Tuyết của Đỗ Phấn

Đỗ Phấn lúc nào cũng có chuyện để kể. Trong khi chờ đọc xong Dằng dặc triền sông mưa (truyện dài) thì giới thiệu trước tập tản văn Hà Nội thì không có tuyết. Dằng dặc triền sông mưa là truyện dài kể ở ngôi thứ ba nhưng xưng "cậu" - quãng đời của một cậu bé Hà Nội đi sơ tán về quê, gọi là quê nhưng là vùng Yên Hòa, Cầu Giấy hay cạnh sông Đuống bên Gia Lâm, hồi ấy mới tách từ Bắc Ninh để sáp nhập vào Hà Nội... bây giờ những triền sông mưa ấy đã thành đất nội thành hoặc khu đô thị mới cả rồi. Truyện đọc trong trẻo và nhiều hình ảnh Hà Nội được ghi lại rất thú vị. Họa sĩ đã kịp vẽ bằng chữ, không bị sa vào thổn thức tuyên truyền kiểu Văn Linh, có gì đó gần Vũ Tú Nam, và song song với Phan Thị Thanh Nhàn, Xuân Quỳnh, Dương Thu Hương ở những Xóm đê ngày ấy, Hành trình ngày thơ ấu...

Hà Nội thì không có tuyết là rất nhiều ghi chép kiểu Vũ trung tùy bút hay Tang thương ngẫu lục, vô vàn những mẩu chuyện HN. Nhiều chỗ cũng lan man, tuy thế đọc có không khí. Dưới đây là lời giới thiệu cho tập sách.

Bìa do Kim Duẩn vẽ

TUYẾT CỦA ĐỖ PHẤN

Đỗ Phấn khi viết văn vẫn có cái nhìn của một họa sĩ, tinh tế và kỹ lưỡng trong quan sát. Anh đặc biệt mạnh về chi tiết, những nhấm nhót đời thường, tất cả được vẽ bằng chữ nghĩa giàu màu sắc và đường nét, về một Hà Nội gồ ghề, xù xì, đắm đuối, trằn trọc… đủ mọi cung bậc cảm xúc. Anh day dứt về một Hà Nội xưa đã phôi pha những vẻ đẹp uyên áo, và cũng chấp nhận cái bộn bề của Hà Nội thời ẩm ương đầu thế kỷ này. Tập tạp văn Hà Nội thì không có tuyết vì thế khó nói là lạc quan hay bi quan, nó là điều ai nấy phải chịu. Điều quan trọng là cách nhìn và cách lên tiếng của họ, mà ở đây với vai trò một người nghệ sĩ pha chất kẻ sĩ, Đỗ Phấn không dửng dưng trùm chăn.

Số lượng hơn 90 bài tạp văn của anh trải theo chủ đề bốn mùa “Xuân - Hạ - Thu - Đông” cho thấy sức viết đáng kinh ngạc của một họa sĩ, người đã chọn nghiệp viết như một công việc chuyên môn, góp vào bên cạnh những cuốn tiểu thuyết hay truyện ngắn một giọng điệu nhất quán, chừng mực mà nhiều năng lượng sống. Chất dân gian phố phường của Đỗ Phấn đặc biệt thích hợp trong những đề tài về những cái nhôm nhoam của Hà Nội. Nó là thứ giữ chân người đọc với Đỗ Phấn, cũng như những cuốn sách đã in dồn dập gần đây của anh.

Nói về Tết – đại diện của Xuân, Đỗ Phấn chẳng ngại mà phang “họa sĩ đương đại rất ít người vẽ về không khí tết cổ truyền ở thành phố. Hoặc có thì cũng ‘hồi cố; vẽ lại những cảnh hội hè tết nhất nông thôn với hình ảnh cây nêu, cờ, phướn, đánh đu, chọi gà. Giả và gượng gạo.” (Tranh cho ngày Tết). Mùa Hạ, thật chẳng có gì hợp lý hơn là nói về những giải bóng đá, nhưng Đỗ Phấn cười buồn mà kể: “Euro 2004 là lần cuối cùng chúng tôi tụ tập ở nhà một người bạn bên Hồ Tây xem trận chung kết. Năm thằng ngả ngốn trên bộ ghế xa lông bọc da khổng lồ. Màn hình 45 inch phẳng lì sắc nét. Rượu whisky Ballantines 17. Nồi cháo gà ti tỉ reo trên bếp điện. Máy lạnh rù rì chạy... Uống. Và chờ. Kết quả là sáng hôm sau tỉnh dậy hỏi nhau, Bồ Đào Nha hay Hi Lạp vô địch?” (Bóng đá một mình). Hình như không có gì xuôi chiều, không có gì toàn hảo – một nỗi niềm vô vọng.

Và viết về Hà Nội một thuở, thực Đỗ Phấn là một giám khảo thú vị khi anh thấy “Tháp Rùa tồn tại bởi lí do thẩm mĩ là chính. Vẻ đẹp của nó rất khó gọi tên. Không phải thứ thẩm mĩ rạch ròi Đông Tây Kim Cổ của kiến trúc. Cũng không phải vì kích thước áp đảo của một tòa cao ốc. Lại càng không phải di tích lịch sử gắn liền với những chiến công hiển hách của tiền nhân. Đơn giản, nó chỉ như một nét chấm phá tuyệt diệu vào đúng cái nơi cần có trong khung cảnh mênh mang nước Hồ Lục Thủy.” Nói về một cột mốc “thẳm sâu và vợi cao” của Hà Nội, anh nhớ “hai chiếc ống khói của nhà máy gạch Đại La ở cuối đường Cát Linh. Một biểu tượng hiền hòa chất phác và kiêu hãnh của nền văn minh gạch máy đầu thế kỉ trước.”

Những câu văn lướt êm như không có gì mà lại gợi lên những từ “chuẩn”. Tuyết dĩ nhiên làm gì có ở Hà Nội, nhưng vẫn còn đó loại nhung tuyết mà Đỗ Phấn bỏ công níu giữ. Những bài tản văn nho nhỏ như những nét chấm phá ký họa, lúc lại như những vệt bút màu còn ướt sơn. Nhiều khi cái lãng đãng cũng làm người đọc sốt ruột, nhưng mà “Hà Nội không vội được đâu”, phải không nhỉ?

Nguyễn Trương Quý



Trích tập sách Hà Nội thì không có tuyết:

Minh họa của Đỗ Phấn

THƯƠNG NHỚ VỈA HÈ

Dĩ nhiên là bất cứ cái gì sinh ra trên đời rồi cũng có ngày biến mất. “Nương dâu bãi bể”, “Vật đổi sao dời”. May lắm thì kiếp người cũng chỉ được “Một đời ta muôn vàn đời nó” so với cái tăm. Cụ thể là khoảng bảy vạn chiếc tăm nếu như mỗi ngày dùng hai chiếc cho đến trăm tuổi với điều kiện răng chỉ mọc thêm chứ không rụng đi cái nào. Duy nhà Phật cho rằng có “kiếp” và có “chuyển kiếp”, còn lại không có thứ gì muôn năm cả. Đến như vỉa hè thành phố tưởng chừng là thứ bất biến thì cũng không phải thế. Còn đấy mà không phải.

Những năm 60 của thế kỉ trước, vỉa hè Hà Nội được chia ra làm ba loại rõ ràng. Những tuyến phố cũ trước hòa bình lát gạch chỉ khía vạch chéo chống trơn đỏ au sau mỗi trận mưa rào. Bờ hè được cạp bằng đá xanh. Những viên đá cắt chéo hạ dốc xuống bằng mặt đường nhựa ngay ngắn gọn gàng ở lối xe lên. Phố Thợ Nhuộm còn có những đoạn đường nhựa lẹm sâu vào vỉa hè làm chỗ tránh cho xe cộ. Hà Nội chỉ vài phố như thế và trên cầu Long Biên là có chỗ tránh. Đó là chỉ dấu đầu tiên báo hiệu cho những người đi bộ trong thành phố nhận biết vị trí khiêm nhường của mình. Những tuyến phố được lát gạch vỉa hè sau hòa bình không nhiều. Đa số nằm trên những con đường lớn kéo dài từ trong trung tâm mà ra. Gạch xi măng vuông ba mươi phân xám xịt một màu lổn nhổn những viên sỏi trắng. Xi măng lúc ấy quí hơn gạo và dầu thắp đèn bởi không có phiếu nào mua được. Xin đâu đó một cân bỏ vào vỏ hộp sơn đậy điệm kĩ càng. Thỉnh thoảng mang ra pha loãng để quét chống thấm cho chiếc thùng phuy đựng nước nhà nào cũng có. Và thùng phuy nào thì cũng rò rỉ.

Phần hè phố còn lại của Hà Nội là nền đất bó vỉa bằng bê tông không cốt sắt đúc sẵn theo hình vỉa đá. Khá nhiều. Lác đác gánh gồng và người đi bộ. Không phải nhàn tâm thư thái ngắm nghía phố phường mà chỉ vì không có xe đạp. Đẳng cấp vỉa hè không còn cái sang trọng như thời cụ “Tú men” Nguyễn Văn Tố cầm ô “men” theo những con phố khu chợ Hàng Da. Đó còn là thiên đường trò chơi của lũ trẻ. Tập xe đạp. Trèo me trèo sấu. Đá bóng, đá cầu, nhảy dây. Đánh bài, đánh ô ăn quan. Đánh khăng, đánh xèng, đánh bi, đánh đáo...và đánh nhau. Người lớn có thể xem đít quần của bọn trẻ mà biết chúng vừa chơi trò gì ở phố nào về. Nhìn chung là an toàn. Không cần cấm mà cũng chẳng quản.

Những năm chiến tranh phá hoại, vỉa hè Hà Nội bâng khuâng vắng. Lại một lần nữa “Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác hơi may” (Đất nước-Nguyễn Đình Thi). Nhưng lần này thì chẳng có nổi một câu thơ nào hay đến thế. Thực ra lúc ấy Hà Nội cũng không đủ người để đi bộ trên vỉa hè. Người lớn sơ tán theo các cơ quan nhà máy. Đám trẻ sơ tán thỉnh thoảng được bố mẹ cho về thăm nhà ngơ ngác không nhận ra những vỉa hè sôi động trò chơi và bạn bè. Nhiều đứa vừa về đã nằng nặc đòi đi sơ tán tiếp. Mãi đến năm 1969, khi Mỹ chính thức ngừng ném bom đợt đầu học sinh mới được quay về những vỉa hè thân thương của mình. Nhiều đứa đã lớn phổng. Có thể mượn xe đạp người lớn dạo quanh Bờ Hồ xuôi xuống Hàng Bài, phố Huế tán gái. Đám con gái cũng vừa ở nơi sơ tán về đang ra sức tập tành lại tác phong yểu điệu phố phường. Bắt đầu bằng chiếc áo phin nõn cổ cánh bèo mập mờ gợi những đường cong. Quần “phăng” khuy cạnh bó sát như “Chị Nhung” trong phim.

Số còn lại dĩ nhiên vỉa hè. Năm năm sơ tán đã có nhiều đứa được sinh ra và lớn lên. Giờ ra chơi trước cổng trường đông nghịt. Tranh giành nhau từng ô đất trống bày trò. Chen lẫn những hàng rong ô mai, lạc rang, táo dầm, bánh gối, chín tầng mây, kẹo kéo và bi don don. Trẻ trai nhễ nhại đá cầu đá bóng. Trẻ gái nhảy dây chơi chuyền và mài những quả nhót đỏ lựng lên đầu gối cho hết vảy phấn. Vỉa hè trở nên chật chội không chỉ ở cổng trường. Vài chục mét lại một quán nước chè năm xu ngồi la liệt ghế gỗ con thấp tè sát đất. Thuốc lá cuốn giấy Con gà bó chục đựng trong những lọ thủy tinh rộng miệng. Chiếc điếu cày hút thuốc lào thửa mãi trong Ngọc Trạo, Thanh Hóa phát ra tiếng kêu giòn tinh gọi khách. Góc ngã tư nào cũng có một vài bác thợ sửa xe đạp án ngữ treo những chiếc lốp hỏng lên thân cây làm biển hiệu. Vá săm lốp, lau dầu, lộn xích, cân vành. Vài đứa trẻ thôi học cũng ra đường bơm xe. Ăn nhau ở chỗ đứa nào có cái bơm Nga nhãn hiệu Molotova mới đắt khách. Chúng nghĩ ra cách nhún bơm nhịp nhàng không mất sức và cũng là phù hợp với cân nặng trẻ con. Cái nắp chụp trên đầu bơm phải thay sáu tháng một lần vì bị cần bơm mài mòn rộng ngoác. Thế nhưng cũng có những đứa sớm tập nhiễm thói lừa đảo lăn lóc vỉa hè. Chúng cúi mặt chúm miệng xì hơi giả như tiếng van giun bị hỏng. Nhanh tay tháo đầu giun ra xiết mạnh vào miệng van. Giun thủng thật. Khách hàng phải thay. Đoạn ống chun làm giun van có giá bằng bốn lần bơm xe đạp.


Minh họa của Đỗ Phấn

Tối mùa hè cắt điện oi bức trải chiếu ra ngoài vỉa hè. Muộn hơn có thể mắc màn chống muỗi ngủ ngay tại chỗ. Vài ông tẩm quất mù cắp chiếu lang thang khắp thành phố cũng dùng vỉa hè làm tiệm massage không mái che của mình. Khách cởi quần áo dài làm gối nằm ườn trên những chiếc chiếu thâm sịt mồ hôi. Cũng xoa bóp, bẻ, vặn, “kiến bò”, “cò mổ” bì bạch không khác gì trong tiệm.

Mới đấy mà đã như xa lắc. Hình hài cái vỉa hè đã muôn phần đổi khác. Không còn được chia ra làm ba loại như trước. Tất cả đều đã được lát gạch nhiều kiểu dáng màu sắc. Rất tùy hứng. Khát vọng tự do hình như dân phố đạt được đầu tiên là ở vỉa hè. Dân giàu có chọn gạch cho vỉa hè trước cửa nhà mình chẳng giống ai. Lại hứng chí bày thêm hai chậu cây lộc vừng tổ bố giữa lối đi. Thành phố cho lát đá xanh thí điểm vài con phố xám xì thấp gần sát mặt đường nhựa. Khổ nhất các cụ già “lỡ bước sang ngang”. Ngật ngưỡng giật mình loạng choạng. Độ cao vỉa hè và độ nhám của gạch lát đã ăn sâu trong trí nhớ các cụ gần hết cuộc đời nay chẳng dùng vào việc đi đứng được nữa.

Vỉa hè Hà Nội bây giờ rất hiếm trẻ con chơi đùa. Một phần do trẻ con ít đi và phần lớn do không còn chỗ nào đủ trống cho chúng chạy nhảy. Trường học khóa cổng im ỉm suốt trong giờ học sinh ở trường. Hàng quán lè phè đuổi đâu chạy đấy nhưng thật lạ vẫn ngày càng nhiều lên. Xe máy ngổn ngang chiếm trọn vỉa hè những phố không cấm. Tang ma cưới xin tự do dựng rạp căng lều như ở làng. Khai trương khánh thành hàng quán nhà cửa còn có cả ban nhạc sống và các vũ nữ cầm quả bông ngoáy mông loạn xạ giữa thanh thiên bạch nhật vỉa hè.

Sợ nhất cái phát minh vĩ đại mang tầm thế kỉ là chiếc biển sắt ba chân sơn đỏ dựng trên vỉa hè đề dòng chữ “Vỉa hè dành cho người đi bộ”. Nó ngang nhiên chiếm chỗ trên vỉa hè và cũng cản trở ít nhất hai người nắm tay nhau đi bộ?

7-2012

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm