Khi Quý nghỉ chân (review sách)

TT - Có lần trả lời phỏng vấn, Nguyễn Trương Quý nói anh chọn tản văn vì khả năng càn lướt hiện thực của nó. Không rõ Quý chọn tản văn hay tản văn chọn Quý, mà nhắc đến các cây bút tản văn hiện thời, không thể không nhắc đến cái tên Nguyễn Trương Quý.


Một buổi trò chuyện về cuốn sách tại Hà Nội. Sách do NXB Trẻ ấn hành - Ảnh: Bùi Hoài Nam Sơn

Quả thật, trong thể loại tản văn, Nguyễn Trương Quý hiển nhiên đã xây dựng được một "thương hiệu". Là chủ nhân của bốn tập tản văn đình đám, Nguyễn Trương Quý đã chứng tỏ anh có khả năng dùng tản văn để càn lướt hiện thực điệu nghệ như thế nào.

Tuy nhiên, lần này, con người của tản văn ấy đã rời bỏ thể loại quen thuộc để bước chân sang truyện ngắn - một địa hạt mới, chấp nhận một thách thức mới.

Không khó để nhận ra nhân vật trong truyện ngắn của Quý là ai. Hầu hết họ chính là giới nhân viên văn phòng, trí thức trẻ thành thị từng được (hay bị?) Quý đem ra bóc tách, cười cợt trong các tản văn, đặc biệt trong Ăn phở rất khó thấy ngon. Điểm khác biệt là, nếu trong tản văn, họ xuất hiện như một nhóm người chia sẻ những phong cách, thói quen chung, thì ở đây họ xuất hiện thành những cá nhân, có tên, có gương mặt, có gia đình con cái, có yêu có ghét cụ thể. Họ quen nhau qua mạng, họ ngoại tình, họ lãng đãng, họ vô tâm, họ sĩ diện, họ hèn, họ tinh tế vặt, gỉ gỉ gì gi đi nữa, nhưng nhìn chung họ đáng thương. Đã thế, có lần, họ còn bị bỏ rơi: Trong Câu chuyện bắt đầu từ tầng 10, anh nhà văn Mạc Vũ Huân trong một lần tìm tứ cho truyện đã trượt chân lao từ tầng 10 xuống, không chết nhưng nằm mắc lửng lơ trong một đám dây nhợ bùng nhùng. Kêu chẳng ai nghe vì phố xá quá ồn, cố tình gây chú ý bằng cách nhổ nước bọt cũng bị hai bà ăn bún ngan xơi mất, anh đành nằm trên đống dây gánh chịu tình cảnh bị bỏ rơi. Nếu như anh nằm mãi trên đống dây thì câu chuyện sẽ mang màu sắc phi thực, kiểu Kafka hay Gabriel Garcia Marquez, nhưng tác giả lại cho anh được xuống đất. Đó là một cú twist dí dỏm. Cách xử lý của Nguyễn Trương Quý trong truyện này cho thấy anh mang được nét hài hước - thế mạnh của anh từ tản văn sang truyện ngắn.

Cái nên mang thì Quý đã mang, còn cái không thì Quý để lại. Ngôn ngữ Quý sử dụng cho truyện ngắn có độ tiết chế đáng kể so với tản văn. Nếu như khi viết tản văn, Quý hơi "ngoa" (nhưng đây là nét hấp dẫn trong tản văn của anh), thì trong các truyện ngắn, ngôn ngữ của Quý có độ lùi, tỉnh táo, để câu chuyện tự nó được kể, mà tác giả hiếm khi can thiệp vào, bình bình xét xét.

Tôi chú ý đến những câu kết truyện của Quý. Những câu ấy, thay vì kết lại, thì hay gợi ra một cái gì đó, rất có thể là một thứ hoàn toàn khác. Ví dụ: "Ngón tay út cong lên dài vút như khiêu khích" (Tiệc Tây), "Dòng xe máy bị tắc lúc nãy giờ rùng rùng chuyển động phía sau" (Chị Xít), "Tiếng phát thanh viên dự báo chiều nay bão sẽ về" (Rừng mái rừng mơ).

Với nhiều người viết khác, tản văn là một quãng nghỉ chân giữa các tiểu thuyết hay truyện ngắn. Với Nguyễn Trương Quý, ngược lại, truyện ngắn có thể lại là một quãng nghỉ chân giữa các tập tản văn. Nhưng cũng có thể, chính tập truyện này lại mở ra một hướng đi hoàn toàn khác. Như những câu kết truyện của Quý.

LÂM VŨ THAO

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm