Hà Nội và giới trẻ đô thị (review tập truyện)

Sau bài điểm sách của Lâm Vũ Thao, cùng ngày là một bài của một nữ nhà báo trẻ. Mình nhắn tin cảm ơn về bài review "hấp dẫn lắm". Bạn nhắn tin "Anh khen hơi quá. Em thấy sách thú vị thì viết. Giá mà được viết dài hơn... Thế hệ này, xã hội này, tâm tư như thế. Đồng cảm ghê gớm anh ạ."


Tiền Phong - Nguyễn Trương Quý chọn cái tên Dưới cột đèn rót một ấm trà cho tập truyện ngắn mới nhất, sau vài năm liền toàn viết tản văn. Không biết có ảnh hưởng gì không mà cái tên cũng đậm chất tản văn.


Dưới cột đèn rót một ấm trà là cái tên chung, không phải là tên truyện ngắn nào trong tập. Cái tên như mô tả một khung cảnh quen mắt của đô thị bình dân: làm người đọc liên tưởng đến một quán trà trên vỉa hè cạnh cột đèn đường. Đô thị bình dân thân thuộc nhất với cảnh tượng đó, không nơi nào khác chính là Hà Nội.

Hà Nội đương đại chính là chủ đề mà Nguyễn Trương Quý mải miết theo đuổi trong sự nghiệp viết lách. Các cuốn tản văn của anh đều xoay quanh Hà Nội và đô thị đương đại nói chung. Tập truyện này cũng không phải là ngoại lệ.

Đọc truyện ngắn, thường độc giả có quyền không đọc theo thứ tự. Xếp ở cuối sách là truyện Rừng mái rừng mơ dày đến gần nửa cuốn sách, 122 trang, có thể coi là truyện dày chứ không còn là truyện ngắn nữa. Và nếu so sánh với các truyện khác chỉ hơn 10, 20 trang thì thấy rõ độ đậm đà của tác phẩm này.

Rừng mái rừng mơ viết về nhân vật chính là người đồng tính. Long, chàng trai đẹp, nhang nhác ca sĩ Hàn Quốc nhưng được cái “đầy ắp sức sống và mời gọi” (trong mắt nhân vật nữ tên Xuân). Truyện mở đầu khi Long và Xuân gặp nhau, cả hai đều bị mẹ ép đi cắt tiền duyên. Về sau tập trung vào mối tình đầy duyên nợ của Long với Mạnh - người lấy vợ nhưng vẫn giữ tình cảm với Long.





Với truyện dài này, “bàn phím” của Nguyễn Trương Quý động chạm khá nhiều vấn đề: tình yêu và tình dục đồng giới, người trẻ độc thân ở đô thị, tôn giáo, hầu đồng, giáo dục…

Có thể kể tên vài truyện ngắn khác có lối kể hoặc tình tiết độc đáo: Câu chuyện bắt đầu từ tầng 10 (kể về tai nạn rơi trúng dây điện của một người đàn ông, về sau trở thành câu chuyện lãng xẹt trên báo mạng), Cười đùa đàn địch xôn xao (truyện này kể bằng giọng như đang say), Người mắc chứng tiền đình (nói về một vụ scandal thu hồi sách - ngành mà chính tác giả là người trong cuộc)…

Tất cả diễn ra trong không gian nội và ngoại thành của Hà Nội. Nhân vật chính là giới trẻ đô thị, một nhóm nhân vật mà các nhà văn thuộc thế hệ Nguyễn Trương Quý, già hơn và trẻ hơn một chút, rất quan tâm.

Có lẽ điều hấp dẫn các nhà văn nhất chính là những mâu thuẫn tồn tại trong nhóm nhân vật này. Họ có cuộc sống vốn sẵn đủ đầy hoặc có năng lực và tự làm ra tiền. Ở họ không có những nỗi buồn thiếu thốn và thiệt thòi như trong các trang văn về miền quê hoặc người miền quê lên thành phố. Nhưng trong tâm hồn của những người trẻ này là các khoảng trống toang hoác. Có thể do hoàn cảnh, có thể do họ tự tạo ra.

Có cả một thế hệ đã và đang sống theo cách đó. Không ngạc nhiên khi họ thấy buồn và thỉnh thoảng lại cô đơn. Làm mọi thứ theo trào lưu. Với Long là vác máy ảnh đi chụp một cô bạn gái có vẻ ngoài giống Hàn Quốc ở bên ngoài khách sạn Hilton. Với Xuân, là đi phượt cùng nhóm bạn ở những nơi mà ai cũng đến: hoa cải, tam giác mạch, cao nguyên đá… Tự đi, (chụp ảnh) tự sướng, rồi về tự chán.

Trích truyện Rừng mái rừng mơ:
“Chị cũng phải có niềm vui nào chứ”.
“Phượt. Chụp ảnh. Hết cánh đồng hoa cải vàng đến tam giác mạch, hết cao nguyên đá đến Phượng Hoàng cổ trấn. Hè thì sen, thu thì cúc. Bố khỉ, cả một thế hệ tự sướng”.
… “Bà cô khó tính quá”.
“Có lẽ vậy. Đứa nào nhẫn nhịn, dễ chấp nhận có khi happy hơn. Chán nhất là ai cũng biết thế, cuộc đời nào cũng thế, mà có thoát ra được đâu”.

HẠ MI

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm