Còn ai hát về Hà Nội

Chắc chắn vẫn còn nhiều người đang hát về Hà Nội.

Thế ai Hát về Hà Nội? Một nhóm người sang trọng chìm đắm trong các sân khấu thính phòng, nơi người hát những bài về Hà Nội phô diễn những kỹ thuật thanh nhạc mà ít người thể hiện được. Một đám đông quây quần quanh một hoặc vài người hát về Hà Nội trên các sân khấu quần chúng, hay "nên chăng" gọi là các sân khấu nghệ thuật hợp tác xã, nơi người ta cần tạo lập tinh thần đoàn kết trong một tổ chức hội đoàn. Các đại biểu ngồi ghế hội trường nghe các ca khúc về Hà Nội trong hội diễn đóng hộp, nơi người ta chỉ có nhu cầu "thấy" tiếng nhạc, "thấy" tiếng hát để chỉ hơn cái sự không thấy có tiếng gì, để che đi, để duyên hóa cho những mối giao lợi nơi câu chuyện thì thầm nhỏ to của họ. Những nhóm bạn bè, nhóm quan hệ đơn giản là hát về Hà Nội trong các quán Karaoke, nơi phần lớn người hát có nhu cầu bức thiết là giải giọng và thể hiện những kỹ năng ca hát tầm trung trở xuống trông chờ tiếng vỗ tay nửa trung thực của những người đi cùng.


Không, tuyệt không chỉ là những nhóm này đang hát về Hà Nội cho dù số lượng của họ rất đông đảo. "Còn ai hát về Hà Nội?" Đâu chỉ là hát? Vì nếu chỉ là hát thì còn là biểu hiện quá. Hát để tải những thước phim quay chậm của Hà Nội mới thực không chỉ là hát, mà là sống, là hòa mình vào, là thấm đẫm truyền tải được cái chất Hà Nội, và cao hơn nữa là mang trong mình cái ý thức giữ gìn những giá trị Hà Nội. Không có gì quá phức tạp khi tác giả bộ sưu tập lựa chọn thật kỹ những bài hát về Hà Nội, cái phức tạp thực sự là tìm bài hát gắn với người thể hiện những bài hát đó. Những bài ca bất hủ về Hà Nội thì nhiều người hát lắm, nhưng để hát lên được cái tinh thần của bài hát thì người ca sĩ ấy phải sống với bài hát, phải là người sáng tạo cùng nhạc sĩ. Đó mới là cái tài của người tuyển chọn. Hướng về Hà Nội sao phải là Lệ Thu, Gửi người em gái miền Nam sao phải là tài tử Ngọc Bảo, hay Hà Nội niềm tin và hy vọng phải là Lê Dung?... Họ hát mà chẳng phải là hát, nhưng họ lại đang hát. 

Mùa thu đẹp biết bao khi nhìn từ dưới phố, cô gái nắng tràn qua vai mở cửa sổ ban công trên căn gác một tòa nhà Pháp trong phố cũ Hà Nội, cất tiếng hát thầm thì "mùa hoa sữa về thơm từng cơn gió", những gã cao bồi già chẳng mê hát hò, nhưng lại ngồi xù xì một góc cafe phố cổ để trầm lại nghe những ca khúc xưa về Hà Nội, để sống lại thời trai trẻ hào hoa của gã trai phố, đến những cụ ông Hà Nội được đào tạo trong thời Pháp hàng chiều đi dạo Hồ Gươm vẫn hát "Em nhẹ bước mà đi, giữa khung trời bát ngát, trời ta hết màu tang... một người trên đất Bắc chờ em", hay ngày giỗ, mẹ làm bún thang với dì với chị ở sân sau nhà vừa ngâm nga "ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông, ta còn em nóc phố mồ côi mùa đông"... 

Quanh tôi vẫn còn rất nhiều người đang hát về Hà Nội, đang vô thức làm công việc mà họ ý thức được là truyền cái tinh thần Hà Nội cho mai sau.



Câu hỏi dành cho mọi người, nhưng của một người đam mê những bài ca đã trải qua năm tháng, người biết trân quý những giá trị tinh thần đích thực của người Hà Nội. Rót một chén trà, ngồi bên ghế bành dưới một ngọn đèn dây tóc sáng ấm vừa đủ, bật đĩa nhạc lên rồi đọc để tìm hiểu cuộc đời của những bài hát, để sống lại những hình ảnh đã theo ta suốt cuộc đời.

FB Phạm Quốc Cường

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm