Bụi đai đen

Nhân search thông tin về môi trường Hà Nội, tự nhiên thấy một tựa bài báo quen quen. Hóa ra của mình! Bài báo từ 4 năm trước, số liệu cũng đã cũ. Có điều thấy đáng sợ vì cái tít lúc ấy là "Người Hà Nội hít bụi gấp 4 lần mức cho phép" thì bây giờ đã là 11 lần: Hà Nội: Ô nhiễm bụi vượt tiêu chuẩn... 11 lần. Thế cũng như là đi tập võ lên đai đen đen vàng vậy.

Còn đây là bài báo của 4 năm trước:

::Bụi không phải từ trên trời rơi xuống

Nguoi Ha Noi hit bui gap 4 lan muc cho phep
Phế thải quá nhiều làm gia tăng bụi
Người ta vẫn nói mùa thu Hà Nội đẹp và lãng mạn. Thời tiết không còn ẩm ướt, nắng ấm và gió nhẹ. Nhưng đó cũng là khi những phần tử hạt trong không khí không thể phát tán nhanh, nên gây cảm giác ngột ngạt... Các hạt vật chất này chính là thứ ta gọi là bụi, trong đó có bụi hô hấp.

Theo GS Phạm Duy Hiển, bụi hô hấp PM10 là những hạt bụi sol khí có kích thước nhỏ hơn 10 micron (phần nghìn mm) là thứ ta đang nói đến. Chúng phát tán từ những chất rắn không phân hủy được, lơ lửng trong không khí. Có thể là đám đất cát vương vãi kia, có thể là những mẩu thức ăn vụn chưa phân rã, và dĩ nhiên còn là đám rác thải chồng chất chưa được chôn lấp. Sau nữa là từ khói của các nguồn xe cộ, nhà máy, bếp than tổ ong, vv...

Đặc biệt vào lúc nghịch nhiệt, thuật ngữ chỉ thời điểm chập tối khi mà bụi không phát tán lên cao được, tích tụ dày đặc. Nhưng trớ trêu là thời điểm này lại đông người ngoài đường nhất, nỗi khổ chung này thêm nhiều kẻ chịu.

Những khu vực trong lành hiếm hoi có thể kể: khu phố chính trị ngoại giao Ba Đình, khu vực quanh các hồ nước công viên. Còn những khu vực đông dân cư, các cửa ngõ, những trục đường lớn, là những nơi hứng bụi nhiều nhất.

Một chỗ rất bụi là bờ đê chân cầu Thăng Long cho đến Bến Bạc (Đông Ngạc, Từ Liêm), con đường chân cầu dễ đến 20 năm từ khi khánh thành vẫn ngổn ngang bê tông đúc sẵn và sắt thép.

Gần đó là đoạn đặt trạm rửa xe đầu tiên của Hà Nội từ tháng 5/2005. Thành phố cho xây thêm những trạm nữa ở bến Chèm, bến Phà Đen, những nơi cửa ngõ chuyển vật liệu vào nội thành. Tuy vậy việc làm sạch xe trước khi cho phép di chuyển lại có vẻ hình thức. Nước có lẽ ít nên hai công nhân chỉ phun vào bánh và thành xe trong vòng 2 phút. Những đám đất thải chân cầu lại bám bê bết vào bánh xe và cứ thế, rải ra đường chỉ chờ vài tiếng khô lại nhập vào tầng bụi lơ lửng trong không khí.

Thế cái không khí đó, cái có ôxy cần cho sự sống ta đang hít thở ấy, ra sao? Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường thì mỗi năm Hà Nội tiếp nhận 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 46.000 tấn khí CO2 từ các cơ sở công nghiệp. Ngoài ra còn khói của hơn 100.000 xe ô tô và 1 triệu xe máy. Hai thành phần sau càng ngày tăng lên, cho dù xăng đã tăng giá lên mức số vạn đồng và có vẻ văn minh hơn là không chì.

Ông Đặng Dương Bình, trưởng phòng QLMT và khí tượng thuỷ văn, Sở TN&MT HN cho biết có đến 200 cơ sở nhà máy gây ô nhiễm nặng, nhiều nơi ở trong khu dân cư nội thành cần di dời nhưng tiến độ rất chậm chạp, ví dụ Nhà máy Rượu ở phố Lò Đúc thải khí ra khu phố xung quanh và nhất là đầu chiều gió thổi vào khu tập thể Nguyễn Công Trứ.

::Lá phổi bị xem thường

Người ta đã tính ra, mỗi ngày ta hít vào phổi trong những tháng Hà Nội vắng những cơn mưa là 16-20 mg bụi. Con số này lấy từ khảo sát nồng độ bụi tại các quận như Đống Đa, Long Biên ở mức 0,8mg/m3 không khí mỗi ngày, cao gấp 4 lần mức cho phép.

Thậm chí ngã tư Nam Thăng Long - Tây Hồ, khu vực có điểm rửa xe đã nhắc đến, nồng độ bụi rất cao, lên đến 1,35mg/m3, gấp gần 7 lần mức cho phép.

Trên địa bàn Hà Nội, mỗi năm có khoảng 1.500 người nhập viện vì mắc các bệnh về hô hấp (viêm phổi, viêm phế quản và các bệnh hô hấp khác) do hít phải nồng độ bụi quá nhiều.

Việc tưới đường theo khả năng của Công ty Môi trường đô thị cũng mới chỉ cố gắng đáp ứng được rất hạn chế. Cùng một chiếc xe tiêu chuẩn có dung tích từ 8 – 10m3 nước nếu ở những phố như Phan Đình Phùng hay Bà Triệu thì rửa được ba lượt nhưng chưa chắc đã đủ để cho một lượt phố Tây Sơn.

Cũng theo GS Hiển, một nghiên cứu ở Thái Lan cho thấy, nếu cứ giảm được 10 micro gam (phần triệu gam) PM10 trong một 1m3 không khí thì con số tử vong sẽ rút bớt 1-2% về bệnh tim mạch và 3-6% về bệnh hô hấp. Vậy thì, biên độ vượt mức cho phép ở ta lên đến 16 mg = 16.000 micro gram tức là đã làm tăng khả năng chết trước bình minh của ta ra sao đây, bạn đã thấy sợ chưa?

Công ty Môi trường đô thị đã mua 10 xe quét hút bụi, 70 xe cuốn ép rác của Nhật Bản, lắp đặt 1.000 thùng thu chứa rác... Nhưng công ty cũng chỉ có trách nhiệm và khả năng thu gom rác dân sinh và một số cơ sở công cộng như bệnh viện, trường học.

Những thứ này sẽ lại là vấn đề ô nhiễm cho những bãi rác ngoại thành khi chưa có nhà máy xử lý rác hiện đại. Còn những thứ khí lửng lơ ai thải cũng được từ xe cộ thì... nhờ ông Trời vậy!

::Khi nào thì được hít thở bình thường?

Mọi người hẳn còn nhớ thời gian diễn ra SEA Games 22, Hà Nội rất sạch và ít bụi hơn hẳn. Đó là khoảng thời gian 1 tháng mọi phương tiện chuyên chở vật liệu xây dựng bị cấm lưu thông và các công trình cũng tạm ngưng. Dĩ nhiên bên cạnh đó là công sức của công ty MTĐT, song mới thấy hoá ra việc hạn chế bụi không phải là bất khả thi.

Quy hoạch thay đổi nhiều, lại làm chậm nên gây sức ép biến dạng những tính toán ban đầu, khiến cho đường phố chỗ nào cũng có cảnh đập đi xây lại, ngã tư nào cũng thấy hình như phải mở rộng, và dĩ nhiên là hậu quả thì đã rõ: phần phá bỏ sẽ chuyển đi đâu bên cạnh những bụi vật liệu không phát tán được.

Nếu những khu đô thị mới không chỉ để ở mà còn là các trung tâm hành chính – thương mại – kinh doanh mới đối trọng với khu phố cũ Hoàn Kiếm – Ba Đình, nếu những đô thị vệ tinh thay đổi tư duy vệ tinh cổ điển, nếu đô thị Hoà Lạc sớm thành hình, nếu các công trình dân dụng xây dựng tử tế cho tuổi thọ và độ bền đúng lý thuyết, nếu các khu công nghiệp được xác định chỗ đúng từ đầu và áp dụng công nghệ sạch, vv... thì hẳn mức độ bụi theo đó không có chỗ để gây ô nhiễm cho không khí Hà Nội.

Nếu cho học sinh sinh viên hay cả những người thành phố phải thực hiện một nghĩa vụ đơn giản: đi tham quan một vài bãi rác lớn của thành phố như Nam Sơn chẳng hạn, vừa nhiều rác lại lắm bụi, có lẽ khi trở về, biết đâu mỗi người mới thấm thía cái phần mình thải ra hàng ngày được dồn ứ lại khủng khiếp đến thế nào, mà có ý thức hơn chăng?

Báo SVVN (không nhớ ngày, link trên vietbao là 9.11.2005)
.

Nhận xét

Chu Chu đã nói…
Đang có trào lưu lục lại bài cũ hay sao mà bên bạn NL cũng đang lôi bài cách đây 5 năm ra post?
Nhìn chung ngày trước các bác viết rất hay, giờ càng ngày càng bớt ( :-P), kekeke.
Unknown đã nói…
Chắc vì mình càng ngày càng dốt! :-)

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm