…
. Trong thời kỳ âm nhạc nào không khí Hà Nội là đặc trưng nhất, thưa anh?
+ Mỗi thời kỳ có cái hay riêng. Thời tiền chiến thì phong phú về câu chuyện, vì các ca khúc khi ấy nặng tính tự sự, kể lể, tựa như những tản văn hay truyện ngắn: Buồn tàn thu, Trương Chi, Cô hàng cà phê. Thời chiến tranh lại có cái vẻ bi tráng, rắn rỏi, nhiều sáng tạo vừa ngẫu hứng vừa chỉn chu. Thời sau thì có tiết tấu mới mẻ hơn, phiêu diêu hơn.
Tôi thích không khí Hà Nội của những năm 80. Bây giờ nghe lại về thời của những thay đổi ban đầu sau những năm tháng dài chiến tranh và nghèo khó, con người cựa quậy, không gian Hà Nội cựa quậy. Nó bỡ ngỡ mà mê đắm. Cũng có thể vì tôi đã cùng lớn lên với những không khí ấy.
Nhạc sĩ Hà Nội: Lãng mạn đến chết
. Đằng sau những giai phẩm lãng mạn chắc hẳn anh khám phá nhiều bí mật về mối tình của các nhạc sĩ?
+ Một trong những nhạc sĩ có nhiều bí mật về những cuộc tình là Đoàn Chuẩn. Những năm 1950, ông có mối tình với một nữ ca sĩ. Nàng là nguồn cảm hứng để ông viết một tình khúc đặc biệt nhưng ít được phổ biến. Ca khúc ban đầu có tên Vàng phai mấy lá, được nhạc sĩ viết tặng riêng cho người đẹp vào năm 1955. Nhưng cả hai người đều đã có gia đình. Người đẹp ấy đã từ chối và xé bản nhạc ấy đi. Bài hát sau đó còn có tên Bài ca bị xé hoặc Vĩnh biệt. Đoàn Chuẩn từng có ý định khi chết thì đắp bản nhạc ấy lên mặt. Cho đến khi về già, ông vẫn giữ được sự mê đắm, lãng mạn trong tình cảm.
Một lần gặp nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, khi đó ông đã yếu và không nói chuyện được nhiều, ông có cho tôi xem tấm ảnh một người xưa. Ông kể đó là một cô văn công Hà Nội. Nhưng khi thấy vợ ông đi vào, ông nhanh tay ụp tấm ảnh xuống. (Cười)
. Vậy theo anh, Hà Nội của nhạc sĩ nào là ấn tượng nhất?
+ Tôi đặc biệt dành thiện cảm cho Hà Nội của Hoàng Giác, Đoàn Chuẩn - Từ Linh thời những năm 1940-1950 và Nguyễn Cường, Trần Tiến sau này. Dĩ nhiên nhiều nhạc sĩ khác hay bài hát cũng rất hay, như Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi hay Hà Nội niềm tin và hy vọng của Phan Nhân, Bài ca Hà Nội của Vũ Thanh…, là những đỉnh cao có sức khái quát cho một thời, bước ra khỏi khuôn khổ một ca khúc. Đấy là những trang sử ký về Hà Nội. Tôi cũng thích đôi nét chấm phá Hà Nội của các nhạc sĩ tha hương như “Ta nhớ thấy em một chiều chớm thu, dáng yêu kiều của ngày đã qua. Thướt tha bên hồ liễu thưa. Lắng tiếng tiêu hồn của ngàn phím tơ, thiết tha thề ước, mối duyên hờ đã phai mờ...” (Vũ Thành). Những lời ca ấy đẹp vì nỗi niềm dành cho Hà Nội của họ có sự chắt lọc, duy mỹ mà vẫn có gì mộc mạc.
. Trong sách của anh có một Hà Nội xô bồ chưa được đưa vào âm nhạc, đó là sự chừng mực của các nhạc sĩ hay là sự chừng mực của anh?
+ Thật ra đa số ca khúc Hà Nội mang màu sắc trữ tình và hào sảng. Số ca khúc phản ánh trực diện “Hà Nội xô bồ” khá ít và cũng chưa sắc nét. Thời tân nhạc cũng đã có những ca khúc trào phúng về đời sống đô thị. Chẳng hạn như: “Ơ, rừng mái rừng me. Cô mặc áo thắm, cô che dù hồng. Tập tầm vông. Tay xách ví đầm, dắt chó bẹc giê” (Cô Tây đen - Vũ Cận).
Nhưng các bài hát này chưa đi vào kho ký ức của cộng đồng như đa số các bài hát lãng mạn.
Tôi nghĩ là dòng ca khúc về Hà Nội đã hoàn thành nhiệm vụ phản ánh hiện thực Hà Nội những thời trước. Còn hiện tại, Hà Nội cũng có nhiều biến động, cảm xúc của người nhạc sĩ cũng bị vơi đi và ít có những bài hát hay phản ánh hiện thực Hà Nội hiện tại. Tất nhiên khuôn khổ cuốn sách của tôi cũng không đủ để nói hết các góc cạnh Hà Nội. Cuốn sách này cũng chỉ sử dụng được một phần nội dung những gì tôi đã viết thông qua cây cầu ca từ những bài hát về Hà Nội.
. Xin cảm ơn anh.
Còn ai hát về Hà Nội giới thiệu các ca khúc gắn với từng giai đoạn lịch sử của Hà Nội, trải từ thời Thăng Long, Kẻ Chợ, thời Đông Dương đến thời nhạc trẻ. Sách có tư liệu quý hiếm của các nghệ sĩ thời đầu tân nhạc do tác giả sưu tầm và biên tập. Sách tặng kèm phụ bản màu và CD 12 ca khúc đặc sắc về Hà Nội qua các giọng ca kinh điển.
Trà Giang
Nhận xét