Rừng mái rừng mơ (phần kết)
xii
Nửa năm sau khi trở lại Hà Nội, Long nhận được điện thoại của Amy. Giọng bà như reo lên trong điện thoại. Amy muốn mời Long và Xuân đi ăn bún bò Nam Bộ ở phố Hàng Điếu. Bà đã nói được cả số nhà lẫn tên phố rành rọt bằng tiếng Việt. Long xấu hổ khi nghĩ nửa năm qua mình chẳng tiến bộ được gì về khoản ngoại ngữ.
Tại sao Amy không rủ thẳng Xuân – người quen trực tiếp của bà – mà lại thông qua Long? Long bỗng thấy khó nói với Xuân. Không hiểu cô có phiền không nhỉ? Ba tháng trước, nhân dịp sinh nhật, Xuân mời Long cùng mấy người bạn đi ăn. Một tiếng trước giờ hẹn, mưa như trút nước. Mỗi lần mưa to là một dịp những con đường đi qua những khu trũng của Hà Nội có thể ngập tới cả mét. Khó khăn lắm Long mới đến được chỗ Xuân hẹn. Không có ai. Long nhìn đồng hồ, cậu muộn 5 phút. Long gọi điện cho Xuân. Xuân không trả lời. Một phút sau có tin nhắn. “Chị rất bực mình. Em về đi, đừng đến nữa.”
Sau này Long mới biết, chỉ có một người bạn của Xuân đến sớm và kịp đi trên đường khi chưa ngập sâu. Mọi người cố gắng gọi cho Xuân để tổ chức lại nhưng cô không trả lời bất cứ ai. Mọi người không lấy làm lạ trước thái độ ấy, Xuân vốn nóng lạnh bất thường. Nhưng ai nấy mang cảm giác nặng nề. Còn Long, trên đường về, cậu vứt bó hoa vào một thùng rác ven đường. Bó hoa rơi hụt ra ngoài, bị dòng nước cuốn đi xuống rãnh. Những bông hoa lềnh bềnh lẫn với những bao ni lông rác. Tại sao hôm ấy trời mưa thế mà cậu vẫn nhất định mua hoa nhỉ?
Long quyết định nhắn tin cho Xuân thông báo cái hẹn của Amy. Xuân bất ngờ gọi lại. Giọng cô tỏ ra dịu dàng, “ừ, chị có nhận mail của Amy mấy tháng trước. Bà ấy khen em lắm. Khen dễ thương mà rất ga lăng. Chị nói thật đấy, vì em đúng là vậy.”
“Hay là em làm phi công lái máy bay siêu già nhỉ?”
Xuân cười khô khan. Lâu rồi chẳng có chuyện gì vui. Cô thì già đi, Long thì lần nào cũng chỉ có mỗi chuyện than vãn về cuộc sống không tìm được ai tử tế trong giới. Cũng dễ đến ba tháng rồi hai đứa không gặp nhau. Từ cái hôm sinh nhật vớ vẩn ấy. Thật may cả hai đã làm lành, nhất là cô không phải kiểm điểm lại cơn bốc đồng của mình.
Cuộc gặp gỡ vui vẻ hơn mong đợi. Amy sôi nổi khoe với hai đứa là bà đã bắt tay vào dự án mới, và mới in sách ở nhà xuất bản Thế Giới. Amy mời cả hai đến dự buổi nói chuyện ra mắt sách của bà ở một câu lạc bộ cuối tuần này.
Long nhận trách nhiệm đèo Amy về khách sạn. Amy vẫn trong trạng thái hào hứng, đột nhiên đặt tay lên eo Long. “Ồ, hình như em hơi béo lên thì phải.”
Long bỗng ngượng nghịu và xấu hổ. Cậu không nói gì cho đến lúc đưa Amy về đến cửa khách sạn. Long chỉ nói chào rồi phóng xe đi. Long bỗng thấy chán nản. Không phải vì sự vô tình bất ngờ của Amy, mà nửa năm qua, cậu đã để thời gian trôi vô ích.
Tối hôm Amy nói chuyện, Long đi một mình. Xuân nói cô không hâm mộ mấy thứ sách vở, rồi lại gặp sếp hoặc đối tác ở đấy, gặp nhau công việc đã đủ ớn rồi. Long mua một bó hoa ở Cửa Nam. Lúc lấy ra khỏi túi nilon đựng, cậu sơ ý làm một bông bị gãy. May sao, bông này chưa bị rời khỏi cuống, cậu ngần ngừ rồi ấn nó xuống sâu một chút. Có còn hơn không.
Hóa ra cậu là người duy nhất tặng hoa cho bà. Amy có vẻ xúc động thật sự khi nhận hoa. Cử tọa độ hai chục người, đại bộ phận là người phương Tây. Vài người phụ nữ trung niên nhìn Long ngưỡng mộ. Bó hoa để bên cái bàn rất trang trọng, cạnh mấy cuốn sách.
Amy giới thiệu một gã trai, có lẽ hơn Long vài tuổi. Hơi khó đoán quan hệ của hai người. Amy nói đây là người quản lý của câu lạc bộ. Gã đàn ông ăn mặc bóng bảy, kiểu bóng bảy của những gã trai chuyên nghề phục vụ. Bàn tay giơ ra bắt mềm mềm. Không chắc là bóngnhưng cũng không nam tính cho lắm. Long bỗng dưng thấy ghen chẳng hiểu vì đâu.
Kết thúc buổi nói chuyện, Amy đứng lại nói chuyện với Long. Bỗng dưng bà hỏi, “chừng nào em lập gia đình?” Long hoàn toàn không chờ đợi một câu hỏi thế này. Cậu vẫn nghĩ người Tây luôn né tránh việc hỏi han gia cảnh và hôn nhân. Long lúng túng, em còn muốn tập trung vào sự nghiệp và đi học.
Amy đột nhiên nhìn đăm đắm vào mắt Long. “Tôi chỉ muốn em hạnh phúc.”
Long nghĩ là mắt bà hơi rơm rớm. Mái đầu bạc rung rung dưới ánh đèn compact nhờ nhờ. Long cúi xuống, nén cảm giác ngùi ngùi mà cậu không muốn có.
xiii
Đã năm ngày nay, mẹ Xuân đi lễ với bản hội cô Liễu chưa về. Sau một tuần cả nhà chỉ nhận được hai cú điện thoại của bà gọi chớp nhoáng báo rằng đi thích lắm, tuần sau sẽ về. “Đợt này lễ gì mà nhiều thế hả mẹ?” “Lễ quan Tam Phủ, nhưng lần này cô Liễu khao to. Cô Liễu mới lấy được bằng quản trị kinh doanh của Mỹ hẳn hoi. Giỏi thế.” Xuân không hiểu làm thế nào mà cô này có bằng Mỹ trong khi cô đi du lịch có đúng mấy tuần, mà đi chơi khắp các thành phố lớn, lại còn hầu đồng cho Việt kiều bên ấy. Tín ngưỡng dân gian muôn năm, hòa giải được cả người Việt hai bờ vĩ tuyến. Mẹ Xuân kể nguyên hành lý của cô bốn vali thì hai cái đã chở khăn áo để hầu rồi. Nghe Xuân kể lại, Long cười. “Trên mạng nó quảng cáo mấy trường vớ vẩn, chả phải qua Mỹ cũng có bằng hẳn hoi luôn.”
“Em chấm dứt với Mạnh rồi à?”
“Ừ. Chán thật. Em nghĩ Mạnh không phải người xấu. Nên em cũng tiếc.”
“Chị nghĩ Mạnh không phải người đủ tốt cho em. Đừng tiếc.”
Long ngần ngừ một lúc. Nên kể cho Xuân nghe không, chuyện cậu đã đi vào một sauna cho nam giới và thấy Mạnh trong ấy để quan hệ tình dục với những thanh niên lạ mặt. Rồi chuyện cậu đã ngu ngốc cãi cọ với Mạnh. Cậu cũng vào đấy với ý đồ tìm bạn mà, cậu không thể trách cứ Mạnh đã phản bội được. Rõ ràng là hai đứa trước đó coi như chia tay nhau rồi. Chuyện có vậy thôi nhưng vẫn rất đau.
**
Gần hai tuần trôi qua, vẫn chưa thấy mẹ về. Cả nhà Xuân phát hoảng. Bố Xuân thở ngắn than dài, chỉ biết rên rỉ và cắm cảu nhắc đến mẹ. Chị Thu thì tự trách mình đã không đi cùng mẹ. Xuân quyết định đi tìm, có Long làm bạn đồng hành. Hai đứa đi xe máy lên vùng Phà Lũng, nơi có đền quan Tam Phủ.
Đền này vài năm nay cồn lên phong trào phát ấn. Một vị chúa Trịnh thời Lê Mạc phân tranh khi tạm lánh về đây đã tìm cách thu phục nhân sĩ bằng cách đóng ấn triện vào những thẻ bài để họ lấy đó làm giấy thông hành tìm về phò minh chủ. Ba thế kỷ không ai nhắc đến, bỗng một ngày khi ngôi đền nâng tầm quốc gia, ban quản lý tìm ra được một dòng trongToàn thư nhắc đến việc đóng ấn. Thế là thần thiêng nhờ bộ hạ, cơn cuồng say thần thánh tiếp sức cho một hành vi được vật thể hóa, lôi kéo quan chức và quần chúng xa gần. Cô Liễu có vẻ như đã “đỗ đạt”, nên chắc đợi lấy được mảnh bùa đóng ấn này cũng không có gì lạ.
Con đường khúc khuỷu, gồ ghề, có chỗ là đường đất, không có gì hứa hẹn tiện nghi, quả thực đáng ngạc nhiên cho một nghi lễ tín ngưỡng đang thời thượng. Hai bên toàn những đồi trồng keo trông hoang vu rợn người, màu xanh tối tăm không chút niềm nở.
Cả hai đứa bất ngờ khi xe ngoặt qua một khúc quanh. Bên một cái dốc, cả một khu đất trống nhộn nhịp xe hơi. Một cái biển xi măng kẻ sơn thô kệch, màu rờ rợ mấy chữ “Dốc Cô Tây”. Cái tên kỳ lạ. Phía trong là một cái miếu nghi ngút khói hương, tiếng nhạc chầu văn í éo. Xuân và Long rẽ vào quán nước ngồi nghỉ.
Tám năm trước, một đoàn khách Tây ba lô đi leo núi qua đây. Ngọn núi cao nhất nhì Đông Dương, chỉ kém Phansipan hay Tây Côn Lĩnh, nằm trong một khu bảo tồn thiên nhiên. Khi quay về, một cô gái hình như người Canada đã trượt chân ngã xuống vực. Tổ chức cứu hộ phải đưa trực thăng lên quần thảo hai ngày trời nhưng không tìm thấy xác. Dân tình một đồn mười, mười đồn trăm, ai cũng nói chết trẻ là thiêng, thế là mọc lên cái miếu và cái tên Dốc Cô Tây. Bây giờ dốc được làm đường rộng ra chứ không còn cheo leo như ngày xưa. “Bọn Tây có đứa nào nghiên cứu vụ này chưa nhỉ?” Xuân lên xe, ngoái nhìn cái miếu như cái chuồng gà, màu đỏ rờ rợ đi cùng màu xanh mơn mởn của lá rừng gây cảm giác man dại.
Đến đền chính, Xuân và Long ngỡ ngàng với quy mô của lễ hội. Đến người có “thâm niên” như Long cũng không thể tưởng tượng được. Xe hơi đậu nườm nượp trong bãi. Những cái xe sang cạnh những xe mười sáu chỗ của các bản hội đồng cốt, xe nào cũng treo cờ xí xanh đỏ. Có cả xe biển số xanh. Hai đứa đi len lỏi trong những đám xem hầu, tiếng nhạc inh ỏi khắp nơi. Đông đến nỗi người ta còn mở cả cung ở ngoài sân. Những người đàn ông bệ vệ mặc váy áo mắt lúng liếng, nhảy chồm chồm trong giá chầu Bé, cô Bé hay uốn éo chèo đò, múa quạt. Những người đàn bà khệnh khạng khăn đóng áo dài quan đệ Ngũ, ông hoàng Mười, phì phèo thuốc lá, múa gươm ầm ĩ. Đám đông ngất ngư say hương mê mị.
Đúng mười hai giờ đêm, lễ phát ấn mới bắt đầu. Khác với ấn đền Trần nặng về quan tước, ấn ở đây được giải thích là của vị chúa cùng thời Liễu Hạnh, nên có tính nữ, thuận cho buôn bán.
Tiếng cồng báo hiệu vừa dứt, những người quản lý cố gắng ép đám đông thành hàng, nhưng vô phương. Đám đông cuồn cuộn như len vào nhau, như mê sảng, ai nấy hướng đến dãy bàn có ông thủ từ đội khăn đỏ đang ra sức đóng một con dấu lên những mảnh giấy mỏng như tờ sớ màu vàng có những họa tiết đỏ. Có ông nào đó đắc thắng giơ tờ sớ đã được đóng dấu lên, len qua hàng người ngược ra ngoài. “Xoạt!” Một bàn tay đã giật lấy nó. Hai bàn tay khác thừa cơ nhao lên. Cảnh tượng hỗn loạn. Tiếng chửi bới, tiếng gào thét lanh lảnh trên cái nền âm thanh váng óc. Đám đông cuồng nộ vì sự chờ đợi, vì khao khát thỏa mãn cơn say công quả của mình đang cộng hưởng với hàng nghìn người xung quanh. Xuân kinh hãi không biết mẹ mình có chết bẹp trong đám người mênh mông kia không.
Xuân và Long lách qua những hàng người kiên nhẫn đứng đợi ở vòng ngoài. Một gã đàn ông miệng hôi rình, mắt đỏ đòng đọc, giật tay áo Long. “Hai em có mua ấn không? Anh để lại, giá hữu nghị.” Hai đứa lắc đầu, gạt ra. Một người đàn bà trung niên vẻ dân thành thị mắng xơi xơi một ông có lẽ là chồng. “Trời ạ, đây là ấn rởm rồi. Ông mua ở ngoài kia chứ gì? Tổ sư bố nhà nó, tám trăm nghìn, nó cầm tiền của người ta thế á, rồi quan Tam Phủ sẽ vật cả lò nhà nó, con nó, cháu nó, ba đời nhà nó mãn kiếp cũng không ngoi ngóc lên được.” Ông chồng xấu hổ, gàn vợ. “Thôi thôi, mấy trăm bạc có bằng một lần mình đi ăn đâu. Người ta phải làm thế thì cũng đã là khổ lắm rồi.” Mụ đàn bà vẫn chưa chịu thôi, vỗ phạch cái vào mông. “Khổ, khổ cái…” Chừng như thấy mình quá lố, bà ta im bặt, quay ngoắt đi.
Tìm mãi, cuối cùng hai giờ sáng Xuân và Long mới đến được một cái đền ở tít sâu trong núi, nơi mẹ Xuân đang đắm đuối xem lễ, tay giữ khư khư tờ sớ đã được đóng dấu. Xuân lúi húi chen vào giữa những người đàn bà đang mê muội vì hưng phấn và cả vì buồn ngủ, lấy tay giật vai áo mẹ. “Ơ, con! Mày đi thế nào mà quan Tam Phủ chỉ lối hả con?” Xuân nghiến răng. “Mẹ ra đây!” Cô vội bước ra sân trước khi kịp gây chú ý cho đám con nhang đệ tử.
Xuân đưa mẹ ra một cái lán nghỉ. Mẹ Xuân mắt cứ sáng như sao, gần như chỉ nói những điều đồng bóng, nhiều khi như trong trạng thái mê sảng. “Tí nữa vào xin lộc giá cô Chín để còn lấy chồng con ạ.” Đột nhiên mẹ Xuân ngất đi. Có vẻ như bà bị hạ đường huyết. Xuân sợ mất vía, vội nhờ chủ quán pha cho cốc nước chè đường nóng. “Để bác nghỉ rồi sáng ra hãy về chị ạ.” Long thận trọng đề nghị.
“Không. Phải về luôn. Không thể ở chỗ bờ bụi này được.”
Long ra taxi, đòi đưa về thẳng Hà Nội. Gã tài xế nhìn thấy cảnh tượng mẹ Xuân mềm oặt, sợ xúi quẩy, không chịu chở. Xuân gọi cho Minh. Sau hai hồi chuông, Minh trả lời. Minh đang ở Sài Gòn, nhưng sẽ nhờ đứa bạn. Xuân từ chối, nói thôi em lo được rồi.
Long liều bấm số gọi Mạnh nhưng số điện thoại không liên lạc được. Long không thể giấu được ý nghĩ là thấy nhẹ cả người. Có thể Mạnh đã đi Úc.
Mẹ Xuân đã tỉnh lại nhưng vẫn rũ rượi, cái sớ đã nát nhũn ra vì mồ hôi. Xuân bấn loạn, ra sức xoa dầu vào thái dương mẹ. Cô tuyệt vọng nhìn quanh tìm cách xem ai có khả năng cho đi nhờ. Long chợt nhìn thấy cậu Ngọ. Long lùi bước đứng khuất sau cái cột. Ông ta chắc đang lên xe về, vẻ mặt điềm tĩnh như thoát tục, rảo bước tránh những người đang nằm ngồi vạ vật dọc lối đi. Ba bốn đệ tử khệ nệ mang vác đồ lễ theo sau. Có hai cậu trai trẻ tóc nhuộm theo sau, ăn mặc đỏm dáng, đeo túi da Gucci, dáng vẻ quàu quạu đành hanh như hai cô gái già, vẻ như mệt mỏi uể oải vì thiếu ngủ.
Những đám người giàu có kênh kiệu giữ chặt những đôi giày da và túi xách đựng đầy tiền mới cứng để dâng lễ và phát lộc. Họ dè chừng đám dân nghèo xung quanh đổ xô đến quanh các chiếu hầu, những người này nhặt nhạnh những đồng tiền lẻ của các giá hầu tán lộc thập phương. Đa phần là bà già và trẻ con. Những bà già ngồi xổm hai bên các cung hầu, họ mỗi lúc áp sát hơn. Chốc chốc, các đồng thầy hay đám phụ hầu lại quầy quậy đuổi họ giãn ra. “Cứ đứng ám hết cả vào thì còn làm ăn gì. Toàn những mùi hôi hám, uế tạp. Đứng ra đằng kia, rồi ai cũng có lộc cả.” Mỗi lần vào giá tung tiền lộc, các ông bà đồng lắc lư chán, cầm những tập tiền hai nghìn hay năm nghìn dứ dứ múa may rồi tung lên. Mạnh ai nấy lao vào nhặt nhạnh. Bà chủ quán chép miệng. “Hai nghìn là về mua được mấy bìa đậu rồi.”
Trời tang tảng sáng, những đám hầu đã vãn bớt. Ở chỗ phát ấn đêm qua, cảnh tượng như sau cơn bão. Nền gạch đây đó bị xới tung lên. Những viên ngói vỡ lỏng chỏng ở hai tòa giải vũ tả hữu. Những người đàn bà còng lưng nhặt nhạnh tìm tòi chút gì sót lại, những đồng tiền lẻ giắt ở kẽ những cánh cửa bức bàn hay bờ tường. Bọn trẻ con nhà quê mắt đờ đẫn nhìn những túi đồ lễ đang khuân kìn kìn theo các đám hầu đã xong. Vài người vứt cho bọn trẻ mấy túi hoa quả hay bánh kẹo, cả đám xông vào giành giật. Một người đàn ông có tuổi mặc áo bộ đội, mặt thành kính, khẽ trải tờ sớ đã đóng dấu ở bậc thềm tòa đại bái, phủ phục vái lạy. Gió lay lay những cái cờ, không khí tê buốt từ dưới thung lũng thốc lên. Những bóng người lủi thủi đi lại như những hồn ma.
Cuối cùng Xuân và Long cũng nhờ được một nhà đi lễ có xe về Hà Nội. Những chiếc xe lặng lẽ nối đuôi nhau trong màn sương trắng đục của núi rừng. Khung cảnh càng về xuôi càng rõ nét và trần tục hơn.
Chiếc xe về đến thành phố lúc ban trưa, nắng chói chang trên những rặng cây và những mái nhà chật chội. Xe bật máy lạnh mà Xuân vẫn thấy oi bức. Mọi người đã sốt ruột nhấp nhổm chuẩn bị đồ đạc sẵn xuống xe sau một ngày đêm vạ vật xa nhà. Người lái xe vặn to tiếng đài FM. Tiếng phát thanh viên dự báo chiều nay bão sẽ về./.
Nhận xét